Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh Hòa Bình tập trung vào các mục tiêu chính như: giảm nghèo, phát triển hạ tầng, nâng cao đời sống, phát triển giáo dục, y tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn gặp nhiều bất cập cần giải quyết trong giai đoạn tới.


Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hỗ trợ nhiều hộ khó khăn ở xã Phú Cường, huyện Tân Lạc phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo.

Giai đoạn 2021 - 2025, tổng nguồn vốn Trung ương đầu tư, hỗ trợ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn tỉnh là hơn 2,3 nghìn tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn đầu tư giao trên 1,4 nghìn tỷ đồng; nguồn vốn sự nghiệp giao 967 tỷ đồng. 

Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg, ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Hòa Bình có 59 xã thuộc khu vực III. Tính đến hết năm 2024, tổng số xã đặc biệt khó khăn được công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới và thoát khỏi diện xã đặc biệt khó khăn là 16 xã, chiếm 55,17% theo chỉ tiêu của Thủ tướng Chính phủ giao (16/29 xã). Đến nay, trên địa bàn tỉnh còn 43 xã đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 861/QĐ-TTg. Trong giai đoạn 2021 - 2024, tỷ lệ hộ nghèo các xã vùng đồng bào DTTS&MN bình quân giảm 3,16%; tỷ lệ hộ nghèo các xã đặc biệt khó khăn bình quân giảm 6,24% (vượt chỉ tiêu Trung ương và tỉnh giao).

Theo đánh giá, chương trình được tích hợp từ nhiều chính sách, mang quan điểm đầu tư tổng thể, quy mô lớn với nhiều dự án, tiểu dự án thành phần, nội dung, đối tượng, địa bàn hưởng thụ khác nhau. Do vậy, việc thực hiện gặp những khó khăn nhất định. 

Đối với dự án phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị (Dự án 3). Nguồn vốn giao thực hiện có những nội dung được phân bổ vượt nhu cầu thực tế. Cơ chế thực hiện khoán bảo vệ rừng đặc dụng trên địa bàn xã khu vực II, khu vực III khi triển khai thực hiện rà soát lại có diện tích trùng nhau, một số diện tích không thuộc đối tượng để thực hiện chi trả. Nguồn vốn chủ yếu tập trung vào Tiểu dự án 2, tuy nhiên, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị triển khai còn chậm, gặp khó khăn do trên địa bàn một số xã chưa có các doanh nghiệp, hợp tác xã để thực hiện liên kết, nếu có thì trình độ, năng lực thực hiện dự án của một số đơn vị hạn chế.

Đối với dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống vùng đồng bào DTTS&MN và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc (Dự án 4). Số lượng danh mục công trình nhiều nhưng tổng mức đầu tư nhỏ. Một số huyện danh mục công trình phải điều chỉnh tên, tổng mức đầu tư do có diện tích đất sử dụng chiếm vào đất rừng, rừng đặc dụng, đất trồng lúa... Do đó chậm thực hiện công tác hoàn thành thủ tục chuẩn bị đầu tư để khởi công xây dựng các công trình, dự án.

Đối với dự án phát triển giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (Dự án 5). Thực hiện Tiểu dự án 3, phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm, sau khi thực hiện rà soát lại không còn đối tượng hoặc đối tượng trùng với các chương trình mục tiêu khác; chưa thống nhất quy định về đối tượng thụ hưởng đối với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện để đầu tư, sửa chữa và mua sắm trang thiết bị.

Đối với Dự án đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn (Dự án 9). Như nội dung Tiểu dự án hỗ trợ cây giống, kỹ thuật canh tác, chuyển giao khoa học kỹ thuật, bảo tồn nghề truyền thống... chưa có hướng dẫn về sử dụng vốn cho hộ dân tộc thiểu số, xác định đối tượng thụ hưởng.

Đối với Dự án truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS&MN. Kiểm tra, giám sát đánh giá việc tổ chức thực hiện chương trình (Dự án 10). Tiểu dự án 2, các yêu cầu cơ bản về điểm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin theo Thông tư số 03/2023/TT-BTTTT, ngày 30/5/2023 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông rất khó khăn cho địa phương trong triển khai thực hiện.

Việc huy động các nguồn lực hợp pháp khác để cùng với nguồn vốn ngân sách nhà nước thực hiện các nhiệm vụ còn nhiều bất cập do các doanh nghiệp tư nhân chủ yếu là nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp; khó khăn trong sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư do nhu cầu đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn các xã, xóm thuộc diện đặc biệt khó khăn rất lớn, nhiều nội dung cần đầu tư gắn với hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Trong giai đoạn 2026 - 2030, tổng nguồn vốn tỉnh  Hoà Bình đề xuất thực hiện chương trình khoảng 2.035 tỷ đồng (vốn đầu tư phát triển trên 1.185 tỷ đồng, kinh phí sự nghiệp trên 982 tỷ đồng). Các cấp, ban, ngành đề xuất một số nội dung: Bổ sung tỷ lệ % đối tượng thụ hưởng nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện kinh tế, làm ăn giỏi thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, để khuyến khích sự tham gia của các hộ làm ăn giỏi và hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo trong thực hiện dự án, thúc đẩy dự án thực hiện có hiệu quả hơn. Đề nghị quan tâm mở rộng đối tượng được hỗ trợ các dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và dự án cộng đồng, bao gồm các hộ trên địa bàn khu vực nông thôn, trong đó ưu tiên hộ chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo. Chú trọng xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ toàn diện hơn, mang tính dài hạn hơn nhằm nâng cao năng lực, khả năng thích ứng của người dân tộc thiểu số như: tạo việc làm tại chỗ, tăng thu nhập, tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn, đường nội đồng... để người dân tộc thiểu số ở các xã khó khăn có thể thoát nghèo bền vững.

Tăng cường khả năng tiếp cận của đồng bào dân tộc thiểu số đối với các dịch vụ chăm sóc có chất lượng về sức khỏe, dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN. Đề xuất nên quy định các tỉnh căn cứ vào kế hoạch vốn được giao cả giai đoạn để xây dựng các tiêu chí phân bổ vốn cho các huyện (tới đây là các xã theo chủ trương sáp nhập), giao toàn quyền quyết định việc sử dụng nguồn vốn cho cấp huyện (tới đây là cấp xã) từ việc lựa chọn danh mục, phê duyệt chủ trương, triển khai dự án. Cấp tỉnh chỉ hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá đối với việc sử dụng nguồn vốn và thực hiện các dự án do các sở, ngành làm chủ đầu tư. Như vậy, việc triển khai dự án sẽ sát với thực tiễn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, giải ngân nhanh vốn đầu tư, mang lại hiệu quả sử dụng vốn cao hơn.


Việt Lâm



Biểu dương, tôn vinh người có uy tín tiêu biểu trong vùng đồng bào dân tộc

Quách Xuân Toản
Trưởng phòng Dân tộc và Tôn giáo huyện Lương Sơn 

Để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt hiệu quả, trong thời gian tới, cần tăng cường sự phối hợp của các phòng, ban, ngành, đơn vị, UBND các xã, thị trấn. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và nhân dân về tầm quan trọng của chương trình. Tiếp tục nắm bắt thông tin, tình hình vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện; tăng cường tuyên truyền các chương trình, dự án, chính sách dân tộc được Đảng, Nhà nước ban hành. Phát huy vai trò người có uy tín. Thường xuyên thăm hỏi người có uy tín theo quy định, nắm bắt tư tưởng đồng bào các dân tộc, tăng cường xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống mọi biểu hiện cục bộ, gây chia rẽ, bè phái, mất đoàn kết giữa các dân tộc. Biểu dương, tôn vinh người có uy tín tiêu biểu trong vùng đồng bào dân tộc. Kiểm tra, giám sát đánh giá việc tổ chức thực hiện chương trình. Thực hiện giải ngân nguồn vốn đầu tư phát triển và nguồn vốn sự nghiệp đã được phân bổ đúng thủ tục, trình tự và thời gian quy định. 


Tăng cường đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ cấp cơ sở

Nguyễn Xuân Thắng
Phó Trưởng phòng Dân tộc và Tôn giáo thành phố Hòa Bình

Trong thời gian qua, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn thành phố Hòa Bình tồn tại nhiều hạn chế, do hệ thống văn bản hướng dẫn còn chồng chéo, quy trình đầu tư và điều kiện đầu tư ngặt nghèo. Bộ máy quản lý của Phòng Dân tộc và Tôn giáo cần được quan tâm kiện toàn. Công tác tham mưu của một số phòng, ban, đơn vị và UBND các phường, xã trong triển khai thực hiện chương trình chưa thực sự quyết liệt; hiệu quả hoạt động của một số thành viên Ban chỉ đạo thành phố chưa cao, chưa sâu sát, chưa tích cực giúp đỡ các phường, xã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chương trình. Đội ngũ cán bộ, công chức tham gia thực hiện chương trình của thành phố và một số xã chưa được quan tâm, bố trí hợp lý để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong việc tham mưu triển khai thực hiện chương trình; công chức cấp xã kiêm nhiệm nhiều đầu mối ảnh hưởng đến việc tham mưu triển khai tổ chức thực hiện chương trình.

Cấp xã còn gặp khó khăn, lúng túng trong việc sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã, xóm thuộc diện đặc biệt khó khăn. Trong khi nhiều nội dung cần đầu tư phải gắn với việc hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Do vậy, thành phố tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, vận động theo hướng đổi mới cách thức, phương thức tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về chương trình, nhằm nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và người dân, để người dân nhận thức sâu sắc vai trò chủ thể trong thực hiện các chương trình, có ý thức tự giác, chủ động, hăng hái tham gia.

Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả tổ chức triển khai thực hiện các dự án thuộc chương trình, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc tại cơ sở và giải ngân kế hoạch vốn đảm bảo yêu cầu. Bổ sung, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách của Trung ương phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Tăng cường công tác phân cấp, trao quyền quản lý, thực hiện cho cơ sở phù hợp điều kiện từng địa phương, kết hợp với hướng dẫn, kiểm tra, giám sát đảm bảo hiệu quả đầu tư, hỗ trợ. Tăng cường công tác đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ các cấp thực hiện chính sách dân tộc và thực hiện chương trình, đặc biệt là cán bộ cấp cơ sở.


Tạo thuận lợi trong thực hiện các chương trình, dự án

Xa Văn Thức
Chủ tịch UBND xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc  

Trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở cấp xã nhận được sự đồng thuận, thống nhất của các thôn, xóm và nhân dân trong triển khai dự án, đặc biệt là nguồn đối ứng của nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thi công các công trình. Chủ đầu tư và nhà thầu đã tiến hành các bước theo quy định, các công trình đầu tư, xây dựng đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ. Qua tuyên truyền, vận động, nhân dân thực hiện tốt các hạng mục đối ứng của dự án, hiến đất và tài sản trên đất để triển khai thực hiện các công trình.

Trong thời gian tới, các cấp, ban, ngành cần tích cực vận động các công ty, doanh nghiệp hỗ trợ vật liệu để hỗ trợ các thôn, xóm xây dựng công trình phụ trợ. Phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện dự án, công trình. Tăng thời gian quay vòng vốn, giảm tỷ lệ phải quay vòng vốn cho đối tượng tham gia mô hình phát triển cộng đồng. 

Các tin khác


Ký kết thoả thuận hợp tác giữa Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình và Hội Nông dân tỉnh

Ngày 11/4, Hội Nông dân (HND) tỉnh và Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình tổ chức Hội nghị ký kết thoả thuận hợp tác về thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, ngày 9/6/2015 của Chính phủ, giai đoạn 2025- 2030.

Kiểm tra tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại huyện Yên Thủy

Ngày 11/4, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) tỉnh làm trưởng đoàn đã tổ chức kiểm tra nhằm kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, đề xuất giải pháp tháo gỡ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các CTMTQG trên địa bàn huyện Yên Thủy.

Tháo gỡ điểm nghẽn quy hoạch và giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm tại huyện Lương Sơn

Chiều 10/4, đoàn công tác UBND tỉnh Hòa Bình do đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã làm việc với UBND huyện Lương Sơn để kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) các dự án trọng điểm trên địa bàn huyện.

Kiểm tra công tác kế hoạch đầu tư, hậu cần tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hòa Bình

Ngày 10/4, đoàn công tác Quân khu 3 do Thiếu tướng Hà Tất Đạt, Phó Tư lệnh Quân khu làm Trưởng đoàn đã kiểm tra công tác kế hoạch đầu tư và công tác hậu cần tại Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh Hoà Bình.

Sát sao tiến độ từng dự án, nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công

Trong năm cuối thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Hòa Bình đặt mục tiêu phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công (VĐTC) đạt ít nhất 95% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Kết quả giải ngân VĐTC được kỳ vọng tạo động lực mạnh mẽ để tỉnh hướng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 10% trở lên. Vì thế, đây là nhiệm vụ được chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm và sát sao tiến độ từng dự án.

Kiểm tra tiến độ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại huyện Đà Bắc

Ngày 10/4, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 tại huyện Đà Bắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục