Sân khấu Nga Xôviết, sau Cách mạng Tháng Mười - năm 1917, đã có hơn 30 năm phát triển mạnh mẽ, đầy tính chuyên nghiệp, với nền tảng văn hóa vững chắc, được xây cất từ hệ thống lý thuyết sân khấu lớn nhất thế giới, mà người Việt quen gọi là thế hệ Xtanhixlavxki.

Trong khi đó, ở VN, những năm 30 đầu thế kỷ XX, sân khấu Việt hiện đại vẫn còn luẩn quẩn trong tình trạng nghiệp dư, mày mò tự học, tự dựng, tự diễn một cách tự phát hoặc chơi sân khấu "tài tử".

Học nghề từ sân khấu Nga Xôviết

Người tiên phong trong nghề đạo diễn của sân khấu Việt hiện đại là thi sĩ Thế Lữ, trong bối cảnh “nỗ lực tự thân” đó, chỉ khiêm cung nhận mình là “nhà dàn cảnh”. Ba nhà hát xây dựng theo kiến trúc Châu Âu vào thập niên 20 thế kỷ XX ở: Sài Gòn, Hà Nội, Hải Phòng, đều được gọi là “Nhà hát Lớn thành phố”, chỉ nhắm mục đích: Cho người Pháp đến đó thưởng thức sân khấu do người Pháp trình diễn, tất nhiên, trong đó toàn phần là kịch nghệ phương Tây. Với ý nghĩa đó, các nhà hát này còn được người Việt gọi nôm là “nhà hát tây”.

Cho đến năm 1954, khi người Pháp thực dân cuối cùng phải vĩnh viễn rời khỏi VN, thì sau lưng họ, đã không để lại cho Việt Nam bất cứ một trường lớp đào tạo kịch nghệ nào!

Ngay khi hòa bình lập lại trên miền Bắc VN năm 1954, Đảng và Nhà nước VN đã sáng suốt thiết lập chiến lược phát triển và khởi hành chương trình đào tạo bài bản: Gửi người đi học nghề sân khấu ở nước ngoài. Và đạo diễn, là nghề đầu tiên được nhắm tới. Những người Việt đầu tiên được cử đi học nghề đạo diễn, đã vào Viện Đại học Trung ương Hý kịch Bắc Kinh (Trung Quốc), học nghề trên cơ sở hệ thống lý thuyết của Xtanhixlavxki, mà người Trung Quốc đã học được từ các trường đại học sân khấu của nước Nga Xôviết và đến lượt họ, truyền giảng cho sinh viên VN.

Như thế, bản thân nước Nga Xôviết đã có một hệ thống lý thuyết tiên tiến và hiện đại về nghề đạo diễn, và nghề diễn xuất sân khấu, mang tên Xtanhixlavxki và được nhiều nước sử dụng đào tạo đạo diễn, trong đó có VN, bắt đầu từ sau năm 1954.

Cũng trong bối cảnh ấy, vào những năm cuối thập niên 1950, những người hoạt động sân khấu ở nước ta đã được học nghề đạo diễn theo cách đặc biệt: Không qua trường lớp, mà qua thực tiễn dàn dựng của các đạo diễn Nga Xôviết, với diễn viên VN tại các nhà hát ở VN. Đây lại là trường hợp có thể gọi là “Vietnamxki variant”, bởi các đạo diễn Nga Xôviết sang truyền nghề trực tiếp bằng thực tiễn dàn tập kịch bản Nga Xôviết tại VN.

Mùa hè năm 1958, ở thủ đô Hà Nội xuất hiện một đạo diễn Nga, tuổi năm mươi, tóc bạch kim, dáng tầm thước, cân đối, giọng sang sảng, tai giắt chiếc lược con, tay cầm quạt giấy thoăn thoắt từ nhóm diễn viên này chạy sang nhóm khác, liên tục làm việc với hàng trăm diễn viên của: Đội kịch Trung ương, Đội kịch Nam Bộ, Đội kịch Quân đội, Đoàn kịch diễn viên điện ảnh.

Đó là đạo diễn Vaxiliev - chuyên gia sân khấu Liên Xô, sang VN dàn dựng cho lớp thực nghiệm sân khấu gồm 4 đoàn văn công ấy, một vở kịch hoành tráng của sân khấu Nga Xôviết: “Liubov Iarovaia”, gọi tắt là “Liuba”. Lần đầu, nghệ sĩ Việt tiếp xúc trực tiếp với phương pháp sân khấu hiện đại và tiên tiến của Nga Xôviết, thông qua ngôn ngữ dàn cảnh của một đạo diễn Nga cụ thể trong một vở diễn cụ thể.

Lần đầu, đạo diễn Vaxiliev phân vai nhân vật người Nga cho hàng trăm diễn viên Việt Nam, một công việc khó khăn, phức tạp, song ông đã làm như không, với mắt xanh tinh đời.

Qua đạo diễn Vaxiliev, lần đầu, những người sân khấu Việt được xúc tiếp với hệ thống Xtanhixlavxki ở dạng sống động, xanh tươi của thực tiễn dựng vở. “Liuba” vì thế có thể coi là khởi đầu sự xuất hiện ngoạn mục, đầy tính thực nghiệm nghề đạo diễn kịch ở VN, bằng kinh nghiệm dàn cảnh của một đạo diễn Nga Xôviết.

Năm 1961, vị đạo diễn Nga Xôviết thứ hai xuất hiện ở VN, cũng với tư cách chuyên gia, với cá tính độc đáo khác. Khả năng lớn nhất trong dàn cảnh của Monakhov là “giễu nhại” những lối diễn cường điệu, giả tạo, kiểu cách, khiến diễn viên buộc phải từ bỏ lối ấy, trở về diễn chân thực, hòa cảm, hóa thân sâu sắc vào nhân vật. Monakhov đã giúp Quang Thái theo cách ấy, nên Quang Thái có vai diễn để đời: Vai Xecgây trong “Câu chuyện Iêckút”.

Sự xuất hiện của hai đạo diễn Nga Xôviết: Vaxiliev và Monakhov tại VN trong những năm 60 của thế kỷ trước, đã có ý nghĩa lớn về phương pháp, soi sáng chặng đường đầu tiên hình thành nghề đạo diễn trong sân khấu VN hiện đại.

Ba thế hệ đạo diễn Việt - thành quả đào tạo của nước Nga Xôviết

Cử người đi học nghề đạo diễn theo phương pháp sân khấu Nga Xôviết ở Trung Quốc. Học nghề đạo diễn ngay trong thực tế dàn dựng của đạo diễn Nga ở VN. Đó là hai dòng chảy được khơi nguồn từ sân khấu Nga Xôviết, như thế, ngay từ những năm 1950 và 1960, đã mặc nhiên tạo thành một hợp lưu, gồm ba thế hệ đạo diễn, đóng góp lớn cho sự phát triển của sân khấu Việt hiện đại suốt nửa sau thế kỷ XX.

Tính chuyên nghiệp cao của nghề này đã tạo thành thế hệ đạo diễn đầu tiên, có thể gọi là thế hệ vàng của sân khấu Việt hiện đại. Đó chính là những người đầu tiên được cử đi học ở Trung Quốc: GS-TS - NSND - đạo diễn Đình Quang; NSND - đạo diễn Trần Hoạt; NSND - đạo diễn Ngô Y Linh; NSND - đạo diễn Nguyễn Đình Nghi. Và sau này, ở Liên Xô: NSND - đạo diễn Dương Ngọc Đức; NSND - đạo diễn Ngọc Phương.

Trước khi học ở Bắc Kinh, cả 4 người trong thế hệ này: Đình Quang, Đình Nghi, Trần Hoạt, Ngô Y Linh đều hoạt động tích cực trong sân khấu kháng chiến chống Pháp. Trước đó, họ lại học trường Pháp, nên được trang bị cả vốn “tây học” lẫn vốn văn hóa dân tộc. Lại trải qua thực tiễn kháng chiến, nên những người đầu tiên học nghề đạo diễn này, khi sang Trung Hoa, như được chắp thêm cánh!

Trở về VN, 4 đạo diễn này lại được hành nghề trong môi trường thuận lành: Nhiều kịch bản xuất sắc thế giới đã được dịch ở VN, các tác giả Việt đã viết kịch bản với trình độ cao và người xem Việt đã trưởng thành về thẩm mỹ sân khấu, kể từ khi họ xem những vở diễn được đạo diễn chuyên nghiệp, như các vở diễn Nga Xôviết đã kể trên.

Sau đó là thế hệ có thể gọi là thế hệ “bạc”, với những đạo diễn nổi tiếng: NSND Doãn Hoàng Giang, NSND Phạm Thị Thành, NSND Huỳnh Nga, các NSƯT: Tường Trân, Đoàn Bá, Ca Lê Hồng, Bạch Lan, Thành Trí, Tạ Xuyên, Mai Ngọc Căn, Đoàn Anh Thắng, NSND Lê Hùng, NSND Xuân Huyền, Công Ninh... Thế hệ thứ hai, trong hành nghề, đã biết tiếp nối thế hệ thứ nhất và ngày càng có thể gánh vác được công việc của thế hệ đông đảo nhất, và giàu sức sống nhất.

Thế hệ thứ ba là thế hệ những người du học ở nước Nga trong thời gian khó của thập kỷ 1980: Công Ninh, Lê Mạnh Hùng, Khánh Vinh, Đức Hải... Họ là thế hệ cuối cùng của người Việt học đạo diễn ở Liên Xô, trước khi Liên Xô tan rã.

Có thể thấy, hoặc gián tiếp, hoặc trực tiếp, cả ba thế hệ đạo diễn trên đều có gốc gác nghề nghiệp liên quan mật thiết đến nền sân khấu của nước Nga Xôviết. Theo góc nhìn văn hóa, họ là kết quả chói sáng từ phương pháp đào tạo đạo diễn của sân khấu Nga Xôviết, và họ mãi mãi còn biết ơn những người thầy của họ đào luyện họ thành nghề và họ đã, đang hành nghề một cách thật xuất sắc ở VN.

                                                                        Theo Báo Laodong

Các tin khác


Khai mạc những ngày phim tài liệu kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tối 3/5, tại Hà Nội, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức Lễ khai mạc "Những ngày phim tài liệu kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ”.

Về Mai Châu “mùa thơm nếp xôi”

Mai Châu là một địa điểm thú vị, không quá khó để đến và cũng không quá xa cho những kỳ nghỉ ngắn ngày. Chuẩn bị hành trang, ta về với Mai Châu - miền quê với "mùi thơm nếp xôi" đã đi vào thi ca.

Mãn nhãn với màn pháo hoa mừng ngày thống nhất đất nước

Tối 30/4, hàng nghìn người dân đổ về trung tâm TP Hồ Chí Minh để vui chơi và xem màn bắn pháo hoa mừng 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024).

Đặc sắc chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca vang mãi"

Tối 29/4, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động với chủ đề "Bản hùng ca vang mãi”.

Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục