Truyền hình Việt Nam chưa có nhiều phim hay. Đó gần như là ý kiến thống nhất của người làm nghề và khán giả khi nhìn nhận về phim truyện truyền hình Việt Nam hiện nay. Thế nên nhân Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 29 (4 - 8/1/2010), Đài Truyền hình VN đã tổ chức hội thảo "Nâng cao chất lượng phim truyền hình VN". Thực ra thì đây đang là vấn đề chung của ngành điện ảnh chứ không riêng gì truyền hình.

Cứng nhắc trong quan niệm về các dòng phim

Hiện nay ở VTV, các dòng phim chính được phân bổ như sau: phim chính luận, xã hội và phim giải trí được phát sóng vào 20 giờ hàng ngày trên VTV1; Phim giải trí, phim xã hội hóa được phát sóng vào 21 giờ hàng ngày trên VTV3; Phim giải trí cuối tuần phát sóng vào 14 giờ 30 thứ bảy và chủ nhật.

 Một cảnh trong phim Cô nàng bất đắc dĩ.

Nhưng thế nào là phim chính luận, phim giải trí, phim xã hội thì chính những người làm phim cũng không phân định được rõ ràng. Người ta cứ nghĩ cứng nhắc chính luận là bình luận chính trị, thế là cứ lên gân lên cốt. Còn phim giải trí thì cứ đi vào khai thác cuộc sống ồn ào nơi đô thị, những mối tình lãng mạn, những đám thanh niên con nhà giàu... Vậy là cốt truyện cứ na ná nhau, những bối cảnh rặt một kiểu và những gương mặt diễn viên xinh đẹp xuất hiện hết phim này đến phim khác cũng một kiểu diễn xuất khiến các nhân vật mờ nhạt và khán giả thì cũng nhàm chán. Nói như NSND Trần Phương thì "Phim truyền hình VN đang có dấu hiệu đi sai lạc, xa rời quần chúng". Nhìn vào thời lượng hơn 1.000 giờ phát sóng/năm phim Việt, quả thực những vấn đề nhức nhối ở nông thôn, ở trong đời sống ít được đề cập. Đa phần các bộ phim mới chỉ phản ánh bề nổi cuộc sống sinh hoạt của thành phần trung thượng lưu. Nhiều phim chiếu trên truyền hình hoặc là làm lại kịch bản của nước ngoài hoặc làm theo ý đồ của người bỏ tiền đầu tư. Cũng theo NSND Trần Phương thì trong phim chính luận phải có giải trí và trong phim giải trí phải có chính luận thì mới tới được nhiều đối tượng khán giả. Bằng chứng là bộ phim Gió làng Kình - câu chuyện về nông thôn 100% với bao vấn đề phức tạp tưởng như khô cứng, nhưng các nhân vật đã được đắp thêm những tình tiết hài hước khiến chuyện phim trở nên hấp dẫn. Hoặc giả phim Bỗng dưng muốn khóc thuộc dòng phim giải trí nhưng là bộ phim hay, ở đó có chuyện người giàu, người nghèo và có những bài học giáo dục nhân cách. Nhưng những bộ phim chất lượng như thế không nhiều, chủ đề xã hội trong đa số phim truyền hình hiện nay không rõ.

Phim truyền hình nhìn từ phòng ngủ khán giả

Phó Tổng biên tập Thế giới điện ảnh, nhà văn Đoàn Minh Tuấn đã làm một cuộc tổng kết nhỏ thú vị thế này. Có một lần ngồi xem phim truyện truyền hình VN, mở VTV1 thấy một bà mẹ đang ngồi khóc. Không muốn mình bị lây buồn, mở HTV2, thấy một chị phụ nữ đang chắp tay khấn, mắt đẫm lệ trước di ảnh chồng. Mở sang VTV3 lại thấy một em bé đang quì trước mộ mẹ. Mở sang kênh VTC2 chuyên chiếu phim VN, thấy một người đàn ông cũng đang khóc. Anh bảo: không hiểu các nhà biên kịch, các đạo diễn có hay khóc không mà họ bắt các nhân vật khóc nhiều thế? Quả thực thì cuộc sống vốn đã buồn tẻ và đơn điệu, áp lực công việc và nhiều mối quan hệ phức tạp khiến mỗi người sau một ngày căng thẳng không còn muốn thư giãn bằng tiếng khóc. Chả thế mà mùa phim Tết, các hãng phim đua nhau làm phim hài với những chuyện phim chẳng có gì sâu sắc, chỉ được cái đến xem cười no bụng mà hầu như hãng nào cũng thắng về doanh thu.

Tính cách nhân vật mờ nhạt, thiếu ý chí, thậm chí yếu đuối là đa phần ý kiến nhận xét của khán giả về phim truyền hình VN thời gian gần đây. Bởi nghiêng về yếu tố giải trí, các nhà làm phim mải đi vào những chuyện vụn vặt trong sinh hoạt đời thường như việc buôn chuyện, nói xấu của những nhân viên nữ ở văn phòng (Cô gái xấu xí), chuyện quan hệ ứng xử đồng nghiệp (Lập trình trái tim), hoặc chuyện kèn cựa nhau trong công việc (Cô nàng bất đắc dĩ)... mặc dù thu hút được khá đông khán giả, bằng chứng là thời lượng quảng cáo chèn vào phim ngang ngửa với độ dài của mỗi tập phim được phát sóng, nhưng hiệu quả xã hội lại không cao.

 Phim Bỗng dưng muốn khóc - Bộ phim truyền hình được nhiều khán giả yêu thích.

Một ý kiến nhận xét cũng của nhà văn Đoàn Minh Tuấn rằng "Phim của ta quá nhiều bạo lực",có người phản đối, nhưng theo lý giải của anh thì phim ta ít có cảnh chặt đầu, chặt tay, bắn vỡ đầu, tóe máu ngực... nhưng lại đầy yếu tố bạo lực kiểu khác. Theo quan sát của anh trên phim, diễn viên của chúng ta đều có ánh mắt rất dữ tợn: con nhìn cha gườm gườm, cháu nhìn ông uất hận, chồng nhìn vợ như muốn thiêu cháy, hàng xóm nhìn nhau như muốn tuốt gươm, đối tác nhìn nhau đầy âm mưu... Nhân vật "dành" cho nhau ánh mắt như thế nên không hiếm bộ phim mà trong đó ngôn ngữ đời thường đưa vào quá nhiều, những tiếng quát nạt, dọa dẫm, nói bóng nói gió... đưa vào một cách tự nhiên chủ nghĩa.

Chính từ cách lựa chọn cốt truyện nặng về tính giải trí, thiên về những chuyện sinh hoạt nên phim truyền hình VN ít có nhân vật cao thượng, nhân vật có nghị lực. Làm về thiếu nhi thì toàn thấy chuyện ăn chơi hư hỏng của đám con nhà giàu, ít thấy bóng dáng những học sinh nghèo vượt khó. Làm về giới thời trang thì không thấy khắc họa chân dung một nhà thiết kế đau đáu về trang phục dân tộc mà toàn thấy chuyện ghen ghét, làm hại lẫn nhau trong một công ty thời trang...

Một vài điều nhìn thấy từ việc ngồi trong phòng ngủ xem phim truyện truyền hình VN đủ để thấy bên cạnh một số phim hay, còn rất nhiều phim dở khiến người xem phải tắt máy hoặc chuyển kênh.

Làm thế nào để có phim truyện truyền hình hay?

Đó vẫn luôn là câu hỏi của nhà Đài, của các đơn vị sản xuất phim và những người làm phim. Những câu nói: cần phải có chủ trương chính sách rành mạch, cần phải được đầu tư thích đáng, cần phải định hướng đề tài... luôn được gióng lên trong các cuộc hội thảo, tọa đàm rồi lại rơi vào thinh không. Mạnh ai nấy làm, nhất là từ khi có sự tham gia của các đơn vị xã hội hóa, vừa làm vừa "đo" - đo thị hiếu khán giả, đo ý tứ của người bỏ tiền, đo sự kiểm duyệt của cấp trên. Khi mà người nghệ sĩ vừa làm vừa phải lo sợ những điều ngoài nghệ thuật thì chắc chắn vẫn sẽ còn ra đời những sản phẩm xa rời cuộc sống, xa rời khán giả. Đó chính là nỗi khổ không chỉ của nghệ sĩ, mà còn là nỗi khổ của người xem.

                                                                            Theo Báo SKĐS

Các tin khác


Về Mai Châu “mùa thơm nếp xôi”

Mai Châu là một địa điểm thú vị, không quá khó để đến và cũng không quá xa cho những kỳ nghỉ ngắn ngày. Chuẩn bị hành trang, ta về với Mai Châu - miền quê với "mùi thơm nếp xôi" đã đi vào thi ca.

Mãn nhãn với màn pháo hoa mừng ngày thống nhất đất nước

Tối 30/4, hàng nghìn người dân đổ về trung tâm TP Hồ Chí Minh để vui chơi và xem màn bắn pháo hoa mừng 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024).

Đặc sắc chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca vang mãi"

Tối 29/4, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động với chủ đề "Bản hùng ca vang mãi”.

Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Tác giả Vân Anh của tỉnh Hòa Bình được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc

Chiều 27/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức khai mạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23, năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục