(HBĐT) - Trong các lễ hội truyền thống, đặc biệt là lễ hội được tổ chức sau Tết Nguyên đán, những món ăn dân gian được trưng bày hoặc bày bán đã trở thành hình ảnh quen thuộc. Có lẽ không quá khi nói rằng, ẩm thực dân gian đang tồn tại và được phát huy trong dòng chảy của lễ hội.


Tại Lễ hội Khai hạ Mường Bi, gian hàng ẩm thực luôn thu hút đông đảo du khách đến thăm quan, thưởng thức.

Nếu muốn tìm hiểu về văn hóa truyền thống của người Mường thì Lễ hội Khai hạ Mường Bi là địa chỉ không thể bỏ qua. Mặc dù không phải là nơi để tìm thấy tất cả những giá trị tinh túy của văn hóa Mường, tuy nhiên, ít nhất chúng ta cũng có thể tìm hiểu về những nét đặc trưng trong ẩm thực truyền thống của họ. Mường Bi là vùng Mường rộng lớn nhất trong bốn Mường ở Hòa Bình. Lễ hội Khai hạ được tổ chức vào ngày mùng 8 tháng giêng hàng năm, thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương đến thăm quan.

Năm nay, tiết trời khô ráo đã tạo điều kiện thuận lợi cho hàng nghìn du khách trẩy hội. Từ khi được phục dựng và tổ chức thường niên, tại lễ hội, mỗi xã, thị trấn trong huyện Tân Lạc đều có một gian hàng trưng bày các sản vật của địa phương. Trong đó những món ăn với cách chế biến mang đậm bản sắc văn hóa của người Mường luôn thu hút du khách.

Ngay lối vào lễ hội, những ống cơm lam, xiên cá nướng và những chõ rau đồ bốc hơi nghi ngút đã gây sự chú ý với du khách. Vào trong khuôn viên tổ chức lễ hội, các món ăn cũng được bày bán, đặc biệt là ở gian hàng của các xã, thị trấn. Năm nay, xã Do Nhân đem đến lễ hội những món ăn truyền thống khá hấp dẫn như món cá dầm xanh nướng, rau đồ với 18 loại khác nhau, cá suối đồ, xôi 7 màu. Để có được những món ăn đặc trưng đem đến lễ hội, người dân xã Do Nhân phải chuẩn bị một tuần trước Tết. Anh Bùi Văn Thông, cán bộ Văn hóa xã Do Nhân chia sẻ: "Tại Lễ hội Khai hạ Mường Bi, mỗi xã, thị trấn có một gian hàng. Tại đây, chúng tôi trưng bày, giới thiệu các sản phẩm truyền thống, sản vật của địa phương, đặc biệt là các món ăn truyền thống của dân tộc Mường”.

Với người Mường, xưa kia, cách chế biến món ăn đặc trưng nhất là đồ chín (như đồ xôi) hoặc nướng chín. Về hương vị, từ xa xưa, người Mường đã thích ăn những loại rau rừng có vị đắng hay chế biến các món thịt với măng chua, lá lồm. Những món ăn đặc trưng đó cũng dễ dàng được tìm thấy ở Lễ hội Khai hạ Mường Bi. Theo quan sát, hầu hết các gian hàng đều trưng bày, giới thiệu và chào bán cá suối ốt măng chua (cá bọc trong lá chuối được đồ chín), cá suối nướng, thịt gà xào măng chua, hạt dổi hay là món rau thập cẩm, cơm lam. Ngoài ra, nhiều sản vật của người vùng cao, vùng sâu cũng được bà con chào bán ở lễ hội như: ếch, nhái, sóc, chuột, dúi.

Sau buổi sáng trẩy hội, buổi trưa là thời điểm các quán ăn nhộn nhịp du khách. Ở xóm Lũy, xã Phong Phú – nơi tổ chức Lễ hội Khai hạ Mường Bi có những dãy tre cổ thụ, dưới tán tre là không gian để du khách nghỉ ngơi, thưởng thức các món ăn mang đậm bản sắc của người Mường. Ngày nay, trong bữa cơm của người Mường, những món ăn truyền thống không còn là chủ đạo, phần vì sự thay đổi của thời đại, phần vì những người trẻ không còn lưu giữ được. Do đó, có thể nói, trong dòng chảy của lễ hội, ẩm thực dân gian của người Mường đang được bảo tồn, lưu giữ và cần được chú trọng, phát huy hơn nữa.

Viết Đào


Các tin khác


Xã Dân Hạ sôi nổi phong trào văn nghệ quần chúng

(HBĐT) - Phong trào văn nghệ quần chúng trên địa bàn xã Dân Hạ (Kỳ Sơn) thu hút sự tham gia của đông đảo nhân dân. Văn nghệ quần chúng đáp ứng nhu cầu giải trí, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới.

Năm 2019, phấn đấu đón 3 triệu lượt khách du lịch

(HBĐT) -Ban chỉ đạo du lịch tỉnh vừa ban hành Kế hoạch phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2019. Kế hoạch nhằm mục tiêu thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về du lịch; triển khai có hiệu quả các nghị quyết, chương trình hành động, quy hoạch, kế hoạch, đề án phát triển du lịch. Phấn đấu năm 2019, Hòa Bình đón được 3 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế 403 nghìn lượt người. Thu nhập từ du lịch đạt 2.000 tỷ đồng.

Ngày thơ hướng về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc

Với chủ đề "Sông núi trên vai,” Ngày thơ Việt Nam lần thứ 17 - Xuân Kỷ Hợi đã chính thức khai mạc sáng nay (17/2) tại Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội).

Khánh thành đình Quèn Thị giai đoạn 1

(HBĐT) - Ngày 16/2, UBND xã Cao Dương, huyện Lương Sơn tổ chức khánh thành đình làng Quèn Thị giai đoạn 1 và tổ chức lễ hội. Đến dự có đại diện lãnh đạo Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lương Sơn và các ban, ngành, đoàn thể tỉnh, huyện.

Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XVII năm 2019 tại huyện Lương Sơn

(HBĐT) - Ngày 16/2 (tức 12, tháng giêng âm lịch), tại Trung Tâm Văn hóa huyện Lương Sơn, Hội Văn học - nghệ thuật tỉnh phối hợp với UBND huyện Lương Sơn tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII năm 2019, với chủ đề " Hướng về biên cương Tổ quốc”.

Lễ hội đình Thượng xã Yên Trị

(HBĐT) - Ngày 16/2 (tức 12 tháng giêng), tại xóm Tân Thành, xã Yên Trị (Yên Thủy) đã tổ chức lễ hội đình Thượng năm 2019.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục