Nhiều tác phẩm của cố họa sĩ tài danh Phan Kế An, bao gồm cả những bức vẽ chưa từng được công bố, đang được trưng bày trong triển lãm "Phan Kế An-Kho tàng ẩn giấu”, diễn ra đến ngày 16/4 tại Viện Pháp L’Espace (24 Tràng Tiền, Hà Nội).
Khách tham quan tại triển lãm "Phan Kế An-Kho tàng ẩn giấu”.
Với nhiều nỗ lực bảo tồn và kế thừa di sản, những người thực hiện dự án đã mang đến công chúng yêu hội họa cơ hội tiếp cận chuyện nghề, chuyện đời của một trong những họa sĩ thời kỳ mỹ thuật Đông Dương nổi tiếng.
Ý tưởng tập hợp và giới thiệu những tác phẩm quý và hầu như rất ít người biết của họa sĩ Phan Kế An do một nhóm họa sĩ, nghệ sĩ trẻ khởi xướng, với sự đồng thuận của gia đình ông cùng sự hỗ trợ từ Viện Pháp tại Hà Nội, Hanoi Grapevine, cộng đồng Mê Tranh… Di sản nghệ thuật của cố họa sĩ Phan Kế An bao gồm các tác phẩm hội họa nhiều chất liệu, ký họa văn nghệ sĩ, danh nhân nửa cuối thế kỷ 20, cùng các tác phẩm khi ông học tập và nghiên cứu tại Viện Hàn lâm Mỹ thuật Repin (Liên Xô cũ)... được người thân của ông bảo quản, lưu giữ tại gia. Giám tuyển-họa sĩ Vũ Đỗ (The Painter’s Studio) cùng các cộng sự của mình đã chọn lựa, phục chế nếu có thể và đưa ra những diễn giải rất chi tiết, hệ thống cho người xem tìm hiểu. Trong khuôn khổ triển lãm, tọa đàm cùng tên cũng thu hút khá đông khách tham quan trực tiếp và theo dõi trực tuyến, chia sẻ nhiều câu chuyện thú vị về cố họa sĩ Phan Kế An và góc nhìn mới mẻ trong tiếp cận, bảo tồn di sản.
Họa sĩ Phan Kế An (1923-2018), còn được biết tới với bút danh "Phan Kích” khi chuyên vẽ biếm họa thời kháng chiến, đăng trên Báo Sự thật, Báo Nhân Dân, Báo Quân đội nhân dân... Phan Kế An là một trong những hội viên đầu tiên của Hội Mỹ thuật Việt Nam, được công chúng biết tới bởi tài năng sáng tác ở nhiều thể loại cũng như sử dụng thành thục các loại chất liệu khác nhau như sơn mài, sơn dầu, lụa, điêu khắc trên gỗ... Ông cũng được đánh giá cao với những cống hiến trong sáng tạo gam mầu, nổi bật là tìm ra mầu xám xanh và xanh chàm trong sơn mài. Nhiều tác phẩm gắn liền với tên tuổi cố họa sĩ có đề tài đời sống cách mạng, sinh hoạt của các dân tộc vùng núi, trung du, được ông thể hiện rất độc đáo, có hồn. Có thể kể đến "Những đồi cọ”, "Bác Hồ làm việc tại lán Nà Lừa”, "Hà Nội tháng 12 năm 1972”, "Cánh đồng bản Bắc”, "Gác chuông”, "Bụi nứa miền xuôi”... Kiệt tác "Nhớ một chiều Tây Bắc” (1950) của ông được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, và là nguồn cảm hứng cho bài thơ "Thả chiều vào tranh” của nhà thơ Đoàn Việt Bắc, nhạc sĩ Vũ Thanh đã phổ nhạc. Trong hơn 70 năm sáng tác, họa sĩ Phan Kế An từng được trao những giải thưởng lớn như Giải nhất tranh đả kích Triển lãm Hội họa năm 1951; Giải thưởng Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc các năm 1955, 1958 và 1985; Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2001... Đặc biệt, bức "Gác chuông chùa trăm gian” của ông từng được giới thiệu trang trọng tại Viện bảo tàng nổi tiếng Hermitage (Nga).
Nhắc đến Phan Kế An là nhắc đến một trong những cây đại thụ của nền mỹ thuật Việt Nam. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rằng ông thuộc lớp họa sĩ đầu tiên tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, từng được Bác Hồ trực tiếp "tổ chức” triển lãm cá nhân đầu tiên tại Chiến khu Việt Bắc. Năm 1948, sau thời gian học tập tại Trường Mỹ thuật Đông Dương (tiền thân của Đại học Mỹ thuật Việt Nam), họa sĩ trẻ khi ấy 25 tuổi nhận nhiệm vụ quan trọng từ Tổng Bí thư Trường Chinh: Đi vẽ Bác Hồ ở Việt Bắc. Thực hiện nhiệm vụ được giao, họa sĩ được sống gần lãnh tụ trong khoảng hai tuần để ký họa Người trong nhiều khoảnh khắc như khi đang làm việc, lao động, cho đến lúc nghỉ ngơi, làm thơ... Sau đó, Bác Hồ đã cho treo các bức tranh của họa sĩ Phan Kế An bằng kẹp trên dây kiểu "dã chiến”, và mời mọi người đến xem. Triển lãm cá nhân đầu đời của ông diễn ra thân mật và đầy tự hào. Khoảng 20 bức ký họa Chủ tịch Hồ Chí Minh do họa sĩ Phan Kế An vẽ đã trở thành một nguồn tư liệu quý báu, không chỉ mang ý nghĩa về mặt lịch sử mà còn cả giá trị nghệ thuật đặc sắc.
Bà Phan Mai Thanh Thúy, con gái cố họa sĩ Phan Kế An, đại diện gia đình cho biết trước đây cha bà từng tham gia nhiều triển lãm chung. Tuy nhiên, gia đình không có khả năng tổ chức triển lãm cá nhân của ông, đồng thời cũng không có đủ tranh để trưng bày vì nhiều tác phẩm thuộc về các nhà sưu tầm. Phải đến tận hôm nay, triển lãm cá nhân thứ hai của họa sĩ Phan Kế An mới diễn ra nhờ mối duyên với họa sĩ trẻ nhiệt huyết Vũ Đỗ và sự chung tay của nhiều gương mặt trong giới mỹ thuật. Họa sĩ Vũ Đỗ chia sẻ về những tác phẩm mà anh xem như một "kho tàng”: "Điểm đặc biệt của triển lãm lần này là những tác phẩm được trưng bày tại đây chưa từng được công bố trong những tư liệu được tìm thấy ở tư gia của nghệ sĩ và là những tác phẩm dang dở, chưa hoàn thiện, nhưng không vì thế mà mất đi giá trị. Bản thân chúng là nhân chứng của lịch sử, chứa đựng câu chuyện, kỷ niệm riêng của người họa sĩ. Những bức tranh này phản ánh quá trình làm việc, những trăn trở, suy nghĩ, thậm chí cả những thất vọng trong hành trình sáng tác gian khổ của ông, đồng thời hé lộ nhiều manh mối, câu chuyện về cuộc đời sáng tác của họa sĩ. Đặc biệt, tất cả đều có giá trị về mặt nghệ thuật với sức rung cảm và gây ấn tượng mạnh mẽ, cho thấy sự sáng tạo và thể nghiệm không ngừng của một cây đa, cây đề trong giới hội họa”.
Về quá trình bảo tồn những sáng tác của họa sĩ Phan Kế An, Vũ Đỗ cũng nói thêm rằng cần tới sự tham vấn của rất nhiều chuyên gia. Mỗi người chuyên về một mảng riêng như giấy, lụa, sơn dầu, sơn mài. Với một số hiện trạng phức tạp của tranh như bị đinh của khung gỗ chọc vào, khung tranh cong vênh, tranh lụa hút hơi ẩm bị co rút... Vũ Đỗ đã phải kêu gọi sự hỗ trợ của nhiều đồng nghiệp, trong đó có Mê Tranh - một diễn đàn của người yêu nghệ thuật hoạt động sôi nổi hiện nay với hơn 100 nghìn thành viên. Tuy không dễ dàng, triển lãm vẫn được tổ chức thành công, thu hút sự chú ý của cộng đồng yêu nghệ thuật và cũng đề cập đến một vấn đề đáng quan tâm: Đó là việc lưu trữ, phát huy, lan tỏa những di sản nghệ thuật có giá trị đến với các thế hệ sau.
"Phải có quá khứ, hiện tại thì mới có tương lai. Mọi thứ sẽ mang tính kế thừa. Hy vọng triển lãm này sẽ là thí dụ đầu tiên về cách cư xử và tiếp cận, kế thừa di sản nghệ thuật. Còn nhiều gia đình nghệ sĩ khác họ cũng đang đau đáu với di sản như thế này, biết đâu chúng ta có thể kết nối”, họa sĩ Vũ Đỗ bày tỏ khi giới thiệu các tác phẩm của cố họa sĩ Phan Kế An tới công chúng.
Theo Nhandan.com.vn
Nhạc sĩ Hồng Ðăng tên thật là Phan Hồng Ðăng, sinh ngày 1 tháng 1 năm 1936 tại huyện Yên Thành (Nghệ An), nguyên Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Âm nhạc. "Cha đẻ" của những ca khúc nổi tiếng như "Hoa sữa", "Biển hát chiều nay", "Kỷ niệm thành phố tuổi thơ"... đã ra đi lúc 5 giờ 57 phút ngày 21/3/2022 tại Bệnh viện Hữu Nghị, để lại nhiều tiếc nuối trong lòng bạn bè, công chúng mến mộ.
(HBĐT) - Sáng 23/3, UBND huyện Lương Sơn tổ chức lễ khởi công xây dựng đình Cời, xã Tân Vinh.
(HBĐT) - Ngày 21/3, tại trường TH&THCS Pà Cò, huyện Mai Châu, Hội đồng Đội tỉnh tổ chức ngày hội thiếu nhi vui khỏe tiến bước lên Đoàn và phát động phong trào thi đua chào mừng Đại hội Đoàn các cấp, tiến tới Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII; kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và hướng tới kỷ niệm 81 năm ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh. Tham dự ngày hội có đại diện lãnh đạo Ban Dân Vận Tỉnh ủy, Tỉnh Đoàn, huyện Mai Châu.
Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ-cây đại thụ của Điện ảnh cách mạng Việt Nam đã nhẹ nhàng về với tổ tiên ở tuổi 90. Ông ra đi, để lại một sự nghiệp đồ sộ, ghi dấu những đóng góp đặc biệt trong trang sử vàng của Điện ảnh Việt Nam.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 579/QÐ-BVHTTDL tổ chức Cuộc thi và Triển lãm Ảnh nghệ thuật Việt Nam năm 2022.
Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội (HANIFF) lần thứ VI dự kiến sẽ được tổ chức vào giai đoạn cuối năm 2022.