Hội thảo tìm các giải pháp bảo tồn phát huy sân khấu (SK) truyền thống vừa diễn ra mới đây như bao cuộc luận đàm khác cho hướng đi tương lai của tinh hoa văn hóa nước nhà. E rằng sau lần này, các nhà tổ chức cũng khó đạt được kỳ vọng đề ra là giải quyết triệt để những khó khăn, tồn tại hiện nay nhằm giúp SK truyền thống “sống khỏe”.

Lật lại những tồn đọng

Như thường lệ với nhiều kỳ cuộc xưa nay, các đại biểu hội thảo Giải pháp bảo tồn và phát huy nghệ thuật SK truyền thống lại tiếp tục đưa ra những nhận xét thẳng thắn, phân tích “mức độ suy yếu” hiện nay của SK truyền thống nói chung. Trong đó có sự chậm chạp của các đơn vị, sự thiếu hụt của đội ngũ tác giả, nghệ sĩ có nghề, sự cách tân thái quá và lai căng của các tác phẩm cùng chế độ lương lậu, bồi dưỡng rất đỗi “hẻo” của các nghệ sĩ. Sự trì trệ và lệ thuộc vào cơ chế bao cấp của các đơn vị, hàng năm lo dựng một hai vở kế hoạch với những cuộc trình diễn phục vụ chính trị và nguồn ngân sách eo hẹp đã cản trở những sáng tạo nghệ thuật và sự năng động thích ứng cơ chế thị trường. Theo PGS.TS. Lê Thị Hoài Phương – Viện Văn hóa nghệ thuật, nhiều đơn vị không đánh giá đúng, không chú trọng công tác maketing, vẫn cứ hoạt động theo kiểu cũ. TS. Phương so sánh chính sách ưu tiên về thuế tại nhiều nước nhằm khuyến khích doanh nghiệp, tư nhân tài trợ cho nghệ thuật, với việc vẫn chưa có động thái gì ở ta, để nhìn rõ hơn sự thờ ơ của xã hội khi đặt vấn đề hỗ trợ SK truyền thống.

 Sân khấu truyền thống mỏi mòn chờ giải pháp bảo tồn và phát huy. (Ảnh minh họa).
Khi hầu hết chỉ loanh quanh, bó hẹp trong hoạt động với nhau thì nguy cơ suy thoái là chắc chắn. Giám đốc Nhà hát Tuồng Đào Tấn (Bình Định) Nguyễn Ngọc Đình phàn nàn: “Tuồng ít kịch bản hay và êkíp xây dựng vở hưởng chế độ nhuận bút chưa tương xứng”. Ông Đình nhấn mạnh: Tiền lương với diễn viên có ba hạng, nhiều bậc nhưng thực chất diễn viên chỉ có hưởng hết bậc 12 của diễn viên hạng III (4,06) là hết khung, sau đó chỉ được hưởng thâm niên vượt khung 1%/năm. Vì thế, đời sống nghệ sĩ gặp nhiều khó khăn, tư tưởng không an tâm công tác, sự yêu nghề ngày càng giảm dần.
 
Khó khăn này cũng tương tự các đơn vị chèo, cải lương, về mặt nghệ thuật, mỗi bộ môn lại có những “điểm tối”, như nhạc sĩ Đôn Truyền ngao ngán về chèo: Những năm gần đây, không hẹn mà gặp, hầu hết các đoàn chèo các tỉnh và trung ương đều phải gồng mình lên để thể hiện những đề tài “quân quốc” vốn là thế mạnh, đặc trưng của SK tuồng… Diễn xuất chèo cũng thay đổi trên cái nền trang trí bục bệ nhiều bậc, nhiều tầng, hàng ngang hàng dọc, quát nạt thét lác, giáo gươm, cờ quạt được sử dụng một cách tối đa, làm bạt vía cả hồn chèo… Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang - ông Phan Quốc Hùng thì lại phân tích, đội ngũ soạn giả cải lương ngày càng mai một, các tác giả thuộc lớp trước đã lớn tuổi, khả năng sáng tạo phần nào cũng suy giảm, các tác giả trẻ không mặn mà lắm với loại hình SK vừa khó ăn khách vừa không dễ sáng tác…

Đừng chần chừ thêm!

Còn rất nhiều những mảng màu tối nữa trong hoạt động “chậm trễ bảo tồn” và “lúng túng phát huy” giá trị SK truyền thống. Tuy vậy, cũng hiếm để có được những kiến nghị cụ thể từ các đại biểu. Mặt khác, cũng dễ thấy rất nhiều tâm sự, kỳ vọng nghề nghiệp được nêu lên thời gian qua, nhưng như lời GS. Hà Văn Cầu thì “vấn đề ở chỗ dùng hay không dùng, nghe hay không nghe mà thôi!”. GS. Cầu đặt vấn đề phát huy truyền thống: Người nghệ sĩ mới cần được đào tạo theo hướng chuyên sâu, gặp bất cứ trường hợp nào cũng tự mình giải quyết được, như phải thông thạo ký xướng âm, gặp bất cứ bài hát nào cũng có thể tập hát một mình được. Còn PGS.TS. Tất Thắng, với việc bảo tồn, ông kêu gọi hãy xây dựng ngay một bảo tàng SK Việt Nam, điều mà hầu như tất cả các nước có nền SK truyền thống đã làm từ lâu.
 
Cùng với đó, ông yêu cầu, chớ có để các thế hệ nghệ sĩ, nhất là các nghệ sĩ bậc thầy lớn tuổi… sa vào tình trạng yếu, đói… NSND. Lê Huy Quang cho rằng Bộ VH-TT&DL, Cục Nghệ thuật biểu diễn cần làm việc với Đài THVN bằng con đường chính thức cấp Nhà nước để có thể mở một kênh quảng cáo cho nghệ thuật SK nói chung, đặc biệt là nghệ thuật SK truyền thống. Theo ông Quang, việc này là bất khả kháng với các nhà hát, vì quảng cáo trên truyền hình có số kinh phí rất lớn. NSND. Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội NSSK Việt Nam thì nhấn mạnh vào hệ thống các đề án, quy hoạch, văn bản của Nhà nước, Chính phủ về văn học nghệ thuật, trong đó có vấn đề SK truyền thống và khẳng định, làm cho tốt, cụ thể hóa những chỉ đạo, định hướng trong đó thì đã là sự cải biến đáng kể với tình hình SK truyền thống hiện nay.

Tất nhiên, các quan điểm, định hướng bảo tồn, phát huy là đúng đắn, cần thiết. Nhưng cụ thể hóa như thế nào thì phụ thuộc rất lớn vào năng lực nhà quản lý và khả năng sáng tạo của các đơn vị nghệ thuật. Nhưng quay trở lại các thực trạng, tồn tại đã được các chuyên gia mổ xẻ ở trên thì không hiểu với tình hình đó, việc bắt tay vào những việc cụ thể sẽ được triển khai như thế nào – sắp làm chưa, làm ngay trong những ngày này hay lại tiếp tục đưa ý kiến rồi đợi chờ, mòn mỏi và lâu dài nữa? 

 

                                                                     Theo Báo SKĐS

Các tin khác


Về Mai Châu “mùa thơm nếp xôi”

Mai Châu là một địa điểm thú vị, không quá khó để đến và cũng không quá xa cho những kỳ nghỉ ngắn ngày. Chuẩn bị hành trang, ta về với Mai Châu - miền quê với "mùi thơm nếp xôi" đã đi vào thi ca.

Mãn nhãn với màn pháo hoa mừng ngày thống nhất đất nước

Tối 30/4, hàng nghìn người dân đổ về trung tâm TP Hồ Chí Minh để vui chơi và xem màn bắn pháo hoa mừng 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024).

Đặc sắc chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca vang mãi"

Tối 29/4, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động với chủ đề "Bản hùng ca vang mãi”.

Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Tác giả Vân Anh của tỉnh Hòa Bình được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc

Chiều 27/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức khai mạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23, năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục