Từ chỗ không có tên trên bản đồ du lịch thế giới, chỉ trong vòng khoảng hai mươi năm, Việt Nam đã là một điểm đến ấn tượng và hấp dẫn bạn bè quốc tế. Nhưng như slogan của ngành du lịch, cái tên Việt Nam, cho đến bây giờ vẫn chỉ là một “vẻ đẹp tiềm ẩn”.

 
Làm thế nào để phát huy được vẻ đẹp đó, đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, cũng chính là xác định mục tiêu, bước đi trong giai đoạn mới của du lịch Việt Nam. Hội thảo quốc gia “Phát triển du lịch Việt Nam trong bối cảnh tích cực, chủ động hội nhập quốc tế” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Báo Nhân Dân tổ chức sáng nay 29-6 có sự tham dự của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh, Tổng  Biên tập báo Nhân Dân Đinh Thế Huynh và nhiều đại biểu là các cán bộ cao cấp, các nhà quản lý và nghiên cứu văn hóa, du lịch, đại diện nhiều công ty lữ hành, nhiều đơn vị làm du lịch nhằm đặt ra vấn đề đó.


Hơn hai mươi bản tham luận, cùng với nhiều ý kiến, chỉ đạo sát sao  của các cấp lãnh đạo đã nhìn nhận lại những thành tựu, phân tích những khó khăn cản trở và tìm ra những giải pháp để đưa du lịch Việt Nam phát triển trong bối cảnh mới.



Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu
chỉ đạo tại hội thảo.


Vẻ đẹp tiềm ẩn và là “biên cương du lịch”


Không khó khăn nhiều để nhận ra những lợi thế của Việt Nam để phát triển du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn. Một bờ biển dài hàng nghìn kilomet với những bãi biển được xếp vào hạng đẹp nhất thế giới. Điều kiện địa lý đặc biệt với đầy đủ địa hình sông nước, núi non, đồng bằng. Một nền văn hóa phong phú và một lịch sử lâu đời. Người dân thân thiện. Chính trị ổn định. Phong cảnh tươi đẹp. Ẩm thực phong phú… Đó là những lợi thế của du lịch Việt Nam đã được nhiều đại biểu đúc kết.


GS. Vũ Khiêu cho rằng Việt Nam có rất nhiều giá trị văn hóa tinh thần và vật chất cần được khai thác đối với du lịch. Một dân tộc có văn hiến và anh hùng, cùng với tinh thần hoà bình và hữu nghị, sự độc đáo và tinh tế trong ẩm thực, trang phục, lối sống… chính là những nét hấp dẫn du khách đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau.


Chính vì những lợi thế đó, những năm qua Việt Nam đã có được những thành tựu vượt bậc về du lịch. Ông Bùi Xuân Nhật cho rằng, từ chỗ không có gì, trong khoảng mấy chục năm sau chiến tranh, Việt Nam đã là một địa danh được biết đến nhiều đối với du khách quốc tế. Việt Nam tự nhận mình là “Vẻ đẹp tiềm ẩn”, nhưng ở nhiều nước, Việt Nam được gọi là “biên cương của những biên cương du lịch”. Ông coi đó là một “thành tựu tuyệt vời”.


Sự quan trọng của nhận thức


Đánh giá lại chặng đường phát triển vừa qua của du lịch Việt Nam, ông Vũ Khoan, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng, có năm nhân tố để đưa du lịch phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn. Điều đầu tiên chính là sự thay đổi về nhận thức. Từ quan niệm du lịch chỉ là một ngành giao tế, đã hiểu đúng về nó là một ngành kinh tế.



Các diễn giả tại hội thảo.


Nhận thức của những người làm quản lý, lãnh đạo cũng như của người dân về du lịch đã có sự thay đổi. Du lịch không chỉ là một ngành kinh tế gắn liền với thị trường, mà còn là một ngành tổng hợp hơn bất cứ một ngành nào khác. Du lịch gắn liền với văn hóa, lịch sử, an ninh, chính trị, môi trường. Chính vì thế, làm du lịch là sự tham gia của toàn xã hội, của cộng đồng. Sự thay đổi về nhận thức, vì vậy là vô cùng quan trọng. Nếu gọi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, thì điều quan trọng nhất là cũng phải “mũi nhọn” ngay ở sự đầu tư. Đầu tư không chỉ là tiền, mà điều cốt yếu nhất chính là nhân lực.


Theo ông Vũ Khoan, du lịch Việt Nam trong mấy năm qua, những thành tựu vượt bậc của du lịch Việt Nam có được, cũng là từ những nhân tố nói trên. Và cũng như thế, những mặt còn hạn chế của du lịch Việt Nam, cũng chính vì chưa giải quyết tốt những nhân tố đó.


Những nhận thức không đúng đắn, có phần lệch lạc cũng chính là nguyên nhân dẫn đến sự xuống cấp nghiêm trọng và mất mát về giá trị sản phẩm du lịch Việt Nam. Nguyên Phó Thủ tướng nói về một nỗi buồn hết sức cá nhân, nhưng cũng là một cảnh báo sâu sắc đối với người làm quản lý du lịch: chùa Trấn Quốc vốn là một nơi mà ông rất hay đến trước đây, thì giờ đây đã không còn muốn đến nữa. Bởi thay vì “chạm mặt với nền văn hiến 1000 năm Thăng Long, giờ đây chỉ còn là một đám vôi ve vàng khè”. Hay như khu Pác Bó, không kể giá trị lịch sử, thì đây là một khu di tích cảnh quan phong thuỷ đẹp vô cùng, nhưng giờ đã bị bê tông hoá  làm cho “hỏng” hết.


Về vấn đề này, ông Bùi Xuân Nhật cũng dẫn ra một loạt những biểu hiện “làm hỏng” diện mạo du lịch của đất nước mà trong đó quy hoạch đóng vai trò quan trọng. Quy hoạch Tam Đảo vụn vặt, Tuần Châu bị xi măng hoá, Văn Phong đã bị ảnh hưởng đối với du lịch bởi nhà máy sửa chữa tàu. Một loạt các bãi biển vô cùng đẹp từ Trà Cổ tới Đồ Sơn, Sầm Sơn, rồi Cửa Lò, đang bị ô nhiễm, xâm phạm và làm hỏng dần, mất dần?


Những giá trị của sản phẩm du lịch đó, phải bồi đắp qua hàng triệu năm mới có được. Nếu không có đủ nhận thức để gìn giữ, thì cái tên Việt Nam trên bản đồ du lịch cũng chỉ mới dừng lại ở chỗ được biết đến.


Cần tích cực và chủ động


Bàn về những giải pháp để đưa du lịch phát triển bền vững thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhiều đại biểu đưa ra những giải pháp cụ thể và thiết thực.


Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, du lịch hội nhập chính là hướng tới chuẩn mực quốc tế. Phó Thủ tướng cho rằng cần rà soát, đánh giá lại chất lượng du lịch hiện tại đến đâu. Cần chuẩn hóa quốc tế những hoạt động du lịch, từ việc cải tiến quy trình thủ tục xuất nhập cảnh, đến sự quản lý các di tích, danh lam, thắng cảnh, đến quá trình đào tạo nguồn nhân lực hướng tới tính chuyên nghiệp cao.



Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Đinh Thế Huynh:
Cần có quy hoạch du lịch tổng thể.


Ông Đinh Thế Huynh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân cho rằng, công tác quy hoạch các khu, tuyến, điểm du lịch cần được làm tổng thể, bài bản hơn, xác định những nét đặc trưng nổi bật để có sự đầu tư đúng đắn và xây dựng những sản phẩm du lịch mang bản sắc Việt Nam nhưng chất lượng ngang tầm quốc tế. Du lịch cũng cần nhất công tác tuyên tuyền, quảng bá. Trước hết, theo ông, nên mởi rộng thông tin đối ngoại qua các kênh truyền thông, báo điện tử, lồng ghép với các hoạt động ngoại giao…


Một số doanh nghiệp, đơn vị lữ hành cũng đề xuất những giải pháp cụ thể, trong đó nhấn mạnh những đầu tư từ phía nhà nước, chính phủ.


Về phần mình, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh khẳng định, ngành văn hóa sẽ thực hiện việc nghiên cứu cải cách thủ tục hành chính phiền hà đối với du khách, quan tâm cải tạo cơ sở hạ tầng và đặc biệt là vấn đề bảo tồn các giá trị lịch sử văn hóa.


“Vẻ đẹp tiềm ẩn” của Việt Nam đã được biết đến trên bản đồ du lịch, nhưng để trở thành một điểm đến lâu dài, cần một hình dung rõ ràng về chặng đường sắp tới. Tích cực hoàn thiện chất lượng dịch vụ, chủ động quảng bá, hội nhập, chính là yếu tố then chốt để đưa du lịch phát triển bền vững.
 
 
                                                                                     Theo ND

Các tin khác


Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 24/4, tại Cung Văn hoá tỉnh, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức khai mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố.

Khu 1, thị trấn Cao Phong: Khơi dậy tinh thần đoàn kết xây dựng khu dân cư văn hóa

Từ một khu dân cư (KDC) không có hoạt động gì nổi bật, Khu 1 - thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong đã bứt phá, trở thành điểm sáng thực hiện phong trào xây dựng nhà văn hoá (NVH), KDC văn hoá ở địa phương nhờ khơi dậy được tinh thần đoàn kết, tập hợp sức mạnh toàn dân.

Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục