Những năm gần đây, môn thể thao mạo hiểm dù lượn dần phát triển tại tỉnh Hòa Bình. Được bay lượn trên bầu trời trong xanh cùng nắng vàng rực rỡ, tận hưởng không khí trong lành, phóng tầm mắt ngắm nhìn toàn cảnh thành phố từ trên cao, dòng sông Đà thơ mộng, đắm chìm trong cảnh sắc tươi đẹp của thiên nhiên và đất trời... không còn là giấc mơ ấp ủ của nhiều người. Tại những sự kiện lớn của tỉnh được tổ chức trong thời gian gần đây, người dân thích thú, trầm trồ trước màn biểu diễn dù lượn mãn nhãn, ấn tượng của các phi công trên bầu trời.
Trải nghiệm mạo hiểm hấp dẫn
Dù lượn là hình thức bay tự do, cất cánh bằng chân. Phi công ngồi vào ghế được may bằng những dây đai bền chắc (đai ngồi) bên dưới một cánh dù làm bằng vải, được bơm căng đầy không khí để giữ hình dáng khí động học nhờ vào áp lực không khí khi dù di chuyển tràn vào các xoang dù. Ngoài ra còn có loại hình dù lượn gắn động cơ. Điều quan trọng nhất của môn thể thao này là phải tuân thủ tuyệt đối các quy tắc về đảm bảo an toàn. Dù lượn không động cơ bắt buộc phải có địa hình độ cao ít nhất 300m trở lên để cất cánh và nương theo chiều gió, bay lượn giữa không trung, mây trắng bồng bềnh, thỏa sức chiêm ngưỡng núi non trùng điệp, những cánh đồng bát ngát, nếp nhà sàn nhỏ xinh ẩn mình giữa núi rừng hùng vĩ...
Với dù lượn có động cơ, nguyên lý và các trang bị tương đồng gần như với dù lượn không động cơ. Khác biệt lớn nhất là phi công bay dù lượn có động cơ mang thêm một động cơ cánh quạt cỡ nhỏ để tạo lực bay ngang, đồng thời hỗ trợ lực nâng. Mặt khác, dù lượn có động cơ cất cánh từ mặt đất, vì vậy cần đảm bảo điều kiện về sân bãi cất cánh đủ rộng để động cơ chạy đà cũng như khi hạ cánh có đường băng đủ dài, rộng, không có vật cản để hạ cánh an toàn. Dù không quá khắt khe về yếu tố thời tiết, song để dù lượn có động cơ hoạt động lý tưởng nhất thì tốc độ gió là 0 - 3,5m/s, trời nắng hoặc mát mẻ.
Chúng tôi có dịp gặp gỡ và trò chuyện cùng các phi công của Hội Dù lượn TP Hà Nội khi các anh vừa thực hiện xong màn trình diễn dù lượn có động cơ trong chương trình khai mạc Ngày hội Văn hóa, thể thao, du lịch bản Mường năm 2023 do UBND TP Hòa Bình tổ chức, hạ cánh tại Quảng trường Hòa Bình. Hiện, Hội quy tụ trên 100 hội viên chung niềm đam mê, sở thích với môn thể thao mạo hiểm này.
Anh Lê Văn Khoa được biết đến là một trong số ít phi công lão luyện của Hội Dù lượn TP Hà Nội. Anh Khoa chia sẻ: "Để bay được dù lượn đòi hỏi phi công phải dành nhiều thời gian nghiên cứu, nắm vững kiến thức, sự hiểu biết về dù lượn, khí động học, phân tích gió và khí tượng cơ bản, nguyên lý cấu tạo máy móc, kỹ năng điều khiển động cơ, vận hành an toàn cùng đầy đủ kỹ năng về cứu hộ cứu nạn để kịp thời xử lý tình huống khi gặp sự cố... Để trở thành phi công bay dù lượn, tôi đã trải qua nhiều khóa huấn luyện và thi để được cấp bằng, cấp chứng chỉ. Khi đã đảm bảo đủ các điều kiện về bằng, chứng chỉ bay, kinh nghiệm, giờ bay, kỹ năng xử lý tình huống... mới được phép bay. Công đoạn chuẩn bị trước khi cất cánh bắt buộc phi công phải kiểm tra kỹ lưỡng, cẩn thận các khâu trên dù và động cơ để đảm bảo hệ thống hoạt động bình thường. Sau đó điều chỉnh các thông số kỹ thuật để đảm bảo đường bay tối ưu, an toàn”.
Mục tiêu an toàn luôn phải đặt lên hàng đầu, bởi vậy phi công phải thường xuyên kiểm tra, bảo hành, bảo dưỡng máy móc, thiết bị. Trước khi cất cánh kiểm tra dù chính, dù phụ, hệ thống trang thiết bị: máy đo độ cao, máy đo tốc độ gió, thiết bị định vị, bộ đàm liên lạc, phân tích điều kiện thời tiết xem có phù hợp để bay hay không... Với du khách tham gia trải nghiệm bay dù lượn cần phải đảm bảo điều kiện sức khỏe tốt, không bị mắc một số bệnh về tim mạch, huyết áp hay sợ độ cao. Nếu trải nghiệm lần đầu chỉ nên bay trong thời gian từ 8 - 15 phút, phụ thuộc vào điều kiện sức khỏe; chi phí mỗi lượt bay từ 2 - 3 triệu đồng.
Tiềm năng phát triển sản phẩm du lịch
Theo anh Trần Quốc Toản, Tổng Thư ký Hội Dù lượn TP Hà Nội cho biết, tỉnh Hòa Bình sở hữu nhiều điểm bay dù lượn lý tưởng, an toàn, địa hình thuận lợi, cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp. Các hội viên của Hội đều rất thích bay tại Hòa Bình, nhất là ở khu vực hồ Hòa Bình. Du khách tham gia trải nghiệm bay dù lượn tại tỉnh Hòa Bình, ngoài những địa điểm ấn tượng như: khu vực lòng hồ Hòa Bình, cảng Thung Nai, xã Quang Tiến, Quảng trường Hòa Bình (TP Hòa Bình)..., còn có trải nghiệm ở suối khoáng Kim Bôi, các bảo tàng, bản Giang Mỗ… để tìm hiểu về văn hóa, ẩm thực dân tộc Mường. Việc di chuyển đến tỉnh Hòa Bình cũng khá thuận lợi. Mong lãnh đạo địa phương phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế vốn có của tỉnh để phát triển mạnh mẽ môn thể thao này trong thời gian tới...
Phi công của Hội Dù lượn Hà Nội chuẩn bị cất cánh.
Trước đây, tỉnh ta đã tạo điều kiện thuận lợi, tổ chức chương trình trải nghiệm bay dù lượn nằm trong chuỗi hoạt động kích cầu du lịch tỉnh năm 2022 tại xã Quang Tiến (TP Hòa Bình). Chương trình trải nghiệm bay dù lượn nhằm quảng bá, thử nghiệm một hoạt động thể thao, du lịch mới, góp phần tạo điểm nhấn đặc trưng và tạo chuỗi cung ứng sản phẩm du lịch chất lượng với tiêu chí mới, độc đáo, hấp dẫn, đồng thời tôn vinh bản sắc văn hóa địa phương, thu hút khách du lịch. Năm 2022, Sở VH-TT&DL đã tổ chức lớp tập huấn chuyên môn cho nhân viên cứu hộ môn dù lượn toàn quốc, đăng cai tổ chức lớp tập huấn chuyên môn cho người hướng dẫn tập luyện môn dù lượn toàn quốc dưới sự hướng dẫn của nhiều chuyên gia đến từ Nhật Bản.
Tổng Thư ký Hội Dù lượn TP Hà Nội cho biết thêm: Dù lượn là môn thể thao mạo hiểm nhưng độ an toàn có thể nói gần như tuyệt đối, vì quá trình bay không cho phép xảy ra sai sót. Dù lượn phù hợp với những người đam mê trải nghiệm, khám phá, chinh phục thử thách. Chúng tôi tin rằng, nếu địa phương dành sự quan tâm nhiều hơn nữa, Hòa Bình sẽ là điểm đến thú vị, hấp dẫn của những người đam mê môn dù lượn, góp phần tạo nên loại hình du lịch thể thao độc đáo. Qua đó không ngừng khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh du lịch, quảng bá, giới thiệu văn hóa, con người Hòa Bình đến với đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế.
Nhật Linh