Tôi có tham gia một công trình nghiên cứu về văn học Gia Lai thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trong quá trình ấy, tôi phát hiện được một điều rằng: Rất nhiều người làm thơ thời kỳ này là chính các chiến sĩ cầm súng, là các cán bộ, thậm chí là cán bộ lãnh đạo, một số là người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên như ông Nay Phin, nguyên Chủ tịch tỉnh Gia Lai, các ông Siu Ken, Rơ Chăm Bla, Mô lô Y Klavi tức Mô Lô Y Choi...

Nhưng có một hiện tượng là có nhiều cái tên của những tác giả thơ xuất hiện trong chiến tranh, sau giải phóng đã không còn thấy nữa. Một số bài thơ thì bên cạnh một cái tên là người dân tộc như Siu Ken, Hơ Phít, Kha Vầy, Ksor Bleu,... thường kèm thêm tên người sưu tầm và dịch là Ngọc Anh, Trúc Cương và Nhật Lai... Chúng tôi đồ chừng, và thiên về ý kiến này, đây chính là các bài thơ của Ngọc Anh, Trúc Cương và Nhật Lai. Chuyện này đã xảy ra với một loạt các tác phẩm trong chiến tranh đều ghi Ngọc Anh sưu tầm và phỏng dịch, nhưng sau này các đồng đội của ông, những nhà văn và nhà nghiên cứu thế hệ sau, và lịch sử văn học cũng đã khẳng định, rằng đấy chính là thơ của Ngọc Anh mà bài Bóng cây Kơ nia là một thí dụ tiêu biểu. Bài thơ này được Phan Huỳnh Ðiểu phổ nhạc, trở thành một biểu tượng của lòng dân Tây Nguyên đối với Tổ quốc, với Ðảng, với Bác Hồ, với miền bắc Xã hội chủ nghĩa trong hoàn cảnh miền nam nói chung và Tây Nguyên nói riêng đang trong chiến tranh vô cùng khó khăn, gian khổ. Nó là tiếng nói lạc quan tuyệt vời của những con người yêu nước, yêu dân tộc, và hết lòng với lý tưởng, đặt trọn niềm tin vào lý tưởng. Rồi việc trả lại tên một loạt bài thơ cho nhà thơ Ngọc Anh đã được thực hiện sau gần nửa thế kỷ kể từ ngày nhà thơ qua đời. Và một nhóm làm phim đang lần lại dấu xưa để làm một bộ phim về Ngọc Anh với bài thơ Bóng cây Kơ nia. Phim do VTV thực hiện, kịch bản và đạo diễn - Lê Thiện Ðoan, cùng hai cố vấn là PGS, TS Trịnh Dánh - một nhà địa chất học nổi tiếng, và nhà báo Ðỗ Doãn Hoàng.


Ðược mời phát biểu trong phim, tôi cho rằng mình chỉ là một hậu sinh, nghe hát Bóng cây Kơ nia từ bé, nhưng gần đây mới nghe các nhà văn Nguyên Ngọc, Thanh Quế và một số văn nghệ sĩ cùng thời chính thức khẳng định Ngọc Anh chính là tác giả chứ không phải "Ngọc Anh sưu tầm và dịch" như lâu nay vẫn phổ biến. Tôi là người chấp bút cho ông Ksor Krơn kể về những ngày cuối cùng của Ngọc Anh ở chiến khu Kon Tum để in trong một cuốn sách mỏng do nhà văn Thanh Quế chủ biên về Ngọc Anh in cách đây hơn chục năm. Tôi cho rằng khi vào chiến trường những người như Ngọc Anh trước hết xác định mình là chiến sĩ, là công dân nên họ coi việc làm thơ để tuyên truyền cũng giống như việc anh chiến sĩ cầm súng đánh địch hay một việc gì đó phục vụ kháng chiến, nên ông không ghi mình là người sáng tác. Ðấy là thời kỳ "cái tôi" hòa trong "cái ta" rộng lớn, bi tráng của dân tộc. Chưa ai nghĩ đến bản quyền, đến quyền lợi cá nhân, đến sự nổi tiếng,...


Việc dùng cây Kơ nia làm hình tượng văn học cho bài thơ cũng là một phát hiện rất đắt của Ngọc Anh. Ðến bây giờ, không nhiều người trong chúng ta đã tường tận về cây Kơ nia đâu. Ðấy là một loại cây rất hiên ngang, chỉ đứng một mình, tán hình trứng, rễ cọc rất dài, và hạt ăn được. Trong chiến tranh, cán bộ, chiến sĩ của ta từng dùng hạt Kơ nia thay lương thực. Bà con ở Tây Nguyên để hạt Kơ nia trong gùi và đi, bao giờ mệt ngồi nghỉ và lấy hạt Kơ nia đập ăn, một vài hạt văng ra, và mọc thành cây, vì thế khi đi bộ trên một số con đường Tây Nguyên, khi nào mệt và mỏi, ta lại gặp một cây Kơ nia hiện ra, rợp bóng mát như một đặc ân của trời thả xuống ban cho con người.


Ðoàn làm phim rất kỳ công khi thực hiện bộ phim này. Làm từ Hà Nội, gặp và phỏng vấn những người có liên quan như nhà văn Nguyên Ngọc, vợ con nhà thơ Ngọc Anh, vào Ðà Nẵng tìm nhà thơ Thanh Quế, xuống Ðiện Bàn thăm mộ Ngọc Anh. Rồi lên Tây Nguyên, để phỏng vấn ông Ksor Krơn, tìm những người đã từng sống với Ngọc Anh thời ấy, lên tận huyện Tu Mơ Rông tìm về nơi Ngọc Anh hy sinh. Chính xác cẩn thận từng chi tiết, từng giọt nắng, từng động tác máy, từng bước di chuyển,... di chuyển trên gần cả chục tỉnh, thành phố với chiều dài cách xa nhau hàng nghìn cây số có lúc chỉ để quay một "đúp" vài phút. Ngoài sự cẩn thận cố hữu của những người làm phim có trách nhiệm, còn là tấm lòng của hậu thế với nhà thơ Ngọc Anh, người bao nhiêu năm khuất lấp giữa những bộn bề cuộc sống và đôi khi cả những sự lãng quên của chính những người còn sống chúng ta...


                                                                             Theo ND

Các tin khác


Khai mạc những ngày phim tài liệu kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tối 3/5, tại Hà Nội, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức Lễ khai mạc "Những ngày phim tài liệu kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ”.

Về Mai Châu “mùa thơm nếp xôi”

Mai Châu là một địa điểm thú vị, không quá khó để đến và cũng không quá xa cho những kỳ nghỉ ngắn ngày. Chuẩn bị hành trang, ta về với Mai Châu - miền quê với "mùi thơm nếp xôi" đã đi vào thi ca.

Mãn nhãn với màn pháo hoa mừng ngày thống nhất đất nước

Tối 30/4, hàng nghìn người dân đổ về trung tâm TP Hồ Chí Minh để vui chơi và xem màn bắn pháo hoa mừng 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024).

Đặc sắc chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca vang mãi"

Tối 29/4, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động với chủ đề "Bản hùng ca vang mãi”.

Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục