Ở thành phố biển Hạ Long, gần 700 nghệ sĩ của 22 đơn vị nghệ thuật đã mang 6 vở diễn và 44 trích đoạn, tiểu phẩm hài về khuấy động tưng bừng Cung văn hóa Việt - Nhật suốt 8 ngày (25/8 – 1/9/2011). Còn ở các vùng miền khác cũng đang tổ chức cuộc tìm kiếm Vua hài đất Việt. Xem ra, hài kịch đang được lên ngôi và thực tế hiện nay, khán giả thuộc tên các danh hài nhiều hơn các ngôi sao sân khấu (SK).

Làng hài mở hội

Hồ hởi, náo nức là cảm giác chung của các nghệ sĩ đến với liên hoan (LH) bởi lần đầu tiên, họ - những diễn viên vốn chỉ được coi là anh hề chọc cười mua vui trong các vở diễn, cam phận làm nền cho những diễn viên đóng vai chính kịch và bi kịch - được đường hoàng bước lên võ đài thi đấu. Khán giả và bạn nghề lần đầu tiên được xem thỏa thích các vai hài của tuồng, chèo, cải lương, kịch nói, xiếc. Những cụ hương, thầy xã, thầy đề, quan huyện, cụ chánh, lão Bá Kiến xúng xính giày áo, những cô Màu, mẹ Đốp, Thị Hến áo mớ ba mớ bảy, những Thị Nở, Chí Phèo, anh phu xe, cô gái bán hoa lục tục đến hội. Rồi những vị giám đốc, bác nông dân, anh công an, ông bác sĩ, cô ôsin, bà mẹ quê mùa… tất tật có mặt. Mừng là hài kịch đã phát triển được thành phong trào, không chỉ dùng sẵn các trích đoạn cổ của các cụ để lại mà SK hài đã với tay tới các vấn đề của xã hội. Trong cái cảnh đìu hiu của SK hôm nay, khối đoàn trụ được là nhờ cái món hài kịch này. Diễn viên cũng xênh xang đồng ra đồng vào, nhiều tên tuổi nghệ sĩ hài nổi như cồn, trở thành vật bảo chứng về sự thành công cho một đêm diễn. Chả thế mà những tối có Quốc Anh, Quang Thắng, Xuân Bắc, Tự Long, nhất là đêm Gala hài (tối 31/8) có thêm sự xuất hiện của NSƯT Hồng Vân, Hoài Linh, Cung văn hóa Việt - Nhật phải sử dụng tối đa công suất về sức chứa.

 Tiểu phẩm Giàu giả nghèo thật- đoàn Hải Phòng. Ảnh: LP

Khi nghệ sĩ đổ xô đi làm hài

Cuộc tổng kiểm tra lực lượng SK hài của Hội Nghệ sĩ SKVN cho thấy lực lượng nghệ sĩ diễn hài của SKVN quả là hùng hậu. Trong khi trên thế giới, cả thế kỷ 20 mới có một Charlie Chaplin, ở ta thì nhà nhà làm hài. Có nhà hát, phần lớn diễn viên bỗng nhiên đều trở thành nghệ sĩ biểu diễn hài kịch.

Trên SKLH, hàng trăm nghệ sĩ thi nhau diễn hài. Cứ thử tưởng tượng 8 ngày liền, hàng trăm nghệ sĩ lần lượt lên SK mà cứ chọc nách khán giả bằng những kiểu diễn cường điệu từ ngoại hình đến ngôn ngữ thì làm sao chịu nổi. Vậy mà khán giả cười, khán giả thích thú vỗ tay. Có lẽ chính hiệu ứng này đã khiến diễn viên đổ xô đi diễn hài, mỗi đoàn mỗi kiểu, mỗi người mỗi cách. Khán giả thì cười hả hê, còn người làm nghề như lạc vào mê hồn trận của hý trường SK chẳng biết đâu mà lần. Suy cho cùng, khán giả là người vô tư, họ chọn cho mình tiếng cười dễ dãi bởi “một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ” cơ mà. Nhưng cũng lại phải cảnh báo một điều rằng: nếu không có định hướng cho sự phát triển lâu dài, không hiểu hài kịch VN sẽ trượt đến đâu?

Báo động kịch bản sân khấu hài

SK thiếu kịch bản hay đã là vấn đề báo động từ lâu, nhưng SK hài thiếu những kịch bản mang ý nghĩa xã hội, đi vào đời sống hôm nay đang là vấn đề hiện hữu. Chả thế mà có mấy vở diễn, trích đoạn hài truyền thống, các đoàn đổ xô lựa chọn. Người làm nghề đã đành, đến khán giả háo hức là thế mà cũng phải phát chán khi 5 lần phải vào cuộc cùng Thị Hến gài bẫy để phơi bày bộ mặt xấu xa của bọn cầm quyền dâm ô cùng những cuộc đánh ghen tung trời của 3 bà vợ thầy đề, xã trưởng và quan huyện; 4 lần ngắm trăng cùng Thị Nở dưới bụi chuối để rồi chính ánh trăng vằng vặc đó đã chứng giám cho mối tình của Nở - Phèo, Phèo - Nở; 4 lần phải nghe lão Bá Kiến 80 tuổi than thân trách phận khi ngày nào cũng cố ăn cả tảng mỡ và hút trứng gà sống chùn chụt mà “trên bảo dưới vẫn không nghe”, phải cay đắng nhìn cảnh cô vợ ba phây phây ngang nhiên với thằng người ở. Ấy là còn chưa kể 3 lần phải sụt sùi cùng những con người khốn khổ làm kiếp người ngựa - ngựa người gặp nhau vào đêm cuối năm; 3 lần phải xem tấn hài kịch của người nông dân phải giả đói nghèo, rách rưới khi nghe đội cứu đói đến và mượn một lô đồ đạc, quần áo của hàng xóm, giả làm người bố giàu có để đón con dâu tương lai từ nước ngoài về; 2 lần phẫn nộ về thằng con bất hiếu, mang danh là giám đốc giàu có mà tệ bạc với mẹ già ở quê, nhưng lại giả nhân giả nghĩa dùng mẹ để liên tục tổ chức thượng thọ mong tận thu tiền bạc.

Nghệ thuật SK, kể cả hài kịch ăn nhau ở yếu tố bất ngờ của tình huống kịch. Đằng này 4 - 5 đoàn cùng chọn một trích đoạn, lại diễn rập khuôn nhau, chẳng có gì sáng tạo.

Cũng có vài tiểu phẩm đề tài hiện đại lóe sáng trên sàn diễn: Giàu giả nghèo thật, Tấm vé số, Phòng khám bệnh, Xem mặt, Nghịch đời… Các vấn đề của đời sống xã hội đã được các tác giả viết hài kịch với tới. Nhưng sức biến đổi nhanh như vũ bão của cuộc sống khiến các tác giả chưa kịp nhận diện và chưa có vốn sống để đưa vào tác phẩm hài kịch nên ở LHSK hài, phần nhiều các tiểu phẩm chỉ mang tính thông tin cổ động về các khía cạnh trong đời sống như bạo lực gia đình, nạn đua xe, gia đình văn hóa, tệ nạn đánh đề, sinh đẻ có kế hoạch…Mà đã là để phục vụ thông tin cổ động thì khó có được tác phẩm hay. Nhà nghiên cứu lý luận phê bình SK, GS. Trần Trí Trắc phán một câu xanh rờn: Đêm nghệ thuật thông tin cổ động không thể đồng nghĩa với đêm nghệ thuật SK!

Cù cười khán giả bằng mọi cách

Cho đến gần ngày cuối cùng của LH, trong một cuộc ngồi trà nước, GS.TS.NSND Đình Quang mủm mỉm cười rồi tung một câu đố bất ngờ: Ta đố các ngươi, từ đầu LH tới giờ, có cái gì mà vở diễn hay trích đoạn, tiểu phẩm nào cũng bàn tới? A, cái cụ nói biết rồi, nhưng nói ra chả tiện. Ngẫm lại, quả thật như vậy.

Xưa kia, các cụ dùng tiếng cười để đánh vào giai cấp thống trị nên tục mấy cũng hay, cũng đáng. Ngày hôm nay, người ta vin vào cái cớ hài dân gian đi vào cái tục nên lý giải diễn hài thì phải pha tí giềng mẻ vào mới cười được. Phải tục một tí mới là hài. Đố ai dám bảo đấy là định nghĩa về hài kịch. Nhưng nhìn từ LHSK hài thì điều đó như là sự hiển nhiên.

Hầu như trong trích đoạn, tiểu phẩm nào người ta cũng cố tình xoáy vào cái tục từ ngôn ngữ đến động tác ngoại hình để gây cười. Khán giả thì cứ thấy động tác lạ là cười, còn diễn viên thì cứ trượt dài theo lối diễn cường điệu ấy. Thành ra nhiều tiểu phẩm, chẳng có hình tượng nhân vật, chẳng có nội dung tư tưởng gì, chỉ là những trò diễn gây cười sinh lý, chỉ đáng phục vụ văn nghệ quần chúng, không xứng tầm tác phẩm nghệ thuật SK. Trên SK, người thì dùng batoong hất từ phía sau lên rồi hạ xuống để diễn tả vật quí hết thời của cụ Bá, người thì dùng những ngôn từ thô tục loanh quanh chuyện đàn ông đàn bà, người thì oang oang đòi đi tồ trên SK, người thì nhảy tưng tưng như muốn phô “cái ấy” ra thiên hạ, rồi ông trưởng thôn nọ thì nói năng thô lỗ…

Văn học nghệ thuật nói chung cũng như SK phải rất rạch ròi về tiếng cười, tức là cười đối tượng nào và mức độ đến đâu. Trên sàn diễn, nhiều khi người ta không xác định đúng đối tượng, có những cái không đáng bị cười cũng mang ra cười. Chuyện lão Bá Kiến 80 tuổi yếu sinh lý, không thỏa mãn được cho cô vợ ba trẻ trung mơn mởn là chuyện bình thường của qui luật sinh lão bệnh tử, sao lại cứ xoáy vào chuyện đó để mà cười (Chuyện nhà Bá Kiến). Hay trong Văn mình vợ người, thân phận người phụ nữ thời nay mà sao khổ đến vậy, khao khát tình dục, gạ gẫm ông chồng thì luôn bị hắt hủi, rồi đành vơ bèo gạt tép mong được người đàn ông khác để ý… Dường như người ta đang dùng yếu tố sinh lý để tạo tiếng cười cho vui chứ chẳng chú ý  để tác phẩm mang thông điệp hay ý nghĩa gì.

Thôi cứ tạm hài lòng với việc “có nụ hưởng nụ” như vị trưởng lão - GS. Hà Văn Cầu chia sẻ. LHSK hài toàn quốc lần I này là cuộc tổng kiểm tra lực lượng diễn viên hài các đoàn để rút ra những vấn đề cần định hướng và phát huy. Ban giám khảo đã trao 46 giải vàng, 54 giải bạc cùng bằng khen cho các đơn vị tham gia LHSK lần này.  

 

                                                                            Theo Báo SKĐS

Các tin khác


Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Tác giả Vân Anh của tỉnh Hòa Bình được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc

Chiều 27/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức khai mạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23, năm 2024.

Huyện Đà Bắc nâng cao hiệu quả xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở

Huyện Đà Bắc có 17 xã, thị trấn với 122 xóm, tiểu khu, 5 dân tộc chủ yếu Tày, Mường, Dao, Kinh, Thái cùng chung sống đoàn kết. Những năm qua, việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được quan tâm. Qua đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần ổn định an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 25/4, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức (BTC); Vũ Văn Hoài, Phó Chủ nhiệm chính trị Quân khu 3; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh...

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 24/4, tại Cung Văn hoá tỉnh, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức khai mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục