Đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam trong chuyến đi thực tế tại Thiền viện Trúc Lâm Tuệ Đức, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc).
Trên đường đi, nhà báo Triệu Thị Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Vĩnh Phúc giới thiệu: Thiền viện Trúc Lâm Tuệ Đức là một trong những thiền viện mới nhất ở nước ta. Thiền viện được xây dựng năm 2010, trên cơ sở tôn tạo từ chùa Kim Tôn, một ngôi chùa cổ đã có trên 700 năm tuổi tọa lạc tại xã Đồng Quế, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc). Được xây dựng trên một địa thế đẹp tựa núi nhìn sông, hội tụ đủ linh khí của đất trời. Ngôi chính điện được bao bọc bởi 3 quả núi tựa như chiếc ngai vàng lộng lẫy nếu nhìn qua hình ảnh chụp từ flycam, thiền viện tựa "đóa sen khổng lồ” đượm sắc giữa mây trời huyền ảo. Đứng ở ngôi chính điện có thể thu vào tầm mắt khung cảnh nên thơ của hồ Bò Lạc, hướng tầm mắt xa hơn có thể thấy hình dáng sông Lô uốn lượn. Theo bình chọn của Sở VH-TT&DL tỉnh Vĩnh Phúc, các doanh nghiệp lữ hành thì Thiền viện Trúc Lâm Tuệ Đức nằm trong top 10 điểm du lịch hấp dẫn nhất của tỉnh Vĩnh Phúc.
Không phải mùa lễ hội, cũng không phải khóa tu hay ngày lễ trọng của Phật, tiết trời sau cơn dông ẩm ướt nên buổi sáng đó thiền viện khá vắng vẻ. Có sự kết nối từ đại diện Trung tâm VH-TT&TT huyện Sông Lô nên Thượng tọa Thích Tỉnh Thuần, Trụ trì đã chờ sẵn để hướng dẫn đoàn hành lễ và tham quan thiền viện. Nghe, tìm hiểu về gốc tích thiền viện được biết: Năm 2009, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia) đã phối hợp Sở VH-TT&DL tỉnh Vĩnh Phúc tiến hành nghiên cứu, thám sát di tích chùa - tháp Kim Tôn. Qua đó đã xác định được một số dấu tích kiến trúc của chùa - tháp cùng hàng trăm di vật, cung cấp thêm những tư liệu mới về quy mô, cấu trúc, tính chất, niên đại và các vấn đề có liên quan đến chùa - tháp Kim Tôn trong mối liên hệ với các di tích mang đậm dấu ấn văn hóa thời Trần ở Vĩnh Phúc (tháp Bình Sơn và Tây Thiên) và các di tích thời Trần ở nước ta. Dựa trên cơ sở khảo cứu lịch sử, niên đại và thể theo nguyện vọng của đông đảo nhân dân địa phương về việc bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa quý báu của công trình kiến trúc cổ này, tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt chủ trương tôn tạo chùa - tháp Kim Tôn, xây dựng tại nơi đây một công trình Phật giáo mang đậm phong cách Phật giáo thời Trần. Theo đó, tháng 4/2010, thiền viện chính thức khởi công xây dựng trên diện tích gần 15 ha, thuộc khu vực núi Hình Nhân, trong dãy Sáng Sơn - tại nơi phát hiện di tích chùa - tháp Kim Tôn cổ.
Thiền viện gồm 2 khu (nội viện và ngoại viện) với nhiều hạng mục có chức năng khác nhau, bao gồm: tam quan, chính điện, tổ đường, thiền đường, tăng đường, trai đường, khách đường, giảng đường, thư viện, khu thiền thất, khu ni xá, hoa viên, di hương đường… Tất cả các công trình được bố trí hài hòa với ý thức bảo tồn, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên và môi trường sinh thái. Thiền viện có thể đáp ứng các nhu cầu căn bản về đời sống sinh hoạt cho tăng đoàn xuất gia, học hỏi, thực hành và truyền bá lời Phật dạy; cũng là nơi thích hợp để tổ chức các khóa tu thiền, sinh hoạt Phật pháp cho giới cư sĩ và đại chúng.
Theo giới thiệu của Thượng tọa Thích Tỉnh Thuần, Thiền viện Trúc Lâm Tuệ Đức thuộc dòng thiền viện chính tông được sáng lập bởi Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông (1258 - 1308), tức vua Trần Nhân Tông - vị Hoàng đế thứ ba của vương triều Trần, người có công lao vĩ đại, lãnh đạo toàn quân và dân đánh bại 2 cuộc xâm lăng của quân Nguyên Mông (1285 - 1288), bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và nền độc lập của dân tộc. Năm 1299, vua Trần Nhân Tông truyền ngôi cho Thái tử Trần Thuyên (tức vua Trần Anh Tông) lên làm Thái Thượng hoàng và chính thức xuất gia tu tại chùa Hoa Yên, núi Yên Tử, lấy hiệu là Trúc Lâm Đại đầu đà. Hợp nhất 4 dòng thiền Đại Việt từ trước đó, gồm: Dòng Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường, Lâm Tế, thống nhất toàn bộ Giáo hội Phật giáo thời Trần về một mối, Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông được biết đến là ông tổ sáng lập của thiền phái Trúc Lâm, một dòng thiền Phật giáo mang bản sắc văn hóa Việt Nam và tinh thần nhập thế. Với dòng thiền này, Phật hoàng Trần Nhân Tông lan tỏa niềm khát khao được tỏa sáng trí tuệ theo cách riêng để gây dựng cho thiền phái Trúc Lâm một cơ sở triết thuyết, là nền tảng vũ trụ quan và nhân sinh quan của xã hội thời thịnh Trần.
Sở hữu cảnh quan tươi đẹp, hài hòa với thiên nhiên, không khí trong lành, mát mẻ, công trình được xây dựng đảm bảo kế thừa và phát huy những giá trị tinh hoa của đạo Phật nói chung và của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử nói riêng, Thiền viện Trúc Lâm Tuệ Đức đã trở thành một trong những điểm nhấn du lịch văn hóa tâm linh thu hút khách thập phương.
Lam Nguyệt
(Hội Nhà báo tỉnh)