(HBĐT) - Đầu xuân năm mới, những giọt sương mai long lanh đậu trên những lộc xanh mới nhú, nhâm nhi chén trà xuân mỗi người tự dành cho mình chút thư thả sau một năm bươn trải vì cuộc sống. Có lẽ mọi người nghĩ đến tương lai, song nghĩ về quá khứ cũng là cách hay để cùng hướng tới tương lai. Cứ tuần tự sau 12 tuần trăng người Việt – Mường lại đón xuân mới, kết thúc một chu kỳ sản xuất đã qua, bắt đầu một chu kỳ sản xuất mới. Để biết được điều này, người xưa đã căn cứ vào quy luật của tự nhiên để làm ra lịch. Với người Mường, lịch Khao Roi là một di sản văn hóa kết tinh tri thức dân gian bản địa phục vụ cho cuộc sống sinh tồn trước đây cũng như canh tác nông nghiệp cho đến ngày nay.


Nghệ nhân Bùi Huy Vọng trao đổi về lịch Roi của người Mường.

Hiện nay, trong người Mường, việc sử dụng Quốc lịch là phổ biến, song vẫn còn những nghệ nhân, những tri thức dân gian vẫn còn lưu giữ những bộ lịch cổ và họ vẫn ứng dụng hàng ngày phục vụ trong đời sống người Mường. Cơ bản có 2 bộ lịch chính, đó là lịch Khaw Roi - Sao Roi (có nơi gọi là Kheéch Roi hay Kheéch Đoi - Sách Roi ) được khắc ghi trên 12 thanh tre và lịch Bắt trừ đốt trên bàn tay trái, người Mường gọi là: Bắt trư̒ Dả Ro̒ - Dịch sang tiếng phổ thông có ngĩa là: Học theo ông Rùa (Dá Ro̒) bấm đốt ngón tay tính việc lành dữ, gọi là lịch Rùa. Hai bộ lịch này có những mối tương quan song tương đối độc lập, trong khuôn khổ bài viết này cơ bản khảo sát bộ lịch Khaw Roi - Sao Roi.

 

Chưa ai biết lịch Khao Roi ra đời từ bao giờ, chỉ biết rằng từ hàng nghìn năm trước, người Hán ở phương Bắc đã sử dụng các thanh tre để khắc, ghi các biểu tượng sau này là chữ viết phục vụ cho đời sống của mình. Với người Mường họ sử dụng các thanh tre để khắc ghi lại ngày, tháng, các hình vẽ, biểu tượng… thể hiện các nội hàm về săn bắt, đánh cá, hao mòn hay mưa bão… đó chính là lịch Khao Roi còn tồn tại và được sử dụng cho đến ngày nay.

Tại sao gọi là lịch Khao Roi, vì bộ lịch này dựa trên quy luật vận động của mặt trăng và sao Roi để làm căn cứ tính ra ngày tháng. Với chuẩn là Khảng Chiêng - tháng Giêng theo lịch Mường Bi, tức là tháng 10 theo âm lịch, tháng này đúng vào ngày rằm 4 lôồng (tức 15 tháng 10 âm lịch), sao quỹ đạo sao Roi giao hội với quỹ đạo mặt trăng. Từ Khao Roi trong tiếng Mường chỉ sao Tua Rua là tên gọi dân dã của trong tiếng Việt, tròn bản đồ thiên văn nó là cụm sao phân tán M45 (Pleiades) trong chòm Kim Ngưu (Taurus), ở Việt Nam thường thấy được vào lúc sáng sớm đầu tháng 6 dương lịch. Sang tháng 9, tháng 10 âm lịch Tua Rua mọc lúc chập tối từ chân trời phía đông.

Nhìn bằng mắt thường, Tua Rua là một đám nhỏ gồm nhiều sao lờ mờ, rất dễ nhận thấy. Tua Rua còn được nông dân đồng bằng Bắc Bộ gọi là Sao Mạ vì xuất hiện trên bầu trời vào thời vụ gieo mạ lúa mùa chính vụ.

Người Mường sáng tạo ra lịch thẻ tre chính là sử dụng tên cụm sao này đặt tên cho lịch.

Ngày Roi (Đoi) chính là ngày sao Roi giao hội với mặt trăng, mỗi một tháng có một lần.



Các thanh lịch có thể dài hay ngắn tùy theo ý của người làm ra nó. Một thanh lịch là 1 tháng, sống lịch thể hiện các ngày, mặt lịch thể hiện các ký hiệu biểu thị một số quy luật trong tự nhiên.

Tại sao lại hiện nay trong người Mường vấn còn sử dụng lịch cổ Khao Roi. Qua điều tra, tìm hiểu, được Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Bùi Văn Lựng ở xóm Chiềng Lầm, xã Phong Phú (Tân Lạc); NNƯT Bùi Văn Minh ở xóm Mận, xã Văn Sơn (Lạc Sơn) cho biết: Việc tính ngày, giờ tốt cho người Mường như: Làm nhà mới, cưới xin, giờ trong tang ma như: Nhập quan, hạ huyệt... đều phải sử dụng lịch cổ mới tính được. Quan điểm này cũng đồng nhất của rất nhiều người biết tính lịch cổ trong người Mường.

Qua điều tra chưa đầy đủ, chủ yếu ở khu vực Mường Bi cổ thuộc huyện Tân Lạc và vùng Mường Vang cổ, nay thuộc huyện Lạc Sơn. Đây là hai trung tâm văn hóa Mường lớn trong tỉnh Hòa Bình, hiện còn khoảng 30 bộ lịch Roi còn được lưu giữ và sử dụng trong Nhân dân.

Lịch Roi là những thanh tre nhỏ rộng khoảng 2 -3 cm, dài khoảng 20 - 30 cm, được người Mường xưa chế tác sơ bộ sử dụng để khắc các khấc, vạch, chấm gọi chung là các ký hiệu, biểu tượng... nhằm biểu thị ngày, tháng và các hiện tượng, quy luật trong tự nhiên nhằm phục vụ đời sống con người.

Cơ sở thực tiễn của lịch Khao Roi cơ bản dựa trên quy luật vận động của mặt trăng và Khao Roi, mặt trời, song cũng còn dựa trên quy luật, nhịp sinh học của con người, của một số loài vật để làm ra lịch.

Trong một ngày bình thường mặt trời mọc thì nên ban ngày, mặt trời lặn, không gian tối lại thì nên ban đêm. Tuy nhiên, có những ngày tự dưng gió mạnh hơn, mưa to dữ dội hơn, trên sông suối cá đi nhiều hơn, ban đêm mặt trăng đi qua sao Roi... người Mường coi đó là những hiện tượng, những yếu tố có thể xảy ra chi phối trong ngày. Các yếu tố đó được khắc thành các ký hiệu thể hiên trên lịch Khao Roi.

Một bộ lịch Roi có 12 thẻ tre, mỗi một thẻ đại diện cho 1 tháng theo tuần trăng khuyết - tròn - khuyết, có 30 ngày được thể hiện bằng 30 khấc trên sống lịch. Trên mặt lịch (có 2 mặt) được khắc các hình vẽ thẳng theo khấc ngày, các hình vẽ mang tính biểu tượng như: Ngay Sao Roi, ngày Cá đi, ngày Lỗ, ngày Hao… Ví dụ, tháng 2, vào ngày 3 lôồng - tức ngày 13 theo lịch Mường (ngày 14 âm lịch), có hình biểu tượng chữ V, đó là hình vẽ đuôi cá, tức là ngày Cá, ngày này đi đánh cá có thể may mắn đánh được nhiều cá. Hay thẳng khấc nào đó có tạo hình một vạch thẳng, ký hiệu đó chỉ ngày Hao, ngày này dựng nhà, đi buôn… đều không tốt, vì nó chỉ sự hao mòn…

Trên lịch Roi có 8 biểu tượng đơn chỉ các ngày như: Ngă̒i Lô - Ngày Lỗ, Ngă̒i Haw - ngày Hao, Ngă̒i Kả - Ngày Cá - Ngày Cá đi, Ngă̒i Khaw Roi (Doi) - ngày Sao Roi (Tua Rua), Ngă̒i Mươ Pa̭w -ngày Mưa bão, Ngă̒i Khwang Ka̭c - ngày Khoang Cạc, Ngă̒i Roi baw - ngày Roi vào, Ngă̒i Roi tha - ngày Roi ra. Nếu các ngày có 2 hay 3 biểu tượng lồng nhau, thì ngày đó có các yếu tố đó chi phối. Ví dụ ngày Hao có 1 vạch song trên đầu vạch có 1 lỗ nhỏ, thì đó là ngày vừa Hao, vừa Lỗ (lỗ chỉ sự nguy hiểm, hao mòn), đó là ngày rất xấu không nên làm các việc to lớn như: Làm nhà mới, cưới hỏi…

Như vậy có thể thấy lịch Khao Roi của người Mường vừa chỉ lịch tiết (Mưa bão). Vừa chỉ ra được quy luật đi lại của động vật như ngày Khoang Cạc, ngày Cá… để người xưa biết ngày đi săn bắn… Có thể thấy bộ lịch Khao Roi của người Mường có tính ứng dụng cao trong địa vực người Mường sinh sống, phục vụ cho việc làm mùa, đi sắn bắn hay làm các công việc quan trọng. Nhờ đó mà nó còn được người Mường sử dụng cho đến ngày nay.

Có thể nói lịch Khao Roi là kết tinh tri thức dân gian của người Mường, nó có giá trị ứng dụng rất cao trong đời sống người Mường. Đây là vấn đề khoa học chưa được giải mã đầy đủ. Mong rằng sau này các nhà nghiên cứu sẽ giải mã, làm rõ hơn giá trị độc đáo của lịch Khao Roi của người Mường. Từ đó giúp tìm hiểu sâu hơn về văn hóa Mường nói riêng, Văn hóa Việt Nam nói chung.

 

Bùi Huy Vọng 

Nghệ nhân văn hóa dân gian


Các tin khác


Đón đọc Báo Hòa Bình Xuân Tân Sửu 2021

(HBĐT) - Mừng đất nước đổi mới, mừng Đảng quang vinh, mừng xuân mới, Báo Hòa Bình xuất bản ấn phẩm đặc biệt Xuân Tân Sửu 2021.

Dừng tổ chức Lễ hội Khai ấn đền Trần và Chợ Viềng Xuân 2021

Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định đã có công văn đồng ý dừng tổ chức lễ hội khai ấn đền Trần (phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định) theo đề nghị của Ủy ban Nhân dân thành phố Nam Định, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Y tế để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu và mùa lễ hội Xuân năm 2021.

Linh thiêng chùa Đồng Yên Tử

(HBĐT) - Chùa Đồng là địa điểm nổi tiếng nhất trong quần thể di tích danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh), là đích đến của mọi tăng ni, phật tử, du khách thập phương khi hành hương về đất thiêng Yên Tử. Theo quan niệm của các tăng ni, phật tử, chùa Đồng là nơi con người có thể cầu viện được "sinh lực vũ trụ” cho mọi mặt cuộc đời.

Chợ quê Hợp Thịnh ngày giáp Tết

(HBĐT) - Xã Phú Minh và Hợp Thịnh (huyện Kỳ Sơn cũ) đã "về chung một nhà” với tên gọi mới là xã Thịnh Minh (TP Hòa Bình). Nhưng chợ trung tâm xã mọi người vẫn quen gọi là chợ Hợp Thịnh. Cứ thứ Ba và thứ Bảy hàng tuần, chợ họp rôm rả. Đây cũng chính là chợ trung tâm của khu vực xã Thịnh Minh, Hợp Thành, hay còn gọi là cụm xã Phú Cường. Phiên ngày thứ Bảy đông hơn phiên ngày thứ Ba. Vì chợ bán nhiều nông sản quê ngon và sạch, giá cả hợp lý nên phiên ngày thứ Bảy có đông người dân từ các xã lân cận như Quang Tiến, Mông Hóa, phường Kỳ Sơn, thậm chí cả ở Phương Lâm, Đồng Tiến - các phường trung tâm TP Hòa Bình tìm đến mua rau, củ, quả, quà bánh.

Tạm dừng lễ khai mạc Hội Báo xuân Tân Sửu - Hòa Bình 2021

(HBĐT) - Thực hiện hướng dẫn của Hội Nhà báo Việt Nam; chỉ đạo của UBND tỉnh về việc tổ chức Hội Báo xuân Tân Sửu-2021, Hội Nhà báo tỉnh đã phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông chuẩn bị các điều kiện để tổ chức Hội Báo xuân Tân Sửu – Hòa Bình 2021.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục