Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan và GS. Chu Hảo tại Phòng Gương Nhà hát Lớn chiều 2/9.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan và GS. Chu Hảo tại Phòng Gương Nhà hát Lớn chiều 2/9.

Hoà nhạc "Điều còn mãi" 2010 với những hồi ức về Hà Nội và những thăng trầm của đất nước đã để lại xúc cảm mạnh mẽ cho người nghe. Một chương trình khiến không ít người rơi lệ.

Cuộc gặp gỡ đặc biệt trước giờ công diễn

1 giờ trước khi hoà nhạc bắt đầu, nhiều nhân sĩ, trí thức... đã có mặt tại Phòng Gương Nhà hát Lớn để chia sẻ những cảm xúc về ngày Độc lập, để nói về âm nhạc cũng như ý nghĩa của "Điều còn mãi". Có mặt trong buổi trò chuyện tại Phòng Gương trước giờ công diễn có nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, GS. Chu Hảo, Dịch giả Dương Tường, nhạc sĩ Văn Ký, Hoàng Dương, TS. Mai Liêm Trực, nhạc trưởng Ngô Hoàng Quân, bà Phạm Chi Lan, hoạ sĩ Đào Hải Phong - tác giả của những bức tranh sơn dầu tuyệt đẹp về Hà Nội được trưng bày ngoài sảnh Nhà hát Lớn và  những người bạn thân thiết với VietNamNet. 

 

Mô tả ảnh.
TBT Nguyễn Anh Tuấn chào mừng nhạc sĩ Hoàng Dương.

Nhà thơ Việt Phương dù không được khoẻ nhưng vẫn kịp có mặt tại Phòng Gương trước giờ diễn. Ông nói: "Chương trình Điều còn mãi có 3 điều tốt. Một là có VietNamNet. Hai là có một giám đốc về mặt nghệ thuật là nhạc sĩ Dương Thụ và ba là nơi diễn ra là Nhà hát Lớn. Mong rằng chương trình sẽ mãi mãi như thế, vào chiều 2/9 tại Nhà hát Lớn. Điều còn mãi, như anh Dương Thụ nói, là tình yêu đối với dân tộc, đất nước và lòng tự hào về tổ quốc ta. Điều còn mãi chỉ còn mãi nếu nó luôn luôn đổi mới chứ không phải nhất thành bất biến. Chương trình năm nay, qua sự giới thiệu của anh Dương Thụ đã mới và có nhiều điều khác so với năm ngoái rồi. Và đến sang năm nó sẽ tiếp tục khác nữa... ".

 

Mô tả ảnh.
Nhà thơ Việt Phương (áo trắng) và nhạc sĩ Văn Ký.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan dù rất bận rộn nhưng cũng đã thu xếp thời gian để đến với "Điều còn mãi". Ông chia sẻ với VietNamNet: "Nhân dịp Cách mạng Tháng Tám và Quốc Khánh này, chúng ta tổ chức buổi hoà nhạc tập trung chủ yếu những bài nói về những năm tháng hào hùng, gợi nhớ lại lịch sử 65 năm trước đây. Nhưng nếu chỉ gợi nhớ lại thì chưa đủ mà phải nối tiếp truyền thống đó để những bài ca ấy tiếp tục khích lệ mọi người làm những việc tốt. Tôi thấy đó là sáng kiến rất hay. Năm ngoái tôi cũng được dự hoà nhạc Điều còn mãi rồi, năm nay cũng được mời tới đây. Tôi thấy năm nay chương trình còn được truyền hình trực tiếp nữa thì tiếng vang sẽ còn rộng hơn, tác dụng còn lớn hơn".

 

Mô tả ảnh.
Nhạc sĩ Dương Thụ giới thiệu chi tiết về chương trình "Điều còn mãi" 2010 với các khách mời thân thiết của VietNamNet.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan chia sẻ rằng ông vẫn còn nhớ như in ngày Độc lập cách đây 65 năm. Khi đó ông còn là một đứa trẻ, bám vào hàng rào của Nhà hát Lớn để chứng kiến lá cờ đỏ căng lên như thế nào. "Thời gian đã qua đi được 65 năm nhưng tôi nghĩ nếu có qua cả nghìn năm đi nữa thì hào khí Thăng Long ấy sẽ còn tiếp tục. Hào khí của chúng ta là đồng hành cùng âm nhạc và âm nhạc đồng hành cùng sự biến đổi của dân tộc. VietNamNet chọn nhạc để kỷ niệm những ngày lịch sử của dân tộc là một chọn lựa rất hay, rất đúng, rất văn hoá và rất trí tuệ. Tôi hoan nghênh sáng kiến của VietNamNet và hy vọng Điều còn mãi", ông Vũ Khoan nói.

 

Mô tả ảnh.
Cuộc gặp gỡ của những nhân sĩ, trí thức nổi tiếng đã đồng hành với VietNamNet nhiều năm.

Nhân dịp này TBT VietNamNet, ông Nguyễn Anh Tuấn, cũng đã thay mặt VietNamNet cám ơn nhạc sĩ Dương Thụ vì đã dành rất nhiều tâm sức cho "Điều còn mãi" ngay từ chương trình đầu tiên. Và kết thúc buổi hoà nhạc, ông Nguyễn Anh Tuấn đã bước tới ôm nhạc sĩ Dương Thụ thật chặt trên sân khấu để biểu thị sự cảm kích với những đóng góp mà mà vị nhạc sĩ nổi tiếng dành cho "Điều còn mãi".

<EMBED pluginspage=http://www.macromedia.com/go/getflashplayer src=/common/v4/player/player.swf type=application/x-shockwave-flash wmode="opaque" quality="high" allowfullscreen="true" flashvars="width=480&height=289&streamer=http://media.vietnamnet.vn/vnn.php&file=2010/09/20470_hoa nhac thanh cong.flv&image=http://images.vietnamnet.vn/dataimages/201009/original/images2029315_hoa nhac thanh cong.jpg">

Khi âm nhạc chạm đến tận cùng cảm xúc

 

Mô tả ảnh.
Sân khấu giản dị nhất có thể để nhường chỗ cho âm nhạc.

Rất nhiều khán giả trực tiếp tham dự hoà nhạc Điều còn mãi 2010 tại Nhà hát Lớn đã xúc động thực sự khi được sống lại cùng những ký ức hào hùng của dân tộc, của đất nước và của Hà Nội qua những bản nhạc và ca khúc đặc biệt. Chương trình khép lại sau gần 2 giờ đồng hồ trình diễn liên tục, không nghỉ giải lao, liền một mạch 6 tác phẩm khí nhạc và 8 tác phẩm thanh nhạc đã được những nghệ sĩ nổi tiếng của Việt Nam gửi đến khán giả. Hào khí Thăng Long Hà Nội, tinh thần của ngày Độc lập, niềm tự hào của thành phố ngàn năm và những màn trình diễn tuyệt vời đã mang đến cho người nghe một bữa tiệc âm nhạc thực sự.

 

Mô tả ảnh.
Lê Phi Phi đặc biệt xuất sắc trong vai trò nhạc trưởng. Anh thường xuyên bắt tay cảm ơn các nghệ sĩ trình diễn, thậm chí còn hát theo nhiều ca khúc trên sân khấu trong đó có màn "song ca" bài "Hà Nội niềm tin và hy vọng" với Đăng Dương.

Hoà nhạc mở màn với những giai điệu thân quen và tràn đầy niềm tự hào của "Quốc ca Việt Nam" với phần trình diễn của Dàn nhạc Giao hưởng VN và nhạc trưởng Lê Phi Phi. Một không khí thiêng liêng trong một không gian âm nhạc đặc biệt. Hàng trăm khán giả có mặt trong khán phòng Nhà hát Lớn chiều 2/9/2010 đã được dẫn qua những thăng trầm của Hà Nội trải dài cả ngàn năm với giao hưởng thơ đầy khí thế của tác giả Trần Mạnh Hùng mang tên "Hào khí Thăng Long". Nghệ sĩ violin Bùi Công Duy, như mọi lần, tiếp tục gây ấn tượng với phần trình diễn xuất sắc tác phẩm "Bài ca chim ưng" của Đàm Linh.

 

Mô tả ảnh.
Hoa hồng đỏ và Ly vàng được dùng để trang trí sân khấu. Đây cũng là hai màu duy nhất được sử dụng trong quốc kỳ.

Với Bản Sonate số 8 cho violin, Chương II: Tâm hồn người Hà Nội của vị nhạc sĩ nổi tiếng với bản "Dạ khúc" - Nguyễn Văn Quỳ, người nghe lại được sống trong những giai điệu đẹp và buồn với sự trình diễn của nghệ sĩ violin Xuân Huy và pianist Phó An My. Là một nghệ sĩ piano có tài nhưng My dường như sống ẩn dật, rất hiếm khi nhận lời tham gia biểu diễn. Vì thế, sự trở lại của Phó An My trên sân khấu hoà nhạc "Điều còn mãi" lần này được nhiều người chờ đợi. Xuất hiện trên sân khấu với chiếc áo dài đen kết hợp với quần jeans đen và mái tóc ấn tượng, Phó An My không chỉ gây ấn tượng bởi vẻ ngoài mà còn ở cách chơi nhạc vô cùng cá tính.

 

Mô tả ảnh. Mô tả ảnh.
Phó An My gây ấn tượng với hai tiết mục, trong đó có cuộc "Đối thoại với Tuồng".

Thú vị nhất có lẽ là phần kết hợp giữa cô với giọng vocal tuồng Lê Xuân Quý. Một cuộc đối  thoại giữa nhạc cổ điển với Tuồng, giữa tiếng piano và tiếng kèn bóp, trống chiến; giữa nhạc cổ điển và môn nghệ thuật truyền thống của VN trong tác phẩm "Đối thoại với Tuồng" của tác giả thuộc thế hệ 8X, Tuệ Nguyên, đã mang đến cho khán giả những trải nghiệm mới mẻ. 

 

Mô tả ảnh.
Bùi Công Duy trong phút xuất thần trên sân khấu.

Tuy nhiên, phần được đông đảo công chúng "bình dân" chờ đợi nhất lại là phần thanh nhạc ở nửa sau của hoà nhạc "Điều còn mãi". Ca sĩ Khánh Linh truyền cho khán giả những cảm xúc đẹp xen lẫn niềm tự hào trong Bài ca Hà Nội qua giọng hát tuyệt vời và trong trẻo. Xuất hiện trở lại trên sân khấu năm nay, ca sĩ Đức Tuấn, một giọng ca đến từ TP.HCM tiếp tục mang đến cho khán giả Hà Nội một ca khúc tuyệt vời của nhạc sĩ Văn Cao. Không gì thích hợp hơn khi cất cao giọng hát "Ca ngợi Hồ Chủ tịch" vào đúng ngày kỷ niệm trọng đại của dân tộc, tại Nhà hát Lớn này. Không sinh ra tại Hà Nội nhưng cô ca sĩ của Đà Lạt, Nguyên Thảo cũng đã mang đến hoà nhạc "Điều còn mãi" một dư vị lạ khi thể hiện ca khúc "Hướng về Hà Nội" của nhạc sĩ Hoàng Dương.

 

Mô tả ảnh. Mô tả ảnh.
Khánh Linh và Đức Tuấn trở lại "Điều còn mãi" 2010 với cảm xúc tươi mới.

Đăng Dương, giọng ca hàng đầu của dòng nhạc Đỏ thì chinh phục khán giả bằng phần trình diễn xuất sắc ca khúc "Hà Nội niềm tin và hy vọng" của nhạc sĩ Phan Nhân. Khi anh chưa kịp dứt lời thì tiếng vỗ tay tán thưởng ở phía dưới khán phòng Nhà hát Lớn đã rộ lên. Trọng Tấn cũng góp giọng trong chương trình với một ca khúc đầy hoài niệm của nhạc sĩ Dương Thụ, "Mong về Hà Nội". Tuy nhiên, phần trình diễn của hai ca sĩ Mỹ Linh và Hồng Nhung lại được cho là hai tiết mục mang lại nhiều cảm xúc cho khán giả nhất. Hai Diva của làng nhạc Việt không hẹn mà gặp, cùng xuất hiện trên sân khấu trong tà áo dài duyên dáng.

 

Mô tả ảnh.
Nhạc trưởng cùng hát với ca sĩ Nguyên Thảo.

MC mới chỉ kịp nhắc tên Hồng Nhung, tiếng vỗ tay đã rộ lên dưới khán phòng. Trong tà áo dài trắng, cô Bống Hồng Nhung một lần nữa làm sống lại những ký ức thân thương về Hà Nội qua ca khúc "Nhớ về Hà Nội" của nhạc sĩ Hoàng Hiệp. Khi mới chỉ hoàn thành một đoạn đầu của bài hát, tiếng vỗ tay đã lại rạo rực. Hồng Nhung hát như thủ thỉ, như dẫn người nghe qua từng con phố Hà Nội tuyệt đẹp trong ký ức của nhạc sĩ Hoàng Hiệp và của chính cô. Niềm xúc động tưởng như vỡ oà khi ca sĩ Mỹ Linh cất cao giọng hát câu cuối cùng trong bài Người Hà Nội của tác giả Nguyễn Đình Thi: "Ngày về chiến thắng".

 

Mô tả ảnh. Mô tả ảnh.
Hai phần trình diễn quá ấn tượng của Hông Nhung và Mỹ Linh.

Nhạc sĩ Dương Thụ, Giám đốc nghệ thuật và cũng là người biên tập cho chương trình  thật tinh tế khi lựa chọn ca khúc này để khép lại hoà nhạc "Điều còn mãi" 2010. Lời ca đó vang vọng, và khơi dậy trong hàng triệu con tim niềm tự hào dân tộc trong ngày lập nước. Những ca khúc có thể nói là nổi tiếng nhất, đẹp nhất về Hà Nội đã được những giọng ca hàng đầu của Việt Nam thể hiện xuất sắc, vẽ nên một bức tranh hoàn chỉnh về Hà Nội trong quá khứ và hiện tại.

 

Mô tả ảnh. Mô tả ảnh.
Trọng Tấn và Đăng Dương tiếp tục chứng tỏ vị trí hàng đầu khó thay thế của dòng nhạc Đỏ.

Mong Điều còn mãi sẽ chọn nhạc của tôi!

Nhạc sĩ Hoàng Vân đã chia sẻ như vậy khi nói về hoà nhạc "Điều còn mãi". Ông hy vọng trong các chương trình hoà nhạc sau, sáng tác của ông sẽ được chọn để trình diễn. "Tôi hy vọng như thế bởi chương trình hay quá!". Kết thúc chương trình, nhiều người nổi tiếng như nhà thơ Việt Phương, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân...  đã nán lại để chia sẻ cảm xúc về chương trình trong cuốn sổ vàng của hoà nhạc "Điều còn mãi".

Ngoài sảnh Nhà hát Lớn, nhà văn Đỗ Chu hào hứng nói: "Chương trình thắng lợi ở chỗ những bài hát đã đi vào lịch sử, có thể là những bài hát của hôm qua nhưng hôm nay đã được vang lên trên sân khấu của Nhà hát Lớn một cách trang trọng, sang trọng với một niềm kiêu hãnh của một thế hệ chỉ huy, biểu diễn đều rất trẻ... Sự tham gia của những người trẻ tạo nên màu sắc rất khác cho chương trình. Những giọng ca trẻ như Trọng Tấn, Nguyên Thảo, Hồng Nhung, Mỹ Linh... đều hay cả. Hôm nay, rất nhiều người già, trong đó có tôi đã ứa nước mắt vì thấy tự hào và cảm động".

Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng cũng xúc động chia sẻ: "Tôi là người phối khí cho các tiết mục của chương trình này. Là người làm nhạc, tai nghe nhạc tưởng có lúc bị "chai sạn" đi nhưng hôm nay tôi thật sự xúc động khi nghe chương trình này. Tôi rất thích phần biểu diễn của Đăng Dương, Nguyên Thảo..."

Trao đổi với VietNamNet, nhạc sĩ Hoàng Vân, thân sinh của nhạc trưởng Lê Phi Phi, nói: "Buổi biểu diễn hôm nay thành công rất tốt đẹp. Đã lâu rồi người ta mới thấy một chương trình tổng hợp những bài hát của một thời lịch sử của đất nước mình trong 65 năm qua, được ôn lại một cách đầy xúc cảm như vậy. Tôi thấy các nghệ sĩ trình diễn rất hay, rất xúc động. Tiết mục trình diễn cuối cùng phải nói là tuyệt vời. Thành công hoàn hảo! Lê Phi Phi có nói với tôi rằng đây là lần đầu tiên anh ấy chính thức được mời về trong dịp Quốc khánh long trọng, kỷ niệm 65 năm thành lập nước nên hết sức cảm động".

                                                                                          Theo Vnn

Các tin khác


Mãn nhãn với màn pháo hoa mừng ngày thống nhất đất nước

Tối 30/4, hàng nghìn người dân đổ về trung tâm TP Hồ Chí Minh để vui chơi và xem màn bắn pháo hoa mừng 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024).

Đặc sắc chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca vang mãi"

Tối 29/4, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động với chủ đề "Bản hùng ca vang mãi”.

Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Tác giả Vân Anh của tỉnh Hòa Bình được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc

Chiều 27/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức khai mạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23, năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục