Phong cảnh trên hồ Hòa Bình luôn hấp dẫn du khách.

Phong cảnh trên hồ Hòa Bình luôn hấp dẫn du khách.

(HBĐT) - “Mặt sông như tấm lụa trời/ Mưa sa xuống nước/ Ngỡ trời thêu hoa...” - Tôi lẩm nhẩm đọc mấy câu tạp bút của một người bạn cũ. Cảm giác thật phiêu diêu khi đắm mình trong mênh mang sông nước lòng hồ những ngày cuối mùa đông. Quên cả gió lạnh. Quên cả cái ướt át như có như không của cơn mưa phùn. Tiếng sóng vỗ ì oạp mà tôi cứ ngỡ mình nghe được âm thanh mùa xuân đang gõ nhịp lên mạn thuyền…

 

Đây là lần đầu tiên tôi đi du lịch lòng hồ vào thời điểm rét mướt của mùa đông vẫn còn bảng lảng trên sông. Trước đó, tôi đã “phải lòng” vẻ tươi đẹp đầy sức hút của sông Đà vào mùa hạ và mê đắm bức tranh sơn thủy hữu tình của nơi đây khi tiết trời lập thu. Còn bạn tôi thì bảo: Sông Đà thú vị nhất vào những ngày cuối mùa đông bởi khi đắm mình trong không gian se sắt lạnh sẽ bất giác lắng nghe được tiếng bước chân mùa xuân đến... Bạn tôi đã hơn chục năm gắn bó với sông Đà và hiểu sông Đà như hiểu một người thân thiết. Vì thế nên tôi cũng muốn có được những trải nghiệm thú vị mà bạn mình giới thiệu. Háo hức, tò mò, tôi cùng bạn khám phá sông Đà vào thời điểm cuối đông, giáp Tết.   

 

Từ bến Thung Nai, chúng tôi thuê một chiếc thuyền máy nhỏ để bắt đầu cuộc hành trình. Sương mù giăng nhẹ không gian khiến cả một vùng sông nước rộng lớn được phủ màu bàng bạc như huyền thoại. Bây giờ là mùa khô, cũng là mùa trữ nước của hồ sông Đà. Bạn tôi bảo, nước sông mùa này trong, xanh và đẹp nhất trong năm. Nơi đây vẫn thường được ví như một vịnh Hạ Long thu nhỏ, trong đó, màu nước xanh là điểm nhấn nổi bật của quần thể du lịch lòng hồ.

 

Lòng hồ sông Đà có diện tích xấp xỉ 8.000 ha, độ sâu từ 100 - 150 m và dung tích trên 9 tỷ m3 nước. Trong hồ có 47 đảo lớn, nhỏ. Những núi đá vôi trên mặt hồ tạo nên một không gian vịnh Hạ Long thu nhỏ rất nên thơ. Hai bên bờ hồ là rừng núi bạt ngàn xanh, phong cảnh hữu tình và thơ mộng. Thêm vào đó là vẻ nguyên sơ, kỳ thú của hệ thống hang động ven hồ. Những bản làng cũng là nét chấm phá đầy sức gợi. Đi trên lòng hồ sông Đà, cảm giác bị say sóng hoàn toàn biến mất bởi tâm hồn đang mê đắm với cảnh sắc thiên nhiên quá đỗi bình yên.

 

Thuyền đi rất chậm. Đi như trôi trên sông. Trôi trong bồng bềnh gió và hơi nước khiến lòng người nhẹ bẫng, lâng lâng một cảm giác khó định hình. Tiết trời cuối đông, sương dần tan nhưng không có nắng, cái rét bảng lảng trong không gian vừa như muốn ở lại, vừa như muốn ra đi để gọi xuân về. Cả một vùng hồ sông Đà rộng lớn mênh mông, chỗ rộng nhất cũng khoảng 2 km, chiều dài khoảng 200 km kéo từ Hòa Bình đến Sơn La. Vùng hồ rộng lớn này nằm trong phạm vi 17 xã của 4 huyện: Đà Bắc, Tân Lạc, Cao Phong, Mai Châu và thành phố Hòa Bình. Chắn ở một đầu hồ là nhà máy thủy điện Hòa Bình - công trình thủy điện mang tầm vóc của thế kỷ từ lâu đã tạo được sức hút mạnh mẽ đối với du khách thập phương. Được thiên nhiên ưu đãi, vùng hồ sông Đà là nơi sơn thủy hữu tình, có rừng, có đảo, có khí hậu thanh mát quanh năm. Đặc biệt, đây là nơi quần tụ của các bản làng dân tộc truyền thống, hai bên vùng lòng sông có nhiều di tích lịch sử như đền Bờ, đền Cô, đền Cậu, bia Vua Lê... mang giá trị văn hóa - tâm linh sâu sắc, được đánh giá là tiềm năng lớn để phát triển du lịch vùng hồ. Được biết, trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch hồ sông Đà đến năm 2020, ngành du lịch tỉnh đã xác định những sản phẩm chính thuộc khu du lịch này là du lịch tín ngưỡng, du lịch nghỉ dưỡng và du lịch làng nghề. Với những sản phẩm du lịch đặc trưng, giàu sức hút, tỉnh định hướng sẽ xây dựng khu du lịch hồ sông Đà trở thành khu du lịch quốc gia, hàng năm đều đặn chào đón hàng trăm ngàn lượt du khách thập phương đến thưởng ngoạn và khám phá.

 

Thuyền chúng tôi cập bến đền Bờ. Tương truyền là nơi rất linh thiêng, đây chính là một phần dấu ấn của sự kiện tuần thú dẹp loạn Đèo Cát Hãn của vua Lê Thái Tổ. Sử ghi lại rằng trong cuộc tuần thú dẹp loạn của vị vua anh minh Lê Lợi trên miền biên ải đã được người dân miền núi hết lòng giúp đỡ. Trong cuộc hành quân qua 170 thác, 130 ghềnh hiểm trở có công sức rất lớn của bà Đinh Thị Vân, người Mường ở Hào Tráng và một bà người Dao ở Vầy Nưa lo liệu quân lương, thuyền mảng. Khi hai bà mất, vua Lê Lợi truy phong công trạng, ban chiếu cho dân lập đền thờ. Đền ấy nằm dưới thác Bờ nên gọi là đền Thác Bờ. Dưới lòng hồ, đoạn ngang giữa thác Bờ từng có ngôi đền ấy trên núi đá. Nay, cả hai ngôi đền đã được chuyển lên vị trí cao sau khi lòng hồ ngập nước. Đền bà người Dao thì ở bên bờ trái sông Đà trên đỉnh đồi Hang Thầu, xã Vầy Nưa (Đà Bắc), còn đền bà người Mường ở mạn phải xã Thung Nai (Cao Phong). Dân trong vùng tôn vinh hai bà là Chúa Thác Bờ, nay vẫn thường xuyên hương khói thờ phụng, hàng năm mở hội vào ngày 7 tháng giêng âm lịch. Đã từ lâu, nơi đây thực sự trở thành một điểm du lịch tâm linh không thể không đến mỗi khi ai đó có dịp thăm thú vùng hồ. 

        

Đền Bờ - điểm đến không thể bỏ qua trong cuộc hành trình du ngoạn và khám phá vùng hồ Hòa Bình.

 

        

Đảo Dừa - điểm du lịch sinh thái mới trên vùng hồ Hòa Bình thuộc xã Vầy Nưa (Đà Bắc).nh: P.V

 

Rời đền Bờ, chúng tôi lần lượt ghé vào các điểm du lịch khác. Từ đảo Ngọc đến đảo Bạn Bè, từ thác Giăng đến vịnh Suối Hoa... Những danh lam thắng cảnh đẹp như trong cõi mơ tạo nên một quần thể du lịch phong phú làm say lòng bất kể du khách khó tính nhất. Mỗi điểm đến lại cho tôi một trải nghiệm khác biệt. Quên cả gió lạnh. Quên cả ướt át như có như không của cơn mưa phùn. Chiều buông xuống rất nhanh. Gió sông khiến cái lạnh chiều cuối đông càng thêm se sắt. Tôi ngồi tựa mạn thuyền để nghe rõ hơn tiếng sóng vỗ ì oạp. Thoảng hoặc bên tai tiếng cười nói của người dân vạn chài. Tết sắp đến, hình như vì thế mà tiếng cười của họ trong trẻo hơn? Bất giác, tôi lắng nghe được hình như mùa mùa xuân đang đến trong tiếng cười trong veo của họ…

 

 

 

                                                                                  Thu Trang

 

 

 

Các tin khác


Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Tác giả Vân Anh của tỉnh Hòa Bình được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc

Chiều 27/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức khai mạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23, năm 2024.

Huyện Đà Bắc nâng cao hiệu quả xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở

Huyện Đà Bắc có 17 xã, thị trấn với 122 xóm, tiểu khu, 5 dân tộc chủ yếu Tày, Mường, Dao, Kinh, Thái cùng chung sống đoàn kết. Những năm qua, việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được quan tâm. Qua đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần ổn định an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 25/4, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức (BTC); Vũ Văn Hoài, Phó Chủ nhiệm chính trị Quân khu 3; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh...

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 24/4, tại Cung Văn hoá tỉnh, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức khai mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục