(HBĐT) - Lễ hội Khai hạ (LHKH) Mường Bi là hoạt động văn hoá, tín ngưỡng có tính truyền thống, được phục dựng và duy trì tổ chức thường xuyên từ năm 2002 đến nay. Khẳng định thêm những giá trị của LHKH Mường Bi nói riêng, LHKH dân tộc Mường của tỉnh nói chung, năm 2023, lễ hội được tổ chức quy mô cấp tỉnh. Phóng viên Báo Hòa Bình đã có cuộc trao đổi với đồng chí Bùi Văn Nhỏ, Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức (BTC) LHKH dân tộc Mường tỉnh về giá trị cũng như những hoạt động chủ yếu trong lễ hội năm nay.




Lễ hội Khai hạ Mường Bi đã trở thành truyền thống, được tổ chức hàng năm trên địa bàn xã Phong Phú (Tân Lạc).

P.V: Xin đồng chí khái quát về giá trị LHKH trong cuộc sống của người Mường Bi?

Đồng chí Bùi Văn Nhỏ: LHKH Mường Bi - huyện Tân Lạc được tổ chức vào ngày mồng 8 tháng Giêng (tức ngày mồng 7 tháng tư lịch Mường Bi). Đây là lễ hội dân gian gắn liền với nền nông nghiệp lúa nước, mang dấu ấn của nền văn minh Việt cổ, là hoạt động văn hóa, tín ngưỡng không thể thiếu của người Mường Bi. LHKH hay còn gọi là lễ xuống đồng, lễ mở cửa rừng, sau khi tổ chức xong lễ hội người dân mới bắt tay vào công việc đồng áng, cầu cho một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu.

LHKH Mường Bi là hoạt động văn hoá, tín ngưỡng có tính truyền thống được phục dựng và duy trì tổ chức thường xuyên từ năm 2002 đến nay nhằm phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc và góp phần đẩy mạnh phát triển KT-XH, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Thông qua tổ chức lễ hội giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, góp phần tuyên truyền về giá trị lịch sử, văn hóa, nâng cao nhận thức trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, cổ vũ các tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua lao động, sản xuất; quảng bá nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc Mường tỉnh Hoà Bình đến với du khách trong và ngoài nước. Đây cũng là hoạt động văn hóa để giới thiệu, quảng bá tiềm năng du lịch, góp phần thúc đẩy KT-XH của địa phương.

P.V: Năm 2023, LHKH dân tộc Mường được tổ chức quy mô cấp tỉnh, xin đồng chí cho biết những hoạt động chính trong lễ hội năm nay?

Đồng chí Bùi Văn Nhỏ: LHKH dân tộc Mường năm 2023 được tổ chức với quy mô cấp tỉnh. Theo kế hoạch, thời gian tổ chức trong 3 ngày, từ ngày 27 - 29/1/2023 (tức ngày mồng 6 - 8 tháng Giêng năm Quý Mão). Lễ khai mạc tổ chức tại sân vận động xã Phong Phú (Tân Lạc). Các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, văn hóa văn nghệ, TD-TT và trò chơi dân gian diễn ra tại các địa điểm: chợ Lồ, sân vận động, làng văn hóa xóm Lũy Ải, xã Phong Phú. Cơ quan chỉ đạo là UBND tỉnh. Cơ quan tham mưu là UBND huyện Tân Lạc. Cơ quan phối hợp gồm các sở, ban, ngành của tỉnh, UBND các huyện: Lạc Sơn, Cao Phong, Kim Bôi.

Nội dung hoạt động được chia làm 2 phần lễ và hội, với các hoạt động chính: Nghi lễ tại miếu thờ, nghi lễ rước kiệu; phiên chợ đêm Mường Bi; giải bóng chuyền Cúp Khai hạ Mường Bi năm 2023; trưng bày gian hàng nông sản, tiểu thủ công nghiệp, sản phẩm OCOP, ẩm thực… của các địa phương trong tỉnh, các xã, thị trấn huyện Tân Lạc và các đơn vị đăng ký tham gia; thi trình diễn trang phục dân tộc Mường huyện Tân Lạc; thi đấu các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian (bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy, đánh mảng, đánh cù, ném còn); thi hát đúm, thường đang, bộ mẹng, nhạc cụ dân tộc với sự  tham gia của nghệ nhân các xã, thị trấn; phiên giao dịch tư vấn, giới thiệu việc làm; thi đan lát, dệt thổ cẩm, trình diễn một số nghề thủ công, làm đồ gia dụng truyền thống của dân tộc Mường với sự tham gia của nghệ nhân 16 xã, thị trấn huyện Tân Lạc.
Chương trình khai mạc LHKH dân tộc Mường năm 2023 sẽ được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài PT-TH tỉnh; live stream trên Báo Hoà Bình điện tử, Cổng Thông tin điện tử tỉnh và trang fanpage Trung tâm VH-TT&TT các huyện. Nội dung chương trình gồm: Nghi lễ chính thức tại miếu thờ xóm Lũy Ải; nghi lễ rước kiệu Quốc Mẫu Hoàng Bà từ miếu xóm Lũy Ải ra sân vận động xã Phong Phú để khai mạc lễ hội; mo mời Quốc Mẫu Hoàng Bà dự chứng kiến lễ hội; đánh trống khai hội; trao bằng công nhận di sản văn hoá phi vật thể quốc gia LHKH người Mường Hoà Bình cho 4 huyện (Tân Lạc, Cao Phong, Lạc Sơn, Kim Bôi). Đặc biệt có màn diễn xướng gọi hồn chiêng (mo dấng chiêng) của nghệ nhân mo Mường; hoà tấu chiêng Mường của 500 diễn viên và nghệ nhân chiêng Mường đến từ 16 xã, thị trấn và các huyện Cao Phong, Kim Bôi, Lạc Sơn. Màn nghệ thuật đặc sắc chào mừng LHKH dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình năm 2023. Đoàn rước kiệu Quốc Mẫu Hoàng Bà ra chứng kiến lễ đi cày đầu xuân tại Nà Trùng; tổ chức nghi thức xuống đồng; rước kiệu trở về miếu thực hiện các nghi thức tế lễ tại miếu.

P.V: Để chuẩn bị cho việc tổ chức LHKH dân tộc tộc Mường tỉnh, BTC lễ hội đã, đang triển khai các phần việc gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Bùi Văn Nhỏ: Như chúng ta đã biết, LHKH Mường Bi đã trở thành truyền thống, những năm trước thu hút đông đảo đại biểu và Nhân dân trong, ngoài tỉnh tham dự. Năm nay, lễ hội được tổ chức với quy mô cấp tỉnh sẽ thu hút đông đảo hơn, với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo T.Ư, lãnh đạo tỉnh, các ban, sở, ngành, huyện, thành phố, các tỉnh bạn và người dân, du khách trong, ngoài tỉnh.

Để chuẩn bị cho LHKH dân tộc Mường cấp tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 238/KH-UBND, ngày 15/12/2022 về việc tổ chức LHKH Mường Bi, năm 2023. Trong đó, UBND tỉnh phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ban, sở, ngành, đơn vị liên quan. BTC LHKH dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình, năm 2023 ban hành Quyết định số 252//QĐ-BTC, ngày 28/12/2022 về việc phân công nhiệm vụ các thành viên BTC; Quyết định số 251/QĐ-BTC, ngày 28/12/2022 thành lập các tiểu ban giúp việc. Trong đó cũng phân công cụ thể nhiệm vụ cho các thành viên BTC; tiểu ban nội dung, tuyên truyền, chuyên môn, lễ tân, tài chính, hậu cần. BTC địa phương LHKH Mường Bi huyện Tân Lạc đã tổ chức họp bàn nghe báo cáo về công tác tổ chức lễ hội và triển khai các phần việc quan trọng của lễ hội.

Có thể khẳng định, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho tổ chức LHKH dân tộc Mường tỉnh đang được gấp rút triển khai, góp phần tổ chức lễ hội thành công, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân và du khách trong, ngoài tỉnh.

P.V: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Hương Lan (Thực hiện)

Các tin khác


Khu 1, thị trấn Cao Phong: Khơi dậy tinh thần đoàn kết xây dựng khu dân cư văn hóa

Từ một khu dân cư (KDC) không có hoạt động gì nổi bật, Khu 1 - thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong đã bứt phá, trở thành điểm sáng thực hiện phong trào xây dựng nhà văn hoá (NVH), KDC văn hoá ở địa phương nhờ khơi dậy được tinh thần đoàn kết, tập hợp sức mạnh toàn dân.

Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục