Các đại biểu Quốc hội nhấn nút biểu quyết thông qua các luật.

Các đại biểu Quốc hội nhấn nút biểu quyết thông qua các luật.

Thảo luận tại hội trường sáng 11-11 về dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi (BHTG), vấn đề được nhiều ĐB quan tâm nhất là sự cần thiết phải nâng mức chi trả bảo hiểm và có nên bảo hiểm với tiền gửi là ngoại tệ, vàng hay không.

 

Chưa thống nhất ý kiến

Theo dự thảo và dự kiến giải trình của Chính phủ sau khi Quốc hội thảo luận ở tổ về dự luật BHTG, Chính phủ cho rằng chính sách quản lý ngoại hối của Việt Nam ngoài việc cấm sử dụng ngoại tệ trong các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam còn không khuyến khích người dân tích trữ ngoại tệ mà khuyến khích người dân gửi ngoại tệ cho ngân hàng. Đó là lý do quan trọng cho thấy không nên quy định BHTG bằng ngoại tệ.

Thẩm tra về dự án luật này, Ủy ban Kinh tế cũng đồng tình với quan điểm này với lý do cần thực hiện thống nhất chủ trương, chính sách quản lý ngoại hối của Việt Nam.

ĐB Phan Văn Quý (Nghệ An), Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) đều đồng tình và cho rằng, các nước trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia đều chỉ bảo hiểm đồng nội tệ.

Tuy nhiên, nhiều ĐB có quan điểm ngược lại khi cho rằng tiền gửi bằng vàng, ngoại tệ là hợp pháp và được Nhà nước khuyến khích để bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người dân và thu hút tiền gửi bằng ngoại tệ, vàng. Tình trạng vàng, ngoại tệ hiện nay đang tích lũy trong dân hoặc trôi nổi trên thị trường rất lớn. Nhà nước ta cần có chính sách bảo hiểm đối với loại tiền gửi bằng vàng, ngoại tệ. Như thế sẽ tránh được tình trạng thả nổi, trôi nổi thị trường vàng và ngoại tệ như hiện nay, chống tình trạng đô la hóa.

“Không nên cho rằng nếu BHTG ngoại tệ sẽ tăng thêm tình trạng đô la hóa. Hiểu như vậy chúng tôi cho rằng chưa đúng. Đô la hóa mạnh nhất chính là ở chỗ thanh toán chi trả trong dân bằng đô la, cho vay bằng đô la của các tổ chức tín dụng. Còn khi dân cư có ngoại tệ, các ngân hàng thương mại huy động vào ngân hàng chính là hành vi hạn chế đô la hóa”, ĐB Phạm Huy Hùng (Hà Nội) bày tỏ quan điểm.

ĐB Phạm Trí Thức (Thanh Hóa) cũng cho rằng đồng tiền của các nước mà Chính phủ giải trình không bảo hiểm ngoại tệ là vì những đồng tiền mạnh như đô la nên không ai đổi ra tiền của nước ngoài như yen Nhật, tiền baht Thái để gửi ngân hàng. Mặt khác, các nước đó quản lý ngoại hối rất chặt chẽ nhưng với Việt Nam cần phải có lộ trình. Do đó cần bảo hiểm đối với cả tiền đô la và vàng, là tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của công dân để bảo đảm sự bình đẳng giữa những công dân gửi tiền đồng Việt Nam.

Nên nâng mức bảo hiểm lên 150 triệu đồng

Dù dự luật đã giao cho Chính phủ quy định về hạn mức trả tiền bảo hiểm trong từng thời kỳ để đảm bảo sự linh hoạt, phù hợp với điều kiện, thực tế từng thời kỳ thay vì mức cố định 50 triệu đồng hiện hành nhưng các ĐB đều cho rằng, cần phải nâng mức chi trả lên cao hơn nữa.

Các đại biểu Đặng Xuân Huy (Đồng Tháp), Nguyễn Văn Bình (Hải Phòng) cho rằng số tiền cá nhân gửi tiết kiệm bây giờ khá cao, từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng nhưng khi gặp rủi ro, chỉ chi trả tối đa 50 triệu đồng thì quá ít. Mức bảo hiểm nên gấp khoảng 3 - 5 lần thu nhập bình quân đầu người và có thể lên khoảng 150 triệu đồng.

Đồng tình với quan điểm này, ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) phân tích, để tạo niềm tin cho người gửi tiền, những năm gần đây một số nước nâng rất cao mức bảo hiểm như Mỹ tăng từ 50.000 USD lên 250.000 USD, có nước tăng một lúc hàng chục lần như Indonesia. Chính vì vậy, nâng mức bảo hiểm lên 150 triệu đồng hay 200 triệu đồng không ảnh hưởng gì quỹ BHTG.

Ngọc Quang


Thông qua 4 luật

Trong chiều qua, Quốc hội đã thông qua 4 dự án luật gồm: Luật Lưu trữ, Luật Đo lường, Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo.

Tài liệu tối mật, tuyệt mật được sử dụng sau 60 năm

Theo Luật Lưu trữ, tài liệu lưu trữ thuộc danh mục tài liệu có đóng dấu chỉ các mức độ mật được sử dụng rộng rãi trong các trường hợp sau: được giải mật theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước; sau 40 năm, kể từ năm công việc kết thúc đối với tài liệu có đóng dấu mật nhưng chưa được giải mật; sau 60 năm, kể từ năm công việc kết thúc đối với tài liệu có đóng dấu tối mật, tuyệt mật nhưng chưa được giải mật. Tài liệu liên quan đến cá nhân được sử dụng rộng rãi sau 40 năm, kể từ năm cá nhân qua đời, trừ một số trường hợp đặc biệt theo quy định của Chính phủ.

Có quyền tiếp tục khiếu nại nếu không đồng ý

Theo Luật Khiếu nại, trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.

Phải có trách nhiệm bảo vệ người tố cáo

Điểm đáng chú ý trong Luật Tố cáo sau khi tiếp thu ý kiến của các ĐB là trách nhiệm chính trong việc bảo vệ người tố cáo thuộc về người giải quyết tố cáo. Cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận, giải quyết tố cáo có trách nhiệm áp dụng các biện pháp cần thiết hoặc yêu cầu cơ quan có liên quan áp dụng các biện pháp bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, bảo vệ tính mạng, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo. Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tiếp cận thông tin về người tố cáo trong quá trình giải quyết tố cáo có trách nhiệm bảo đảm giữ bí mật các thông tin này bất kể người tố cáo có yêu cầu hay không.

H.My


Quốc hội giám sát về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Sáng qua, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2012. Theo đó, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội sẽ giám sát tối cao các nội dung như: xem xét báo cáo bổ sung của Chính phủ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2012 và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan.

Quốc hội cũng sẽ xem xét báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2 của Quốc hội; tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội; giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn.


Cần báo cáo Quốc hội xem xét dự án thủy điện Đồng Nai

Chiều 9-11, Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Đồng Nai đã có văn bản gửi UBND tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét lại việc đầu tư xây dựng 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Đây cũng là vấn đề được dư luận, các nhà khoa học đặc biệt quan tâm trong thời gian qua. Về vấn đề này, ngày 11-11, phóng viên Báo SGGP đã phỏng vấn ông Trương Văn Vở, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai.

- Phóng viên: Thưa ông, ông đã nắm được việc Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai đề nghị UBND tỉnh kiến nghị Thủ tướng xem xét lại việc đầu tư xây dựng 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A?

Ông TRƯƠNG VĂN VỞ: Hiện tôi cũng đã gửi văn bản chất vấn đến Bộ trưởng Bộ Công thương. Tại kỳ họp Quốc hội trước, chúng tôi cũng đã đề nghị Chính phủ quan tâm, xem xét việc đầu tư xây dựng 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Dự án này nằm trong quy hoạch thủy điện được duyệt của Chính phủ (sơ đồ 7). Tới thời điểm này, chúng tôi chưa biết được tiến độ triển khai dự án tới đâu, nhưng đây là vấn đề thực sự bức xúc trong dân, kể cả các nhà khoa học.

Dự án này chiếm diện tích rừng đặc dụng rất lớn (trên 370 ha), Vườn Quốc gia Cát Tiên bị ảnh hưởng khoảng 140 ha. Tôi nghĩ đây là vùng sinh thái, rừng phòng hộ, hơn nữa Vườn Quốc gia Cát Tiên đã được tổ chức UNESCO xem xét và công nhận là khu dự trữ thiên nhiên thế giới. Nếu triển khai dự án này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nhiều vấn đề: môi trường, rừng đặc dụng, Vườn Quốc gia Cát Tiên. Rõ ràng phải xem xét lại.

- Vậy ông chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương thế nào?

Tôi chất vấn với tư cách bộ ngành chuyên môn, thuộc trách nhiệm của mình, Bộ Công thương xử lý vấn đề này như thế nào nếu vẫn cố triển khai dự án theo quy hoạch. Bộ Công thương với trách nhiệm tham mưu cho Chính phủ thì sẽ phối hợp với các bộ ngành liên quan xử lý vấn đề này như thế nào để báo cáo cho cử tri biết, vì cử tri hiện rất lo lắng, bức xúc, đó là chưa kể việc triển khai dự án này sẽ làm biến đổi khí hậu của vùng vì diện tích rừng mất rất lớn.

- Theo ông, Quốc hội có cần nêu ý kiến về việc này?

Theo Nghị quyết của Quốc hội khóa 12, đối với dự án ảnh hưởng diện tích rừng đặc dụng trên 50 ha thì phải trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Dự án này đang quá trình xây dựng nên có thể chưa báo cáo Quốc hội. Nhưng nếu tiếp tục triển khai tôi đề nghị phải báo cáo Quốc hội. Dự án này được người dân, các nhà khoa học đặc biệt quan tâm. Đã có nhiều hội thảo với 2 luồng ý kiến trái chiều nhau. Nhưng tôi xin nhấn mạnh là ý kiến ủng hộ ít hơn nhiều so với số phản ứng.

- Một dự án bị phản ứng nhiều nhưng vẫn trong quá trình tiếp tục được xem xét triển khai, theo ông có hay không lợi ích cục bộ ở đây?

Theo tôi cũng phải xem xét. Phải xem lại số ủng hộ có trên cơ sở khoa học hay không, hay vì lợi ích nhóm nào đó. Trong khi đó hiện nay không chỉ chính quyền địa phương Đồng Nai mà cả các tỉnh lân cận cũng có ý kiến về dự án thủy điện này, người dân rất bức xúc. Vì vậy, tôi cho rằng Bộ Công thương phải hết sức quan tâm, xem xét và sớm báo cáo Chính phủ để có ý kiến chính thức, chứ cứ để như vậy dân rất lo.

- Theo ông có nhất thiết phải xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A?

Khi xây dựng thủy điện phải xem xét giữa cái được và cái mất. Chúng ta có thể được thủy điện nhưng mất nhiều thứ lớn hơn thì không nên làm. Cần xét về lợi ích toàn cục, lâu dài, nếu không con cháu chúng ta sau này sẽ lãnh đủ. Mà ngoài địa điểm đó ra, có thể làm ở địa điểm khác.

Xét về toàn diện, thủy điện Đồng Nai 6 và 6A khi được triển khai sẽ có tác động tiêu cực rất lớn, thiệt hại chưa thể lường hết được.

 

                                                                                Theo SGGP

 

Các tin khác


Trung ương Đoàn triển khai quyết định về công tác cán bộ tại Tỉnh Đoàn Hòa Bình

Sáng 26/4, tại Tỉnh Đoàn Hòa Bình, T.Ư Đoàn tổ chức hội nghị triển khai công tác cán bộ. Tới dự có các đồng chí: Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Thường trực BCH T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam; Bùi Thị Minh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy…

Huyện Kim Bôi gặp mặt chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, sáng 25/4, huyện Kim Bôi tổ chức gặp mặt, tri ân chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Thành ủy Hòa Bình tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết xây dựng văn hóa con người Việt Nam

Sáng 25/4, Thành ủy Hòa Bình tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; 15 năm thực hiện Chương trình hành động số 18-CTr/TU, ngày 13/4/2009 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình về thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị khoá X về "Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Đức Hinh thăm, tặng quà chiến sỹ Điện Biên tại huyện Kim Bôi

Sáng 25/4, đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và đoàn công tác đã thăm, tặng quà chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trên địa bàn xã Kim Bôi, huyện Kim Bôi.

Huyện Lạc Thủy: Gắn lý luận với thực tiễn trong phát triển kinh tế - xã hội

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 9/10/2014 của Bộ Chính trị khóa XI về "Công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030” trên địa bàn huyện Lạc Thủy, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã vận dụng có hiệu quả lý luận vào thực tiễn trên tất cả các lĩnh vực: xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, giữ vững quốc phòng - an ninh.

Hành trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi” tại Hòa Bình

Sáng 24/4, tại Tượng đài Bác Hồ trên công trình Thủy điện Hòa Bình, Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp cùng Hội LHTN tỉnh Hòa Bình tổ chức Hành trình "Tôi yêu Tổ quốc tôi” nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Dự chương trình có các đồng chí: Nguyễn Tường Lâm, Bí thư Ban chấp hành T.Ư Đoàn, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam; Nguyễn Kim Quy, Ủy viên Ban Thường vụ T.Ư Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHTN Việt Nam; lãnh đạo các ban, văn phòng, đơn vị trực thuộc T.Ư Đoàn, T.Ư Hội LHTN Việt Nam và lãnh đạo Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các tỉnh: Hòa Bình, Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nam...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục