(HBĐT) - Cùng đoàn công tác của thành phố Hòa Bình, chúng tôi có dịp đến thăm nhà thờ giáo xứ Hòa Bình đúng vào dịp bà con giáo dân hân hoan, phấn khởi chuẩn bị đón chào xuân Đinh Dậu. Người nhanh tay dọn dẹp vệ sinh, người đóng gói bánh kẹo, quà Tết. Các em gái thì tươi tắn luyện tập và chuẩn bị trang phục cho các tiết mục văn nghệ đón chào năm mới. Hòa vào dòng chảy của đời sống văn hóa dân tộc, bà con giáo dân giáo xứ Hòa Bình hân hoan, phấn khởi đón chào năm mới.

 

Theo các tài liệu ghi chép lại thì từ năm 1925, một số giáo dân từ giáo xứ Hà Thao, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) lên lập ngư nghiệp trên sông Đà và định cư tại đây đã bắt đầu khởi nguồn hình thành nên giáo xứ Hòa Bình. Do ảnh hưởng chiến tranh nên sau đó, giáo xứ Hòa Bình trong 56 năm không còn linh mục, không còn giáo dân. Nhà thờ cũng xóa sổ không còn sinh hoạt cộng đoàn. Đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, năm 2000, UBND tỉnh đồng ý cho linh mục Giuse Nguyễn Trung Thoại được vào tỉnh hoạt động mục vụ cho bà con giáo dân việc hiếu, việc hỉ. Cho đến ngày 28/10/2002, UBND tỉnh chính thức đồng ý cho giáo xứ Hòa Bình tổ chức dâng thánh lễ. Năm 2005, UBND tỉnh đồng ý cho xây một nguyện đường trên thửa đất tại tổ 22, phường Đồng Tiến, thành phố Hòa Bình. Đến năm 2007, UBND tỉnh đã cấp cho giáo xứ Hòa Bình 10.000 m2 đất để xây dựng nhà thờ tại phường Đồng Tiến. Sau 18 tháng xây dựng, nhà thờ giáo xứ Hòa Bình đã được hoàn thành với thánh đường dài 55 m, rộng 18 m và 2 tháp cao 44 m cùng quảng trường rộng hơn 6.500 m2.

 

 

Đoàn công tác của tỉnh thăm, tặng quà giáo xứ Ba Cắt, xã Văn Nghĩa (Lạc Sơn) nhân dịp lễ Noel năm 2016. ảnh: Thu Thủy

 

Đưa chúng tôi đi thăm quan cơ sở vật chất nhà thờ, ông Ngô Văn Nhân - Trưởng ban hành giáo, giáo xứ Hòa Bình phấn khởi cho biết: Từ một địa bàn “trắng” tôn giáo, nhờ sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, giáo xứ Hòa Bình dần hồi sinh. Nhà thờ hoàn thành, đi vào hoạt động là nơi tổ chức các Thánh lễ, đại tiệc của giáo xứ. Bà con giáo dân vô cùng phấn khởi, tích cực sống, lao động sản xuất và chung tay xây dựng tỉnh nhà với phương châm “tốt đời, đẹp đạo”.

 

Hiện nay, giáo xứ Hòa Bình thuộc giáo phận Hưng Hóa, có 12 giáo họ với khoảng hơn 2.600 nhân danh, sống rải rác trên địa bàn thành phố Hòa Bình và 5 huyện: Kỳ Sơn, Cao Phong, Tân Lạc, Mai Châu và Đà Bắc. Trong đó, đông nhất là họ Trung Minh được thành lập từ năm 2000 với khoảng hơn 700 nhân danh và họ Phương Lâm thành lập năm 1930 với khoảng hơn 400 nhân danh.

 

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, đồng bào Công giáo dùng dương lịch, có Lễ tạ ơn cuối năm theo dương lịch và đón năm mới theo dương lịch nhưng vẫn gắn bó với văn hóa dân tộc qua cách dùng âm lịch và đón Tết cổ truyền dân tộc. Người Công giáo có cách nhắc lịch Tết âm qua câu tục ngữ “Lễ nến (ngày 2/2), Tết đến sau lưng”.

 

Trò chuyện với chúng tôi, giáo dân Phạm Thị Hồng (phố Ngọc, xã Trung Minh, thành phố Hòa Bình) cho biết: Đã là người Việt thì chúng tôi vẫn luôn coi trọng Tết cổ truyền. Coi đó là thời khắc thiêng liêng mở đầu năm mới. Do đó, người Công giáo cũng nhắc nhau trước ngày Tết đến, công nợ phải lo trả trong năm cũ, mâu thuẫn bất hòa phải được hóa giải trước giao thừa. Ngày Tết, người Công giáo cũng dọn dẹp nhà cửa, sắp xếp bàn thờ, trang trí gia đình, phấn khởi đón Tết theo truyền thống văn hóa cổ truyền.

 

Đặc biệt, sau giao thừa, đồng bào công giáo giáo xứ Hòa Bình thường đến nhà thờ mừng tuổi Đức Mẹ bằng cách dâng hoa, đọc kinh. Sau đó xin “lộc” bằng cách rút một tờ giấy có in “Lời Chúa” mang về và coi như là lời dạy của Chúa đối với mình về cách sống trong cả năm mới. Ngoài ra, ngày nay, theo lịch Phụng vụ của Công giáo thì mồng 1 Tết: cầu bình an cho năm mới; mồng 2: kính nhớ tổ tiên; mồng 3: thánh hóa công ăn việc làm. Nên một số đồng bào Công giáo sẽ đến viếng nghĩa trang, đọc kinh cầu nguyện cho tổ tiên vào ngày mồng 2, mồng 3 Tết.

 

 

                                                              Nguyễn Dương

 

 

 

Các tin khác


Khu 1, thị trấn Cao Phong: Khơi dậy tinh thần đoàn kết xây dựng khu dân cư văn hóa

Từ một khu dân cư (KDC) không có hoạt động gì nổi bật, Khu 1 - thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong đã bứt phá, trở thành điểm sáng thực hiện phong trào xây dựng nhà văn hoá (NVH), KDC văn hoá ở địa phương nhờ khơi dậy được tinh thần đoàn kết, tập hợp sức mạnh toàn dân.

Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục