Đã 7 năm kể từ ngày đầu ra mắt khán giả, vở kịch "Vòng xoáy" (tác giả: Trung tướng, nhà văn Hữu Ước; đạo diễn: NSND Doãn Hoàng Giang - NSƯT Trần Nhượng) của Đoàn kịch nói CAND đã có hàng trăm đêm diễn phục vụ khán giả mọi miền đất nước, cùng nhiều giải thưởng sân khấu chuyên nghiệp. Trong cuộc tái ngộ với khán giả Thủ đô đêm 4/8, "Vòng xoáy" thêm một lần thu hút người xem đến Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội.

 

Vở diễn hấp dẫn ngay từ cảnh mở đầu với phiên tòa xét xử kẻ phạm tội, trong đó, có Tư Hoàng, một sĩ quan Công an giỏi phá án. Sự nghiệp của một người hùng sụp đổ, kéo theo gia đình ly tán và đau đớn nhất là cậu con trai phải nhảy lầu tự tử vì nhục nhã khi bố vào tù. Tiếng kêu xé lòng của những đứa con của kẻ phạm tội, như tiếng chuông vang lên về sự mất mát quá lớn bởi sự tha hóa nhân cách vì đồng tiền. "Vòng xoáy" dẫn dắt người xem trở lại hành trình biến chất của Tư Hoàng. Tiền, tình đã đưa đường để một sĩ quan Công an trở thành kẻ bảo kê cho tội phạm lộng hành, thậm chí, còn bán rẻ đồng đội mình. Tội ác của băng đảng Sáu Quýt gây ra, có bàn tay Tư Hoàng.

Vở diễn thu hút người xem chính bởi, đây là một trong số rất ít vở diễn phản ảnh trực diện và sâu sắc về sự tha hóa của một số kẻ có chức quyền, trong đó, có một bộ phận trong lực lượng Công an. "Ung nhọt này, cắt bỏ 1 lúc thì đau đấy, nhưng không thể không cắt", lời của Thiếu tướng Bảy Thắng, cũng là tư tưởng của vở diễn, để người xem được lạc quan, tin tưởng rằng, Thiếu tướng Bảy Thắng, Hoàng Dũng và Hoàng Lê là đại diện số đông lực lượng Công an luôn kiên quyết đấu tranh đến cùng với tội phạm, sẵn sàng hy sinh cả bản thân và hạnh phúc riêng tư vì sự bình yên của nhân dân. Cái ác cuối cùng phải đền tội, sự trung thực, nhân ái được tôn vinh.

NSND Trọng Khôi từng nhận xét: "Vòng xoáy" đã đưa ra được những ý nghĩa khái quát về cuộc sống, về con người và cả triết lý cuộc đời theo kiểu phương Đông".

Từ kịch bản kết cấu chặt chẽ, NSND Doãn Hoàng Giang và NSƯT Trần Nhượng đã chung tay sáng tạo, để hôm nay, dẫu đã gần chục năm, mà vở diễn vẫn còn nguyên tính thời sự. Các đạo diễn đã tìm ra được hình thức thể hiện ăn ý với nội dung, tạo "đất" cho diễn viên thăng hoa. Tiết tấu nhanh, mạnh, phù hợp với các tình huống kịch gay cấn và phức tạp, đã biểu đạt được ý tưởng của vở diễn. Bài trí sân khấu không cầu kỳ, nhưng có tính biểu cảm, nên mang lại hiệu quả cao. Hình ảnh chiếc lưới giăng giữa sân khấu gần như từ đầu đến cuối vở đã tạo được ấn tượng với người xem bởi chiều sâu ý nghĩa.

Cảnh trong vở "Vòng xoáy".

Làm nên thành công của vở diễn, phải kể đến dàn diễn viên đồng đều của Đoàn kịch nói CAND. Kinh nghiệm và tài năng diễn xuất của NSƯT Trần Nhượng đã tạo dựng được hình tượng đẹp về người chiến sĩ Công an qua vai diễn Thiếu tướng Bảy Thắng. Vị tướng già đau đớn đến không tin khi đồng đội, cũng là người bạn thân thiết của gia đình mình phạm tội. Nhưng khi mọi việc rõ ràng, ông kiên quyết gạt tình riêng để xử lý. Sau tiếng hô "giải tất cả đi", ông đau đớn lặng đi, cố nén những giọt nước mắt vào lòng.

Kinh nghiệm của một diễn viên có hàng trăm vai diễn trên sân khấu và truyền hình, cho phép NSƯT Trần Nhượng diễn tả rất thành công tính cách, tâm trạng của vị chỉ huy trong những thời khắc quan trọng, để người xem được thưởng thức một vai diễn đẹp và đầy xúc động.

Đảm nhiệm vai diễn quan trọng, NSƯT Công Bảy đã làm một cuộc "lột xác" với chính mình khỏi những vai chính diện, để thuyết phục người xem bằng diễn xuất rất ngọt, lột tả được con người thật của Tư Hoàng giấu bên ngoài cái vẻ đạo mạo của một vị lãnh đạo. Không xuất hiện nhiều, nhưng Hoàng Lan (vai Trang, người yêu Hoàng Lê) đã lấy được nước mắt của người xem khi cô lột tả được tâm trạng đau đớn, bàng hoàng của một nữ sinh bỗng nghe tin người yêu là Cảnh sát hình sự lại bị bọn tội phạm giết chết.

Các diễn viên NSƯT Đức Thuận, NSƯT Thế Bình… đều thể hiện tốt vai diễn của mình với những sáng tạo riêng, mang lại hiệu quả cho vở kịch. Với phong cách diễn mộc mạc, chân thành, không dùng kỹ thuật, các nghệ sĩ đã khiến nhiều lúc người xem như lãng quên ranh giới giữa sân khấu và khán giả, để hồi hộp lắng theo bao giằng xé, mưu mô cho đến khi kịch tính được tháo gỡ, bọn tội phạm phải trả giá. Những tràng pháo tay sau mỗi lớp diễn đã cho thấy tính hấp dẫn của "Vòng xoáy" trong cuộc tái ngộ khán giả Thủ đô lần này.

Chia sẻ cảm xúc của mình ngay sau đêm diễn, NSƯT Công Bảy xúc động: Dù có lâu hơn nữa thì khi diễn lại, tôi vẫn nguyên vẹn cảm xúc như ngày đầu dựng vở. Vì vấn đề vở diễn đặt ra, cũng chính là điều ngành Công an luôn quan tâm. Hơn nữa, Tư Hoàng là một nhân vật điển hình mà tôi rất thích. Ngoài đời cũng có những chiến sĩ Công an mắc phải sai lầm, bị tai nạn nghề nghiệp như Tư Hoàng, để "vòng xoáy" cuộc đời cám dỗ, cuốn đi. Vì thế, cần xây dựng hình tượng Tư Hoàng, để người xem rút kinh nghiệm, tránh được mất mát. Tôi không bất ngờ khi khán giả đến xem rất đông, vì cuộc đấu tranh chống tội phạm của chúng ta ngày càng quyết liệt, như vụ án ma túy xảy ra ở Hòa Bình mới đây, nên dù đã 7 năm, nhưng vấn đề vở diễn đặt ra vẫn còn nóng hổi.

NSƯT Trần Nhượng cũng không giấu được niềm vui: Sự yêu mến của khán giả đã cho thấy tính thời sự của đề tài và sức sống của vở diễn khi những vấn đề tác giả đặt ra vẫn được công chúng quan tâm. Có lẽ, đó chính là phần thưởng xứng đáng với lao động nghệ thuật của các nghệ sĩ Đoàn kịch nói CAND. Điều đó cũng cho thấy, khôi phục và diễn các vở đề tài về Công an trong dịp này là chủ trương đúng, để tiếp tục tuyên truyền cho chương trình quốc gia phòng chống tội phạm, chống tham nhũng và là tiếng nói cổ cũ, xây dựng lực lượng Công an ngày càng trong sạch

 

                                                                                   Theo CAND

Các tin khác


Bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 25/4, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức (BTC); Vũ Văn Hoài, Phó Chủ nhiệm chính trị Quân khu 3; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh...

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 24/4, tại Cung Văn hoá tỉnh, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức khai mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố.

Khu 1, thị trấn Cao Phong: Khơi dậy tinh thần đoàn kết xây dựng khu dân cư văn hóa

Từ một khu dân cư (KDC) không có hoạt động gì nổi bật, Khu 1 - thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong đã bứt phá, trở thành điểm sáng thực hiện phong trào xây dựng nhà văn hoá (NVH), KDC văn hoá ở địa phương nhờ khơi dậy được tinh thần đoàn kết, tập hợp sức mạnh toàn dân.

Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục