Bà Quách Thị Tèo, người đoạt vương miện trong cuộc thi Hoa hậu xứ Mường lần thứ 5.

Bà Quách Thị Tèo, người đoạt vương miện trong cuộc thi Hoa hậu xứ Mường lần thứ 5.

(HBĐT) - Cho đến tận bây giờ, xấp xỉ 100 năm đoạt vương miện Hoa hậu xứ Mường lần thứ 5 và sau gần 30 năm kể từ ngày bóng mỹ nhân khuất núi, cuộc đời và sự nghiệp của bà Quách Thị Tèo vẫn còn là một ẩn số khiến nhiều người tốn bao công sức và cả giấy bút đặng tìm kiếm lời giải đáp. Thế nhưng...

 

Từ cô gái nghèo trở thành Hoa hậu

Hà Thị Tèo sinh năm 1917 và đúng vào cái tuổi 16 thì đoạt vương miện trong cuộc thi Hoa hậu ở xứ Mường Vang. Bố Hà Thị Tèo là ông Hà Quang Trung, một thương gia người Việt gốc Hoa, mẹ bà là người Kinh ở Hà Nội. Bố Tèo là người nghiện thuốc phiện rất nặng, mà công việc buôn bán làm ăn lại chẳng phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái, nên bán hết cả một đàn con 4 - 5 người để lấy tiền hút xách. Có người lại bảo ông là thương gia có tiếng ở Hà Nội, làm nghề buôn trâu mộng, chuyên đóng tàu chở trâu ra nước ngoài bán. Một lần, giữa trùng khơi, bão tố nổi lên, cả trăm con trâu đều bị giông tố nhấn chìm. Vỡ nợ, ông đi làm đầu bếp cho Quách Vị, Chánh quan lang xứ Mường. Thấy cô con gái nhỏ Hà Thị Tèo xinh đẹp quá, Quách Vị đem lòng cảm mến và mua về làm con nuôi. Một tài liệu khác cho biết: Một em gái và một anh trai của bà Tèo cũng đã bị bán lên mạn Bắc Kạn, Thái Nguyên, Cao Bằng trước đó. Những người ấy đều đẹp lộng lẫy một thời.

Từ ngày chính thức làm con nuôi Chánh quan lang Quách Vị, Hà Thị Tèo được đổi họ từ Hà sang Quách của bố nuôi. Chỉ có thể nói rằng Hà Thị Tèo là người có một sắc đẹp trời phú với nước da trắng mịn màng, mặt mũi thanh tú, dáng dong dỏng cao và một tâm hồn đặc biệt nhạy cảm. Nhan sắc ấy, tâm hồn ấy là tài sản vô giá, khiến cô qua mặt tất cả các đối thủ để giành ngôi vị cao nhất trong cuộc thi Hoa hậu xứ Mường lần thứ 5 (năm 1933). Cổ nhân có câu: Mỹ nhân tự cổ y danh tướng/Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu (tạm dịch: Từ cổ xưa, người con gái đẹp cũng như viên  tướng tài là những thứ trời phú cho, không cần phải đợi đến lúc đầu bạc, răng long thiên hạ mới biết đến), thật chẳng có sai.

Khuynh đảo giới mày râu

Nhan sắc và tâm hồn đầy nhạy cảm của cô gái xứ Mường Vang là vũ khí lợi hại làm khuynh đảo giới mày râu. Sau khi đội lên đầu vòng nguyệt quế Hoa hậu xứ Mường được ít lâu, Quách Thị Tèo yêu và sống như vợ chồng với Quách Hàm, con trai cả của chính bố nuôi Quách Vị. Càng lớn, Tèo càng trở nên đằm sắc hơn bởi sự giao du với các ông Tây, bà đầm, bởi son phấn cùng những bộ trang phục nửa Mường nửa Tây, trông vừa cổ, lại vừa tân kỳ. Lúc đầu hai người chỉ đi lại với nhau như anh em, bạn bè, "nàng" lên thăm "chàng" và ngược lại. Sự đời vẫn thế, "Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén", trai anh hùng, gái thuyền quyên, làm sao họ chịu sống thiếu nhau. Và thế là hai người trở thành vợ chồng thực thụ lúc nào chẳng ai hay. Có người cho rằng, dường như cô và Quách Hàm đã bầy mưu tính kế, quyết tâm đẩy ông Chánh quan lang xứ Mường Quách Vị vào cái thế của sự đã rồi để nên vợ, thành chồng. Chánh quan lang Quách Vị biết tin đã nổi đóa toan vác ba toong nện gãy chân thằng con trai "đổ đốn" Quách Hàm. Nhưng may là vị Quan lang này đã kịp nghĩ lại. Ngăn cản tình duyên của hai người đã rắp tâm gửi gắm tấm thân ngà ngọc cho nhau từ lâu rồi đâu có dễ, khác nào "đổ thêm dầu vào lửa".

Quách Hàm là một con người hào hoa phong nhã, lại là con trai trưởng bà vợ cả của Quách Vị. Theo tập tục của người Mường trước đây, Quách Hàm sau này sẽ là người thừa kế chính thức dòng họ Quan lang cùng những bổng lộc, tài sản của ông Quách Vị. Hàm đi về Hà Nội như người dân xứ Mường đi chợ phiên hay lên nương rẫy. Anh học trường Tây, nói tiếng Tây, ăn đồ Tây, mặc quần áo Tây và đi ô tô Tây, lại là người văn võ toàn tài, khiến nhiều cô gái Mường thời đó chỉ biết chép miệng mà thèm và ghé mắt trông theo mỗi lần Quách Hàm từ Hà Nội trở về xứ Mường Vang. Chả vậy, mới ngoài 20 tuổi, Quách Hàm đã được bổ làm Tri châu Lạc Sơn và anh không quên nuôi hy vọng một ngày nào đó sẽ thay cha làm Chánh quan lang xứ Mường Hòa Bình. Điều đó càng khiến cho ông Quách Vị tức lồng lộn. Bởi theo ông nghĩ, mũ áo vua ban, quyền lực ngả nghiêng núi rừng để làm gì, Hoa hậu xứ Mường lộng lẫy xa hoa để làm gì, khi mà đứa con nuôi yêu hơn cả con đẻ của mình lại làm vợ chính con trai mình? Như thế là báng bổ luật lệ nhà Lang, là làm muối mặt dòng họ Chánh quan lang bao đời nay. 

Cũng cần phải nói rằng, trước khi Quách Thị Tèo đội lên đầu vương miện Hoa hậu, trong một lần vào Huế để yết kiến nhà vua, Chánh quan lang tỉnh Mường đã đưa cô theo như một món quà quí trời phú, dâng hiến vua Bảo Đại để mong mưa móc của vua thấm nhuần tới xứ Mường. Nhà vua và các quan lại trong triều lúc bấy giờ đã từng "lác mắt" không khác gì những vị quan người Pháp cai trị hay kinh lý lên xứ Mường Vang này. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì, nhà vua vẫn không nhận Quách Thị Tèo vào làm cung tần, mỹ nữ trong cung  (!?).

Những hệ lụy của mỹ nhân

Nếu ai đã từng biết về cuộc sống của các quan lang thời xưa, nhất là trong tư dinh của vợ chồng Quách Hàm ở Lạc Sơn và dinh của Chánh quan lang Quách Vị thì sẽ thấy xót xa vô cùng về cái kết cục của cuộc đời một Hoa hậu xứ Mường.

Mặc lời ong tiếng ve, mỹ nhân vẫn cứ lồng lộng giữa mây trời Tây Bắc. Cuộc sống của vợ chồng ông quan Tri châu và Hoa hậu xứ Mường xa hoa đến tột độ. Ngoài sự giàu sang vốn có, ông Hàm còn rắp tâm trang hoàng dinh thự, sắm xe hơi, võng lọng cho xứng tầm "vương giả" và hợp cách với bà vợ bé là Hoa hậu xứ Mường!  Giữa đêm, vợ chồng quan lang đòi ăn bít tết, đầu bếp bảo hết thịt bò, quan Tri châu ra lệnh khoét ngay miếng mông con bò béo nhất đang ngủ ngoài vườn, mang về nấu cho quan, mai tính sau. Thuốc phiện và gái đẹp tràn ngập. Khi cả Hà Nội còn lạ lẫm với cái ô tô, thì bà Tèo đã một bước lên xe hơi, một bước xuống ngựa quý, người quỳ đằng trước, kẻ lạy đằng sau, chỉ mong quí bà ban phước lộc.

Thế nhưng ở đời có ai học được chữ "ngờ". Từ sự quyền quý lạ lùng, từ sự xa hoa khét tiếng, bà Quách Thị Tèo đã rơi tọt xuống sự khốn khó và túng quẫn đến khó tin. Chính sắc đẹp của người chị dâu quan Tri châu đã khiến người em chồng là Quách Lu mê bà đến điên dại. Từ đó mâu thuẫn anh em Hàm - Lu cực kỳ gay gắt, đến mức Chánh quan lang Quách Vị phải cho họ ở riêng ra, mỗi người "hưởng lộc" một vùng. Quách Lu mặt lạnh như găng-xtơ Mỹ, đi ghệt, tướng võ quan dữ dằn, ăn chơi trác táng, khét tiếng phong tình. Có lần Lu vác súng rượt đuổi Hàm về tận tư dinh. Hàm sợ quá, khi Quách Thị Tèo đang bụng mang dạ chửa nặng nề, mặc váy Mường rộng thùng thình, hết lối cùng đường ông đành phải chui tọt vào váy vợ ngồi im để "lánh nạn". Quách Lu sững sờ trước vẻ đẹp của bà bầu Quách Thị Tèo nên lóa cả mắt chẳng còn nhìn thấy ông anh ở đâu nữa, đành lặng lẽ xách súng xuống thang gác bỏ đi...

Còn lúc về già, bà Tèo bán dần các đồ nữ trang đi để "nuốt" thuốc phiện. Khi không còn những thứ đó, bà cùng một vài người khác thường dệt những tấm thổ cẩm rất đẹp, rồi đi bộ ra các chợ vùng Vụ Bản, Mai Châu, Vạn Trò, lên tận Sơn La để bán. Hoa hậu xứ Mường rất khéo tay, nên các vuông thổ cẩm bao giờ cũng rực rỡ, bán khá chạy. Bán được bao nhiêu, bà lại mua thuốc phiện, vo viên lại rồi nuốt bấy nhiêu, cứ bỏ vào miệng như kiểu người ta ăn kẹo ấy. Dáng bà hom hem, trông rất khổ. Đến năm 1984, bà Tèo về với đất lạnh Mường Vang trong nỗi ê chề, khốn khó, kết thúc một đời mỹ nhân.

Còn một cái chẳng bao giờ kết thúc là nhan sắc trời phú, cuộc sống vương giả có một không hai ở cái xứ Mường Vang và cả thuốc phiện nữa, đã đưa một cô gái nghèo bước sang miền cực lạc. Nhưng chính Hoa hậu xứ Mường Quách Thị Tèo có hay đâu một khi thế sự xoay vần, tất cả những thứ đó đều trở thành phù phiếm, tan biến ngay như áng mây chiều Tây Bắc và hiển nhiên chúng chẳng thể nào cứu rỗi cuộc đời mỹ nhân của bà (?!)

  

                                                                      HBĐT tổng hợp

 

Các tin khác


Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Tác giả Vân Anh của tỉnh Hòa Bình được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc

Chiều 27/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức khai mạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23, năm 2024.

Huyện Đà Bắc nâng cao hiệu quả xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở

Huyện Đà Bắc có 17 xã, thị trấn với 122 xóm, tiểu khu, 5 dân tộc chủ yếu Tày, Mường, Dao, Kinh, Thái cùng chung sống đoàn kết. Những năm qua, việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được quan tâm. Qua đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần ổn định an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 25/4, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức (BTC); Vũ Văn Hoài, Phó Chủ nhiệm chính trị Quân khu 3; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh...

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 24/4, tại Cung Văn hoá tỉnh, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức khai mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục