Bài 1: THỬ PHÁC THẢO LỊCH SỬ HÌNH THÀNH MO MƯỜNG

Lịch sử Mo Mường

Cho đến nay, chẳng ai rõ nghề Mo Mường và nghề Mo có từ bao giờ, chỉ biết rằng nghề này đã có từ lâu lắm rồi. Đặc biệt, Mo sử thi Đẻ đất đẻ nước ngày nay được xác định là ra đời từ rất lâu đời, kể về sự hình thành thế giới sinh ra đất và trời, sự ra đời của muôn loài, sự hình thành dân tộc Mường và các vùng cư trú của họ, sự xuất hiện nền văn minh buổi đầu thời Vua Dịt Dàng khi con người tìm ra kim loại đồng.

Như chúng ta đã biết, sử thi Iliad và Odyssey thiên sử thi của phương Tây có khởi nguồn là các truyền thuyết lưu truyền trong dân gian về giai đoạn lịch sử đã qua của Hy Lạp cổ đại. Nhà thơ Homer sưu tầm, biên tập lại. Kể từ thời cổ đại, danh tính và gốc gác của Homer cho đến ngày nay vẫn còn rất mơ hồ, Homer cũng có thể là một biệt danh hoặc là một nhóm tác giả.

Tuy không phải là thể loại sử thi và được hình thành giai đoạn lịch sử sau sử thi, bộ tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa ở Trung Quốc cũng do La Quán Trung sưu tầm trong dân gian Trung Quốc, được những người kể chuyện rong truyền tụng kể trong dân gian các câu chuyện về các vị anh hùng, những nhân vật kiệt xuất thời hậu nhà Hán, được gọi là thời Tam Quốc. Giai đoạn chiến loạn khi Trung Quốc chia 3 thế chân vạc hình thành 3 thế lực Ngụy - Thục - Ngô tranh giành nhau.

Tôi cũng cho rằng, Mo của người Mường cũng có thể xuất hiện như 2 trường hợp nêu trên.

Giả thuyết 1: Trước khi có những người làm nghề Mo, các câu chuyện dân gian có trong Mo Mường được người Mường lưu truyền. Sau đó được các thầy cúng sưu tầm, biên tập lại, kể lại bằng lối nói vần, sau đó được linh thiêng hóa diễn xướng trong tang lễ. Quá trình "bổ sung” các bài Mo mới đưa vào diễn xướng trong tang lễ sau này vẫn được thực hiện.

Giả thuyết 2: Việc sinh tử là quy luật không thể tránh của con người, có thể nghề Mo đã có, để phục vụ cho việc thực hiện các nghi lễ lúc này mới chỉ có các bài cúng mời thần linh, tổ nghề, cúng cơm… Sau đó, các thầy Mo sưu tầm các câu chuyện dân gian về thời kỳ lịch sử đã qua, sau đó linh thiêng hóa được đưa vào kể trong tang lễ bằng lối ngâm, vịnh… hay lối nói vần. Cùng theo đó, thầy Mo và nghề Mo xuất hiện trong xã hội Mường.

Vấn đề "cập nhật, bổ sung” các bài Mo mới vẫn được các thầy Mo thực hiện có chọn lọc. Nếu lấy các roóng - chương Mo sử thi Đẻ đất đẻ nước, các bài Mo cúng dâng cơm làm mốc ban đầu… thì ta dễ nhận thấy quá trình đưa các câu chuyện dân gian vào trong Mo Mường sau này vẫn được thực hiện, như: Mo lên trời, Mo mại nhà xe, Mo vườn hoa núi Cối…

Ngày nay, việc xác định "niên đại” hay lịch sử của một nổ - dòng Mo được thể hiện khá rõ ràng. Trước khi vào thực hiện các nghi lễ Mo trong tang lễ hay các nghi lễ, bao giờ người ta cũng sắp 1 mâm cúng Tổ nghề của thầy Mo đang thực hiện làm chủ tế, tiếng Mường gọi đó là mâm Thiên Thư, có nơi ghi là Thiên Thư, còn gọi là mâm Nổ Mo. Khi mâm thờ được sắp đủ các thứ như: 2 chai rượu, trầu, cau, tiền mặt… Thân Thư của thầy Mo là chỉ những người đời trước của thầy Mo có làm nghề Mo. Cùng là ông, cố, cụ… nếu không làm nghề Mo thì không được thờ ở mâm Thân Thư. Khi vào cũng tế hay nghi lễ Mo, nhà tang chủ phải sắp 1 mâm cúng Thân Thư thầy Mo, ngoài đồ cũng bằng rượu, thịt thực phẩm ra, mỗi vị đời trước được sắp cúng 1 bát cơm nếp, 1 đôi đũa. Như vậy, chỉ nhìn vào số lượng bát cơm thờ, có thể xác định được dòng Mo này đã trải qua mấy đời làm Mo. Ví dụ trên mâm cúng Thân Thư có 7 bát cơm nếp, 7 đôi đũa… cho thấy dòng Mo này có 7 đời người làm nghề Mo. Có 5 - 6 hay 8 - 9 bát cơm - đôi đũa… thì tương ứng bằng số đó đời người làm nghề Mo.

Trong khi khấn cúng mời Thân Thư về mâm cúng, thầy Mo phải xướng, gọi, đọc rõ tên các người đời trước có làm Mo, hiện được chôn cất ở khu đống mả nào… cùng về mâm Thân Thư hộ giá thầy Mo làm Mo cho nhà có người chết.

Hiện nay, ở xã Định Cư (Lạc Sơn) có dòng Mo Đào của thầy Mo Bùi Văn Mẹo có tới 19 đời làm nghề Mo. Sơ sơ tính mỗi đời làm Mo là 20 năm, thì nổ Mo nhà thầy Đào có khoảng gần 500 năm làm Mo.

Nguồn gốc sinh ra thầy Mo trong truyền thuyết dân gian

Nghề làm thầy Mo là nghề cổ truyền có từ rất lâu đời trong xã hội Mường cổ xưa truyền lại cho đến ngày nay. Gạt bỏ đi những yếu tố huyễn hoặc đôi khi nhuốm màu mê tín có phần dị đoan, ta có thể thấy vai trò ông Mo như là điểm tựa tinh thần của người Mường trong chế độ Lang - Đạo, trong những lúc gia đình có người chết, tang tóc bi thương. Nghề Mo không phải sinh ra do ý muốn của một ai đó, nó là sản phẩm mang tính văn hoá tín ngưỡng của tục thờ tổ tiên, một phong tục đẹp cổ sơ của người Mường. Nghề Mo và thầy Mo còn mang tính đặc trưng như tính lịch sử (họ lưu giữ các áng Mo trong đó có Mo sử thi), tính tri thức vì lưu giữ trong mình các tri thức văn hoá dân gian (biết tính lịch Mường, biết tính ngày tốt xấu để làm mùa, cưới xin, dựng nhà mới...).

Trong dân gian Mường, mỗi vùng có những truyền thuyết dân gian khác nhau kể về sự ra đời của nghề Mo, Clượng. Trong công trình "Phong tục, Đạo lý, Nhân văn Mường”, cố nhà nghiên cứu văn hoá Mường Bùi Thiện đã nói khá nhiều về các truyền thuyết dân gian kể về sự hình thành nghề Mo. Ở đây, người sưu tầm không đi sâu vào vấn đề này, cần phải có những chứng lý khoa học về nhiều mặt: Khảo cổ, phong tục, ngôn ngữ… mới có được câu trả lời xác đáng.

Vùng Lạc Sơn trong một vài dị bản Mo đẻ trứng điếng và trong truyền thuyết dân gian kể rằng: "Khi trứng điếng đẻ (trứng đẻ ra muôn loài), không chỉ đẻ người lành, cái thiện, mà còn đẻ ra cả những cái xấu, cái ác:

Đẻ ra Cun ếm, chàng ai, Cun chài, chàng Trở

Người làm gở, làm gen

Đẻ ra dòng dề Mo Khôồng Chí Khộ

Đẻ ra Đức đạo anh lang Cun Cài, lang Cun Cần

Đẻ na ún nàng Bông Thơm Dạ Kịt…

Như vậy, Mo Khôồng Chí Khộ (ông tổ của nghề Mo) đẻ trước, sau đó mới đến Đá Cài và Đá Cần sau nữa là nàng Dạ Kịt. Khi hai anh em Đá Cần và Đá Cài và nàng Dạ Kịt còn đang ở trong hang Trứng Điếng. Đá Cài là anh được dân Mường mới ra làm lang cai quản đất Mường, khi ra không mang theo thầy Mo, không mang các đồ khót, khénh… nên bị ma quỷ đánh chết. Người anh chết dân Mường lại mời người em là Đá Cần ra làm lang, lần này Đá Cài cũng gặp phải con yêu tinh. Lúc này, dân Mường và nhà Lang phải nhờ đến ông Mo Khồng Chí Khộ mang Khót, Khénh, cỏ Bách Chín ai, Cỏ Tlài chín ngọn... chế thành nước phép mới đánh dẹp được yêu tinh bảo vệ nhà Lang”. Theo truyền thuyết này, các dòng Mo đều nói rằng Mo là bậc anh của nhà Lang, nhờ có Mo nên nhà Lang mới tồn tại được, có nhà Lang thì có thầy Mo, có thầy Mo thì có nhà Lang. Ngày nay, các nổ Mo thường xưng mình là con cháu, là dòng dõi của Mo Khôồng Chí Khộ, là họ Ngài, một kiểu tự xưng chỉ đứng sau họ nhà Lang.

Từ câu chuyện trên, ta thấy phản ánh một sự thật là nghề Mo bắt đầu hình thành từ khi xã hội Mường có sự phân tầng, có người cai trị và người bị trị và tầng lớp Lang - Đạo đã sử dụng nghề Mo, tầng lớp thầy Mo như một thứ công cụ thần quyền để cai trị dân Mường bằng cả cường quyền và thần quyền.

Thời gian qua đi, dù nguồn gốc sinh ra Mo Mường có như thế nào đi nữa, rõ ràng các giá trị văn hóa có trong đó là tài sản vô cùng quý giá của dân tộc Mường nói riêng, dân tộc Việt Nam nói chung. Mong rằng các giá trị Mo Mường sẽ được phổ biến trở lại đời sống, phục vụ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, tỉnh Hòa Bình ngày càng đi lên phồn vinh, giàu có.

(Còn nữa)


Nghệ nhân ưu tú Bùi Huy Vọng


Các tin khác


Quảng Trị tổ chức cho người dân, du khách viếng nghĩa trang vào buổi tối

Tỉnh Quảng Trị đã và sẽ tổ chức cho người dân, du khách tham quan các di tích và viếng tại nghĩa trang vào buổi tối.

Huyện Lương Sơn nâng cao chất lượng đội văn nghệ cơ sở

(HBĐT) - Thời gian qua, phong trào văn nghệ quần chúng trên địa bàn huyện Lương Sơn có bước phát triển mạnh mẽ. Các câu lạc bộ (CLB), đội văn nghệ được thành lập tại các thôn, xóm, khu dân cư thu hút đông đảo người dân ở mọi lứa tuổi tham gia. Hoạt động văn hóa, văn nghệ góp phần làm phong phú đời sống tinh thần cho Nhân dân, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Hội thảo khoa học “Mo trong đời sống người Mường xưa và nay”

(HBĐT) - Ngày 8/7,  Viện Âm nhạc thuộc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam phối hợp với Sở VH-TT&DL tỉnh đã tổ chức hội thảo khoa học"Mo trong đời sống người Mường xưa và nay”. Đây là một trong những hoạt động nằm trong chương trình xây dựng hồ sơ quốc gia về di sản Mo Mường đệ trình UNESCO công nhận vào danh sách Di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Tham gia hội thảo có các phó giáo sư, tiến sỹ, các nhà khoa học, đại diện các tỉnh, thành phố tham gia xây dựng Hồ sơ quốc gia Mo Mường, gồm Hòa Bình, Thanh Hóa, Ninh Bình, Phú Thọ, Sơn La và TP Hà Nội.

Góc nhìn từ một hội thi tuyên truyền, cổ động

(HBĐT) - Một ngày làm việc cật lực trong nắng nóng, oi ả, cuối cùng thì 12 trong số 14 khu dân cư của phường Dân Chủ (TP Hòa Bình) cũng hoàn thành chương trình của Hội thi tuyên truyền cổ động năm 2021. Các giải đã trao, phần thưởng đã lĩnh, Ban giám khảo là các cán bộ cấp trên về làm việc, vui đấy, hay đấy nhưng vẫn còn những hạt sạn:

Việt Nam trúng cử thành viên Ủy ban liên Chính phủ Công ước UNESCO về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể

Ngày 6/7, trong khuôn khổ Kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 9 các quốc gia thành viên Công ước Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (Công ước 2003), tại Paris, Pháp, Việt Nam đã trúng cử thành viên Ủy ban liên Chính phủ Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể nhiệm kỳ 2022-2026 với số phiếu cao nhất, 120 phiếu, cao nhất trong số các nước trúng cử.

Thể lệ cuộc thi viết chủ đề “90 năm nền Văn hóa Hòa Bình” trên Báo Hòa Bình năm 2022

(HBĐT) - Mục đích: Để góp phần tuyên truyền, phản ánh sâu rộng những giá trị văn hóa, lịch sử nền Văn hóa Hòa Bình đến với bạn bè trong nước và thế giới, Báo Hoà Bình phát động cuộc thi viết về chủ đề "90 năm nền Văn hóa Hòa Bình” năm 2022 nhằm phát huy mạnh mẽ sự đóng góp của các nhà báo chuyên nghiệp, các cộng tác viên, bạn đọc, bạn viết trong và ngoài tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục