Một tiết mục trong Chương trình liên hoan ca khúc cách mạng của sinh viên Trường đại học Ngoại thương (Hà Nội). Ảnh: ÐỨC THỊNH

Một tiết mục trong Chương trình liên hoan ca khúc cách mạng của sinh viên Trường đại học Ngoại thương (Hà Nội). Ảnh: ÐỨC THỊNH

Âm nhạc, với thiên chức cao cả của mình, đã tự thân làm nên một cuốn biên niên sử hào hùng song hành cùng dân tộc qua những giai đoạn cách mạng. Tuy nhiên, di sản quý báu và đáng trân trọng đó lại đang phải đối mặt với nhiều thách thức trước những thay đổi lớn của cuộc sống hiện đại, nhất là khi âm nhạc giải trí đang ngày càng gia tăng và có xu hướng dần lấn lướt nền âm nhạc chính thống.

 

Nói đến những tác phẩm âm nhạc viết về đề tài lịch sử, chúng ta không thể quên những giai điệu trầm hùng, sục sôi khí thế của chủ nghĩa anh hùng cách mạng mở đầu cho thời kỳ tân nhạc (khoảng những năm 1930 đến ngày Toàn quốc kháng chiến 19-12-1946) như: Bạch Ðằng Giang, Hội nghị Diên Hồng, Ải Chi Lăng của Lưu Hữu Phước; Trên sông Bạch Ðằng, Bóng cờ lau của Hoàng Quý; hay Thăng Long hành khúc ca, Gò Ðống Ða của Văn Cao... Ðể rồi từ âm hưởng của những khúc tráng ca này, hàng loạt giai điệu hào hùng đã được sáng tạo và vang lên trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc: Giải phóng miền Nam (Lưu Hữu Phước), Lời nguyền son sắt (Quốc Hà), Giặc đến nhà ta đánh (Ðỗ Nhuận), Thà chết bảo vệ Tổ quốc (Huy Du), Người mẹ bàn cờ (Trần Long Ẩn)... Cho đến khi đất nước đã thanh bình, những ca khúc gợi nhớ về một thời khói lửa vẫn ngân lên như những tổng kết đầy sâu sắc về tinh thần bất khuất tự cường của dân tộc: Ðất nước, Bài ca không quên (Phạm Minh Tuấn); Ðất nước bên bờ sóng, Ðất nước lời ru (Thái Văn Hóa); Việt Nam mến yêu (Quang Vinh)... Ðặc biệt, không ít những ca khúc vinh danh công ơn của những anh hùng liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đã ra đời như: Người mẹ của tôi (Xuân Hồng); Mãi mãi tuổi hai mươi (Phạm Ðăng Khương - Nguyễn Quý Lăng)... Có thể thấy, những tác phẩm âm nhạc viết về đề tài lịch sử vượt qua tính thời điểm, vượt qua phạm vi đề tài tưởng chừng khô cứng đã hoàn thành tốt sứ mạng lịch sử của mình. Những giá trị về mặt nội dung mang tính thời sự ở thời điểm ra đời cộng hưởng với những rung cảm thẩm mỹ của người sáng tạo đã làm nên những tác phẩm âm nhạc vươn tới giá trị nghệ thuật đích thực, không chỉ góp phần ghi lại những sự kiện, dấu mốc lịch sử quan trọng của đất nước mà còn khơi gợi lòng yêu nước, tự tôn và tự hào dân tộc trong mỗi người dân đất Việt.

Thế nhưng, khi nối dài quá khứ với hiện tại mới thấy dòng chảy âm nhạc về đề tài lịch sử đang có sự đứt gãy lớn, khi mà hầu như những tác phẩm âm nhạc mang âm hưởng sử ca hào hùng đều đã là thành quả thuộc về những thế hệ nhạc sĩ đi trước, còn những nhạc sĩ trẻ hôm nay chẳng mấy ai mặn mà với đề tài lịch sử. Mặc dù lác đác vẫn có một số tác phẩm sử ca ra đời song hầu hết gắn liền với tên tuổi của những nhạc sĩ thuộc về thời hậu chiến ở thế hệ "6X" như Quỳnh Hợp, Lương Minh, Doãn Nguyên, Quang Minh... Sự thiếu vắng những tác phẩm âm nhạc viết về đề tài lịch sử đặt ra nhiều băn khoăn về trách nhiệm của những nhạc sĩ hôm nay đối với quá khứ và bản sắc dân tộc. Nhưng nói thế không phải để đổ lỗi cho lớp nhạc sĩ trẻ hôm nay, bởi muốn họ sáng tạo và cống hiến những tác phẩm âm nhạc lịch sử có giá trị, nhất thiết phải tạo được một môi trường sống cho những tác phẩm âm nhạc đó. Sáng tác sao được khi tác phẩm đã thành hình mà không có điều kiện để đến với công chúng? Sáng tác sao được khi mà dàn dựng xong lại phải "đắp chiếu" cho tác phẩm vì chẳng có người nghe, khi mà nhan nhản trên truyền hình lúc nào cũng là những bộ phim, bài hát của Trung Quốc, Hàn Quốc? Và hệ quả tất yếu là hình thành nên một thế hệ trẻ em thuộc sử nước ngoài hơn sử Việt Nam với vô vàn những bài văn, bài sử "cười ra nước mắt" mỗi lần thi cử; còn những nhạc sĩ trẻ chỉ có thể mê mải với những sáng tác âm nhạc ngoài lịch sử. Bàn về vấn đề này, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu đưa ra lý giải: "Ðề tài lịch sử thường phù hợp với những quy mô hoành tráng, với các thể loại thanh nhạc lớn như ô-pê-ra, thính phòng, giao hưởng. Hình thức lớn đương nhiên kéo theo kinh phí lớn, nếu không có nhà tài trợ hoặc sự đỡ đầu của các cơ quan nhà nước thì đa số các nhà soạn nhạc nước ta không có khả năng đảm đương công đoạn dàn dựng". Ðây là nguyên nhân khiến nhiều nhạc sĩ khó theo được mảng đề tài lịch sử, cũng là lý do giải thích tại sao những tác phẩm viết về đề tài lịch sử xuất hiện trong giai đoạn hiện nay chủ yếu là được đặt hàng trong những dịp lễ lớn. Vấn đề là ở chỗ đặt hàng xong nhưng không có kế hoạch tuyên truyền, quảng bá cho tác phẩm thì tác phẩm lịch sử dù có giá trị nghệ thuật đến mấy cũng chỉ mang tính chất "thời vụ", rộ lên rồi cũng bị lãng quên ngay, hoặc xếp kho chờ những đợt kỷ niệm sau mang ra "xài" lại. Hãy nhìn vào danh sách các tác phẩm thể loại lớn được vận động sáng tác nhân Ðại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội như: thơ giao hưởng Chiếu dời đô, liên khúc giao hưởng Ngàn năm nhớ về thuở ấy (Ðinh Quang Hợp); thanh xướng kịch Hoa Lư - Thăng Long - Bài ca dời đô (Doãn Nho); giao hưởng Hồn Ðất Việt (Nguyễn Thiên Ðạo); Dáng rồng lên (Ðỗ Hồng Quân); đại hợp xướng Ngàn năm Thăng Long (Ðỗ Dũng)..., thử hỏi có mấy tác phẩm âm nhạc đã được quảng bá để đến với số đông công chúng?

Ðứng trước thực trạng nêu trên, đã đến lúc cần phải có một chiến lược mang tính đồng bộ và quyết liệt để nối lại dòng chảy âm nhạc hào hùng về đề tài lịch sử. Theo nhà thơ Hữu Thỉnh, các nhạc sĩ chỉ có thể ham mê sáng tác và tạo nên những tác phẩm âm nhạc lịch sử giá trị khi bản thân họ "sống" được bằng chính những tác phẩm ấy. Vì thế, muốn kích thích sáng tạo những tác phẩm âm nhạc mang tính sử ca, không thể có chuyện cào bằng cát-xê sáng tác như hiện nay, những nhạc sĩ sáng tác âm nhạc về đề tài lịch sử cần được vinh danh và có chính sách đãi ngộ phù hợp, có thế họ mới nuôi được cảm hứng sáng tạo của mình. Bên cạnh quỹ đầu tư hỗ trợ sáng tác, Nhà nước ta còn cần có quỹ hỗ trợ quảng bá tác phẩm, bởi chỉ có quảng bá, tuyên truyền tác phẩm sau khi được sáng tạo mới thật sự trở thành "món ăn tinh thần" của công chúng. Ðể tạo nên sức sống cho những tác phẩm âm nhạc lịch sử có giá trị nghệ thuật đòi hỏi không chỉ người sáng tác mà cả người nghe nhạc đều phải hiểu sâu sắc về lịch sử. Lâu nay, chúng ta chỉ quan tâm đến việc phát triển đội ngũ sáng tác mà chưa chú trọng đến khâu đào tạo công chúng thưởng thức. Vì thế, một biện pháp chiến lược có tính lâu dài là cần đầu tư phát triển giáo dục cho thế hệ trẻ, đặc biệt là giáo dục lịch sử thông qua các loại hình văn học nghệ thuật nói chung, trong đó có âm nhạc. Một nhạc sĩ từng có những tác phẩm âm nhạc về lịch sử khẳng định: Các tác phẩm âm nhạc về đề tài lịch sử cần phải được lồng ghép vào các môn học trong nhà trường như đạo đức, lịch sử, văn học, bởi âm nhạc vừa giúp làm "mềm hóa" những môn học khô khan, nhiều số liệu, vừa là con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất để truyền thụ những kiến thức lịch sử đến trẻ em. Ðây là hành trình đòi hỏi không ít thời gian, công sức của cả ngành giáo dục, cả giới văn nghệ sĩ qua nhiều thế hệ cùng các ngành liên quan nhưng là con đường không thể không đi, bởi đây mới chính là biện pháp hữu hiệu để từng bước nâng cao trình độ thẩm định, trình độ thưởng thức âm nhạc của đại bộ phận công chúng. Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận phê bình Văn học Nghệ thuật T.Ư PGS, TS Ðào Duy Quát đưa ra đề xuất: Nhà nước ta cần thành lập Quỹ đặt hàng về sáng tác âm nhạc lịch sử để thúc đẩy việc sáng tác giống như các nước trên thế giới đã và đang triển khai. Bên cạnh công tác hỗ trợ, kích thích sáng tác cũng cần chú ý đến các biện pháp sưu tầm, lưu giữ và bảo tồn. Các cơ quan truyền thông báo chí, đặc biệt là đài phát thanh và truyền hình cần có sự phối kết hợp với các ban, ngành, hội chức năng và các nhạc sĩ để kịp thời tuyên truyền, quảng bá, tạo điều kiện để các tác phẩm sử ca phát huy giá trị trong cuộc sống hôm nay. Có thể khẳng định, đầu tư cho sáng tạo, quảng bá và giáo dục, đó là những mắt xích quan trọng, có tác dụng mạnh mẽ, tạo nên hy vọng cho "cuốn nhật ký lịch sử" bằng âm thanh của dân tộc đã và sẽ còn mãi phát huy giá trị tới tận mai sau.

 
                                                                          Theo Báo Nhandan
 
 

Các tin khác

Toàn cảnh hội nghị.
Ban Mặt trận thôn hàng ngày đến làm việc tại nhà văn hóa được quy định cụ thể trong hương ước của thôn Yên (Kim Truy - Kim Bôi).
Tiết mục đoạt giải A của CLB Hương đồng quê (huyện Lạc Thuỷ) tại lễ tổng kết 1 năm hoạt động của CLB thơ Hoà Bình.
Vách nhũ như vải lụa mềm.

Ký ức mùa đông

(HBĐT) - Vào những mùa đông hàng năm, đất trời vùng núi quê tôi như gương mặt người có tuổi, cứ âm thầm, u uất như nối tiếc cái trong trẻo của mùa thu vừa qua, ngóng trông cái hừng hực của tiết trời mùa xuân chưa tới. Dường như muôn loài trên mặt đất này đều tìm cách chui lủi tránh gió bắc, mưa phùn.

Các tỉnh Tây Bắc tăng cường hợp tác phát triển du lịch

(HBĐT) - Ngày 14/12, tại trung tâm Hội nghị Văn hóa tỉnh Lai Châu đã diễn ra Hội nghị cấp cao tổng kết Chương trình hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng (TBMR) với sự tham dự của đoàn đại biểu các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Phú Thọ và Lai Châu.

Tấm lòng cô giáo chủ nhiệm

(HBĐT) - Chiều muộn, chị Hạnh vội thu dọn những mớ rau cho vào sọt, lẩm bẩm: - Hôm nay ế quá, còn hơn chục mớ rau, thế là mất công toi cả ngày, may còn hòa vốn. Thường ngày chị vẫn cố nấn ná mời chào khách bán dông dài, đắt rẻ hoặc lỗ vốn cũng bán nhưng hôm nay phải về cơm nước cho con Trang còn đi học thêm.

Cần xử lý nghiêm nạn “cò” đón khách ở bến du lịch Thung Nai

(HBĐT) - Thung Nai (Cao Phong) là điểm du lịch lòng hồ có đền chúa, hang động hồ, sơn thủy hữu tình. Nhiều năm qua, tuyến đường Bình Thanh - Thung Nai đã hoàn chỉnh, đi vào hoạt động, khách thập phương đi thăm quan du lịch lòng hồ, lễ hội tâm linh đền Bờ bằng các phương tiện: xe máy, ô tô khách, xe du lịch, tàu, thuyền tấp nập cuối năm và sang xuân mùa lễ hội, ngày thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ…

Mai Châu: Doanh thu du lịch ước đạt 8,5 tỉ đồng

(HBĐT) - Theo Phòng VH-TT huyện Mai Châu, năm 2012 ước có 49.500 lượt khách đến thăm quan du lịch tại huyện. Trong đó có 14.000 lượt khách quốc tế; 35.500 lượt khách trong nước. Số khách do cơ sở lưu trú phục vụ là 30.000 lượt với 38.000 ngày khách. Tổng doanh thu du lịch ước đạt 8.500 triệu đồng, trong đó cho thuê phòng 3.900 triệu đồng; bán hàng ăn uống 3.100 triệu đồng; bán hàng hóa 700 triệu đồng; vận chuyển khách du lịch 400 triệu đồng; phục vụ vui chơi, giải trí và các dịch vụ 400 triệu đồng.

Nhiều phát hiện tại di tích Cấm Mít

Sau 3 tháng tiến hành khai quật di tích Champa Cấm Mít, thôn Cẩm Toại Đông (xã Hòa Phong, Hòa Vang, TP.Đà Nẵng), ngày 11.12, Bảo tàng Lịch sử quốc gia (BTLSQG) và Bảo tàng Điêu khắc Chăm TP.Đà Nẵng đã công bố kết quả.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục