Bộ đội giải phóng tiến vào đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, ngày 30/4/1975. Có thể thấy, còn nhiều máy bay vận tải của quân đội chính quyền Sài Gòn bị bỏ lại. ảnh: T.L

Bộ đội giải phóng tiến vào đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, ngày 30/4/1975. Có thể thấy, còn nhiều máy bay vận tải của quân đội chính quyền Sài Gòn bị bỏ lại. ảnh: T.L

(HBĐT) - Từ đầu năm 1973, sau khi ký Hiệp định Pari về Việt Nam, Mỹ phải rút hết quân đội khỏi miền Nam Việt Nam, nhưng chúng vẫn tiếp tục dùng ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn làm công cụ để thực hiện chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam Việt Nam. Mục tiêu trước mắt của Mỹ - ngụy là lấn chiếm và bình định vùng giải phóng, tiêu diệt một bộ phận lực lượng ta, đẩy lực lượng ta ra sát biên giới, loại Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra khỏi đời sống chính trị miền Nam.

 

Để thực hiện mục tiêu này, Mỹ tăng cường viện trợ ồ ạt tiền của, vũ khí và phương tiện chiến tranh cho ngụy, ráo riết bắt lính, đôn quân, tăng LLVT ở cơ sở để trực tiếp khống chế nhân dân, liên tiếp mở các cuộc hành quân càn quét, các chiến dịch “tràn ngập lãnh thổ”..., duy trì lực lượng ngăn đe của Mỹ ở các vùng phụ cận quanh Việt Nam, đồng thời tăng cường các hoạt động ngoại giao xảo quyệt để ngăn chặn sự phát triển của cách mạng Việt Nam.

 

Nghị quyết T.ư  21 (tháng 7/1973) là một trong những văn kiện lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và là văn kiện quan trọng trực tiếp chỉ đạo cách mạng và chiến tranh cách mạng giành thắng lợi trong giai đoạn kết thúc chiến tranh.

Cụ thể hóa NQT.ư 21 về mặt quân sự, Hội nghị Quân ủy T.ư (tháng 3/1974) đã đề ra chủ trương kiên quyết phản công và tiến công địch, vận dụng linh hoạt trên cả ba vùng chiến lược.

 

Nghị quyết của BCH T.ư cùng với nghị quyết của Quân ủy T.ư đã góp phần quyết định nhanh chóng xoay chuyển tình thế ở miền Nam có lợi cho ta. Nhân dân miền Bắc vừa sẵn sàng chiến đấu, vừa tăng cường sức người, sức của vào miền Nam nhiều hơn bất kỳ thời gian nào trước đó.

 

Tháng 7/1974, Kế hoạch chiến lược cơ bản giải phóng miền Nam được khởi thảo. Tháng 10 và 12/1974, Bộ Chính trị, Quân ủy T.ư và các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy các chiến trường hai lần họp đã hạ quyết tâm và thông qua Kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam.

 

Về quyết tâm chiến lược, ta hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trong thời gian 2 năm 1975 - 1976. Về kế hoạch chiến lược, ta xác định mục tiêu trong năm 1975 làm cho lực lượng ta lớn mạnh vượt bậc, mở nhiều đợt tiến công và nổi dậy làm cho lực lượng địch suy yếu nhanh chóng, tạo điều kiện chín muồi để tổng công kích - Tổng khởi nghĩa năm 1976. Mục tiêu năm 1976 là phát động tổng công kích - Tổng khởi nghĩa đánh lớn, đánh nhanh, diệt từng sư đoàn địch, đánh Sài Gòn là chỗ hiểm yếu nhất, giành thắng lợi cuối cùng. Ngoài kế hoạch cơ bản trên, ta còn dự kiến kế hoạch thời cơ: “Nếu thời cơ đến thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”.

 

Ngày 4/3/1975, Chiến dịch Tây Nguyên mở màn bắt đầu bằng việc ta cắt đường số 19, đánh một số mục tiêu ở Pleiku để nghi binh tạo thế chiến dịch. Vào lúc 2 giờ sáng ngày 10/3, ta đánh Buôn Ma Thuột.

 

Trước tình hình thắng lớn của quân ta ở Tây Nguyên, trong cuộc họp ngày 18/3/1975, Bộ Chính trị kịp thời bổ sung quyết tâm chiến lược: giải phóng miền Nam trong năm 1975. Đến ngày 24/3, quân ta đã tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ lực lượng Quân đoàn 2 và Quân khu 2 địch, giải phóng toàn bộ vùng chiến lược Tây Nguyên và nhanh chóng phát triển xuống các tỉnh ven biển miền Trung. Từ hai chiến dịch ở hai quân khu (Quân khu 5 và Quân khu Trị - Thiên) ta phát triển chiến dịch có ý nghĩa chiến lược tiến công Huế - Đà Nẵng. Ngày 26/3, ta giải phóng thành phố Huế.

 

Trước đà thắng lớn ở cả Tây Nguyên và Bắc Trung Bộ, ngày 25/3, Bộ Chính trị bổ sung quyết tâm chiến lược: “Giải phóng Sài Gòn và miền Nam trước mùa mưa (5/1975)”. Ngày 29/3, ta giải phóng Đà Nẵng, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ lực lượng Quân đoàn 1 và Quân khu 1 địch, giải phóng 5 tỉnh miền Trung và đến ngày 3/4 ta giải phóng toàn bộ đồng bằng ven biển miền Trung.

 

Ngày 1/4/1975, căn cứ vào sự tiến công dồn dập như vũ bão của quân ta trên chiến trường, xuất hiện thời cơ lớn, Bộ Chính trị tiếp tục bổ sung quyết tâm chiến lược: mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng Sài Gòn và miền Nam trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4/1975, trước mùa mưa không thể để chậm. Ngày 4/4, Quân ủy T.ư đã giao nhiệm vụ cho Quân khu 5 và Hải quân tiến công và giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa do quân ngụy chiếm đóng, đến ngày 29/4, quân ta đã giải phóng hoàn toàn các đảo đó.

 

Ngày 9/4/1975, ta bắt đầu cuộc chiến đấu tạo thế ở Đông Bắc - Tây Nam Sài Gòn và đánh địch ở toàn miền Đông Nam Bộ; đồng thời huy động lực lượng lớn nhất trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ cho một chiến dịch tiến công quy mô lớn nhất trong lịch sử chiến tranh cách mạng Việt Nam gồm 4 quân đoàn và 1 đơn vị tương đương quân đoàn.

 

Ngày 14/4, Bộ Chính trị đã chính thức đặt tên cho Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định là Chiến dịch Hồ Chí Minh - chiến dịch tiến công hợp đồng binh chủng quy mô lớn kết thúc chiến tranh, chiến dịch quyết chiến chiến lược lịch sử.

 

Từ ngày 26/4 - 30/4/1975, Chiến dịch lịch sử mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh diễn ra và giành toàn thắng. 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, Tổng thống ngụy buộc phải tuyên bố đầu hàng không   điều kiện.

 

Cuộc tiến công và nổi dậy của quân và dân đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu từ đầu tháng 3/1975 để phối hợp với hướng chính Tây Nguyên. Phát huy thắng lợi của các Chiến dịch Tây Nguyên và Huế - Đà Nẵng, trực tiếp là thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, trong hai ngày 30/4 và 1/5/1975, kết hợp tiến công với nổi dậy hoặc nổi dậy với tiến công, thực hiện khẩu hiệu “xã giải phóng xã”, “huyện giải phóng huyện”, “tỉnh giải phóng tỉnh”, quân và dân đồng bằng sông Cửu Long đã tiêu diệt một bộ   phận, bắt và làm tan rã toàn bộ lực lượng Quân đoàn 4 và Quân khu 4 địch, giải phóng vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đến đây chúng ta đã giải phóng toàn    bộ miền Nam gồm cả đất liền và các  đảo, quần đảo (trừ Hoàng Sa), kết thúc thắng lợi hoàn toàn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hoàn thành trọn vẹn cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân trên cả nước.

 

Chiến công oanh liệt của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 đại thắng, kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, chứng minh đường lối và phương pháp cách mạng của Đảng ta là hoàn toàn đúng đắn, sự lãnh đạo và chỉ đạo của Bộ Chính trị và Quân ủy T.ư rất chính xác, kịp thời, kiên quyết, táo bạo và sắc bén.

 

Kết thúc chiến dịch, ta đã đập tan hoàn toàn bộ máy chiến tranh với trên 1 triệu quân ngụy, đã tiêu diệt 4 quân đoàn và 2 sư đoàn tổng dự bị chiến lược, 18 liên đoàn biệt động quân, 22 trung đoàn thiết giáp, 66 tiểu đoàn pháo, 6 sư đoàn không quân.

 

Ta đã phá hủy và thu toàn bộ vũ khí, phương tiện chiến tranh, cơ sở thiết bị công nghiệp quốc phòng, hệ thống kho tàng, các căn cứ sân bay, hải cảng. Riêng vũ khí, xe cộ, máy bay, tàu xuồng ta thu được ước tính chừng 5 tỷ đôla (80 vạn súng các loại, trên 13.000 xe cơ giới, trên 1.900 máy bay các loại, trên 900 tàu xuồng chiến đấu).

 

Ta đã lật nhào bộ máy ngụy quyền từ T.ư đến cơ sở thôn, xã. Hàng trăm chi khu quân sự, hàng ngàn phân chi khu, gần 8.000 đồn bốt địch đã bị phá tan. Ta đã giải phóng các thành phố, thị xã trên toàn miền Nam với mức tàn phá ít nhất, nhân dân và của cải được bảo vệ ít tổn thất nhất.

 

 

                                               (

                                        Theo cuốn Đại thắng mùa xuân 1975)

 

 

 

 

Các tin khác


Đổi mới sinh hoạt chi bộ ở Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh

Những năm qua, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Qua đó góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công đoàn cơ sở

LTS: Hòa chung khí thế cả nước hân hoan kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024); 138 năm ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886 - 1/5/2024) và hướng đến kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2024); 73 năm thành lập Công đoàn tỉnh Hòa Bình (1951 - 2024), phóng viên Báo Hòa Bình có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Mạnh Cương, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh về sự lớn mạnh của đội ngũ công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) tỉnh trong phát triển KT - XH địa phương.

Lễ Thượng cờ ''Thống nhất non sông'' tại Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải

Sáng 30/4, tại Kỳ đài ở khu Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Trị long trọng tổ chức Lễ Thượng cờ "Thống nhất non sông” nhân dịp Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), 52 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị (1/5/1972-1/5/2024).

Tuổi trẻ huyện Tân Lạc thắp sáng truyền thống quê hương anh hùng

Tân Lạc là huyện có bề dày lịch sử. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân huyện Tân Lạc đã phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lập nhiều chiến công xuất sắc trong chiến đấu, lao động, sản xuất. Với khẩu hiệu "Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” và tinh thần "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, huyện Tân Lạc đã đóng góp trên 45.000 tấn lương thực, thực phẩm; trên 2.900 thanh niên lên đường nhập ngũ, trong đó có 190 gia đình có từ 2 - 4 con đi bộ đội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục