Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội kiến với Tổng thống Xingapo Tony Tan Keng Giam ( Ảnh: Trí Dũng - TTXVN)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội kiến với Tổng thống Xingapo Tony Tan Keng Giam ( Ảnh: Trí Dũng - TTXVN)

Tiếp tục chuyến thăm chính thức Cộng hòa Xinhgapo, ngày 13/9, tại Dinh Istana, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc hội kiến với Tổng thống Xinhgapo Tôni Tan Keng Giam (Tony Tan Keng Yam).

 

Tổng thống Tôni Tan Keng Giam nhiệt liệt chào mừng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sang thăm chính thức Cộng hòa Xinhgapo, khẳng định chuyến thăm là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng, mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước. Tổng thống Tôni Tan Keng Giam nhắc lại ấn tượng về sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam mà ông đã có dịp chứng kiến trong chuyến thăm Việt Nam tháng 4 vừa qua; tin tưởng Việt Nam sẽ đạt được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ vui mừng đến thăm đất nước Xinhgapo tươi đẹp, phát triển hiện đại và là trung tâm tài chính - thương mại của châu Á và thế giới, đồng thời cũng bày tỏ vui mừng được gặp lại Tổng thống Tôni Tan Keng Giam. Tổng Bí thư cảm ơn sự đón tiếp trọng thị và chu đáo mà Tổng thống, Thủ tướng, Chính phủ Xinhgapo dành cho Tổng Bí thư và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam. Tổng Bí thư chúc mừng những thành tựu phát triển mọi mặt của Xinhgapo, uy tín và vị thế ngày càng cao của Xinhgapo trong khu vực cũng như trên trường quốc tế.

Đề cập quan hệ hai nước, hai nhà lãnh đạo đánh giá cao những bước phát triển tốt đẹp và mạnh mẽ của mối quan hệ hợp tác ngày càng gắn bó, tin cậy giữa hai nước trong những năm gần đây, cả về quan hệ Đảng, Nhà nước và nhân dân. Đặc biệt, trong lĩnh vực hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, hai nhà lãnh đạo đánh giá cao việc ký kết và triển khai hiệu quả Hiệp định khung về kết nối Việt Nam – Xinhgapo và việc mở rộng các khu công nghiệp Việt Nam – Xinhgapo (VSIP), coi đó là mô hình mang tính biểu tượng cho sự hợp tác kinh tế song phương.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thông báo với Tổng thống kết quả tốt đẹp của cuộc hội đàm với Thủ tướng Lý Hiển Long, những phương hướng lớn và biện pháp cụ thể để tăng cường quan hệ nhiều mặt giữa hai nước trong thời gian tới. Hai nhà lãnh đạo nhất trí cho rằng, việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước vào năm 2013 nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao là một sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng, mở ra chương mới trong quan hệ hữu nghị và hợp tác, tạo nền tảng thúc đẩy mạnh mẽ, sâu rộng quan hệ hợp tác song phương cũng như trong khuôn khổ đa phương, vì lợi ích nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới.

Trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực, hai nhà lãnh đạo hài lòng nhận thấy, hai nước chia sẻ nhiều điểm tương đồng và có sự phối hợp tích cực tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, đặc biệt là trong khuôn khổ ASEAN, APEC, ASEM.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Tôni Tan Keng Giam tin tưởng các nước ASEAN sẽ tăng cường đoàn kết, hợp tác, vượt qua khó khăn để đạt được mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Về vấn đề Biển Đông, hai nhà lãnh đạo nhất trí cho rằng, mọi tranh chấp cần phải được giải quyết thông qua đàm phán hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), thúc đẩy đàm phán giữa ASEAN với Trung Quốc để sớm có được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) nhằm đảm bảo an ninh, an toàn, tự do hàng hải và một môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trân trọng mời Tổng thống Tôni Tan Keng Giam sớm sang thăm lại Việt Nam. Tổng thống Tôni Tan Keng Giam cảm ơn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và vui vẻ nhận lời mời.

* Cùng ngày, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến thăm Vườn lan quốc gia tại thủ đô Xinhgapo và dự lễ đặt tên hoa phong lan. Tại đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký vào sổ khai sinh loài hoa lan mang tên “Trường Lâm”, với ý nghĩa cầu chúc cho đất nước Xinhgapo luôn tươi đẹp, phát triển vững bền.

Tiếp đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến tham quan Trung tâm Công nghệ cao Phuxiônôpôlít (Fusionopolis) và Ủy ban Phát triển Kinh tế (EDB). Với khuôn viên rộng 30 ha, Phuxiônôpôlít được coi là Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) của Xinhgapo về công nghệ thông tin, truyền thông, kỹ thuật và khoa học ứng dụng. Trong quá trình công nghiệp hóa và phát triển, Chính phủ Xinhgapo đặc biệt coi trọng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển. Trong 10 năm (2010-2020), kinh phí của chính phủ dành cho R&D tăng từ 200 triệu đôla Xinhgapo lên 2,5 tỷ đôla Xinhgapo. Năm 2010, tổng chi phí dành cho R&D ở cả khu vực nhà nước và tư nhân là 6,5 tỷ đôla Xinhgapo, chiếm khoảng 2,5% GDP của nước này. R&D tập trung vào các nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu chiến lược, nghiên cứu ứng dụng và nghiên cứu thí nghiệm, chủ yếu được đầu tư cho các ngành điện tử, khoa học sinh dược, kỹ thuật vận tải và cơ khí chính xác.

Phát biểu tại Phuxiônôpôlít, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao việc Chính phủ Xinhgapo đã quan tâm và đầu tư thích đáng cho nghiên cứu và phát triển; bày tỏ ấn tượng trước những sản phẩm nghiên cứu và phát triển đột phá mà Phuxiônôpôlít đã đạt được, góp phần quan trọng xây dựng “một nước Xinhgapo mạnh mẽ dựa trên kinh tế tri thức”. Tổng Bí thư cho rằng, khoa học công nghệ là một trong những lĩnh vực hợp tác có nhiều tiềm năng giữa hai nước. Việt Nam có nguồn nhân lực trẻ và ham học hỏi, nhưng còn hạn hẹp về cơ sở vật chất, trong khi Xinhgapo có nhiều kinh nghiệm và đã đạt được bước phát triển mạnh mẽ trong nghiên cứu khoa học công nghệ. Tổng Bí thư mong muốn hai bên sẽ quan tâm đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực này, nhất là trong giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học công nghệ.

Đến thăm Ủy ban Phát triển Kinh tế (EDB), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc mừng và đánh giá cao những thành quả mà EDB đạt được thời gian qua, đóng góp vào sự thành công chung của Xinhgapo trong suốt những năm qua. Với lịch sử hơn 50 năm, EDB đã đóng góp vào việc xây dựng và triển khai nhiều chiến lược hiệu quả của Chính phủ Xinhgapo, những kinh nghiệm đó rất bổ ích và quí giá đối với Việt Nam.

Ủy ban Phát triển Kinh tế Xinhgapo (EDB) là cơ quan chính phủ Xinhgapo có nhiệm vụ lập kế hoạch và triển khai chiến lược nhằm xây dựng Xinhgapo trở thành trung tâm kinh doanh toàn cầu. EDB đưa ra những giải pháp tốt nhất cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp Xinhgapo; đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, năng động và tạo công ăn việc làm. EDB được coi là cơ quan tin cậy của các nhà đầu tư, là đầu mối kết nối những nỗ lực chung của các cơ quan khác của chính phủ trong quá trình phát triển của Xinhgapo./.

 

                                                                      Theo TTXVN

 

Các tin khác


Đảng bộ thị trấn Đà Bắc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ

Đảng bộ thị trấn Đà Bắc (Đà Bắc) đã quán triệt, thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo về công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ (SHCB), lãnh đạo thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị.

Những tiếng nói tâm huyết của cán bộ, nhân dân Hòa Bình hướng về ngày kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

LTS: Chiến thắng Điện Biên Phủ là một bản hùng ca bất hủ, mốc son chói lọi trong lịch sử cách mạng Việt Nam; làm tăng niềm tự hào dân tộc, niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện. 70 năm đã trôi qua, nhưng những giá trị lịch sử to lớn của Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên giá trị, mãi mãi là niềm tự hào dân tộc. Nhân dịp này, Báo Hòa Bình ghi nhận những ý kiến tâm huyết của cán bộ, nhân dân trong tỉnh hướng về ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước.


Góp bài học kinh nghiệm cho Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chiến dịch Hòa Bình diễn ra từ ngày 10/12/1951 - 25/2/1952, là chiến dịch đầu tiên sử dụng lực lượng lớn nhất về bộ binh và các binh chủng trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954) nhằm tiến công địch phòng ngự theo hình thức tập đoàn cứ điểm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, phá tan kế hoạch chiếm đóng Hòa Bình của quân Pháp, đẩy mạnh chiến tranh du kích vùng sau lưng địch ở chiến trường trung du liên khu 3, góp phần làm thất bại âm mưu giành lại quyền chủ động chiến lược và chia cắt chiến trường Bắc Bộ của quân Pháp. Thắng lợi của Chiến dịch Hòa Bình khẳng định khả năng tác chiến ở địa hình rừng núi và khả năng tiến công hệ thống cứ điểm địch phòng ngự trong công sự vững chắc, tạo bước phát triển mới của nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Phát huy nhân tố chính trị, tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ trong xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh vững mạnh

LTS: Chiến thắng Điện Biên Phủ (ĐBP) đã qua 70 năm nhưng bài học quý giá về phát huy nhân tố chính trị, tinh thần (CT, TT) vẫn nguyên giá trị. Đây cũng là nhân tố được vận dụng sáng tạo, hiệu quả vào thực tiễn xây dựng lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh vững mạnh về chính trị, tư tưởng, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu. Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng ĐBP, phóng viên Báo Hòa Bình đã có cuộc trò chuyện với Đại tá Quách Đăng Phú, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Quân sự tỉnh, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh về nội dung này.

Quy định của Bộ Chính trị về thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ

Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW (ngày 23/4/2024) quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ (Quy định số 142).

Thí điểm người đứng đầu được giới thiệu nhân sự bầu cử, bổ nhiệm cấp phó

Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 142 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục