50 năm giải phóng tỉnh Quảng Trị cũng là chừng đó năm cây cầu Hiền Lương chứng kiến những thay đổi của lịch sử, của đất nước. Khát vọng "chung một dòng sông” nay đã thành hiện thực, còn khát vọng kết nối tình yêu quê hương, tinh thần dân tộc của những người con đất Việt từ khắp thế giới vẫn mãi chảy không ngừng.


Tinh thần đó được thể hiện trong chương trình nghệ thuật "Chung một dòng sông” do Báo Nhân Dân, Truyền hình Nhân Dân tổ chức, sẽ diễn ra vào tối 26/4 tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt-Xô, Hà Nội.

Đây là chương trình giao lưu truyền hình đặc biệt, một bản hòa tấu ca ngợi tinh thần dân tộc, khát vọng hòa bình và tình yêu quê hương, cội nguồn. Đất nước hoàn toàn thống nhất đã 47 năm. Những vết thương về tâm lý sau chiến tranh đối với người Việt trong nước cơ bản đã lành. Sự kết nối giữa người Việt xa xứ và người Việt trong nước ngày càng gắn bó. Tinh thần dân tộc, cội nguồn quê hương dù ở bối cảnh lịch sử nào, không gian nào cũng góp phần giúp con người vượt qua nghịch cảnh, gắn bó yêu thương.

Với 5 trục nội dung chính: Khát vọng, hạt giống hòa hợp vượt qua chia cắt - Tình yêu quê hương, xứ sở - Chung tay xây dựng, phát triển, giữ gìn đất nước - Cùng chung tiếng Việt yêu thương - Thế hệ mới, cội nguồn xưa, chương trình nhằm hướng tới thông điệp "Hòa hợp, đoàn kết dân tộc, xây dựng đất nước”.

Chương trình với các hoạt động chính diễn ra vào lúc 20 giờ tối 26/4 tại Hà Nội. Điểm dẫn chuyện thứ hai đặt tại cầu Hiền Lương và một số địa danh lịch sử tại Quảng Trị. Chương trình do nhà báo Trần Đăng Tuấn thực hiện phần kịch bản văn học, kịch bản truyền hình do nhà báo Sao Mai thực hiện. Phần biên tập và đạo diễn do Khánh Sơn, Hồng Nhung, Trọng Hải thực hiện. Nhà thơ, nhà báo Trần Hữu Việt đảm nhiệm phần dẫn chuyện ở cầu Hiền Lương, tỉnh Quảng Trị.

Tham gia chương trình gồm nhiều nghệ sĩ tên tuổi như NSND Quốc Hưng, các ca sĩ Anh Thơ, Ánh Tuyết, Thanh Thanh, Bạch Trà, rapper Quốc Trung, nhóm Oplus, các nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam, vũ đoàn HT, và đặc biệt là ca khúc "Xin chào Việt Nam” của ca sĩ Quỳnh Anh như một lời tâm tình từ những người con xa quê …

Điểm đặc biệt nhất của chương trình là những câu chuyện được kể xen kẽ giữa các tiết mục nghệ thuật. 
Đó là câu chuyện của những người con xa quê hương, kể về tình yêu quê hương, cội nguồn dân tộc có vai trò quyết định như thế nào đối với cuộc đời họ… 

Đó là câu chuyện cảm động về hoàn cảnh ra đời của ca khúc "Câu hò trên bến Hiền Lương”, do nhạc sĩ Hoàng Hiệp sáng tác. Năm 1956, một buổi chiều, nhạc sĩ Hoàng Hiệp gặp người gác đèn biển ở Cửa Tùng. Người ấy nhìn sang bờ nam sông Bến Hải, nói rằng: "Vợ con tôi ở bên đó. Có những chiều tôi nhìn thấy người đi bán cá giống như vợ con tôi. Tôi cố gọi, nhưng làm sao người bên kia nghe thấy được”. Nói xong, người gác đèn ngồi im như tượng. Nhạc sĩ Hoàng Hiệp lặng đi, vì ông cũng là người tập kết ra bắc, và người thân của ông còn lại ở trong nam. Đó cũng là những cảm xúc ông đã gửi vào "Câu hò trên bến Hiền Lương”.

Cũng là một câu chuyện âm nhạc, nhưng trong chương trình, lần đầu tiên, câu chuyện của hai ca khúc cùng mang tên "Tình ca” sẽ được cất lên. NSND Quốc Hưng sẽ hát "Tình ca” của nhạc sĩ Hoàng Việt, và nhóm Oplus thể hiện ca khúc "Tình ca” của nhạc sĩ Phạm Duy.

Chương trình còn kể những câu chuyện về tình yêu bị chia cắt hai miền, câu chuyện về tình đồng bào giữa những người lính ở hai bên bờ chiến tuyến. Cuộc chiến đẩy những người lính ở thế một đối đầu nhau, một mất một còn, nhưng họ vẫn mang trong lòng cùng một tình yêu với quê hương và cùng có chung một khát vọng hòa bình.

Cũng trong chương trình, là câu chuyện của một người con xa quê, có quá khứ gắn với cuộc chiến, kể về nỗi nhớ, sự day dứt với quê hương, cùng những suy nghĩ gác lại quá khứ, hướng đến tương lai. Chương trình cũng kể về những doanh nhân người Quảng Trị từ nước ngoài trở về xây dựng, đầu tư tại quê hương, về những đoàn Việt kiều đi thăm Trường Sa, những thay đổi của mảnh đất Quảng Trị sau 50 năm xây dựng và phát triển, trong đó có cả những đóng góp của người Việt Nam từ nước ngoài. 

"Chung một dòng sông” không chỉ mang ý nghĩa nước non đã nối liền một dải, cây cầu đã xóa nhòa ranh giới, nối liền hai bờ sông Bến Hải, mà còn mang ý nghĩa nối liền trái tim, tình cảm của những người con đất Việt, dù ở trong hay ngoài nước, bằng cùng một tình yêu quê hương, cùng một tinh thần dân tộc.

Chương trình do Báo Nhân Dân, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Trị và Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức, được truyền hình trực tiếp trên kênh Truyền hình Nhân Dân và được các đài phát thanh truyền hình địa phương tiếp sóng.

                                                                      Theo báo Nhân Dân

Các tin khác


Khai mạc Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Hoà Bình năm 2022

(HBĐT) - Ngày 21/4, tại Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam (xã Bắc Phong, huyện Cao Phong), Sở TT&TT chủ trì, phối hợp với Sở VH-TT&DL, Sở GD&ĐT, Công An tỉnh, Bộ CHQS tỉnh, UBND huyện Cao Phong tổ chức lễ khai mạc Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Hoà Bình năm 2022.

Phát động cuộc thi sáng tạo trên không gian mạng và Ngày hội đọc sách năm 2022

(HBĐT) - Ngày 21/4, tại trường TH&THCS Hào Lý, xã Tú Lý (Đà Bắc), Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn - Hội đồng Đội tỉnh phối hợp với Công ty cổ phần công nghệ và sáng tạo trẻ TEKY HOLDINGS tổ chức lễ phát động cuộc thi sáng tạo trên không gian mạng cùng Codekitten với chủ đề "Thiếu nhi Hòa Bình chung tay đánh bay Covid” và Ngày hội đọc sách năm 2022.

Di tích Nhà tù Hoà Bình - gìn giữ và phát huy giá trị lịch sử

(HBĐT)-Vào mỗi dịp kỷ niệm ngày lễ trọng đại của đất nước, đông đảo người dân Hoà Bình lại nhớ đến di tích Nhà tù Hoà Bình - nơi ghi dấu tội ác của thực dân, vừa là biểu tượng cho tinh thần đấu tranh bất khuất, kiên cường của các chiến sỹ cách mạng Việt Nam.

Tôn vinh sách, cổ vũ văn hóa đọc phát triển

Nhiều hoạt động sôi nổi, sáng tạo trong chuỗi sự kiện của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất đang diễn ra mang lại niềm tin về sự khởi sắc của các đơn vị xuất bản, phát hành cũng như sự phát triển văn hóa đọc.

Xã Vĩnh Tiến: Điểm sáng phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng

(HBĐT) - Nói đến phong trào văn hoá, văn nghệ quần chúng của huyện Kim Bôi không thể không nhắc đến điểm sáng xã Vĩnh Tiến. Nơi đây có những hạt nhân tiêu biểu và nhiều năm liền giữ phong trào ở tốp đầu các đơn vị.

Công bố nghệ thuật hát Aday là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Tối 19/4, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Ban Dân tộc tỉnh Hậu Giang tổ chức Tổng kết Liên hoan nghệ thuật các dân tộc năm 2022 và công bố Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghệ thuật trình diễn dân gian hát Aday của người Khmer xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục