Thành nhà Hồ được công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Thành nhà Hồ được công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Thành nhà Hồ (Tây Đô) ở huyện Vĩnh Lộc - Thanh Hóa vừa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Bảy trăm năm đã qua rồi, bao phế hưng dâu bể đã qua rồi, bây giờ đến dưới chân Thành cổ, ngước nhìn bức tường đá vững chãi với những tấm đá to nặng hàng tấn ốp vào nhau, chúng ta nghĩ ngợi bao điều. Nghĩ ngợi về thành đá và thành lòng dân. Thành đá dẫu quý, nhưng không sánh được thành trong lòng dân. Nhà Hồ, như Nguyễn Trãi nói: “Trăm vạn người là trăm vạn lòng”.

Đại đoàn kết toàn dân, quy tụ được lòng dân mới là vô địch chứ thành cao, hào sâu mà làm gì! Hồ Nguyên Trừng, Tả tướng quốc (Tể tướng) triều Hồ, thấy được điều đó, nên ông tâu với vua: “Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo”. Quả là chính xác. Thế mà sau đó hơn 10 năm, khởi nghĩa Lam Sơn nổi dậy thì “người cày ruộng, người nông nô (manh lệ) bốn phương cùng đua nhau kéo đến”, tạo thành sức mạnh dời non lấp bể.

Vậy ai là người đã xây nên Thành nhà Hồ ấy? Chính là Hồ Nguyên Trừng, người đã nói câu nói nổi tiếng trên đây.

Ông là con cả Hồ Quý Ly (1336-1407), năm sinh năm mất còn chưa rõ. Em ông Hồ Hán Thương làm vua, còn ông làm Tả tướng quốc. Ông là nhà bác học, nhiều tài năng khoa-kỹ. Giặc Minh đánh vào, cha, em và cháu cùng ông đều bị bắt giải về Yên Kinh (Bắc Kinh ngày nay). Hồ Quý Ly, Hồ Hán Thương bị xử cực hình vì tội gọi là “mưu phản”, còn ông và cháu thì được tha, vì “có tài”. Rồi bị ép làm quan để thi thố cái tài, phục vụ cho triều đình nhà Minh, thăng quan tiến chức đến “Á khanh” (Phó Thượng thư - kiểu như Thứ trưởng). Sách vở chép ông có tài chế súng thần cơ, sát thương lớn.

Giá mà ông trung liệt đến mức tử tiết! Nhưng mà chuyện đã xa rồi, ngày nay ta cũng có cái nhìn khoan dung đối với ông. Nhất là vì vào khoảng 1438, ông hoàn thành cuốn Nam ông mộng lục (Ghi lại giấc mộng của ông già phương Nam). Sách gồm 31 thiên, nay còn 28 thiên, in lại ở Trung Quốc.

Đó là những ghi chép như bút ký, hồi ký về một số câu chuyện, lịch sử, văn hóa… của nước Việt mà dù sao ông cũng là người quê ở đó: “Nam ông” nhưng mà nay, nghĩ về nó, ông chỉ còn là người trong mộng.

Giải thích về chữ mộng này, trong bài tựa của sách, ông có nói: Sách lấy tên là mộng, ý nghĩa của nó ở chỗ nào? Tôi trả lời: “Nhân vật trong sách, xưa rất phong phú, chỉ vì đời thay việc đổi, dấu tích hầu như không để lại, thành ra chỉ còn mỗi một mình tôi biết chuyện và kể lại mà thôi, thế không phải mộng là gì? Các bậc đại nhân quân tử có thấu chăng?”. Còn hai tiếng “Nam ông” thì chính là tên tự của Trừng tôi vậy (tựa - 1438).

Do vậy mà Nam ông mộng lục có một giá trị sử liệu và văn liệu đáng quý.

* * *

Truyện Trần Nghệ Tông (1322-1395) là ký ức về một vị minh quân đời Trần, “là người trung hậu, thành thực, thờ vua, thờ cha chu đáo. Giao thiệp với người thì không thân lắm, cũng không sơ lắm, trước việc chính sự thì không có điều gì quá chê cũng không quá khen. Hồi Minh Vương (Trần Minh Tông - vua cha) qua đời, để tang ba năm mắt không lúc nào ráo lệ. Đoạn tang, quần áo không sắm các thứ tơ lụa màu mè; ăn không cần ngon”. Sau khi lên ngôi “chuyển loạn thành trị, noi theo nề nếp cũ, thưởng phạt phân minh, dùng kẻ hiền lương…”. Hồ Nguyên Trừng kết thiên truyện bằng lời cảm thán: “Vua ở đất này, cũng có người tốt đến thế ư?”. Các ghi chép về Trần Nhân Tông, về Chu An “ngạnh trực” (cứng rắn, ngay thẳng)… đều có giá trị và ý vị. Nhưng có lẽ truyện có ý vị nhất là Y thiện dụng tâm (Thầy thuốc từ tâm).

“Ông ngoại của tổ tiên tôi là Phạm Công, húy Bân, dòng dõi nhà làm thuốc, được Trần Anh Tông cho giữ chức Thái y. Ông thường vét hết tiền của để tích trữ thuốc tốt và lúa gạo. Người nào côi cút, khổ sở mà bị bệnh tật thì được cụ cho ở tại nhà mình để cung cấp cơm cháo và cứu chữa cho, dù có máu mủ dầm dề cũng không chút ghê tởm. Bỗng mấy năm liền đói kém, bệnh dịch lan tràn, cụ bèn dựng nhà cửa cho kẻ khổ nghèo ở, nhờ đó mà số người đói khát, bệnh tật được cứu sống có tới hơn một nghìn, tên tuổi của cụ được đương thời trọng vọng. Một hôm, có người đến gõ cửa khẩn thiết mời cụ rằng: “Trong nhà có người vợ bỗng dưng bị máu ra như xối, mặt mày tái nhợt”. Cụ nghe xong, vội vã đi ngay. Vừa ra khỏi cửa thì gặp người do nhà vua sai tới, nói: “Trong cung có một vị quý nhân đang lên cơn sốt rét, nhà vua cho vời cụ vào xem”. Cụ đáp: “Bệnh ấy không vội. Hiện nay đang có người tính mệnh chỉ còn trong chốc lát, để tôi đi cứu đã, chốc nữa sẽ vào cung ngay”. Sứ giả tức giận nói: “Phận làm bề tôi, sao được như vậy? Ông muốn cứu tính mệnh của người kia mà không cứu tính mệnh của ông ư?”. Cụ đáp: “Tôi thật có tội nhưng cũng chẳng biết làm thế nào nữa! Nếu không cứu người ta thì họ sẽ chết trong chốc lát, còn trông mong vào đâu được. Tính mệnh của bề tôi mọn này trông vào Chúa thượng, may ra khỏi chết, còn các tội khác đều xin cam chịu”. Thế rồi, cụ đi cứu chữa cho kẻ kia, quả nhiên người ấy qua được. Liền sau đó, cụ đến yết kiến nhà vua. Vua quở trách, cụ bỏ mũ xuống tạ tội và giãi bày thực tâm của mình. Vua mừng rỡ nói: “Ngươi thật là một lương y, đã giỏi tay nghề lại có lòng nhân đức để cứu dân lành, thật  xứng đáng với lòng mong mỏi của ta”. Về sau, con cháu cụ có đến hai ba người là thầy thuốc giỏi, làm quan tới tứ phẩm, ngũ phẩm, người đời ai cũng khen là không để mất nghiệp nhà”.

Y đức của cụ Phạm, sau này Tuệ Tĩnh, Lãn Ông kế thừa và làm xán lạn thêm, đến thời ta thì Phạm Ngọc Thạch, Tôn Thất Tùng…. Tất cả những tấm gương ấy khiến ta nghĩ đến y đức ngày nay và mong ước làm sao để xứng với các vị tiền nhân.

- Bản dịch của Nguyễn Đức Vân và Tuấn Nghi. Thơ văn Lý – Trần tập 3. NXB KHXH, 1978.

 

                                                                     Theo Báo SKĐS

Các tin khác


Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Tác giả Vân Anh của tỉnh Hòa Bình được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc

Chiều 27/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức khai mạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23, năm 2024.

Huyện Đà Bắc nâng cao hiệu quả xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở

Huyện Đà Bắc có 17 xã, thị trấn với 122 xóm, tiểu khu, 5 dân tộc chủ yếu Tày, Mường, Dao, Kinh, Thái cùng chung sống đoàn kết. Những năm qua, việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được quan tâm. Qua đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần ổn định an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 25/4, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức (BTC); Vũ Văn Hoài, Phó Chủ nhiệm chính trị Quân khu 3; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh...

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 24/4, tại Cung Văn hoá tỉnh, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức khai mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục