(HBĐT) - Tỉnh Hoà Bình được xem là một trong những chiếc nôi phát triển loài người với mật độ phân bố di chỉ dày đặc và phong phú. Sự hiện diện của nền Văn hoá Hoà Bình còn cung cấp cho các nhà khảo cổ, nhà khoa học, nhà nhân chủng học... trong nước và quốc tế những cứ liệu quan trọng về quá trình sinh sống sớm của người hiện đại, phương thức, kỹ năng kiếm sống, mỹ thuật và tổ chức xã hội.


Báo Hoà Bình tổ chức họp báo thông tin cuộc thi viết về chủ đề "90 năm nền Văn hoá Hoà Bình" năm 2022.

Trao đổi về những giá trị của nền Văn hoá Hoà Bình, đồng chí Lưu Huy Linh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: Các di tích khảo cổ Văn hoá Hoà Bình phân bố ở nhiều quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á. Tại Việt Nam, tập trung nhiều nhất tại tỉnh Hoà Bình với 72 điểm, tỉnh Thanh Hoá có 32 điểm. Về địa điểm phân bố, cư dân Văn hoá Hoà Bình đã có ý thức trong việc chọn lựa nơi cư trú, chủ yếu trong các hang động và mái đá cao ráo quanh các thung lũng, có hệ sinh thái phổ tạp thuận lợi cho việc săn bắt, hái lượm, sẵn nguyên liệu cuội để chế tác công cụ lấy từ các sông, suối chảy.

Về cuộc sống của cư dân, ngoài công cụ đá, họ đã chế tác và sử dụng rất nhiều công cụ bằng xương, sừng và vỏ trai như: rìu xương, đục xương, mũi nhọn và nạo vỏ trai. Nghiên cứu gần đây từ trầm tích văn hóa xóm Trại, làng Vành hé mở một nhận thức mang tính đột phá là cư dân nền Văn hóa Hòa Bình sử dụng công cụ xương sừng và mảnh tước đá là chính. Trong những lớp đất thuộc nền Văn hoá Hoà Bình muộn còn tìm thấy một số mảnh gốm thô làm từ đất nung nặn bằng tay hoặc làm bằng khuôn đan, sau đó trang trí hoa văn thừng, khắc vạch và trổ lỗ. Một số trong đó được nhận biết thuộc loại gốm kiểu văn hóa đá mới sơ kỳ Đa Bút và các nền văn hóa đá mới hậu kỳ như Phùng Nguyên, Mán Bạc, Cồn Chân Tiên, Hoa Lộc, Đền Đồi, Thạch Lạc… Những mảnh gốm kiểu Đa Bút nằm cùng tầng trầm tích văn hóa Hòa Bình 9 ngàn năm trước.

Bên cạnh đó, tầng Văn hoá Hoà Bình có nhiều lớp phức tạp. Những vết tích để lại ít nhiều phản ánh vùng cư trú trong hang, tính chất, giai đoạn hoặc mức độ sớm muộn của Văn hoá Hoà Bình. Đặc biệt ở nhiều hang, mái đá đã ghi nhận hiện tượng đá vôi  bong rơi diễn ra vào thời kỳ biến đổi khí hậu từ hanh khô lạnh sang ấm ẩm mưa nhiều đặc trưng cuối thế Cánh Tân (Pleistocene) sang thế Toàn Tân. Về mộ táng, qua việc phát hiện, nghiên cứu, người nguyên thuỷ thường chôn người chết ở gần ở chỗ sinh hoạt thường ngày để tạo sự đầm ấm và tránh thú dữ ăn thịt. Đa số xung quanh mộ được kè đá che, chèn và người chết thường mang theo những công cụ, đồ trang sức mà khi sống họ vẫn dùng.

Đáng chú ý, trong thời đại Văn hoá  Hoà Bình đã có những bước chuyển biến về sinh học, phương thức kiếm sống và đời sống xã hội. Về con người, họ đã là những người hiện đại Homosapiens, có thể thuộc làn sóng di cư từ phía tây đến cộng cư với những người săn bắt, hái lượm bản địa, hậu duệ của những Homoerectus địa phương. Phương thức kiếm sống bằng săn bắt thú nhỏ, nguyền thể và hái lượm rau quả củ trong rừng. Đến giai đoạn Hoà Bình muộn (khoảng 4.000 - 3.500 năm trước), một số vùng Văn hóa Hòa Bình có dấu hiệu chuyển từ kinh tế khai thác tự nhiên sang kinh tế sản xuất nông nghiệp, dù mới ở mức độ hình thành sơ khai. Hiện tượng này có thể quan sát rõ nét ở hang xóm Trại. Lúc này, săn bắt và hái lượm tuy không còn giữ độc tôn nhưng vẫn có vai trò chủ đạo, chăn nuôi gia súc hẳn đã ra đời. Về tổ chức xã hội, cư dân Văn hoá Hoà Bình sống thành nhóm nhỏ (5-10 người), nhóm lớn nhất chừng 20-30 người.

Toàn tỉnh hiện có 10 di tích khảo cổ Văn hoá Hoà Bình được xếp hạng cấp quốc gia. Để bảo tồn và phát huy giá trị nền văn hoá tiền sử độc đáo này, tỉnh đã tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và Nhân dân. Khơi dậy lòng tự hào, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Tiếp tục điều tra, khảo sát, thống kê các di tích khảo cổ học về Văn hóa Hòa Bình, lập hồ sơ xếp hạng để bảo vệ và phát huy giá trị của di tích gắn với phát triển du lịch. Đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức trong nước, quốc tế, khuyến khích tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tham gia công tác nghiên cứu giá trị của Văn hóa Hòa Bình. Bằng hình thức trực quan, qua mạng internet, tuyên truyền báo chí và bằng nhiều thứ tiếng khác nhau để tuyên truyền đến nhân dân trong nước và quốc tế. Nghiên cứu lựa chọn một số di tích khảo cổ tiêu biểu của nền Văn hóa Hòa Bình xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Liên kết mở rộng du lịch văn hóa trong và ngoài nước gắn kết với giới thiệu, tìm hiểu về Văn hóa Hòa Bình trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.


Bùi Minh


Các tin khác


Về Mai Châu “mùa thơm nếp xôi”

Mai Châu là một địa điểm thú vị, không quá khó để đến và cũng không quá xa cho những kỳ nghỉ ngắn ngày. Chuẩn bị hành trang, ta về với Mai Châu - miền quê với "mùi thơm nếp xôi" đã đi vào thi ca.

Mãn nhãn với màn pháo hoa mừng ngày thống nhất đất nước

Tối 30/4, hàng nghìn người dân đổ về trung tâm TP Hồ Chí Minh để vui chơi và xem màn bắn pháo hoa mừng 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024).

Đặc sắc chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca vang mãi"

Tối 29/4, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động với chủ đề "Bản hùng ca vang mãi”.

Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Tác giả Vân Anh của tỉnh Hòa Bình được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc

Chiều 27/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức khai mạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23, năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục