Ở các tỉnh, thành phố phía Nam, những ngày giáp Tết Nguyên đán, khung cảnh dễ nhận thấy là hoa mai vàng đã bừng nở, khoe sắc thắm trong nắng Xuân rực rỡ, báo hiệu một mùa Xuân, năm mới sắp tới với những niềm vui và ước vọng mới.


Hoa mai vàng bừng nở, khoe sắc thắm trong nắng Xuân rực rỡ. Ảnh minh họa: Mạnh Linh/Báo Tin tức
Hoa của nắng

Những cánh hoa mai mang sắc vàng tươi của nắng từ lâu đã là biểu tượng, nét đặc trưng của mùa Xuân phương Nam. Nếu như ở miền Bắc, những cánh hoa đào nồng thắm, ấm áp báo hiệu Xuân mới, Tết cổ truyền đang tới, ở phương Nam, hoa mai là loài hoa không thể thiếu trong những ngày Tết đến, Xuân về.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, những ngày này, trong các chợ hoa lớn như chợ hoa đặt Công viên Gia Định, Công viên Lê Văn Tám, các Hội hoa Xuân Tao Đàn, Phú Mỹ Hưng, chợ hoa Xuân trên bến dưới thuyền bến Bình Đông hay dọc theo đại lộ Phạm Văn Đồng (đoạn qua địa bàn thành phố Thủ Đức) luôn hiện diện sắc mai vàng tươi thắm.

Nhà văn Hoài Hương (Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ: Tết ở phương Nam không thể thiếu hoa mai. Hầu hết các gia đình, dù sung túc hay còn khó khăn đều có ít nhất một nhành mai. Những ngày đầu Xuân, cây hoa mai từ các vườn cây "đổ dồn” về phố phường, chợ Tết, hội hoa Xuân. Những cây mai đặc kín nụ xanh tròn, loáng tháng vài chiếc lá non tơ, điểm xuyết những nụ vàng chúm chím, tạo nên không khí Tết thật đặc trưng.

Gắn bó với nghề trồng mai nhiều năm, lão nông Nguyễn Văn Hoàng ở làng nghề trồng hoa mai Tân Tây (huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An) cho hay: Nhiều cây hoa mai đẹp có thế rất độc đáo như thế tam đa, phụ tử, trực, long cuốn thủy, thác đổ, ngũ phúc, song long… Cánh hoa mai thường to tròn, đều, sắc vàng tươi, khỏe khoắn. Ở làng nghề trồng mai Tân Tây, cây hoa mai còn có thêm nét riêng là cây có bộ rễ rất vàng, đẹp khiến những người sành chơi hoa, cây kiểng rất thích thú.

Cũng theo lão nông Nguyễn Văn Hoàng, ở vùng đất phèn Đồng Tháp Mười như xã Tân Tây, để trồng được cây mai đẹp, người nông dân phải lên liếp (làm luống) để trồng cây. Muốn có những gốc mai dáng đẹp, người trồng sẽ kiên trì hàng năm vừa chăm sóc cây, vừa tạo dáng, uốn thế cây. Hàng năm, vào khoảng giữa tháng Chạp, những cây mai sẽ được lặt (ngắt) lá để cây tập trung "nuôi” nụ, cho hoa nở đúng dịp Tết đến, Xuân về.

Gửi gắm ước vọng khi Xuân về


Công nhân đang vặt lá mai để giúp mai bung nụ đúng thời điểm Tết. Ảnh minh họa: Mạnh Linh/Báo Tin tức

Nhiều người lý giải, ở Nam Bộ, từ "mai” được phát âm hơi giống từ "may” nên càng tăng thêm ý nghĩa tốt đẹp, may mắn của loài hoa hoa báo hiệu Xuân về. Hơn thế, dưới nắng vàng rực rỡ, những cánh mai vàng tươi càng nổi bật, mang đến sức sống, tinh thần lạc quan, tươi vui cho mọi người, mọi nhà đón năm mới đến. Theo Nhà văn Hoài Hương, với các gia đình, nếu những bông hoa trên cây mai trồng trong vườn, chưng trong nhà hoặc chỉ đơn giản là cành mai cắm trang trọng bừng nở đúng đêm Giao thừa, gia chủ sẽ cảm thấy như có niềm vui, may mắn lớn trong năm mới. Hoa mai vàng nở rộ, đều trong những ngày Tết chính là thể hiện sự may mắn, tròn đầy, sung túc, đem đến tinh thần tươi vui, tràn đầy hy vọng trong năm mới.   

Xét từ đặc điểm của cây trồng, Phó Giáo sư Trần Xuân Lạc, nguyên giảng viên Trường Đại học Nông Lâm Huế phân tích, cây mai vàng thích hợp trồng ở vùng đất thoáng. Cây có bộ rễ rất tốt, cắm sâu vào lòng đất hoặc tỏa ra rất vững chắc. Nhiều người chơi cây cảnh cho rằng, chính đặc điểm này khiến cho mai mang vẻ đẹp tượng trưng cho sự vững vàng, kiên cường sẵn sàng vượt qua thử thách để sinh tồn, phát triển.

Lão nông Nguyễn Văn Hoàng (làng nghề trồng hoa mai Tân Tây, Long An) cho biết: có lẽ do chất đất ở làng mai Tân Tây là vùng bị nhiễm phèn nên để sinh trưởng, rễ cây mai đâm tỏa ra các hướng rất vững, làm nên nét đặc trưng cho bộ đế (gốc, rễ) của cây mai ở Tân Tây, thể hiện sức sống, mang lại may mắn cho gia chủ.  

Tết Nguyên đán đã cận kề, mùa Xuân đang "gõ cửa”. Ở phương Nam, sắc mai vàng hiện diện cùng vẻ đẹp của muôn loài hoa, cây kiểng. Phố phường được trang hoàng rực rỡ. Còn nơi miền quê cùng với sắc hoa mai vàng có những vườn trái cây trĩu quả, các làng nghề trồng hoa, gói bánh tét, làm bánh phồng, làm khô cá, khô tôm hối hả, mang đến không khí Tết ngập tràn, góp phần làm nên vẻ đẹp của một mùa Xuân mới ấm áp và tươi vui.

Theo TTXVN

Các tin khác


Về Mai Châu “mùa thơm nếp xôi”

Mai Châu là một địa điểm thú vị, không quá khó để đến và cũng không quá xa cho những kỳ nghỉ ngắn ngày. Chuẩn bị hành trang, ta về với Mai Châu - miền quê với "mùi thơm nếp xôi" đã đi vào thi ca.

Mãn nhãn với màn pháo hoa mừng ngày thống nhất đất nước

Tối 30/4, hàng nghìn người dân đổ về trung tâm TP Hồ Chí Minh để vui chơi và xem màn bắn pháo hoa mừng 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024).

Đặc sắc chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca vang mãi"

Tối 29/4, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động với chủ đề "Bản hùng ca vang mãi”.

Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Tác giả Vân Anh của tỉnh Hòa Bình được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc

Chiều 27/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức khai mạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23, năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục