Hơn 30 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục ở các tỉnh miền núi phía bắc, quãng thời gian 20 năm sau khi về hưu ông dành để dịch và biên tập sách tiếng Trung; xấp xỉ bát tuần, nhưng ngày nào ông cũng làm việc đủ tám tiếng, kể cả ngày Lễ, Tết. Ông là nhà văn - dịch giả Dương Thu Ái, một điển hình tiên tiến về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của TP Hà Nội.
Trong buổi giao lưu những điển hình tiên tiến học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhà văn Dương Thu Ái đã tâm sự: 'Chúng ta phải tự hào vì dân tộc ta có Bác Hồ; có những lời dạy và tấm gương đạo đức của Bác để học tập, làm theo. Ðạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh không phải là những điều xa vời, mà chính là những việc chúng ta đang làm hằng ngày, làm bằng cái tâm trong sáng, như lời Người căn dặn... Tôi đã học ở Người tác phong sinh hoạt và làm việc hết mình'. Nguyên là một giáo viên dạy môn Trung văn, những năm tháng trai trẻ, ông không quản gian khổ, nhận công tác ở những tỉnh miền núi như Cao Bằng, Bắc Thái, Vĩnh Phú (cũ)... rồi về dạy tại quê hương Tân Yên (Bắc Giang). Năm 1963, khi đang dạy tại Trường cấp 2 Sa Ðéc (thị xã Phú Thọ), ông là một trong những giáo viên đầu tiên đưa môn đạo đức vào nội khóa. Bài giảng đầu tiên là Lòng yêu Tổ quốc - điều thứ nhất trong Năm điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng. Là nhà giáo, ông luôn tâm niệm, với học sinh, cách giáo dục tốt nhất là thể hiện gương sáng mẫu mực của người thầy. Hơn 30 năm dành hết tâm huyết cho sự nghiệp trồng người, bao thế hệ học trò của ông nay đã trưởng thành trong nhiều lĩnh vực khác nhau, đều dành cho người thầy của mình tấm lòng kính trọng. Sau gần 50 năm gặp lại, người học trò cũ của ông là Trung tướng Phạm Phú Thái, Anh hùng không quân nhân dân Việt Nam, cùng nhiều người đã từng được học thầy Ái, hết sức xúc động, khi thấy thầy của mình vẫn nhiệt tâm như thế, để mà thán phục sức lao động không biết mệt mỏi của ông.
Sự nghiệp viết và biên dịch sách chỉ thật sự bắt đầu khi ông đã về hưu, ra Hà Nội sống cùng con cháu ở phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy. Khi ấy, vốn tiếng Trung của ông mới có dịp được khai thác triệt để. Từ đó đến nay, ông đã có 245 tác phẩm được xuất bản, với tổng số gần 80 nghìn trang sách. Dịch giả - nhà văn Dương Thu Ái vừa được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) đề xuất xác lập ba kỷ lục: Nhà văn có số sách đã xuất bản nhiều nhất trong một năm; Nhà văn có số lượng sách viết và dịch nhiều nhất; Nhà văn duy nhất viết sách bằng bút nhặt... Không chỉ có thế, ông còn hàng chục tập bản thảo đang được chờ in và nhiều tác phẩm khác do các nhà xuất bản mang đến đặt ông biên dịch. Có tận mắt chứng kiến bộ sưu tập đồ sộ bản thảo viết tay của ông, mới cảm nhận sức làm việc hiếm người theo kịp. Ông tâm sự, để có sức làm việc bền bỉ, ông luôn dậy từ 5 giờ sáng, tập thể dục đều đặn, bất kể mưa, nắng, giá rét, sau đó ngồi vào bàn, làm việc cho đủ tám tiếng một ngày mới thôi, nếu bận việc gì đó, tối ông lại làm bù. 'Một ngày không dịch, viết được mấy trang sách, tôi cảm giác bứt rứt trong người'. Sách ông dịch có đủ các thể loại văn học, khoa học, tôn giáo, lễ nghi, ngạn ngữ, truyện cười... Có những bộ sách lớn như ba tập Thánh hiền thư (Lời dạy của các bậc thánh hiền), với hơn 1.000 trang, hay ông đang nỗ lực hoàn thành bộ Lễ nghi hiện đại, gần 1.000 trang khổ lớn... Ông bảo: 'Ngày xưa, thế hệ ông tôi, bố tôi dạy chúng tôi lễ nghi theo lối truyền khẩu, làm gương, nay tôi dịch cuốn sách này để thế hệ trẻ bây giờ có sách dạy con'. Dịch sách Thánh hiền, ông lại thêm khâm phục tài trí và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dường như những tinh hoa trong tư tưởng của các bậc vĩ nhân xưa đã thấm nhuần trong tư tưởng của Bác.
Học tập và làm theo tấm gương suốt đời cống hiến cho nước, cho dân của Bác Hồ, thầy giáo - nhà văn Dương Thu Ái luôn tâm niệm: 'Tất chức tất lực tự nhiên hữu đức' (dành hết tâm sức cho công việc tự nhiên trở thành người có đức). Làm theo Bác, ông sống giản dị, tiết kiệm. Toàn bộ 80 nghìn trang bản thảo được ông viết trên giấy một mặt, bằng bút nhặt trong lúc 'bách bộ' rèn luyện sức khỏe. Nhiều người biết ông có thú tái sử dụng giấy, bút để cho ra đời những trang sách quý cho nên cứ có giấy, bút vẫn còn dùng được lại mang đến tặng ông. Ông chia sẻ: 'Có thể ai đó cho là tôi lẩn thẩn, khi các con cung cấp cả chục tập giấy trắng tinh, hàng tá bút loại tốt, nhưng tôi vẫn tận dụng đồ cũ. Có biết bao câu chuyện kể về lối sống giản dị của Bác Hồ, là Chủ tịch nước, Bác vẫn giữ nếp quen tiết kiệm, đáng quý như vậy thì vì sao mình không học. Hơn nữa, trước kia tôi cũng từng trải qua thời kỳ rất khó khăn, phải bán than, bán muối kiếm sống, nay cũng không nên vì thấy đủ đầy mà phung phí'. Chẳng thế, dù bốn người con của ông đều là những doanh nhân thành đạt, hiếu đễ; có lúc nhà xuất bản mang trả cả trăm triệu đồng nhuận bút, nhưng ông vẫn giữ thói quen sống thanh bạch, không có nhu cầu hưởng thụ gì nhiều, sống khỏe và được làm việc là nhu cầu lớn nhất. Ông đã viết những dòng tự bạch: 'Tiền bạc, cửa nhà đều thừa cả/ Duy chỉ thời gian là thiếu thôi/ Bút nhặt, giấy xin say hối hả/ Viết những trang vui hiến dâng đời'.
Ðể có được số lượng sách xuất bản đáng nể phục trong khoảng thời gian ngắn như vậy, bên cạnh ông có sự trợ giúp đắc lực của người vợ hiền, trọn đời chung thủy, tần tảo chăm lo gia đình để ông có thể toàn tâm, toàn ý cho công việc mà ông say mê. Nhiều cuốn sách ông đã trân trọng đặt tên vợ là đồng tác giả. Dù tuổi cao, ông vẫn được tín nhiệm bầu vào Ban mặt trận khu phố. Gia đình ông là mẫu gia đình tiêu biểu của địa phương, được cấp bằng chứng nhận Gia đình văn hóa cấp thành phố nhiều năm liền; là tấm gương cho các gia đình trẻ noi theo.
Theo NhanDan
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thái tử Philippe và Công nương Mathilde theo lời mời của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bỉ Didier Reynders đã có cuộc gặp làm việc với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh vào ngày 13/3 tại Nhà khách Chính phủ.
Hôm qua, 13-3, ngày làm việc thứ hai, Ðại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XI tiến hành bầu BCH T.Ư Hội LHPN Việt Nam khóa XI (nhiệm kỳ 2012-2017). Ðồng chí Nguyễn Thị Thanh Hòa, Ủy viên T.Ư Ðảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khóa X báo cáo quá trình chuẩn bị nhân sự và trình bày đề án nhân sự BCH Hội LHPN Việt Nam khóa XI.
(HBĐT) - Ngày 13/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã thăm và làm việc tại tỉnh ta. Cùng đi có lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, đại diện Bộ KH&ĐT. Tiếp đoàn có các đồng chí: Hoàng Việt Cường, Bí thư Tỉnh uỷ; Bùi Văn Tỉnh, UVT.Ư Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Quang, Phó Bí thư TT Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; Thường trực UBND; UBMTTQ tỉnh; lãnh đạo một số các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương.
(HBĐT) - Sáng 13/3, Đảng uỷ Khối các cơ quan (CCQ) tỉnh tổ chức khai giảng lớp bồi dưỡng đối tượng kết nạp Đảng khoá I -2012. 90 học viên là cán bộ, đoàn viên thanh niên ưu tú đang công tác tại 19 chi bộ, Đảng bộ trực thuộc Đảng uỷ Khối tham gia khoá học.
(HBĐT) - Huyện Cao Phong được thành lập năm 2002, đến nay đã tròn 10 năm. Mười năm xây dựng và phát triển, một chặng đường chưa dài nhưng đã khẳng định được sự phát triển, lớn mạnh không ngừng của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Cao Phong trên tất cả các lĩnh vực: xây dựng Đảng, phát triển KT-XH, QP-AN.
(HBĐT) - Ống bương nhỏ treo khiêm tốn trong mỗi góc nhà. Bên trong là những đồng tiền lẻ 5.000 đồng, 2.000 đồng, 1.000 đồng và phần lớn là những tờ 500 đồng được cẩn thận vuốt thẳng rồi mới gấp đút vào ống. Mỗi ống bương khi bổ ra thường có khoảng mấy chục đến hơn trăm nghìn đồng. Cứ định kỳ từ 9 - 12 tháng, tiền trong ống bương tiết kiệm được gom lại kiểm đếm rồi chia ra cho các hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn vay để lấy vốn làm ăn. Mỗi lần như vậy, tuy giá trị vật chất không nhiều nhưng đã thắp lên niềm hy vọng lớn cho những người cần sự giúp đỡ.