Liên hoan Tuồng truyền thống, một liên hoan khiến những người làm nghề vui mừng bởi sự hào hứng, đam mê của khán giả thành phố Quy Nhơn và những màn trình diễn như lên đồng của những nghệ sĩ đầy sức thanh xuân trong rực rỡ sắc màu sân khấu (SK) đã khép lại. Nhưng qua đi những cảm hứng rất đẹp đó, bình tâm lại, người yêu tuồng không khỏi phân vân. Liệu sau hào quang, sau mừng vui của hội hè, trở về với thực tại, các nghệ sĩ có thấy được tương lai phát triển của nghề và khán giả nơi phố thị có còn đến với tuồng, có còn quan tâm tới hình thức nghệ thuật này?

Nằm trong bối cảnh trầm lắng của SK nói chung, việc SK truyền thống không có khán giả dường như là tiếng chuông cấp báo chưa khi nào ngừng rung từ nhiều thập niên gần đây. Khán giả trẻ hờ hững với tuồng, khán giả lớn tuổi yêu tuồng cũng ngày một thưa vắng. Diễn tuồng dù mở cửa tự do nhưng khán phòng của những vở diễn tuồng thầy, tuồng kinh vẫn trống vắng đến chạnh lòng. Trong bối cảnh đó, việc đòi hỏi cao ở người nghệ sĩ có gì đó thật chua chát. Nhưng nếu cứ để tình trạng thưa vắng khán giả kéo theo sự tự bằng lòng, nghệ thuật cha ông đến lúc nào sẽ thất truyền? Bởi nguy cơ nhãn tiền về những chuẩn mực nghệ thuật ngày một mất mát là có thật.
 Một trích đoạn trong vở tuồng cổ Sơn hậu- Nhà hát Tuồng Việt Nam.

Nghệ thuật SK là nghệ thuật biểu diễn, các nghệ nhân là những báu vật sống, con đường truyền nghề cho tới tận thế kỷ 21 này cũng vẫn là thông qua học vai mẫu, bắt tay chỉ ngón. Chất lượng các đêm diễn hiện nay ra sao? Dù ai cũng công nhận, các diễn viên trẻ đã dành rất nhiều thời gian, tâm huyết cho nghề, song những vai diễn, vở diễn của một quá khứ oanh liệt không được phục dựng hoàn toàn với đủ thần thái, cốt cách vốn có. GS. Hoàng Chương, người đã dành trọn thời gian, tâm huyết cho tuồng lý giải: “Các em mới diễn đúng bài bản chứ chưa có được thần thái rất chuẩn mực của vai diễn. Bởi các em không được trực tiếp truyền nghề từ những bậc thầy thành danh. Đó như là những bản photocopy, tam sao thất bản, cứ mờ nhoà dần”. Nhìn rộng hơn, ngoài việc đánh giá chất lượng diễn viên thì việc không thường xuyên diễn trọn vẹn vở cũng là lý do khiến các vở diễn ngày càng mai một. Ngày nay, tuồng truyền thống không còn đứng trong kịch mục của các đơn vị tuồng mà đa phần là các trích đoạn truyền thống được dùng để làm vai mẫu cho diễn viên hoặc một vài trích đoạn biểu diễn đơn lẻ mà thôi. Nếu không có một chương trình phục hồi vốn cổ bài bản, khoa học thì sẽ rất ít vở tuồng trong số rất nhỏ nhoi di sản ông bà để lại có được hình hài nguyên vẹn. Cần đến sự dũng cảm để phục dựng vở cổ với cơ chế hoạt động hiện thời. Các đơn vị tuồng hiện nay thường không diễn tuồng để có doanh thu, lại càng không mấy khi diễn trọn vở. Nghệ sĩ tuồng phải diễn trống hội, múa cờ, múa lân… phục vụ đủ các lễ hội để đảm bảo thu nhập. Nhà hát Tuồng Việt Nam, một trong những cố gắng hết mình để gìn vàng giữ ngọc cho tuồng cổ là việc lấy nguồn kinh phí từ các dịch vụ lễ hội để có thể diễn tuồng cổ, để có cơ hội cho diễn viên thử sức mình, đo được tác động của khán giả, điều chỉnh và hoàn thành vai diễn.

Trong tình hình thực tế hoạt động của các đơn vị tuồng hiện nay, nếu có thể lo liệu về kinh phí mới có thể mạnh dạn dựng diễn tuồng cổ. Vì vậy, nhiều vở có cơ thất truyền vì hầu hết thế hệ hoạt động tuồng ngày nay đều chưa một lần được xem trên sàn diễn như Diễn võ đình, Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu, Trầm Hương các… Các vở cổ của các đơn vị nghệ thuật tuồng đều rất cần có động lực như một cuộc liên hoan, hội diễn chứ không phải là đòi hỏi tự thân của nghệ thuật tại các đoàn. Văn ôn võ luyện, tập tuồng, tuồng cổ, tuồng mẫu lại càng đòi hỏi sự điêu luyện, liên tục diễn và rút kinh nghiệm. Môi trường hoạt động nghệ thuật ngày nay không có điều kiện để diễn viên hoạt động thường xuyên như vậy. Đó là còn chưa tính tới những gì không nghệ thuật lắm như miếng cơm manh áo của người làm tuồng hôm nay thật quá eo hẹp, những ấm ức của diễn viên tuồng khi bị so sánh với người làm các bộ môn SK khác.

Và có một sự thật là người diễn và người xem hôm nay chưa thể gặp nhau trong việc dàn dựng, biểu diễn tuồng cổ. Nghệ sĩ diễn tuồng thì kêu không có khán giả, nhưng không ít khán giả nếu có yêu cầu xem tuồng cổ sẽ băn khoăn bởi không biết xem ở đâu khi kịch mục các đoàn không có hoặc nếu có thì do ít người xem cũng chẳng thấy quảng bá, có lịch diễn ở đâu cả.

“Chúng ta thiếu hẳn một chiến lược để bảo tồn vốn cổ của nghệ thuật tuồng” - Nhận xét gây sốc này của một nhà nghiên cứu SK lâu năm quả là không dễ phủ nhận. Vì đã từ rất lâu, dù có chính sách rõ ràng, song tuồng cổ không có chỗ đứng trong kịch mục các đơn vị nghệ thuật. Còn bộn bề những vấn đề cả về nguyên tắc lẫn thực hành cần giải quyết mà không thể chỉ đơn thuần là giao cho một đơn vị nghiên cứu thực hiện việc đề ra chiến lược phục hồi do cách làm việc của chúng ta còn rất nhiều bất cập, các nghiên cứu khoa học chỉ để nghiên cứu, rất ít tính khả thi. Tất cả những vấn đề đó đang đặt ra trước mắt cả đơn vị sáng tạo lẫn người quản lý.  

 

                                                                        Theo Báo SKĐS

Các tin khác


Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Tác giả Vân Anh của tỉnh Hòa Bình được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc

Chiều 27/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức khai mạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23, năm 2024.

Huyện Đà Bắc nâng cao hiệu quả xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở

Huyện Đà Bắc có 17 xã, thị trấn với 122 xóm, tiểu khu, 5 dân tộc chủ yếu Tày, Mường, Dao, Kinh, Thái cùng chung sống đoàn kết. Những năm qua, việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được quan tâm. Qua đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần ổn định an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 25/4, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức (BTC); Vũ Văn Hoài, Phó Chủ nhiệm chính trị Quân khu 3; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh...

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 24/4, tại Cung Văn hoá tỉnh, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức khai mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục