Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc gửi bài viết thể hiện quan điểm riêng xung quanh việc bản nhạc "Pizzicato Việt Nam" của ông dàn nhạc có thể chơi được không? Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Tôi thực sự không có nhiều thì giờ để đôi co trước bàn dân thiên hạ. Tôi cần thì giờ để viết nhạc. Tuy vậy cũng xin có vài lời để phúc đáp lại bài báo “Không ai tự ý gạt tác phẩm của NS Đặng Hữu Phúc”. Và cũng chỉ đi vào điểm chủ chốt trong cuộc tranh luận này là: bản nhạc “Pizzicato Việt Nam” dàn nhạc có thể chơi được không?

Mô tả ảnh.
Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc chỉ huy dàn nhạc chơi bản hợp xướng "Đất nước".

Qua bài báo tôi thấy nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã lấy bằng chứng là Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam (GHQGVN) biểu diễn bản Pizzicato “đã chơi vô cùng bì bõm” để chứng minh rằng bản nhạc này là không thể chơi được. Tôi là người có mặt trong buổi diễn đó (20/5/09) và thấy hội đồng chấm khí nhạc không có ai dự cả (các nhạc sĩ sáng tác VN rất ít đi nghe hoà nhạc giao hưởng), ngoài ông Quân. Vậy rõ ràng người kết luận bản nhạc không thể chơi được chỉ là ông Quân. Vả lại chính ông Quân cũng đã nói điều này với tôi từ lâu nhưng tôi chưa có dịp phản bác lại.

Tôi cũng đã nói rất rõ: cần phải rạch ròi khái niệm “dễ” - “khó” với “đánh được” - “không đánh được”. và người sáng tác chuyên nghiệp là phải sáng tác cho một nhạc công lí tưởng, dàn nhạc lí tưởng. Nghĩa là người biểu diễn phải nâng mình lên, hoàn thiện mình, để có thể biểu diễn thành công ý đồ của tác giả, chứ không phải viết dễ để chiều theo trình độ người biểu diễn (trừ những tác phẩm viết cho thiếu nhi với mục đích sư phạm như của P.Tchaikovski, R.Schumann, S.Prokofiev, B.Bartok…v.v.)

Mô tả ảnh.
Một buổi biểu diễn của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam

Lịch sử âm nhạc chuyên nghiệp trên thế giới đều biết những tác phẩm viết cho Violon của N.Paganini (1782-1840) là những tác phẩm cực khó (như 24 bản Capriccio cho Violon solo), chỉ những danh cầm hạng nhất mới có thể chơi đúng tốc độ do ông ghi.

Tương tự, những bản Etude cho piano của Carl Czerny (1791-1857) rất hiếm ai có thể chơi đúng được tốc độ mà ông ghi (chắc chỉ có F.Liszt, thiên tài piano, học trò của ông mới chơi được). Và nếu theo lập luận của ông Quân thì những tác phẩm đó không có giá trị, vì có thể nói những nhạc công người Việt Nam hiện nay khó có ai chơi đúng tốc độ được ghi trên những bản nhạc đó.

Nói vậy không có nghĩa rằng tôi đã viết bản “Pizzicato Việt Nam” khó và nhanh đến mức không chơi được. Theo đánh giá của tôi thì chỉ cần một dàn nhạc trình độ khá, với một chỉ huy giỏi và chịu khó luyện tập thì đều có thể chơi tốt bản nhạc này.

Trở lại ý kiến của ông Quân về Dàn nhạc GHQGVN. Đây là một đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp theo tôi là nhất ở Việt Nam hiện nay bởi họ đã làm được điều mà không nhà hát quốc gia nào làm được, đó là có chương trình biểu diễn trước cho cả một năm. Ngày nào, tháng nào, giờ nào? Diễn ở nơi nào? Ai độc tấu, ai chỉ huy? Chơi tác phẩm của nhạc sĩ nào? Tất cả đã được lên chương trình trước. Một năm Dàn nhạc biểu diễn tới 60 buổi. Có thể nói đó là một cuộc cách mạng về tổ chức mà giám đốc Ngô Hoàng Quân đã làm được, theo chuẩn của các Dàn nhạc chuyên nghiệp trên thế giới

Các buổi hoà nhạc hầu như đều do các chỉ huy nổi tiếng của nước ngoài chỉ huy. Nhất là nhạc trưởng Nhật Bản, Tetsuji Honna, ông hiện là giám đốc âm nhạc và chỉ huy chính của Dàn nhạc GHQGVN (ông nhận lương của Việt Nam là 2 triệu đồng/tháng!).

Tôi đã từng là người chơi piano (pianiste) của Dàn nhạc trong 22 năm (1979 - 2001) và cũng đã làm nhạc công piano dưới đũa chỉ huy của nhạc trưởng Tetsuji Honna nhiều lần. Tôi vô cùng kính phục sự hi sinh cho âm nhạc của ông. Đã gần mười năm nay, ông gắn bó với dàn nhạc với bao nhiêu tâm huyết mà không phải vì mục đích vật chất.

Một năm có lẽ ông ở Việt Nam tới hơn 10 tháng, niềm hạnh phúc của ông đơn giản chỉ là được cống hiến cho âm nhạc đích thực một cách âm thầm. Trong hoàn cảnh nước ta còn nghèo, nếu bỏ tiền ra thuê một nhạc trưởng tầm cỡ như Tetsuji Honna (ông đã đoạt nhiều giải thưởng về chỉ huy quốc tế) thì chắc chắn là không có. Tôi nghĩ nếu Nhà nước ta phong danh hiệu Anh hùng lao động cho ông cũng là xứng đáng, cho dù điều ông đeo đuổi chỉ là âm nhạc và âm nhạc.

Mô tả ảnh.
Nhạc trưởng Tetsuji Honna chỉ huy Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam chơi bản "Pizzicato Việt Nam"

Tất cả những chương trình biểu diễn của dàn nhạc đều phải đạt tiêu chuẩn về chuyên môn và tính chuyên nghiệp, nhất là đối với nhạc trưởng Tetsuji Honna, thì yêu cầu về chất lượng luôn rất nghiêm khắc và được đặt lên hàng đầu, vì đó là vấn đề sống còn của dàn nhạc. Vì vậy ông Quân nói “họ đã chơi vô cùng bì bõm” thì cái dàn nhạc đó là cái dàn nhạc gì mà coi thường khán giả, biểu diễn “bì bõm” tại một trung tâm văn hoá lớn nhất của đất nước là Nhà hát Lớn thành phố Hà Nội? Và trình độ của ông nhạc trưởng nữa?

Thật là một sự xúc phạm lớn đến một Dàn nhạc GHQG, với những nghệ sĩ hàng đầu về giao hưởng ở Việt Nam. Một sự xúc phạm không thể tha thứ đối với nhạc trưởng Tetsuji Honna đáng kính.

Nếu là một người thường, phát biểu như vậy thì ít ai để ý. Nhưng đây lại là phát biểu của ông Chủ tịch Hội nhạc sĩ VN thì người ta có thể sẽ nghĩ đó là một ý kiến chính thống. Vì vậy tôi nghĩ với lời phát biểu này, người đọc sẽ hiểu sai về Dàn nhạc GHQGVN. Tôi đề nghị ông Quân công khai xin lỗi Dàn nhạc và cá nhân nhạc trưởng Tetsuji Honna trên công luận.

                                                                                  Theo Vnn

Các tin khác


Khai mạc những ngày phim tài liệu kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tối 3/5, tại Hà Nội, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức Lễ khai mạc "Những ngày phim tài liệu kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ”.

Về Mai Châu “mùa thơm nếp xôi”

Mai Châu là một địa điểm thú vị, không quá khó để đến và cũng không quá xa cho những kỳ nghỉ ngắn ngày. Chuẩn bị hành trang, ta về với Mai Châu - miền quê với "mùi thơm nếp xôi" đã đi vào thi ca.

Mãn nhãn với màn pháo hoa mừng ngày thống nhất đất nước

Tối 30/4, hàng nghìn người dân đổ về trung tâm TP Hồ Chí Minh để vui chơi và xem màn bắn pháo hoa mừng 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024).

Đặc sắc chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca vang mãi"

Tối 29/4, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động với chủ đề "Bản hùng ca vang mãi”.

Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục