Sáng 19/12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ đã có cuộc làm việc với lãnh đạo thành phố Hà Nội về giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với thị trường bất động sản.

 

Quang cảnh buổi làm việc (Ảnh: MC)


Báo cáo với đoàn công tác, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo cho biết, Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên đã xây dựng và thực hiện Chương trình phát triển nhà ở để giải quyết vấn đề ở cho các đối tượng dân cư trên địa bàn.

Trong 10 năm gần đây đã phát triển được thêm khoảng 25 triệu m², trong đó diện tích phát triển nhà ở theo dự án đạt 10,7 triệu m² (chủ yếu tại khu vực đô thị), nhà ở do nhân dân tự xây dựng đạt khoảng 14,3 triệu m². Bình quân mỗi năm xây dựng được 2,5 triệu m²; diện tích bình quân đầu người đạt khoảng 21,5 m²/người.

Thời gian qua, do tác động của suy thoái kinh tế, lạm phát tăng cao… Hà Nội hiện tồn kho hơn 5.700 căn hộ chưa bán được hoặc chưa huy động vốn; nhà biệt thự, liền kề tồn kho 3.843 căn; nhà thu nhập thấp còn tồn khoảng 330 căn hộ; diện tích sàn văn phòng đủ điều kiện cho thuê tồn khoảng 175.000 m². Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội, nợ xấu bất động sản tại Hà Hội hiện chiếm khoảng 13% tổng dư nợ xấu của ngân hàng.

Trước khó khăn của thị trường bất động sản, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo cho biết, chủ trương của thành phố là cắt giảm, hạn chế nguồn cung, kích thích và hỗ trợ nguồn cầu, điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn cho phù hợp với nguồn cầu; tăng cường vai trò quản lý nhà nước với các một số nhóm giải pháp chính được xác định là: xây dựng, triển khai chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của thành phố; rà soát lại cung, cầu về nhà ở, xác định nhu cầu của thị trường để cơ cấu lại sản phẩm; có chính sách kích cầu, tạo điều kiện cho người dân có nhu cầu thực sự về nhà ở tiếp cận được quỹ nhà và nguồn vốn tín dụng với lãi suất thấp; hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bất động sản nhất là giải quyết nợ xấu và chính sách hỗ trợ về vốn, về giải quyết quỹ nhà tồn đọng…

Thành phố kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị quyết về một số giải pháp tháo gỡ và ổn định thị trường bất động sản, làm cơ sở để các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện; phê duyệt đề án xử lý nợ xấu và ban hành cơ chế chính sách mở rộng tín dụng cá nhân để kích cầu mua nhà; ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp khi chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang tái định cư, nhà ở cho thuê, thuê mua trả chậm, nhà công vụ; xem xét phê duyệt đề án về một số cơ chế, chính sách nhà ở cho đối tượng hưởng lương trên địa bàn; điều chỉnh, bổ sung các chính sách về thuế, tín dụng, đất đai, tiếp tục thực hiện quy định về giãn nộp tiền sử dụng đất theo Nghị quyết 13 của Chính phủ; xem xét việc giảm thuế VAT đối với người mua lần đầu; ban hành mới bộ quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn thiết kế chung cư căn hộ vừa và nhỏ để các doanh nghiệp có cơ sở thực hiện.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành, ngân hàng, doanh nghiệp đã nhận định, khó khăn của thị trường bất động sản xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có việc bùng phát về giá và lượng giao dịch trong thời gian ngắn tại Hà Nội và các thành phố lớn đã phát đi những tín hiệu sai lệch về nhu cầu và khả năng chi trả thực sự của thị trường, dẫn đến các doanh nghiệp đổ xô vào đầu tư phát triển bất động sản, kể cả các doanh nghiệp không có kinh nghiệm và năng lực tài chính yếu. Cùng với đó là cơ cấu hàng hoá bất động sản phát triển mất cân đối, các doanh nghiệp chú trọng quá nhiều vào đầu tư loại nhà cao cấp, diện tích lớn; chương trình phát triển nhà ở xã hội phục vụ các đối tượng chính sách xã hội, người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị, công nhân lao động tại các khu công nghiệp chậm được triển khai dẫn đến thị trường nhà ở phi hàng hóa còn thiếu, gây khó khăn về nhà ở cho một bộ phận lớn dân cư đô thị.

Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, trước hết là phải rà soát các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới, tiến hành phân loại các dự án phát triển nhà ở, bất động sản và xử lý theo hướng dừng các dự án chưa giải phóng mặt bằng hoặc đang giải phóng mặt bằng nhưng không phù hợp kế hoạch phát triển của địa phương. Đối với các công trình nhà ở đang thi công dở dang hoặc đã hoàn thành nhưng tồn kho không bán được do diện tích căn hộ quá lớn, tùy theo từng khu vực, cho phép điều chỉnh cơ cấu căn hộ cho phù hợp với nhu cầu và khả năng thanh toán của đại bộ phận người dân. Với các dự án phát triển nhà ở thương mại đã giải phóng mặt bằng nhưng chưa triển khai công trình nhà ở, cho phép cơ cấu lại dự án, chuyển sang làm nhà ở xã hội phục vụ người có thu nhập thấp, công nhân lao động. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính từ khâu thẩm định, phê duyệt quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án. Đặc biệt là giải quyết nhanh chóng các thủ tục cho phép điều chỉnh cơ cấu dự án đang tồn kho, thi công dở dang; thủ tục chuyển đổi từ dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đề nghị Hà Nội công bố công khai từng dự án về quy mô, giá thành, cam kết của chủ đầu tư để tránh cho người dân tâm lý kỳ vọng vào việc thị trường sẽ tiếp tục giảm thời gian tới. Bộ trưởng Vương Đình Huệ coi đây là cơ hội tốt để cơ cấu lại thị trường đảm bảo cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh.

Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, để giải quyết nhà ở tồn đọng, các ngân hàng thương mại phải mở các gói lãi suất cho vay hỗ trợ người mua nhà nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu về nhà ở của các tầng lớp nhân dân.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh mong muốn Hà Nội cần lưu ý hơn vào phát triển nhà ở xã hội, nhà cho sinh viên, công nhân, giải quyết tình trạng tồn đọng văn phòng cho thuê.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu kết luận buổi làm việc (Ảnh: MC)


Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, các nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản của Hà Nội là những đóng góp thiết thực vào các giải pháp chung của Chính phủ trong xử lý khó khăn cho thị trường bất động sản.

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, xảy ra tình trạng tồn đọng và nợ xấu bất động sản có nguyên nhân do yếu kém trong công tác quản lý, quy hoạch. Do đó, thời gian tới Hà Nội phải rà soát nhà ở theo cơ cấu hợp lý, tập trung nguồn lực xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho các đối tượng người có công, công chức, công nhân, sinh viên; điều chỉnh lại quy hoạch, tập trung nghiên cứu và ban hành chính sách đối với nhà ở xã hội.

Thủ tướng yêu cầu Hà Nội phải có chính sách cụ thể để nhóm đối tượng chính sách có cơ hội mua được nhà; tiếp tục thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, từ khâu thẩm định, phê duyệt quy hoạch, phê duyệt dự án đồng thời tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư, phát triển nhà ở, kinh doanh bất động sản.

Thủ tướng cũng đề nghị các doanh nghiệp chung tay tháo gỡ khó khăn cho thị trường, tái cơ cấu sản phẩm cho phù hợp với nhu cầu thị trường, hạ giá thành sản phẩm, cung cấp sản phẩm trực tiếp đến khách hàng có nhu cầu thực, tránh qua trung gian, đầu cơ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước, bên cạnh xử lý nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro, xử lý tài sản thế chấp, cần đề xuất chính sách cho vay linh hoạt, khả thi nhằm hỗ trợ cho người dân vay mua nhà ở xã hội.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý các bộ, ngành chức năng và Hà Nội cần tăng cường công khai, minh bạch thông tin về các hoạt động của thị trường bất động sản, thực hiện đồng bộ các giải pháp để từng bước tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, tiến tới lành mạnh hóa hoạt động của thị trường bất động sản trong thời gian tới.

 

                                                                     Theo Báo ĐCSVN

 

 

Các tin khác


Thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII

Chiều 6/5, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hội nghị liên tịch thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri huyện Cao Phong

Chiều 6/5, tại xã Tây Phong, huyện Cao Phong, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tiếp tục tiếp xúc cử tri (TXCT) trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri tại huyện Yên Thủy

Sáng 6/5, tại xã Lạc Thịnh, huyện Yên Thủy, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh gồm các đồng chí; Đặng Bích Ngọc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh; Hoàng Đức Chính, Bí thư Huyện uỷ Lạc Sơn đã tiếp xúc cử tri (TXCT) trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV tại huyện Yên Thủy. Dự hội nghị TXCT có các đồng chí: Bùi Văn Thắng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh...

Đổi mới công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và miền núi, thời gian qua, công tác dân vận ở vùng ĐBDTTS được hệ thống chính trị các cấp của tỉnh chú trọng thực hiện.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục