(HBĐT) - Với 30 năm gắn bó với ngành công nghiệp, bây giờ mỗi lần nghe những tên đất, tên làng ấy lại trào dâng trong tôi cảm xúc lạ thường. Thành phố dệt Nam Định, khu gang thép Thái Nguyên, khu Cao - Xà - Lá. Lại nữa khu Đông Lạnh, khu gạch ngói Quỳnh Lâm (TPHB) và gần hơn, khu xưởng kẹo, khu máy đường, khu máy giấy (Kỳ Sơn)…

 

Sẽ là vô ích thôi nếu người khách phương xa tới chỉ cầm trên tay tấm bản đồ hành chính chi tiết mong tìm được địa chỉ những tên đất, tên làng ấy của người thợ! Người dân quanh vùng hỏi nhau: nhà ở đâu? Chỉ cần nói những tên đất, tên làng ấy là đủ - cho dù ngày nay đã có tên phố, tên phường, tên khu, tên xóm mới. “Phi nông bất ổn, phi công bất phú, phi thương bất hoạt, phi trí bất hưng” - Lê Quý Đôn. Vì thế, ngay từ những năm 60 của thế kỷ trước, trong lửa đạn chống ngoại xâm, chúng ta đã hình thành các cơ sở sản xuất công nghiệp phân tán lên cả miền núi. ánh sáng nền công nghiệp nhỏ bé đã nhen nhóm lên ở các bản, làng. Nhà máy mọc lên kéo theo những xóm bản Mường trở thành làng công nhân. Sau bao năm gắng gỏi góp phần vào phát triển kinh tế đất nước, những cơ sở sản xuất công nghiệp ấy, cái còn, cái mất. Quy mô nhỏ bé, công nghệ lạc hậu, việc chuyển đổi cơ chế quản lý chậm hoặc có nhiều sai sót đã dẫn đến đình trệ sản xuất hoặc phá sản là điều tất yếu trong xu thế đổi mới, hội nhập. Một trong những cơ sở đó là nhà máy giấy Hòa Bình, nơi tôi đã gắn bó với nó 25 năm - suốt một thời tuổi trẻ - muốn qua đó được dấn thân, cống hiến cho quê hương, đất nước. Thời điểm hoàng kim của doanh nghiệp ở vào thập niên cuối của thế kỷ trước, doanh nghiệp đã trở thành một trong ba cơ sở đóng góp cho ngân sách nhiều nhất tỉnh nhà lúc đó và góp phần nhỏ vào xây dựng công trình thủy điện Hòa Bình. Với gần 400 cán bộ, công nhân viên và người thân gia đình đã phải hình thành một đơn vị hành chính mới: xóm Máy Giấy, ngay bên cạnh nhà máy. Đã 4 năm qua doanh nghiệp rơi vào đình đốn sản xuất với những lý do nói trên nhưng cái xóm Máy Giấy ấy cứ lớn dần lên theo năm tháng. Những người thợ từ các vùng, miền trên cả nước đã vì lạc nghiệp mà phải an cư ở đây. Ruộng nương không có, nhà máy đóng cửa đã dồn ép họ vào nơi xóm núi với những gian nhà tập thể chật hẹp. Trước mặt xóm là nhà xưởng máy móc xác xơ, hoen gỉ, câm lặng ngày đêm.

 

Là những người thợ từng làm lấy mà ăn, thu lấy mà chi, làm mà thiếu thì vay, vay phải trả, họ đã không chịu bó tay; nhất là những người thợ chưa đến tuổi nghỉ chế độ và con cháu mới lớn đã mở ra nhiều hướng làm ăn mới, tự cứu lấy mình. Những cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp ra đời, nổi bật nhất là nghề làm chổi chít xuất khẩu đã giúp họ có đồng vào, đồng ra, thậm chí có bát ăn, bát để. Đã có nhà văn hóa xóm cho hơn 100 hộ dân lại có một nghĩa trang riêng cho những người già quá cố và một cổng chào mới mọc lên với cái tên làng văn hóa Máy Giấy.

 

Một người thợ quê xứ Quảng trên 80 tuổi sau khi đã xây dựng các cơ sở sản xuất trong ngành và về làm ở nhà máy, nay đã an cư tại xóm nói với tôi: Nên thành lập Ban liên lạc hưu trí nhà máy anh ạ - như nhà máy đường kia đã vắng bóng từ lâu rồi, họ vẫn định kỳ gặp nhau như những người đồng ngũ. Cho dù đã đi nhận nhiệm vụ khác vào thời điểm nhà máy đang ổn định sản xuất - kinh doanh, song tôi vẫn thấy như mình có lỗi với những người thợ ấy. Đặt tên cho một đơn vị hành chính mới ra đời sẽ là đơn giản, nhưng để hình thành tên đất, tên làng của người thợ nơi tâm thức dân chúng trong vùng (khu Máy Giấy chẳng hạn) là mồ hôi, nước mắt và cả xương máu của bao lớp người, cả đời chỉ biết làm công ăn lương. Vậy thì phải làm gì, phải làm như thế nào cho những cơ sở sản xuất đang đình đốn ấy hồi sinh là câu hỏi đặt ra không những chỉ đối với các nhà doanh nghiệp, sao cho những người thợ đã an cư ấy có quyền được lạc nghiệp.

 

                                                     Bút ký của Đinh Đăng Lượng

 

Các tin khác


Đặc sắc chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca vang mãi"

Tối 29/4, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động với chủ đề "Bản hùng ca vang mãi”.

Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Tác giả Vân Anh của tỉnh Hòa Bình được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc

Chiều 27/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức khai mạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23, năm 2024.

Huyện Đà Bắc nâng cao hiệu quả xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở

Huyện Đà Bắc có 17 xã, thị trấn với 122 xóm, tiểu khu, 5 dân tộc chủ yếu Tày, Mường, Dao, Kinh, Thái cùng chung sống đoàn kết. Những năm qua, việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được quan tâm. Qua đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần ổn định an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục