Dòng người xếp hàng chờ vào viếng Ðại tướng Võ Nguyên Giáp, trước cổng số nhà 30 Hoàng Diệu (Hà Nội). Ảnh: DUY LINH

Dòng người xếp hàng chờ vào viếng Ðại tướng Võ Nguyên Giáp, trước cổng số nhà 30 Hoàng Diệu (Hà Nội). Ảnh: DUY LINH

Theo thông báo, đúng 14 giờ 30 phút, ngày 6-10, ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu (Hà Nội), nơi ở của Ðại tướng và gia đình mở cửa đón nhân dân vào viếng Ðại tướng Võ Nguyên Giáp. Vậy mà từ nhiều giờ trước đó, hai bên đường Hoàng Diệu đã chật kín người xếp hàng chờ đợi. Dòng người mỗi lúc một dài thêm, lặng lẽ với tâm nguyện được nghiêng mình bên anh linh vị tướng tài ba, nhân ái.

 

Tất cả những ai yêu mến và kính trọng vị tướng huyền thoại của Việt Nam thế kỷ 20 đều biết rồi ngày này sẽ tới. Nhưng khi điều ấy đến, tất cả đều chung một cảm giác bàng hoàng, như  mất đi một người thân mà họ hằng tôn kính. Anh Hồ Trọng Bằng, ở số 1, ngách 291/22, Khương Trung (Thanh Xuân, Hà Nội), cùng vợ con đã có mặt ngoài tư gia của Ðại tướng từ 11 giờ trưa. Giọng trầm buồn, anh kể cho chúng tôi nghe những kỷ niệm từ thuở nhỏ, được theo mẹ đến Xí nghiệp may X40, chuyên sản xuất quân tư trang cho Quân đội. Và ở đó, anh đã được gặp Ðại tướng. Trong tâm trí anh, ông là vị tướng gần gũi, ân cần như người cha, người ông hiền từ. Sau này, là một quân nhân, anh càng kính trọng ông bởi sự hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, chăm lo cho Quân đội. "Nhất là khi tôi đọc những tác phẩm của Ðại tướng về chiến tranh nhân dân, về xây dựng lực lượng quân sự cách mạng Việt Nam, về Chủ tịch Hồ Chí Minh... càng khâm phục hơn một trí tuệ lớn, một nhà quân sự tài ba" - anh Bằng nói.

Ðứng cạnh tôi là một chàng trai cao lớn, hai mắt đỏ hoe. Vừa nghe ai đó bày tỏ tình cảm đối với Ðại tướng, anh khóc như một đứa trẻ. Anh là Nguyễn Lê Quân, 31 tuổi ở 44 Ðội Cấn (Ba Ðình, Hà Nội). Ấn tượng về Ðại tướng bắt đầu từ những câu chuyện của ông ngoại anh - một chiến sĩ thời kháng chiến chống thực dân Pháp. Sau này đọc thêm sách báo, anh cảm nhận rõ hơn bản anh hùng ca về một vị tướng có lối sống giản dị, vì nước quên thân, vì dân quên mình. "Hôm qua, xem bộ phim tư liệu về ông, tôi thật sự xúc động khi nghe ông trả lời người nước ngoài:  "Một ngày tôi sống là một ngày tôi vì nước, vì dân". Tiếc rằng sức khỏe ông ngoại tôi không cho phép, nếu không chắc chắn ông tôi sẽ có mặt để tiễn biệt tâm hồn lớn ông hằng kính phục" - anh Quân bộc bạch.

Nhóm sinh viên đến từ Ðại học Sư phạm I Hà Nội đã gác lại tất cả kế hoạch ngày nghỉ cuối tuần và đến từ rất sớm để tiễn biệt Ðại tướng. Họ là những người ở khắp các vùng quê, từ Nam Ðịnh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh..., chưa một lần được gặp Ðại tướng. Nghe về Ðại tướng, đọc nhiều về ông không thấy xa xôi mà thật gần gũi, thân thương như ông nội, ông ngoại của chính mình. 

Trong dòng người tiễn biệt, có đông đảo bà con từ khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhiều người đã đưa cả gia đình, cha mẹ già, con nhỏ, đi tàu xe từ đêm hôm trước, xuống bến là đến thẳng số nhà 30, Hoàng Diệu; có những  chiến sĩ các lực lượng vũ trang cùng người dân Thủ đô  đến viếng vị Tổng Tư lệnh đầu tiên và duy nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam. Anh Nguyễn Ðình Thắng, cựu chiến binh Sư đoàn 356, Quân khu 2 bồi hồi kể về kỷ niệm của cha anh, một cựu chiến binh Sư đoàn 308 - Sư đoàn Quân tiên phong đánh trận Ðiện Biên Phủ lẫy lừng. Ðó là một ngày trung tuần tháng 4-2004, tại Hội trường Học viện Quốc phòng, nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ. Ðứng trong Hội trường, Ðại tướng hỏi: "Các đồng chí E88 ngồi ở đâu?". Cả Hội trường im lặng, chỉ có một người đứng dậy - đó là cha anh - "Có tôi đây ạ". Ðại tướng lại gần, ôm chặt vai ông, rưng rưng: "Chỉ còn một đồng chí thôi à?". Cử chỉ ấy tỏ rõ một nhân cách lớn, dù ở cương vị nào, thời khắc nào ông không bao giờ quên đồng đội, chiến sĩ của mình. 

Ðặt những bông hoa tươi thắm, kính cẩn nghiêng mình bên anh linh Ðại tướng, người chiến sĩ  pháo cao xạ Trường Sơn năm xưa - ông Lưu Ngọc Linh (Ðoàn 559, Binh trạm 33) đã không cầm được nước mắt. Ông chia sẻ, "ngày Bác Hồ ra đi, tôi như đã chết nửa con người, nay nghe tin bác Giáp từ trần, trái tim tôi như muốn ngừng đập. Nhiều cán bộ, chiến sĩ pháo cao xạ Ðoàn 559 vẫn còn nhớ như in lời chỉ dặn của Ðại tướng năm nào: Không chỉ cố đạt mục tiêu hạ diệt máy bay địch, mà phải đuổi chúng ra xa mục tiêu giao thông, bảo đảm cho đường thông suốt là thắng lợi".

Tại bàn ghi sổ tang, một em học sinh Trường THPT Trần Hưng Ðạo (Hà Ðông, Hà Nội) đã kiên nhẫn chờ đến lượt. Trong tiếng nấc nghẹn, em cho biết là Ðỗ Quốc Huy, một mình đạp xe đến viếng Ðại tướng. Và hằng ngày, em cũng đạp xe từ nhà ở quận Hai Bà Trưng vào Hà Ðông đi học như một cách rèn luyện theo tấm gương của Ðại tướng để sau này thành người có ích.

Trên phố Hoàng Diệu mấy ngày qua có rất nhiều vị khách quốc tế đến, chia buồn cùng nhân dân Việt Nam và bày tỏ lòng ngưỡng mộ vị tướng tài năng, đức độ được nhân dân yêu mến. Hai vợ chồng chị Cát-su Me-gu-mi , một doanh nhân ngành du lịch Nhật Bản, đã có hơn mười năm sống và làm việc tại Việt Nam cũng xếp hàng từ rất lâu, chờ đến lượt vào tưởng niệm. Chị cho biết, chị yêu lịch sử Việt Nam, yêu Việt Nam, cùng với nghề nghiệp của mình, nên chị rất cảm phục vị Ðại tướng văn, võ song toàn. Chị biết sức khỏe ông không tốt vài năm nay rồi. Chị rất buồn khi nhân dân Việt Nam mất đi một con người như thế.

Với hai vợ chồng ông bà Pi-tơ Brao-ơ (Hà Lan), kỳ nghỉ này ở Việt Nam đã có thêm một kỷ niệm đáng nhớ, khi họ chứng kiến tình yêu, niềm tự hào của người dân Việt Nam dành cho nhà lãnh đạo lớn của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông bà Pi-tơ bày tỏ sự thán phục khi hàng nghìn người xếp hàng trong sự trật tự đến ngỡ ngàng "nhưng tôi không ngạc nhiên vì ông Võ Nguyên Giáp của các bạn xứng đáng nhận được tình cảm đó".

Mỗi người có cách bày tỏ tình cảm của riêng mình đối với người mà họ trân trọng, yêu quý, như cô gánh hàng hoa trong câu chuyện của ông  Phạm Thiều ở tổ 38 phường Thịnh Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội). Sớm nay, khi thấy ông quân phục chỉnh tề đến mua hoa, cô từ tốn hỏi:

- Bác  mua hoa viếng Ðại tướng phải không ạ?

Rồi vừa chọn mười bông cúc vàng đẹp nhất cô vừa nói với ông:

- Cháu tặng bác!

Nhưng ông nhất định trả tiền và cô đành nhận một nửa số tiền ông đưa.

Con phố Hoàng Diệu mấy hôm nay như cũng ngậm ngùi. Từ sáng tinh mơ đến tối muộn, dòng người vẫn nối dài mãi. Tình cảm  mà người dân hướng về ông không gì đong đếm được, chỉ bởi một lẽ rất tự nhiên: Ông là Ðại tướng của lòng dân.

 

                                                                           Theo Báo ND

 

 

Các tin khác


Hội nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh lần thứ 11, khoá XV

Chiều 3/5, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh tổ chức Hội nghị lần thứ 11, khoá XV, nhiệm kỳ 2019 - 2024 (kỳ họp bất thường). Dự hội nghị có đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh.

Thẩm định mô hình, điển hình tiên tiến năm 2024 trên địa bàn huyện Lạc Thủy

Ngày 3/5, đoàn công tác do lãnh đạo Ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ) làm trưởng đoàn đã tổ chức thẩm định các mô hình, điển hình tiên tiến năm 2024 trên địa bàn huyện Lạc Thủy. Tham gia đoàn có đại diện Sở GD&ĐT, Trung tâm Phát triển quỹ đất (Sở TN&MT), các phòng, ban chức năng của huyện Lạc Thủy. 

Sơ duyệt Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sáng 3-5, tại sân vận động tỉnh Điện Biên, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Ban chỉ đạo Trung ương kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong 3 năm 2023-2025 (Ban chỉ đạo) tổ chức sơ duyệt Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 / 7-5-2024).

Tỉnh Hòa Bình tham gia Tọa đàm Kết nối địa phương, doanh nghiệp Việt Nam - Canada

Vừa qua, đoàn công tác tỉnh Hòa Bình cùng đoàn công tác Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao và các tỉnh bạn tham gia Chương trình Quảng bá địa phương Việt Nam tại Hoa Kỳ và Canada đã đến thăm và có buổi làm việc với Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Vancouver, Canada. Tiếp đón các đoàn công tác có đồng chí Phan Kiều Thu, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Vancouver, Canada.

Thanh niên huyện Cao Phong khơi dậy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo

Với tinh thần nhiệt huyết, không ngại khó, thời gian qua, nhiều đoàn viên, thanh niên trên địa bàn huyện Cao Phong đã năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Từ đó xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả do đoàn viên, thanh niên làm chủ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Đồng ý về việc khởi tố đối với ông Dương Văn Thái

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý đề nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về việc khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Dương Văn Thái, đại biểu Quốc hội khóa XV.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục