(HBĐT) - Theo số liệu của Sở VH-TT&DL, toàn tỉnh hiện có 2.134 lao động trực tiếp và 986 lao động gián tiếp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh du lịch và hoạt động du lịch. Trong đó, lao động có trình độ đại học và trên đại học chiếm 8,9%; lao động có trình độ cao đẳng, trung cấp và sơ cấp chiếm 45,1%; lao động phổ thông chiếm 46%.
Nguồn nhân lực du lịch của huyện Mai Châu được đào tạo đáp ứng nhu cầu của du khách (Ảnh: Nhân viên khu nghỉ dưỡng Mai Châu Ecolodge giao lưu với du khách)
Với mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, trong đó xác định yếu tố con người đóng vai trò đặc biệt quan trọng, trong những năm gần đây, công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch đã được ngành Du lịch quan tâm chú trọng. Tập trung đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề cho các đối tượng là cán bộ quản lý và nhân lực hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Hàng năm, Sở VH-TT&DL phối hợp với các trường chuyên nghiệp tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ về du lịch, kỹ năng kinh doanh lưu trú tại nhà dân; nghiệp vụ thuyết minh viên du lịch; nghiệp vụ lễ tân, buồng, bàn, bar, quản lý cơ sở lưu trú; nghiệp vụ du lịch cho lái xe ô tô, lái tàu, thuyền, nhân viên trên phương tiện ô tô, tàu thuyền phục vụ khách du lịch… Năm 2018, Sở VH-TT&DL đã phối hợp mở 7 lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho gần 500 lượt người là cán bộ quản lý và người hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh. 6 tháng đầu năm nay, Sở phối hợp mở 6 lớp tập huấn và bồi dưỡng nguồn nhân lực cho gần 200 người, trong đó tập trung vào các lĩnh vực đào tạo kỹ năng nghề cho mô hình du lịch cộng đồng; kỹ năng quảng bá thương hiệu và xây dựng văn hóa trong hoạt động kinh doanh du lịch…
Đồng chí Đỗ Lê Phương, Phó trưởng Phòng Nghiệp vụ du lịch (Sở VH-TT&DL) cho biết: Hiện nay, toàn tỉnh có 9 điểm du lịch địa phương đã được UBND tỉnh có quyết định công nhận điểm du lịch cấp tỉnh; 7 công ty lữ hành nội địa, chi nhánh văn phòng đại diện hoạt động trên địa bàn tỉnh; 412 cơ sở lưu trú đã được thẩm định, trong đó có 6 khách sạn 3 sao, 23 khách sạn 2 sao, 8 khách sạn 1 sao, 233 nhà nghỉ, 142 nhà sàn du lịch cộng đồng. Thời gian qua, công tác đào tạo nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực du lịch đã được tỉnh quan tâm mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho hàng trăm lượt người. Tuy nhiên, nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực du lịch hiện nay còn ở trình độ thấp, đa số chưa được đào tạo cơ bản, chủ yếu mới qua tập huấn và bồi dưỡng ngắn hạn. Lực lượng lao động có chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề cao chưa nhiều, tính chuyên nghiệp còn hạn chế, đặc biệt yếu về trình độ ngoại ngữ và công nghệ thông tin. Đây là vấn đề cần sớm khắc phục để đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch hiện nay, khi lượng du khách trong nước và quốc tế đến thăm quan du lịch ngày càng lớn. Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đón trên 2 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế trên 180.000 lượt khách, khách nội địa trên 1,8 triệu lượt khách.
Hiện, UBND tỉnh chỉ đạo Sở VH-TT&DL chủ động phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan xây dựng đề án cơ cấu lại ngành Du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn và đề án phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Theo đề án phát triển du lịch tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, mục tiêu đến năm 2020, du lịch tỉnh đón 3,2 triệu lượt khách, tạo việc làm cho 14.000 lao động, trong đó có 4.888 lao động trực tiếp có chuyên môn nghiệp vụ về du lịch. Do đó, việc đào tạo, nâng cao nguồn nhân lực du lịch là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh.
Hồng Ngọc
Từ hơn 400 năm trước, tranh làng Sình (nay thuộc thôn Lại Ân, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) đã xuất hiện và được sử dụng phổ biến. Là một nhân chứng cho nét văn hóa đặc sắc có bề dày lịch sử lâu đời trên mảnh đất Cố đô, tranh làng Sình nay vẫn tồn tại và đang được giữ gìn dù đi qua bao nhiêu thăng trầm của thời gian.
(HBĐT) - Vẫn những con người cũ, công việc thường niên: tuyên truyền, cổ động, triển lãm, hướng dẫn nghiệp vụ phát triển phong trào văn nghệ quần chúng, chiếu phim phục vụ các nhiệm vụ chính trị của địa phương và nhân dân nhưng Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh đã có sự đổi mới để nâng cao hiệu quả hoạt động.
(HBĐT) - Huyện Lạc Sơn đang sở hữu nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Trong thời gian qua, huyện bảo tồn được nhiều hang động mang giá trị khảo cổ của người Mường cổ như: Mái đá làng Vành (di tích khảo cổ học cấp quốc gia), nằm ở chân núi Trắng thuộc địa phận làng Vành, xã Yên Phú; hang Khụ Dúng (di tích xếp hạng cấp tỉnh) ở xóm Vó, xã Nhân Nghĩa; khôi phục và lưu giữ các lễ hội truyền thống của người Mường như lễ hội Chiêng Mường, lễ hội xuống đồng đu Vôi… và bảo vệ, tôn tạo các danh thắng để phát triển du lịch.
(HBĐT) - Ngày nay, khi xã hội càng phát triển, khoảng cách về thế hệ trong các gia đình ngày một lớn hơn. Để thu hẹp được khoảng cách thế hệ này, Bộ VH-TT&DL đã có Quyết định số 4843/QĐ-BVHTTDL ban hành thí điểm "Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” nhằm xây dựng một hệ thống chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa trong mỗi gia đình Việt Nam, nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi thành viên, đẩy mạnh giáo dục, đạo đức, lối sống trong gia đình. Qua đó, ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội, khắc phục các vấn nạn trong hôn nhân, gia đình đang có xu hướng gia tăng. Trong quý II/2019, Sở VH-TT&DL đã thực hiện giới thiệu Bộ tiêu chí trên cho cán bộ làm công tác gia đình trên địa bàn toàn tỉnh.
Trong guồng quay của cuộc sống hiện đại, cũng như những loại hình sân khấu truyền thống khác, cải lương luôn phải đối mặt nguy cơ bị lạc nhịp. Song với quyết tâm đi tìm sức sống mới cho sân khấu cải lương, nhiều đơn vị nghệ thuật đã không ngừng nỗ lực sáng tạo để đưa loại hình nghệ thuật truyền thống này đến gần hơn với công chúng.
(HBĐT) - Ngày 25/6, UBND thành phố Hòa Bình đã tổ chức Hội thi hòa giải viên giỏi năm 2019. Tham gia hội thi có 15 đội đến từ các đơn vị xã, phường trên địa bàn thành phố.