(HBĐT) - Sau một thời gian chuẩn bị, câu lạc bộ (CLB) bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hoá mo Mường huyện Tân Lạc được thành lập, chính thức ra mắt vào đầu tháng 4/2022, tập hợp 26 thành viên đến từ các xã: Phong Phú, Mỹ Hòa, Đông Lai, Thanh Hối, Nhân Mỹ, Tử Nê, Lỗ Sơn, Quyết Chiến, Vân Sơn, Phú Cường, Ngọc Mỹ, Suối Hoa và thị trấn Mãn Đức. CLB có nhiệm vụ sưu tầm, bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hoá mo Mường, lưu giữ các bài mo cổ, ghi chép sổ sách truyền dạy cho thế hệ trẻ.
Nghệ nhân Đinh Công Tỉnh, xã Mỹ Hòa (Tân Lạc) diễn xướng trích đoạn mo Mường "Vườn hoa núi Cối”.
Đồng chí Đinh Sơn Tùng, Trưởng phòng VH-TT huyện cho biết: Nhằm tạo điều kiện để các thầy mo được học tập, trao đổi, lưu giữ và phát huy những giá trị mo Mường nói chung, mo Mường Bi nói riêng, huyện chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thành lập các CLB. Toàn huyện có 7 CLB mo Mường, trong đó, 6 CLB cấp xã. Các CLB xây dựng quy chế hoạt động, thường xuyên sinh hoạt và phát huy hiệu quả, nghiêm túc chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Theo thống kê, toàn huyện có khoảng 180 thầy mo chính đang hành nghề. Trong đó, 41 thầy mo là người cao tuổi (trên 70 tuổi), nắm giữ nhiều kiến thức, kinh nghiệm và giá trị nhân văn của mo Mường. Số còn lại là thầy mo mới vào nghề, chỉ thực hành những nghi thức mo đơn giản. Qua rà soát đã tập hợp, thống kê được rất nhiều công cụ, đồ nghề của các thầy mo. Công tác lập hồ sơ đề nghị công nhận nghệ nhân ưu tú được quan tâm. Các cấp có thẩm quyền đã công nhận 3 nghệ nhân ưu tú mo Mường, 1 nghệ nhân được tặng kỷ niệm chương vì sự nghiệp văn hoá, thể thao và du lịch, 6 thầy mo đang chờ cấp thẩm quyền công nhận nghệ nhân ưu tú. Đặc biệt, các thầy mo trên địa bàn luôn có ý thức lưu giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá mo Mường, thường xuyên trao đổi thông tin, giới thiệu, truyền dạy các bài mo, dòng mo, thực hiện các nghi lễ của mo Mường trong nghi lễ mo ma theo quy ước của các khu dân cư, không trái với quy định của pháp luật.
Đồng chí Đinh Anh Tuấn, Bí thư Huyện uỷ trăn trở: Quá trình hội nhập quốc tế, nền kinh tế thị trường đã tác động đến không gian văn hoá truyền thống, các ngành nghề thủ công, phong tục tập quán, nhất là sự biến đổi, mai một của di sản văn hoá mo Mường. Đa số đời sống của các nghệ nhân mo Mường trên địa bàn huyện còn khó khăn. Nhà nước chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các nghệ nhân trong việc truyền dạy mo Mường cho thế hệ trẻ. Hiện nay, việc thành lập các CLB là cần thiết để tôn vinh giá trị, đồng thời thực hiện biện pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá mo Mường trong giai đoạn hiện nay và mai sau.
Để bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản, huyện tập trung tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Chỉ thị số 07-CT/HU, ngày 22/10/2016 của BTV Huyện uỷ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá mo Mường. Đẩy mạnh tuyên truyền về giá trị di sản văn hoá mo Mường đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, lao động, học sinh và các tầng lớp nhân dân để từ đó nâng cao ý thức sưu tầm, gìn giữ và phát huy các giá trị của di sản. Phối hợp các cơ quan chức năng của tỉnh, các nhà nghiên cứu tiến hành rà soát, điều tra, đánh giá về giá trị truyền thống của mo Mường. Duy trì, động viên các lớp nghệ nhân mo hiện có tiếp tục thực hành và truyền dạy di sản thường xuyên. Khuyến khích các địa phương thành lập các CLB, đánh giá, tôn vinh những người trực tiếp gìn giữ kho tàng văn hoá mo Mường. Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát trong việc tuyên truyền, bảo tồn mo Mường theo quy định; gắn kết mo Mường với các hoạt động du lịch cộng đồng nhằm phát huy hiệu quả giá trị di sản…
Bùi Minh
(HBĐT) - Theo kết quả khảo sát việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh từ năm 2018 đến nay do Ban Dân tộc (HĐND tỉnh) tiến hành trong quý I, toàn tỉnh có 786 di sản văn hóa phi vật thể. Bao gồm 10 loại hình tiếng nói, chữ viết, 154 ngữ văn dân gian, 171 nghệ thuật trình diễn dân gian, 113 tập quán xã hội, 26 nghề thủ công truyền thống, 268 tri thức dân gian. Toàn tỉnh có 2 di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh và danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là mo Mường và nghệ thuật chiêng Mường.
(HBĐT) - Chúng tôi có dịp đến thăm đền Ông Hoàng Mười tọa lạc trên vùng "đắc địa” sơn thủy hữu tình, không khí trong lành, tĩnh lặng ở làng Xuân Am, xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An). Chị Trần Thị Lan, phường Dân Chủ (TP Hoà Bình) cho biết: Năm nào cũng vậy, chị cùng các chị, em trên địa bàn đều đến đền Ông Hoàng Mười để cầu tài, lộc, đặc biệt là cầu công danh, sự nghiệp thắng tiến, cầu cho con cái khoẻ mạnh, bình an, học hành tiến tới, đỗ đạt khoa cử...
(HBĐT) - Sáng 22/4, tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Phu Canh (Đà Bắc), đã diễn ra buổi lễ công bố cây di sản Việt Nam cho quần thể 5 cây chò xanh (tên địa phương gọi là cây Phay). Dự lễ công bố có PGS.TS Trần Ngọc Hải, Phó Chủ tịch hội đồng cây Di sản Việt Nam; lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh và huyện Đà Bắc.
(HBĐT) - Ngày 21/4, tại Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam (xã Bắc Phong, huyện Cao Phong), Sở TT&TT chủ trì, phối hợp với Sở VH-TT&DL, Sở GD&ĐT, Công An tỉnh, Bộ CHQS tỉnh, UBND huyện Cao Phong tổ chức lễ khai mạc Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Hoà Bình năm 2022.
(HBĐT) - Ngày 21/4, tại trường TH&THCS Hào Lý, xã Tú Lý (Đà Bắc), Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn - Hội đồng Đội tỉnh phối hợp với Công ty cổ phần công nghệ và sáng tạo trẻ TEKY HOLDINGS tổ chức lễ phát động cuộc thi sáng tạo trên không gian mạng cùng Codekitten với chủ đề "Thiếu nhi Hòa Bình chung tay đánh bay Covid” và Ngày hội đọc sách năm 2022.
(HBĐT)-Vào mỗi dịp kỷ niệm ngày lễ trọng đại của đất nước, đông đảo người dân Hoà Bình lại nhớ đến di tích Nhà tù Hoà Bình - nơi ghi dấu tội ác của thực dân, vừa là biểu tượng cho tinh thần đấu tranh bất khuất, kiên cường của các chiến sỹ cách mạng Việt Nam.