Vì sao người nước ngoài học nhạc dân tộc Việt Nam? Câu trả lời không đơn giản là vì yêu mến, muốn quảng bá hoặc để khẳng định sự hấp dẫn của âm nhạc dân gian Việt Nam đối với thế giới như nhiều người ngộ nhận.

Ba câu chuyện dưới đây giúp xác định một điều: để nghiên cứu âm nhạc dân tộc mình thì phải am hiểu âm nhạc các dân tộc trên thế giới.

Briain thổi sáo Mông - Ảnh do nhân vật cung cấp

Để phục vụ mục đích giáo dục và nghiên cứu âm nhạc của chính đất nước mình, các nhà nghiên cứu phải tìm hiểu kỹ các nền âm nhạc truyền thống trên thế giới, trong đó có VN.

Học với mục đích nghiên cứu

Xuất hiện trong hội nghị của Hội đồng Âm nhạc thế giới tổ chức tại VN trong những ngày cuối tháng 7, bên cạnh những nhà nghiên cứu lớn tuổi là một chàng trai người Anh còn khá trẻ tên Lona’n O’ Briain. Đây là lần đầu tiên Briain tham gia hội nghị của Hội đồng Âm nhạc truyền thống thế giới để đọc tham luận về âm nhạc VN. Gương mặt khá trẻ và đề tài “hóc”: “Âm nhạc và tính bền vững của cộng đồng người Mông ở miền núi phía Bắc VN” của Briain đã khiến nhiều cử tọa ngưỡng mộ.

Bản tham luận của Briain là một phần nghiên cứu liên quan đến luận văn tiến sĩ mà anh đang làm tại Anh. Briain không phải là người duy nhất làm luận văn tiến sĩ về âm nhạc dân tộc VN. Đi trước anh, nhưng cùng có mặt tại hội nghị còn có: Gisa Jahnichen (người Đức, làm luận văn thạc sĩ về ca trù, tiến sĩ về đờn ca tài tử), Baley Norton (người Anh, làm luận văn tiến sĩ về hát văn)... Đương nhiên, nếu người VN nghiên cứu về âm nhạc dân tộc khó một thì đối với Briain khó mười, bởi đầu tiên anh cần phải học ngôn ngữ, sau đó mới đến kiến thức nhạc lý liên quan đến đời sống cộng đồng người Mông mà anh nghiên cứu.

Briain nói tiếng Việt không sõi, càng không biết tiếng Mông, do vậy muốn gặp gỡ những nghệ nhân làm khèn, sáo và những người thổi khèn hay anh phải tìm gặp những người Mông làm du lịch ở Sa Pa.

Sau gần hai năm nghiên cứu về âm nhạc Mông, đến giờ Briain có thể thổi được sáo Mông, chơi được kèn lá nhưng vẫn chưa chơi được kèn môi và khèn vì sử dụng hai nhạc cụ đó rất khó. Tuy vậy, cấu trúc âm thanh, cấu tạo cây khèn hay lai lịch của từng nhạc cụ đã được anh nghiên cứu khá nghiêm túc. “Nghiên cứu có nghĩa là phải tìm hiểu thật sâu, đủ để chơi thuần thục một nhạc cụ nào đó hoặc hát được - Briain nói - Đó là điều kiện bắt buộc đối với một người nghiên cứu âm nhạc dân tộc”.

Và cũng giống như Briain, tiến sĩ Gisa có thể thổi sáo rất cừ, Baley Norton có thể hát văn như người Việt... Nhưng họ nghiên cứu không chỉ để cho biết hay giới thiệu, quảng bá âm nhạc VN mà phục vụ công việc họ đang làm, cho ngành âm nhạc và thế hệ nghiên cứu âm nhạc của nước mình.

Esbjörn Wettermark (thổi sáo) biểu diễn cùng NSƯT Thanh Ngoan (bìa trái, đánh trống) và các bạn học tại Học viện Âm nhạc quốc gia VN - Ảnh do nhân vật cung cấp

Học để nâng cao kỹ năng

Từ năm 2007-2009, mỗi tuần ba buổi, Tôn Tiến (người Trung Quốc - TQ) đều học thêm với thầy giáo về đàn bầu ngoài thời gian học tại Học viện Âm nhạc quốc gia VN. Lúc rảnh rỗi Tôn Tiến tìm gặp những nghệ nhân đàn bầu để học thêm về bí quyết chơi đàn của từng người, những người ở xa thì cô nghe băng đĩa để nghiên cứu... Cô cũng cho rằng lợi thế lớn nhất khi học về nhạc cụ truyền thống ở VN (cụ thể là đàn bầu) là mức học phí rất “hữu nghị” so với việc học những nhạc cụ khác.

Cô cho biết ở TQ cũng có đàn bầu và người TQ cải tiến kỹ thuật rất nhiều lần nên hình dáng chiếc đàn bầu trông rất đẹp mắt và hấp dẫn. Tuy nhiên, về mặt kỹ thuật thì người VN sử dụng đàn điêu luyện và hay hơn rất nhiều. Tôn Tiến sang VN là để học kỹ thuật chơi đàn.

Khi học không chỉ cầm theo chiếc đàn bầu, Tôn Tiến bao giờ cũng mang theo vở và ghi chép rất tỉ mỉ về các thuật ngữ và các phương pháp chơi đàn dân gian. Bởi các nhạc cụ dân tộc VN không ký âm (đồ rê mi fa son) mà bằng hơi nhạc: hò, xự, xang, xê, cống, líu... Như vậy một người không biết đọc nốt nhạc cũng có thể học được nhạc cụ dân tộc. Tôn Tiến không chỉ học đánh đàn bầu bằng hơi nhạc mà cô còn tỉ mỉ học cách luyến láy sáng tạo nhiều âm thanh khác nhau từ cây đàn một dây.

Hiện Tôn Tiến đã bảo vệ luận án thạc sĩ và trở về TQ tiếp tục tìm học bổng để theo học tiến sĩ tại VN vì theo cô, âm nhạc VN và TQ nhìn bề ngoài thì giống nhau nhưng phải đọc, nghe và hiểu thì mới thấy âm nhạc dân tộc VN có rất nhiều điều đáng để học hỏi.

Học để trải nghiệm đa dạng

Esbjörn Wettermark nghiên cứu âm nhạc dân tộc VN tại Học viện âm nhạc Malmö (Thụy Điển) từ năm 2003. Không biết tiếng Việt nhưng có khả năng chơi nhạc cụ dân tộc Thụy Điển, Esbjörn Wettermark đi bằng con đường thẳng, thử học đàn bầu, đàn tranh, đàn nguyệt...trước khi thật sự nhận ra điều mình yêu thích. Năm 2009, gặp NSƯT Nguyễn Ngọc Khánh, Wettermark mê mẩn với tuồng và theo thầy Khánh học ba tháng kèn sona (còn gọi là kèn bóp).

Cùng thời gian đó, anh học chèo qua tiếng sáo trúc của nghệ sĩ Phạm Văn Doanh. “Ban đầu, tôi học vài bài dân ca nổi tiếng như Lý cây bông, Cây trúc xinh thấy không khó lắm. Nhưng càng về sau tôi càng thấy nhiệm vụ học là bất khả thi! Có khi biết chơi mười loại nhạc cụ nhưng thật sự hiểu chỉ có một. Ví dụ với chèo, những biến tấu quá đa dạng, vừa tưởng mình đã hiểu tôi lại phát hiện một lối chơi ngẫu hứng mới của thầy” - Wettermark nhớ về giai đoạn học sáo trúc của mình.

Hoàn thành bằng thạc sĩ chuyên ngành giáo dục âm nhạc, Wettermark tiếp tục với tấm bằng thứ hai thạc sĩ chuyên ngành âm nhạc dân tộc học Trường Goldsmiths, London (Anh). Lần này Wettermark chọn ca trù để phục vụ luận văn nghiên cứu. Thay đổi cách nghiên cứu, anh không tìm hiểu ca trù qua nhạc cụ (đàn đáy) mà chú ý hơn đến quá trình, cách thức ca trù trở lại đời sống văn hóa vài năm gần đây. Vốn tiếng Việt quá ít ỏi, không hiểu ca từ, Wettermark vẫn đắm đuối với giọng hát của những nghệ nhân ca trù nổi tiếng như Quách Thị Hồ, tranh thủ đi nghe ca trù mỗi lần đến Hà Nội.

“Nếu không sõi tiếng Việt, bạn cần mất thời gian tính bằng năm để nắm bắt ít nhiều những trúc trắc trong cấu trúc, âm điệu và nghệ thuật ngẫu hứng, ứng biến của các nghệ nhân. Áp dụng cách nghiên cứu như với tuồng và chèo, tôi cảm nhận bằng tai thay vì ghi chép”. Ngoài công việc nghiên cứu, Wettermark còn trực tiếp lên sân khấu biểu diễn âm nhạc dân tộc VN. Anh và những người bạn tổ chức một sân khấu đồng diễn mang tên “Ojzaioj” (phát âm của “Ối giời ơi”), từng lưu diễn tại VN, Thụy Điển, Đan Mạch (trang blog của nhóm www.myspace.com/ojzaioj).

Mỗi nhà nghiên cứu đều có một mục đích cụ thể của mình để tìm hiểu nhạc Việt. Họ tìm hiểu vì công việc và đồng thời vì chính những học sinh mà họ sẽ giảng dạy trên cơ sở những công trình nghiên cứu của họ.

Tiến sĩ Gisa nói: “Người nghiên cứu âm nhạc dân tộc VN mới chỉ nghiên cứu âm nhạc của chính các bạn chứ chưa nghiên cứu âm nhạc thế giới. Các bạn cũng ít đọc được người ta đã viết những gì vì nhiều người không biết ngoại ngữ”. Từ thực tế cho thấy nếu không có chương trình bảo tồn, nghiên cứu nghiêm túc ở VN, không có chế độ đãi ngộ đối với các nghệ nhân thì sau này con cháu chúng ta sẽ phải ra nước ngoài tìm tài liệu nghiên cứu về nhạc Việt!.

                                                                                   Theo Báo Tuoitre

Các tin khác


Đặc sắc chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca vang mãi"

Tối 29/4, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động với chủ đề "Bản hùng ca vang mãi”.

Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Tác giả Vân Anh của tỉnh Hòa Bình được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc

Chiều 27/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức khai mạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23, năm 2024.

Huyện Đà Bắc nâng cao hiệu quả xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở

Huyện Đà Bắc có 17 xã, thị trấn với 122 xóm, tiểu khu, 5 dân tộc chủ yếu Tày, Mường, Dao, Kinh, Thái cùng chung sống đoàn kết. Những năm qua, việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được quan tâm. Qua đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần ổn định an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục