Một trong những nhà văn hóa của huyện Tân Lạc được xây dựng khuôn viên hẹp và nằm giữa cánh đồng, nên ít được sử dụng đúng mục đích

Một trong những nhà văn hóa của huyện Tân Lạc được xây dựng khuôn viên hẹp và nằm giữa cánh đồng, nên ít được sử dụng đúng mục đích

(HBĐT) - Năm 2004, UBND tỉnh phê duyệt Đề án xây dựng nhà văn hóa xóm, bản, giai đoạn 2005-2010. Đây là một chủ trương lớn, hợp lòng dân, khai thác được tiềm năng, thế mạnh trong nhân dân. Hoạt động xây dựng nhà văn hóa đã trở thành phong trào thi đua ở mỗi huyện, xã, xóm, KDC.

 

Thực hiện Đề án, đến năm 2010 toàn tỉnh đã có 72% xóm bản có nhà văn hóa (chỉ tiêu, kế hoạch là 80%). Hệ thống nhà văn hóa đi vào hoạt động đã tạo điều kiện cho nhân dân được giao lưu văn hóa, được tiếp nhận công nghệ thông tin và chuyển giao khoa học, công nghệ, góp phần nâng cao dân trí. Tuy nhiên, nhìn lại quá trình thực hiện Đề án còn có đôi điều bất cập dẫn đến sự lãng phí.  

 

Theo Đề án, những xóm, bản chưa có nhà văn hóa sẽ được hỗ trợ xây dựng mới, những xóm, bản đã có nhà văn hóa thì được sửa chữa, nâng cấp, mở rộng.  Mặt bằng xây dựng là ở khu vực trung tâm KDC thuận tiện cho quản lý và sử dụng có diện tích tổng thể là 300m2 bao gồm: Nhà văn hóa, sân tập luyện TD-TT, tổ chức lễ hội... Diện tích sử dụng nhà văn hóa: đối với xóm, bản có từ 50 hộ trở xuống thì diện tích tối thiểu là 50m2, đối với xóm, bản có từ 51 hộ trở lên đến 150 hộ dân tối thiểu là 80m2, các xóm bản có trên 150 hộ dân tối thiểu là 120m2.  Tổng kinh phí ngân sách  tỉnh hỗ trợ từ năm 2005-2010 là 22,8 tỷ đồng.

 

Qua 6 năm thực hiện đề án, toàn tỉnh đã xây dựng, cải tạo được 1.450 nhà văn hoá. Trong đó, xây mới 1.328 nhà, sửa chữa, cải tạo 122 nhà. Tổng kinh phí thực hiện khoảng 88,6 tỷ đồng. Ngoài nguồn vốn ngân sách của tỉnh, ngân sách của huyện, xã và nhân dân đóng góp  là 65,8 tỷ đồng. Khi xây dựng, cải tạo, nâng cấp xong diện tích trung bình của các xóm bản có dưới 50 hộ là 65m2/nhà văn hoá; xóm bản có từ 51-150 hộ là 80m2/ nhà văn hoá; xóm bản có trên 150 hộ là 135m2/ nhà văn hoá. Thực tế, khi bắt tay vào xây dựng phụ thuộc vào nguồn kinh phí và quỹ đất có nhiều địa phương xây dựng nhà văn hoá không phù hợp với quy cách dẫn đến tình trạng  xây xong rồi bỏ phí.

 

Trong chuyến công tác về 2 xã Ngọc Lâu, Ngọc Sơn của huyện Lạc Sơn, chúng tôi được biết hầu hết các xóm đều đã có nhà văn hoá và đã được đầu tư trang thiết bị nội thất. Thế nhưng, theo truyền thống, những buổi họp của KDC, hoặc các buổi sinh hoạt đoàn thể ở một số xóm vẫn được tổ chức ở nhà dân cho tiện. Lý do, người dân vốn quen với nếp sinh hoạt bên căn nhà sàn thoáng rộng, còn nhà văn hoá lại được xây dựng ở nơi đất trống, xa KDC, diện tích chật trội lại được lớp bằng mái tôn, nóng nực vào mùa hè, thậm chí đường vào nhà văn hoá còn bị lầy lội, ướt át khi mùa mưa tới. các huyện Cao Phong, Tân Lạc, Lương Sơn… không ít nhà văn hoá được xây dựng với một diện tích quá khiêm tốn nằm bên cạnh vệ đường, chân núi, có khi là bờ ruộng… không có khoảng không gian dành cho việc tổ chức các hoạt động TD-TT, lễ hội… theo đúng chức năng của nhà văn hoá. Khi xây dựng nhà văn hoá, ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh, huyện, mỗi xóm, bản, đều phải hô hào người dân đóng góp với mức từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng/hộ gia đình. Thế nhưng, khi nhà văn hoá xây xong lại không sử dụng, hoặc ít sử dụng, không có người quản lý trông coi để cỏ dại, rêu phong mọc kín lối, không có tường rào bảo vệ, ngẫu nhiên trở thành bãi chăn thả gia súc, gia cầm gây mất mỹ quan.  

 

Cùng với việc xây dựng, cải tạo nhà văn hoá xóm, bản, UBND tỉnh đã ra quyết định phân bổ nguồn kinh phí từ nguồn vốn chương trình mục tiêu Quốc gia về văn hoá hàng năm để đầu tư mua sắm 452 bộ thiết bị âm thanh cho các nhà văn hoá thuộc các làng văn hoá và nhà văn hoá xóm bản với tổng kinh phí 5,1 tỷ đồng. Thực tế trong thời điểm hiện tại và cả trong tương lai, nhà văn hoá vẫn là một trong những thiết chế văn hoá quan trọng trong sinh hoạt cộng đồng dân cư và ngày càng trở nên cần thiết hơn trong sự nghiệp CNH-HĐH. Một minh chứng cụ thể, hiện tại ở hầu hết các KDC trên địa bàn TP Hòa Bình đều thiếu nơi hội họp, tổ chức các hoạt động chính trị, văn hoá… nhưng vì không có quỹ đất nên trong 6 năm qua, thành phố mới xây dựng và sửa chữa, nâng cấp được 98 nhà văn hoá. Đến nay, số thôn, xóm, KDC trên địa bàn thành phố có nhà văn hoá mới đạt 42,4%. Trong khi đó, một số huyện như: Kỳ Sơn, Lương Sơn, Cao Phong, Lạc Thuỷ, Đà Bắc… tỷ lệ thôn, xóm, KDC có nhà văn hoá chiếm từ 75%-94%. 

 

Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền địa phương và sự ủng hộ tích cực của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và nhân dân, tỉnh đã đề ra phương hướng phấn đấu đến hết năm 2010 sẽ hoàn thành chỉ tiêu 80% số xóm, bản có nhà văn hoá. Nhìn lại số lượng và chất lượng các nhà văn hoá đã được đưa vào sử dụng, thiết nghĩn các địa phương, cơ sở đã và đang có kế hoạch xây dựng, sửa chữa nhà văn hoá cần tập trung hơn tới vấn đề chất lượng để khi hoàn thành có thể phát huy tối đa khả năng hoạt động, đáp ứng nhu cầu giao lưu, hưởng thụ văn hoá tinh thần của nhân dân, tránh sự lãng phí không cần thiết.

 

                                                                             

                                                                Thuý Hằng

 

Các tin khác


Về Mai Châu “mùa thơm nếp xôi”

Mai Châu là một địa điểm thú vị, không quá khó để đến và cũng không quá xa cho những kỳ nghỉ ngắn ngày. Chuẩn bị hành trang, ta về với Mai Châu - miền quê với "mùi thơm nếp xôi" đã đi vào thi ca.

Mãn nhãn với màn pháo hoa mừng ngày thống nhất đất nước

Tối 30/4, hàng nghìn người dân đổ về trung tâm TP Hồ Chí Minh để vui chơi và xem màn bắn pháo hoa mừng 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024).

Đặc sắc chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca vang mãi"

Tối 29/4, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động với chủ đề "Bản hùng ca vang mãi”.

Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Tác giả Vân Anh của tỉnh Hòa Bình được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc

Chiều 27/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức khai mạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23, năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục