Dâng hương Khu tưởng niệm Bác Hồ tại khu Di tích Nhà máy in tiền.

Dâng hương Khu tưởng niệm Bác Hồ tại khu Di tích Nhà máy in tiền.

(HBĐT) - Chúng tôi trở lại thăm Khu di tích lịch sử Đồn điền Chi Nê - nơi đặt Nhà máy in tiền đầu tiên của Chính quyền cách mạng được vinh dự 2 lần đón Bác Hồ về thăm vào cuối tháng 4. Khu tưởng niệm Bác Hồ nằm trong quy hoạch Khu di tích Đồn điền Chi Nê. Thành kính dâng hương trước Người, chúng tôi hiểu thêm những kỷ niệm, thời khắc đáng nhớ khi Bác về thăm đồn điền Chi Nê, thăm cán bộ và nhân dân huyện Lạc Thủy.

 

Ngày 18/2/1947, sau khi kết thúc phiên họp Hội đồng Chính phủ, Bác cùng các đồng chí Cù Huy Cận, Bộ trưởng Bộ Canh nông, Hoàng Hữu Kháng, bảo vệ và lái xe Phạm Văn Ngọc từ Quốc Oai trên đường đi Thanh Hóa công tác, Người dừng chân ở thị trấn Chi Nê. 6 giờ sáng ngày 19/2, Bác vào thăm nhà ông bà Đỗ Đình Thiện - chủ nhân của đồn điền Chi Nê và là nhà tư sản yêu nước. Sau đó Bác đi thăm nhà ở công nhân Nhà máy in tiền và một số đồng bào người Mường gần đó. Lúc về có máy bay Pháp do thám, mấy Bác cháu xuống hầm trú ẩn. Máy bay đi khỏi, Bác lấy ra chiếc máy chữ nhỏ và ngồi dưới gốc cây đa ngoài vườn làm việc. Người đánh máy mấy tiếng đồng hồ. Trưa đó, ăn cơm cùng gia đình ông Thiện, Bác hỏi tình hình cuộc sống, công việc làm ăn và dặn thế nào địch cũng sẽ ném bom, có đồ đạc gì quý  nên sơ tán đi và tìm chỗ làm lán xa vào trong núi cho các cháu sơ tán ban ngày. Các con, cháu gia đình ông Thiện đã hát cho Bác nghe trong không khí thân mật, đầm ấm.

 

Sau khi hoàn tất công việc ở Thanh Hóa, sáng 21/2/1947, Bác lại về Chi Nê, cán bộ và nhân dân huyện Lạc Thủy vinh dự được đón Bác. Trước tiên, Bác đến thăm Nhà máy in tiền, nhà để tiền ở xóm Đồng Thung, xã Cố Nghĩa. Bác dặn “Đây là Nhà máy in tiền của ta, các chú cần giữ gìn cẩn thận, phải thi đua nhau làm việc để in được nhiều tiền cho cả nước tiêu dùng và công cuộc kháng chiến cứu quốc”. Đến nơi nào, Bác cũng ân cần thăm hỏi, động viên mọi người nỗ lực cố gắng góp phần phục vụ kháng chiến. Bác đã vào một số gia đình địa phương trò chuyện thân mật với mọi người, thăm hỏi chuyện học hành của các em thiếu niên, nhi đồng. Rồi Bác đi thăm chợ Đầm Đa, hoạt động chủ yếu vào ban đêm để tránh máy bay địch, cách Đồn điền Chi Nê khoảng 1 km. Bác yêu cầu UBHC xã Cố Nghĩa và lãnh đạo Nhà máy in tiền phải di dời ngay chợ Đầm Đa và Nhà máy in tiền đến địa điểm kín đáo đề phòng máy bay giặc ném bom, nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân.

 

Đúng như nhận định của Bác, ngày 22/2/1947, Pháp đã điều động máy bay bắn phá tại Đồn điền Chi Nê, 4 chiếc quần thảo tại Đồng Làng, 4 chiếc oanh tạc tại cơ quan ấn loát. Máy bay Pháp thả 8 quả bom tại Đồn điền Chi Nê, 2 quả trúng nhà ông Đỗ Đình Thiện. Cả gia đình ông Thiện núp trong vườn cà phê, 2 vựa lúa bị thiêu rụi, cháy trong cả tuần lễ. Cơ quan ấn loại bị trúng đạn, kho cà phê, kho vật liệu bị cháy nhưng máy móc không bị hư hỏng. Khi được nghe báo cáo về sự oanh tạc của máy bay Pháp vào Đồn điền Chi Nê, Bác Hồ đã thư gửi cho gia đình ông, bà Đỗ Đình Thiện như sau: “Chú thím Thiện! Được tin, chú thím, nhà Hiều và các cháu bình an, tôi rất vui lòng. Mất của cải không sợ. Còn trời còn nước còn non thì còn của cải bà con họ Hồ. Kháng chiến thành công, ta làm ra của cải khác, chắc chắn hơn. Chúc các chú thím mạnh khỏe. Hôn các cháu! Thân ái và quyết thắng - Hồ Chí Minh”.

 

Trước đó, nghe lời Bác, lãnh đạo Nhà máy đã cho sơ tán máy in tiền vào hàng đá nên an toàn, máy in chỉ dừng sản xuất một ngày rồi tiếp tục hoạt động cung cấp tiền cho nền tài chính quốc gia. Sau này tờ bạc tài chính Cụ Hồ ra đời trở thành một lợi khí đấu tranh trên mặt trận kinh tế - tài chính - tiền tệ, góp phần bảo vệ nền độc lập quốc gia.

 

Bà Đinh Thị Bình, Phó Ban quản lý di tích huyện Lạc Thủy cho biết: Khu di tích Nhà máy in tiền Đồn điền Chi Nê được Bộ Văn hóa xếp hạng cấp quốc gia, Nhà máy in tiền được trao kỷ lục Guinesss Việt Nam là Nhà máy in tiền đầu tiên của cách mạng Việt Nam. Khu di tích Nhà máy in tiền trở thành địa điểm du lịch thu hút đông đảo du khách, cán bộ và nhân dân trong và ngoài tỉnh đến thăm quan, tìm hiểu lịch sử truyền thống ngành tài chính, tìm hiểu nơi 2 lần được đón Bác về thăm.

 

 

 

 

                                                                                             P.V

 

Các tin khác


Mãn nhãn với màn pháo hoa mừng ngày thống nhất đất nước

Tối 30/4, hàng nghìn người dân đổ về trung tâm TP Hồ Chí Minh để vui chơi và xem màn bắn pháo hoa mừng 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024).

Đặc sắc chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca vang mãi"

Tối 29/4, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động với chủ đề "Bản hùng ca vang mãi”.

Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Tác giả Vân Anh của tỉnh Hòa Bình được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc

Chiều 27/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức khai mạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23, năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục