Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình mở lớp dạy chữ Mường cho cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Ảnh: B.M
Đáng chú ý là năm 2010, cuốn sách Mo Mường Hòa Bình bằng tiếng Mường được UBND tỉnh xuất bản, trước đó là Từ điển Mường - Việt (Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc năm 2002) được biên soạn. Đây là những cơ sở ban đầu để ra đời bộ chữ Mường của dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020: "Chú trọng việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể các dân tộc; tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá tiềm năng, lợi thế về thiên nhiên, con người, bản sắc văn hóa các dân tộc, tổng hợp kiểm kê, lập hồ sơ di sản văn hóa trình Bộ VH-TT&DL quyết định công nhận mo Mường, chiêng Mường là di sản văn hóa cấp quốc gia; xây dựng lộ trình lập hồ sơ khoa học trình UNESCO công nhận mo Mường là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”, UBND tỉnh, trực tiếp là Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh "Xây dựng bộ chữ Mường phục vụ cho việc bảo tồn và phát huy văn hóa Mường tại tỉnh Hòa Bình”. Tham gia đề tài có các nhà khoa học, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành hữu quan và các nhà ngôn ngữ học, nhà nghiên cứu dân tộc Mường. Sau khi bộ chữ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình được nghiệm thu vào tháng 8/2016, ngày 8/9/2016, UBND tỉnh ban hành quyết định về việc phê chuẩn Bộ chữ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình. Tiếp đó, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 118/KH-UBND triển khai ứng dụng Bộ chữ dân tộc Mường tại tỉnh Hòa Bình.
Bộ chữ được xây dựng trên cơ sở của chữ quốc ngữ với những nguyên tắc: Bộ chữ Mường phản ánh bao quát được bộ mặt ngữ âm chung của tiếng Mường tại tỉnh Hòa Bình. Tức là có thể dùng để ghi được các biến thể tiếng Mường ở các vùng Mường trong tỉnh. Việc xây dựng bộ chữ Mường dựa trên cơ sở những đặc điểm của tiếng Mường chung và có chú ý đến những đặc điểm riêng của các tiếng Mường phương ngữ (Mường Bi, Mường Vang, Mường Thàng, Mường Động). Bộ chữ tận dụng những đặc điểm chung, thống nhất của chữ quốc ngữ để xây dựng chữ Mường tại tỉnh, tránh chịu áp lực của tiếng Việt và chữ quốc ngữ nhằm giữ được bản sắc ngôn ngữ văn hóa của tiếng Mường. Đồng thời, luôn tính đến mối liên hệ giữa tiếng Việt và chữ quốc ngữ, tức là tránh quá xa lạ với chữ quốc ngữ, làm cản trở việc phát huy lợi thế của việc biết chữ quốc ngữ khi học chữ Mường, cũng như giữ được thói quen, thẩm mỹ về chữ viết của chữ quốc ngữ đối với chữ Mường. Bộ chữ một mặt phản ánh được lý thuyết của ngôn ngữ học hiện đại đối với việc xây dựng chữ viết, phù hợp với thời đại của công nghệ thông tin, hội nhập quốc tế, mặt khác phải thuận lợi trong giáo dục bằng chữ Mường và tiện lợi trong sử dụng.
Bộ chữ dân tộc Mường gồm 28 chữ cái, 24 phụ âm đầu, 1 âm đệm. Việc ra đời bộ chữ Mường có ý nghĩa hết sức quan trọng. Ngày 28/6/2019, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1349/QĐ-UBND phê duyệt Đề án dạy và học tiếng dân tộc Mường giai đoạn 2018 - 2025, tầm nhìn đến năm 2035 trên địa bàn tỉnh. Thực hiện nhiệm vụ được tỉnh giao, Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình đã tham gia đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng Mường cho hàng trăm giáo viên tiểu học, THCS và THPT. Trường cũng mở nhiều lớp bồi dưỡng, cấp chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số (tiếng Mường) cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang trong tỉnh.
Xác định tầm quan trọng của việc tuyên truyền về di sản văn hóa Mường thông qua chữ Mường trên con đường bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc hiện nay, Báo Hòa Bình đã tham mưu Tỉnh ủy cho phép nghiên cứu và thực hiện chuyên trang tiếng Mường trên Báo Hòa Bình điện tử. Từ tháng 4/2017, chuyên trang tiếng Mường của Báo Hòa Bình điện tử chính thức phát hành trên hệ thống internet toàn cầu (bản tin bằng tiếng Mường và clips tiếng Mường). Chữ Mường, tiếng Mường tiếp tục được những "cầu nối” đưa đến cộng đồng Mường trên địa bàn tỉnh nói riêng và bạn đọc trong, ngoài nước nói chung trên hành trình phát triển.
(Còn nữa)
V.T (TH)