Trong bối cảnh những biểu hiện vi phạm bản quyền càng lúc càng trở nên nhức nhối ở nước ta, vấn đề giáo dục để nâng cao hiểu biết và ý thức tôn trọng bản quyền trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Trước đòi hỏi mang tính cấp bách đó, Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp NXB Phương Ðông cho ra mắt bộ truyện tranh dành cho trẻ em mang tên: Truyện tranh Bản quyền.

 

Từ lúc ý tưởng được hình thành, nhóm thực hiện dự án thuộc Cục Bản quyền tác giả đã nhanh chóng lên nội dung bản thảo trình xét duyệt từ đầu năm 2010, sau đó gấp rút triển khai để Truyện tranh Bản quyền chính thức xuất bản tháng 9-2011. Bộ truyện gồm năm tập, mỗi tập 32 trang hướng đến những mảng nội dung khác nhau trong phạm vi Luật Bản quyền. Nếu tập truyện đầu tiên đề cập đến quyền tác giả và các quyền liên quan như: thời gian bảo hộ quyền tác giả, đăng ký quyền tác giả... thì tập truyện thứ hai tập trung thể hiện các quyền của người biểu diễn. Trong khi tập truyện thứ ba phản ánh các quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, tập truyện thứ tư làm rõ quyền của tổ chức phát sóng, thì tập truyện thứ năm bàn đến vấn đề bản quyền trong môi trường kỹ thuật số. Những nội dung có vẻ khó hiểu, mang tính đao to búa lớn khi được "mềm hóa" bằng những câu chuyện bình dị, gần gũi của thế giới trẻ thơ bỗng trở nên sinh động và dễ tiếp nhận hơn nhiều. Chuyện vi phạm quyền tác giả được cụ thể thành việc chép văn mẫu; chuyện các tác giả được trả tiền khi có tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm được cụ thể hóa bằng câu chuyện các bạn nhỏ đi tìm ước mơ cho tương lai, chuyện cop-py không xin phép được cụ thể bằng việc xem băng đĩa lậu, hay chép trộm bài bạn... Tất cả được kết dính một cách nhuần nhuyễn dưới lăng kính trẻ thơ trong không gian quen thuộc của một cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc nhí, một buổi sinh hoạt văn nghệ tại trường, một buổi liên hoan giữa những người bạn, hay đơn giản chỉ là buổi tranh luận về những dự định sẽ thực hiện trong kỳ nghỉ hè tới...

Những kiến thức cơ bản về bản quyền được lồng gắn nhẹ nhàng vào những đoạn hội thoại hỏi/đáp tự nhiên, sống động giữa các nhân vật chính: Chì tẩy, Bút lông, Aten, Latop giúp nhân lên nhiều lần độ hào hứng của các em nhỏ. Mỗi nhân vật được xây dựng với một tính cách khác nhau nhưng đều tựu chung ở sở thích yêu nghệ thuật và ước mơ trở thành những nghệ sĩ nổi tiếng. Nói đến sức hấp dẫn của bộ truyện, không thể bỏ qua những đóng góp to lớn của phần minh họa do hai họa sĩ Huyền Linh, Thiện Minh đảm nhận. Chưa cần đọc nội dung, chỉ cần lật giở những trang đầu, người xem đã có cảm giác được lạc vào một thế giới tràn đầy sắc màu tươi mới, sống động. Ở đó, các nhân vật chính được hóa thân dưới hình hài ngộ nghĩnh của những vật dụng rất đỗi quen thuộc với trẻ thơ như bút chì, bút lông, ăng-ten bắt sóng, điện thoại,... Ðáng chú ý, chuyên viên gỡ rối các vấn đề về Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Bản quyền đã được khắc họa gần gũi, dí dỏm qua chân dung dân gian: chú Tễu. Ðối tượng mục tiêu cần hướng đến của bộ truyện là những bạn nhỏ thuộc khối tiểu học và trung học cơ sở. Do đó, việc lựa chọn những nhân vật, hình ảnh vốn dĩ đã gắn bó với thế giới tuổi thơ góp phần tạo tâm lý thoải mái, nhẹ nhàng cho các em khi đón nhận những thông điệp từ tác phẩm. Chị Nguyễn Hằng Nga, Trưởng phòng thông tin quyền tác giả - Cục Bản quyền tác giả, người trực tiếp viết lời cho bộ truyện chia sẻ: Ðể hoàn thành bộ truyện, nhóm thực hiện dự án đã dành nhiều thời gian gặp gỡ, tiếp xúc với các bậc phụ huynh để nắm bắt tốt hơn tâm lý, cách tiếp cận vấn đề và khả năng tiếp nhận của các em nhỏ. Ðồng thời, nhóm cũng trực tiếp trò chuyện, giao lưu với các em để hiểu hơn về ngôn ngữ giao tiếp, cách trao đổi hằng ngày của các em cũng như những vấn đề chung mà các em nhỏ quan tâm,...

Trong buổi họp báo công bố về những sự kiện bản quyền nổi bật diễn ra vừa qua, việc xuất bản bộ truyện tranh bản quyền đã được Cục Bản quyền tác giả đánh giá là một trong mười vấn đề, sự kiện về bản quyền tiêu biểu nhất năm 2011. Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Vũ Ngọc Hoan cho biết: Sự ra đời của bộ truyện bản quyền nằm trong kế hoạch thực hiện chính sách của Nhà nước về sở hữu trí tuệ nhằm "Tăng cường giáo dục kiến thức pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan trong hệ thống trường học các cấp". Theo đó, bộ truyện tranh bản quyền sẽ được phát miễn phí cho những học sinh từ lớp ba trở lên và được phân phối theo các kênh: qua thư viện các tỉnh, qua thư viện các sở, thư viện các trường học, bảo đảm đến tận tay số đông học sinh cấp một, cấp hai cả nước.

Việc chuyển tải những nội dung khá phức tạp và có phần khô cứng trong Luật Bản quyền vào một bộ truyện tranh không phải vấn đề đơn giản. Vì thế, bên cạnh những điểm mạnh, bộ truyện đôi chỗ vẫn mắc phải lỗi diễn đạt hơi khiên cưỡng. Song dẫu sao, sự xuất hiện lần đầu của một bộ truyện tranh về bản quyền vẫn là những nỗ lực đáng ghi nhận trên hành trình từng bước nâng cao hiểu biết, ý thức, trách nhiệm của người dân Việt Nam trong việc thực thi Luật Bản quyền.

 
                                         Theo Nhan Dan
 
 

Các tin khác


Huyện Đà Bắc nâng cao hiệu quả xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở

Huyện Đà Bắc có 17 xã, thị trấn với 122 xóm, tiểu khu, 5 dân tộc chủ yếu Tày, Mường, Dao, Kinh, Thái cùng chung sống đoàn kết. Những năm qua, việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được quan tâm. Qua đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần ổn định an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 25/4, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức (BTC); Vũ Văn Hoài, Phó Chủ nhiệm chính trị Quân khu 3; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh...

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 24/4, tại Cung Văn hoá tỉnh, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức khai mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố.

Khu 1, thị trấn Cao Phong: Khơi dậy tinh thần đoàn kết xây dựng khu dân cư văn hóa

Từ một khu dân cư (KDC) không có hoạt động gì nổi bật, Khu 1 - thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong đã bứt phá, trở thành điểm sáng thực hiện phong trào xây dựng nhà văn hoá (NVH), KDC văn hoá ở địa phương nhờ khơi dậy được tinh thần đoàn kết, tập hợp sức mạnh toàn dân.

Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục