Cho đến hiện tại, bản Sưng, xã Cao Sơn (Đà Bắc) là bản người dân tộc Dao duy nhất trên địa bàn tỉnh phát triển mô hình du lịch cộng đồng (DLCĐ). Bên cạnh vẻ đẹp cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, bản sắc văn hóa là điểm nhấn tạo sức hút cho điểm đến.


Du khách trải nghiệm nghệ thuật in sáp ong trên vải thổ cẩm cùng người dân bản Sưng, xã Cao Sơn (Đà Bắc).

Những ngôi nhà trệt, tường ghép gỗ, lợp mái cọ theo kiến trúc truyền thống vẫn còn phổ biến ở bản Sưng. Người dân trong bản giữ thói quen ở nhà trệt, dựng nhà sát nhau, không đắp tường ngăn vách mà quây quần đoàn tụ. Sau này, khi xây dựng loại hình du lịch, dịch vụ lưu trú, các hộ làm nhà nghỉ cộng đồng vẫn giữ nguyên bản về kiến trúc nhà ở truyền thống. Tuy nhiên, có cải tạo lại phần nền, thay nền đất bằng nền gạch, sắp đặt các vật dụng trang trí và đồ dùng sinh hoạt sử dụng vật liệu tre, nứa, gỗ tạo sự gần gũi, thân thiện với thiên nhiên.

Nghề dệt thổ cẩm đã gắn liền với cuộc sống người Dao Tiền từ bao đời nay. Ở cộng đồng bản Sưng, người dân vẫn tự tay nhuộm chàm, dệt vải, may trang phục truyền thống, gửi gắm vào đó những nét đẹp văn hóa bản địa. Bà con ở đây cho biết, điều tạo nên sự đặc sắc trong trang phục của người Dao Tiền là được trang trí bằng những đồng tiền bạc, họa tiết hoa văn có sự kết hợp nghệ thuật in sáp ong với cắt may, thêu và nhuộm chàm. Ngoài thêu trực tiếp váy áo, phụ nữ Dao Tiền thường thêu từng mảnh vải nhỏ, sau đó khâu đắp nổi vào váy áo.

Cùng với mô hình DLCĐ gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa, nghề dệt thổ cẩm truyền thống ở bản Sưng được quan tâm gìn giữ, phát huy. Chính quyền địa phương và các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ khôi phục, phát triển thành tổ nghề dệt thổ cẩm, thu hút 11 thành viên là phụ nữ trong bản tham gia. Đồng thời, trở thành một trong những sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách đến tham quan, trải nghiệm các hoạt động: nhuộm chàm, vẽ sáp ong… Ngoài trang phục váy áo, khăn, chị em trong tổ dệt còn tạo ra các sản phẩm với mẫu mã đa dạng như: khăn trải bàn, túi xách, ví… đáp ứng nhu cầu, thị hiếu mua sắm quà tặng lưu niệm của du khách.

Các nghề truyền thống khác như nghề thuốc nam, làm giấy dó được duy trì. Qua chia sẻ của anh Lý Văn Quý, tổ trưởng tổ sản xuất dược liệu thì trước đây, các hộ dân trong bản dựa vào nguồn dược liệu phong phú có trong tự nhiên làm ra các bài thuốc chữa bệnh, chủ yếu chữa bệnh trong gia đình. Được dự án phát triển DLCĐ bền vững hỗ trợ, bản thành lập tổ, đầu tư nhà xưởng, cung cấp thiết bị, mẫu mã, phát triển sản phẩm giúp khai thác bền vững tài nguyên, tăng tính cạnh tranh cho các sản phẩm dược liệu bản địa. Hiện nay, tổ sản xuất đã đưa ra thị trường 4 sản phẩm: trà giảo cổ lam ngọt, lá tắm thảo dược, xịt muỗi thảo dược và cồn xoa bóp gừng đỏ. Tổ hợp tác sản xuất giấy dó và phát triển sản phẩm từ giấy dó cũng là một trong những sản phẩm trải nghiệm hấp dẫn.

Tại điểm đến DLCĐ bản Sưng, nét văn hóa dân tộc như viết chữ Dao, lớp học người Dao, hái thuốc thảo dược, tắm lá thảo dược… cũng trở thành sản phẩm du lịch được du khách yêu thích, góp phần tạo nên diện mạo mới mẻ, sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn hơn cho bản người Dao Tiền. Song song với việc nâng cao nhận thức, ý thức bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, đời sống sinh kế của người dân địa phương ngày càng cải thiện. Đến nay, trên 80% hộ dân trong bản có thu nhập nhờ tham gia các dịch vụ lưu trú, ăn uống, hướng dẫn viên, văn nghệ, thổ cẩm, dược liệu, làm giấy dó… Các tổ, nhóm nghề truyền thống thường xuyên đón khách đến tham quan, trải nghiệm thực tế, nhất là nhóm giấy dó và thổ cẩm.

Chị Lê Thu Phượng, du khách Hà Nội chia sẻ: Tôi ấn tượng về một bản làng dân tộc Dao ven hồ Hoà Bình thoáng đãng, yên bình. Thời gian lưu lại nơi đây tôi đã có trải nghiệm đáng nhớ khi thăm xưởng sản xuất dược liệu với quy trình khép kín, nhà sấy thuốc bằng năng lượng mặt trời; vẽ sáp ong, nhuộm chàm, làm giấy dó cùng người dân bản địa.

Bà Đinh Thị Hảo, Giám đốc Công ty cổ phần DLCĐ Đà Bắc cho biết: Hiện nay, cùng với phát triển DLCĐ trên khu du lịch hồ Hòa Bình, bản Sưng là một trong những điểm dừng chân độc đáo nhờ khai thác, phát huy giả trị văn hóa bản địa, thu hút đông du khách, nhất là du khách nước ngoài.

  

Bùi Minh

Các tin khác


Giỗ Tổ Hùng Vương 2025: Tạm dừng, hoãn và lùi một số hoạt động

Thực hiện Thông cáo đặc biệt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về việc để tang nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Khamtay Siphandone theo nghi thức Quốc tang trong 2 ngày (ngày 4 và 5/4), Phú Thọ đã có văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, các cơ sở vui chơi, giải trí dừng, hoãn tổ chức các chương trình nghệ thuật, hoạt động vui chơi, giải trí công cộng trên địa bàn tỉnh.

Giỗ Tổ Hùng Vương trong kỷ nguyên mới của đất nước

Tháng Ba về, mang theo những cơn gió dịu dàng và hơi thở của tiết trời cuối Xuân, cũng là lúc lòng mỗi người Việt Nam náo nức hướng về Đất Tổ Phú Thọ. Trong dòng chảy vô tận của thời gian, có những giá trị không bao giờ cũ, những biểu tượng không phai nhòa, và Giỗ Tổ Hùng Vương chính là một trong những biểu tượng như thế. Không chỉ là ký ức lịch sử, Giỗ Tổ là cột mốc thiêng liêng đánh thức lòng yêu nước, là lời hiệu triệu vang vọng trong từng thế hệ con cháu Lạc Hồng.

Về Vũ Bình thưởng thức hương vị thịt chua Lạc Sơn

Thịt chua là món ăn truyền thống của bà con dân tộc Mường trong các dịp lễ, Tết và mỗi khi gia đình đón tiếp khách quý. Với nguyên liệu và các loại gia vị đặc trưng, các cơ sở sản xuất thịt chua tại xã Vũ Bình, huyện Lạc Sơn mang đến cho thực khách món ăn mang hương vị độc đáo, đậm chất truyền thống của người Mường Vang.

Tỉnh Hòa Bình - nơi hội tụ những nét văn hóa, lịch sử độc đáo, bản sắc: Bài 10 - Trang phục phụ nữ các dân tộc thiểu số ở Hòa Bình

Nhìn trang phục người phụ nữ, có thể nhận ra nét văn hóa của dân tộc Mường, Thái, Tày, Dao, Mông…

Phụ nữ huyện Kim Bôi tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hóa

Thời gian qua, bằng những cách làm thiết thực, hiệu quả, các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Kim Bôi đã có nhiều đóng góp thiết thực trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương. Cũng từ phong trào, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống tinh thần và vật chất của người dân không ngừng được cải thiện, nâng cao.

Trình diễn nghệ thuật dân gian, múa rối cạn phục vụ du khách

Ngày 2/4, Đoàn Nghệ thuật tỉnh trình diễn nghệ thuật dân gian, múa rối cạn phục vụ các tour du lịch tại Nhà đón tiếp khách du lịch và biểu diễn nghệ thuật (Khu di tích lịch sử Đền Hùng). Đây là một trong chuỗi các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch phục vụ Giỗ tổ Hùng Vương và Tuần Văn hoá - Du lịch Đất Tổ năm Ất Tỵ 2025.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục