(HBĐT) - Chúng tôi đến thăm bản Mường Giang Mỗ, xã Bình Thanh (Cao Phong) vào chiều đông nắng nhẹ nhàng. Bản chỉ cách trung tâm thành phố Hòa Bình chừng 15 km, nằm lọt giữa thiên nhiên bao la của đồi núi, khép mình trong những thửa ruộng bậc thang. Những nếp nhà sàn đơn sơ nguyên bản của đồng bào dân tộc ẩn hiện trong màu xanh của cây trái. Đâu đó quanh đây thoang thoảng mùi khói chiều nhẹ bay, nghe sao mà ấm áp trong lòng. Bản Mường Giang Mỗ là điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thiên nhiên, muốn được đắm mình vào cuộc sống êm đềm, bình lặng, nhà nông chân chất của những người dân Mường nơi đây.

 

 

Người dân bản Giang Mỗ, xã Bình Thanh (Cao Phong) luôn cởi mở, trò chuyện với du khách.

 

Nét văn hóa Mường dễ nhận thấy nhất khi đặt chân đến Giang Mỗ là những nếp nhà sàn, tuy đơn sơ mà ấm áp. Với lối kiến trúc đặc trưng, nhà sàn được xây dựng ở nơi có địa thế cao lưng chừng núi. Bao bọc xung quanh là màu vàng của lúa nếp thơm, màu xanh của cây cối. Không gian tĩnh lặng mà yên bình, khiến cho những ai đến đây đều có cảm giác như được thiên nhiên bao bọc, vỗ về. Khác với những gì mọi người hình dung, tuy địa thế nằm ở vùng đồi núi nhưng giao thông vào bản lại thuận tiện, ô tô có thể đi lại dễ dàng. Có thể đây cũng chính là điểm thu hút khách du lịch trong nước, quốc tế đến thăm bản.

 

Con người nơi đây chân chất, cởi mở và hòa đồng. Họ sẵn sàng chia sẻ về cuộc sống hàng ngày, về văn hóa từ những căn nhà sàn, cồng chiêng… dẫn bạn đi thăm xung quanh bản, vừa đi vừa trò chuyện như những người bạn của mình vậy. Bà Đinh Thị Sự, người dân sống ở đầu bản cho biết: Giang Mỗ là nơi cư trú của 145 hộ dân, đều là dân tộc Mường. Cuộc sống nơi đây gắn liền với nương rẫy, hàng ngày hòa mình cùng với nắng sương, những cánh đồng lúa, khoai cứ lớn dần lên dưới bàn tay chăm sóc của họ. Tuy cuộc sống còn khó khăn nhưng người dân Mường nơi đây lại vô cùng hiếu khách. Chỉ cần đặt chân đến thăm, chọn bất kỳ ngôi nhà nào làm điểm dừng chân của mình, bạn sẽ được tiếp đãi nồng nhiệt bằng những “sản vật” họ làm ra như thịt lợn mường, rau đồ, canh rau chuối, cá suối, rượu nếp hương, cơm lam, các loại hoa quả địa phương… được bày biện trang trọng, vừa thể hiện tính hiếu khách, vừa mang đậm bản sắc văn hóa Mường.

 

Từ nhiều năm nay, bản Mường Giang Mỗ đã trở thành điểm du lịch cộng đồng mang lại những trải nghiệm thú vị cho khách du lịch. Du khách đến thăm bản quanh năm nhưng đông nhất là ngày cuối tuần.  Bản Mường Giang Mỗ thực sự hấp dẫn các bạn HSSV và cả những khách du lịch nước ngoài như Singapore, Nhật Bản, Pháp, Thụy Điển…Du khách rất thích tham quan và nghỉ tại đây, ăn thức ăn do bà con nấu. Bởi vậy, ngoài lưu giữ nét truyền thống của ngôi nhà, người dân còn xây thêm công trình phụ sạch sẽ, vệ sinh phục vụ khách du lịch. Ngoài tiếng Mường, tiếng Kinh là ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày, người dân nơi đây biết cả tiếng Pháp, tiếng Anh, giúp cho khách nước ngoài đến tham quan không bị rào cản ngôn ngữ, có thể giao tiếp với người dân tự nhiên nhất. Thông qua đó, người dân có thể giới thiệu về bản sắc quê hương mình một cách trơn tru nhất.

 

Dạo quanh bản, bạn vẫn bắt gặp những dụng cụ lao động sản xuất cổ xưa được người dân sử dụng như cối giã gạo, cối dẫn nước, cày, cuốc, cung, nỏ săn bắn… tất cả đều được làm thủ công bằng gỗ, tre, nứa. Bạn có thể cùng người dân lên nương, làm rẫy, chăm sóc gia súc, trải nghiệm cuộc sống thường nhật, những phong tục, tập quán trong cách sinh hoạt.

 

Tối du khách còn có thể được thưởng thức các chương trình ca múa nhạc do chính người dân nơi đây biểu diễn. Xung quanh ngọn lửa trại, những cô gái Mường xinh xắn trong bộ trang phục dân tộc ngân lên những câu hát, điệu múa mềm mại của dân tộc mình. Những điệu múa sạp nhộn nhịp, hòa lẫn âm thanh rộn ràng của tiếng chiêng, tất cả hiện lên như một bức tranh lễ hội văn hóa đặc trưng của người Mường, khiến người xem hứng thú muốn tham gia.

 

Các sản phẩm thủ công như khăn, mũ, quần áo… được bày bán trước hiên nhà thu hút người tham quan. Bản Giang Mỗ vẫn tồn tại nguyên vẹn nét văn hóa Mường, hòa quyện giữa truyền thống và hiện đại tạo cho du khách ấn tượng khó phai. Với nụ cười luôn thường trực trên môi, sự thân thiện, hiếu khách, nồng nhiệt sẽ làm “phải lòng”, giữ chân du khách khi đến đây.

 

                                                        

 

                                                                      Đồng Hương

 

 

 

 

Các tin khác


Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 24/4, tại Cung Văn hoá tỉnh, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức khai mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố.

Khu 1, thị trấn Cao Phong: Khơi dậy tinh thần đoàn kết xây dựng khu dân cư văn hóa

Từ một khu dân cư (KDC) không có hoạt động gì nổi bật, Khu 1 - thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong đã bứt phá, trở thành điểm sáng thực hiện phong trào xây dựng nhà văn hoá (NVH), KDC văn hoá ở địa phương nhờ khơi dậy được tinh thần đoàn kết, tập hợp sức mạnh toàn dân.

Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục