Thạp Luông - Di tích nổi tiếng của Thủ đô Viêng Chăn.

Thạp Luông - Di tích nổi tiếng của Thủ đô Viêng Chăn.

(HBĐT) - Cuối tháng 11, theo lời mời của Bộ Thông tin - Văn hóa và Du lịch nước CHDCND Lào, đoàn công tác của Bộ Thông tin và truyền thông Việt Nam mà thành viên đa phần là các nhà báo đã có một tuần làm việc trên đất nước bạn. Nơi ấy, ấn tượng sâu đậm nhất là văn hóa Lào, tình hữu nghị sâu sắc thủy chung Việt - Lào.

 

Lịch sử thăng trầm nhưng văn hóa không phai nhạt

 

Trước thế kỷ XIV, lịch sử nước Lào không được ghi chép rõ ràng, chỉ được lưu giữ theo truyền thuyết. Mãi đến thế kỷ XIV vào năm 1353, vua Phà Ngừm mới thống nhất được các tiểu vương để thành lập nên Vương quốc Lạn Xang (Triệu Voi) bao gồm diện tích hiện nay và vùng I - Xản (18 tỉnh đông bắc Thái Lan) và tỉnh Stung -Treng (Cămpuchia). Chiến tranh với giặc ngoại xâm, binh lửa nội chiến, nước Lào cũng từng trải bao thăng trầm, đau thương, chia cắt. Với diện tích 236.800 km2, nước Lào ngày nay có dân số hơn 6 triệu người. Có 68 bộ tộc chia làm 3 hệ chính là Lào Lùm chiếm đa số sống ở đồng bằng, Lào Thâng sống ở lưng chừng núi và Lào Xủng chỉ chiếm 13% dân số sống ở vùng núi cao. Ở Lào, đạo Phật rất được sùng bái, với 85% dân số tin theo.

 

Đoàn nhà báo Việt Nam đến Viêng Chăn 11h trưa. Viêng Chăn đã vào đông nhưng khá nắng nóng. Trên những con phố của thủ đô treo rất nhiều quốc kỳ Lào, Campuchia và Việt Nam. Nếu như không có những biển hiệu quảng cáo, tên những con phố bằng chữ Lào chắc ai cũng nghĩ đây là một thành phố nào đó của Việt Nam bởi nét thân quen, tương đồng. Phụ nữ Lào nhỏ nhắn, khuôn mặt xinh tươi chân chất, phần đông vẫn mặc váy truyền thống, đội ô. Được biết, phụ nữ Lào thường phải lấy họ chồng, trừ những dòng họ danh tiếng. Người Lào cởi mở, quý khách. Họ giao tiếp chậm rãi, khoan thai, đi đứng không vội vàng, tất bật, bon chen. Các phương tiện tham gia giao thông có trật tự. Các bác tài hầu như không có thói quen sử dụng còi. Viêng Chăn vắng bóng tắcxi và phổ biến là xe Túc túc. Trò chuyện với chúng tôi lúc bằng tiếng Việt, lúc bằng tiếng Anh và kể cả bằng tay, một anh tài xế Túc túc khoe rằng với nghề này, anh có thể nuôi được cả gia đình với 6 người con. Đường phố thủ đô cổ kính, khá sạch, thoáng đãng. Dưới ánh nắng, nổi bật nhiều tượng đài danh nhân lịch sử, nhiều ngôi chùa sơn son thếp vàng cầu kỳ thấp thoáng sau những hàng cây. Nhiều tốp nhà sư áo đỏ, áo vàng khất thực trên phố, được người dân kính cẩn chắp tay trước ngực cúi chào.

 

Chúng tôi được đến thăm nhiều di tích nổi tiếng: Bảo tàng Quốc gia, That Luang, Khải hoàn môn Patuxay đi mua sắm ở chợ sáng, chợ đêm tấp nập, thăm khu du lịch nơi rất đông người ngoại quốc Vung Viêng hoang sơ, thăm quan hồ thủy điện, mua cá ở hồ Nam Ghum, ngắm hoàng hôn bên bờ sông Mê Công... Từ những điều được thấy, anh Đoàn Công Huynh, trưởng đoàn tổng kết: Nước bạn Lào tuy chưa thực sự phát triển nhưng nhiều cái ta cần phải học. Đó là người dân Lào giữ gìn tốt bản sắc văn hóa; công chức Lào giỏi ngoại ngữ; người Lào hầu như đã bỏ được thói quen uống rượu, bia và hút thuốc lá tràn lan... Riêng tôi thầm nghĩ, không biết nước bạn giữ được những nét đẹp này bao lâu trước những “cơn bão” từ mở cửa hội nhập và tốc độ đô thị hóa đến chóng mặt!

 

 

Trăn trở của những đồng nghiệp làm báo nước bạn Lào

 

Trong những ngày ở Viêng  Chăn, đoàn nhà báo Việt Nam đã đến thăm và làm việc tại Bộ Thông tin - Văn hóa và Du lịch, trao đổi nghiệp vụ với các cơ quan báo chí hàng đầu như Đài TH quốc gia Lào, báo Pasason, báo Vietiene Time, Thông tấn xã KPL, Đài phát thanh QG Lào… ở nước bạn có 128 tờ báo và tạp chí, 36 đài truyền hình, 56 đài phát thanh. Quy mô, biên chế khá tinh gọn, thiết bị tương đối cũ do ngân sách Chính phủ cấp còn hạn hẹp. Tư nhân có thể thuê kênh, thuê sóng các nhà đài, xuất bản báo và tạp chí. Trụ sở, cột phát sóng của Đài TH Quốc gia Lào không to hơn Đài PT -TH tỉnh ta là mấy. Biên chế Đài chỉ có 240 người, phát 2 kênh chính trị - xã hội và kênh giải trí. Báo Pasason có 65 người, phát hành 5.000 tờ /kỳ. Vietiane Time (báo tiếng Anh có thuê chuyên gia nước ngoài) có 60 người, phát hành 3.000 tờ /kỳ. Anh Phimmasone, Trưởng phòng Quản lý sản phẩm báo chí cho biết: người Lào chưa có thói quen đọc báo mà chỉ thích nghe đài và xem truyền hình. Họ thường xem các kênh truyền hình của Thái Lan từ khoảng 7 nghìn đài và các đài tư nhân vì hấp dẫn hơn. Báo địa phương các tỉnh thì nơi có, nơi không; có tờ báo phát hành tuần một kỳ, có báo mỗi tháng một kỳ… Các quan chức phía bạn Lào cho biết: các cơ quan truyền thông có vai trò hết sức quan trọng. Trọng tâm chính là tuyên truyền đưa NQ Đại hội lần thứ X Đảng NDCM Lào vào cuộc sống; xây dựng tỉnh thành địa bàn chiến lược, địa bàn huyện phát triển toàn diện; xây dựng làng, bản vững mạnh và biểu dương người tốt, việc tốt. Trong hợp tác với Việt Nam, bạn mong muốn tiếp tục nhân được sự giúp đỡ toàn diện; trong đó, có việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực làm báo và quản lý báo chí đang còn rất mỏng; làm thế nào để  quản lý tốt các trang mạnh xã hội tự phát hiện nay...

 

 

Tình hữu nghị Việt - Lào như mạch nguồn tuôn chảy

 

Việt - Lào là hai nước láng giềng cùng uống chung dòng nước sông Mê Công, cùng dựa chung vào dãy Trường Sơn hùng vĩ. Tình hữu nghị và đoàn kết Việt - Lào đã trở thành mối quan hệ mẫu mực, vô cùng trong sáng và hiếm có trên thế giới.

 

Trong các buổi làm việc, lãnh đạo các cơ quan báo chí của bạn đều khẳng định báo chí hai nước cần làm tốt hơn nữa trong tuyên truyền về tình hữu nghị Việt - Lào, nhất là cho lớp trẻ. Trong đoàn, không ai biết tiếng Lào, giúp đỡ thì có cô Chintana Noy - chuyên viên Cục Hợp tác quốc tế phiên dịch. Nhưng chỉ lúc ngoại giao ban đầu thôi, lãnh đạo các cơ quan báo chí, truyền thông Lào và ta đều nhất trí: “Nói tiếng Việt Nam cho tiện”.

 

Việt - Lào đã có mối quan hệ chiến lược, toàn diện. Việt Nam hiện đứng thứ hai về quy mô các nước đầu tư vào Lào. Ở Viêng Chăn và khắp nước Lào có rất nhiều người Việt làm ăn, sinh sống. Người Lào đặc biệt thích sang Việt Nam du lịch, tắm biển. Ông Thongvanh Bounbouatong, TGĐ Đài truyền hình quốc gia Lào nói: Các cơ quan truyền thông Lào đã dành rất nhiều thời lượng để tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam, nhất là vào tháng 5 vừa qua. Sắp tới, Đài THQG Lào sẽ phát sóng một kênh chương trình tiếng Việt. Biết tôi là người Hòa Bình, đã có những đồng nghiệp Lào bắt tay rất chặt và kể rằng đã từng được học báo chí với các anh Đức Nam, Hoàng Thư, Mạnh Tuấn, Ngọc Vinh ở báo Hòa Bình và có những kỷ niệm khó quên. Cô phiên dịch Chintana Noy cũng từng khoe với tôi: Em được đến Hòa Bình quê anh rồi. Được thăm thủy điện, đi du lịch lòng hồ, ăn cá nướng rất ngon. Em còn được đến thăm khu di tích nơi diễn ra Đại hội II Đảng NDCM Lào tại Bộ CHQS tỉnh Hòa Bình nữa…

 

    

Lãnh đạo Bộ Thông tin - Văn hóa và Du lịch Lào tiếp đoàn các nhà báo Việt Nam.

    

Lãnh đạo Bộ Thông tin - Văn hóa và Du lịch Lào mời đoàn công tác bữa cơm thân mật trước ngày về nước. Hôm đó, chúng tôi được thưởng thức những món ăn đặc trưng của Lào, uống rượu Kông -sa-đẻn, múa Lăm vông, cùng nhau hát những bài ca ngợi tình hữu nghị Việt - Lào. Chủ, khách và các đồng nghiệp Lào như hòa vào một. Ông Savakhone Razmuontry, Thứ trưởng Bộ TT -VH&DL Lào, trong lúc trò chuyện, đã đứng dậy, đặt tay lên ngực, nói những lời từ trái tim mình: Tôi đã từng tham gia bộ đội Pa -thét Lào, được cùng chiến đấu với bộ đội Việt Nam, từng bị thương và được sang Việt Nam chữa trị, an dưỡng. Tôi cũng đã từng học lớp bồi dưỡng cán bộ cao cấp tại Hà Nội, từng sang Việt Nam công tác nhiều lần. Với trọng trách của mình, tôi có thể khẳng định: Tình hữu nghị truyền thống, mẫu mực, trong sáng, đặc biệt Việt - Lào sẽ không bao giờ phai nhạt. Tình cảm ấy đã ngấm vào máu thịt, trong con tim mỗi người của hai dân tộc cùng chung số phận Việt - Lào chúng ta. Hai dân tộc cần phải đoàn kết, chia sẻ, hợp tác để cùng sánh vai nhau phát triển và hội nhập trong cộng đồng quốc gia Đông Nam Á.

 

Đúng vậy, đất nước, con người Lào vẫn thế. Nơi ấy, tình nghĩa thủy chung Việt - Lào vẫn như những dòng sông, những mạch nguồn không ngừng tuôn chảy. Trước ngày về nước, anh em trong đoàn còn dặn nhau nhớ mua mấy món quà về cho bạn bè và đừng quên món rượu đặc sản Lào để Tết này gặp nhau cùng nâng chén ôn lại những kỷ niệm trên đất nước Lào tươi đẹp.

 

 

 

 

                                                          Ghi chép của  Thùy An

 

 

 

 

Các tin khác


Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Tác giả Vân Anh của tỉnh Hòa Bình được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc

Chiều 27/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức khai mạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23, năm 2024.

Huyện Đà Bắc nâng cao hiệu quả xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở

Huyện Đà Bắc có 17 xã, thị trấn với 122 xóm, tiểu khu, 5 dân tộc chủ yếu Tày, Mường, Dao, Kinh, Thái cùng chung sống đoàn kết. Những năm qua, việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được quan tâm. Qua đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần ổn định an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 25/4, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức (BTC); Vũ Văn Hoài, Phó Chủ nhiệm chính trị Quân khu 3; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh...

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 24/4, tại Cung Văn hoá tỉnh, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức khai mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục