(HBĐT) - Là đối tượng từng gây ra nhiều vụ trộm cắp vặt của người dân 2 xã Mường Chiềng, Suối Nánh (Đà Bắc), sau khi bị phát hiện và được người thân trong dòng họ, làng xóm kiểm điểm, giáo dục, Xa Văn Ứng ở xóm U Quan, xã Mường Chiềng không còn tái phạm. Cũng như Xa Văn Ứng, Xa Văn Mạnh ở xóm Bản Hạ hay Xa Văn Hữu ở xóm Chiềng Cang trước đây mỗi khi uống rượu say thường có hành vi gây rối. Sau khi được người thân trong dòng họ tuyên truyền, vận động, giáo dục họ đã thay đổi, không còn gây rối, làm mất ANTT thôn, xóm...


 

Công an huyện Đà Bắc thường xuyên trao đổi với Công an xã Mường Chiềng và đại diện các chi, muột "dòng họ tự quản” để phát huy vai trò các mô hình tự quản, đảm bảo giữ vững ANTT tại địa phương.

 

Có được điều này, theo đồng chí Xa Văn Đó, Trưởng Công an xã Mường Chiềng là do các xóm, bản đã phát huy tốt vai trò của "dòng họ tự quản” trong việc tuyên truyền, giáo dục con em tích cực tham gia phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, tệ nạn xã hội. Thực hiện tốt việc quản lý, giám sát, theo dõi, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật ngay trong mỗi gia đình, dòng họ. Nhờ vậy đã góp phần tích cực đảm bảo, giữ vững ANTT từ cơ sở.

Đồng chí Xa Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Mường Chiềng cho biết: Dòng họ "Xa sình vi quản” có trên 600 hộ với khoảng 3.000 nhân khẩu. Trước đây, do điều kiện chiến tranh, anh em trong họ đã tản mát khắp nơi. Đến năm 2017, dòng họ "Xa sình vi quản” ở các xã: Mường Chiềng, Đồng Chum, Giáp Đắt và một số anh em ở huyện Văn Chấn (Yên Bái), phường Thịnh Lang (TP Hoà Bình) sau khi liên lạc được với nhau đã tổ chức họp mặt nhằm tăng cường đoàn kết trong dòng họ, giúp nhau phát triển kinh tế. Xuất phát từ thực tế đó, Công an huyện Đà Bắc đã đề xuất xây dựng mô hình "dòng họ tự quản" về ANTT gồm 5 muột, 5 chi ở các xã: Đồng Chum, Mường Chiềng, Giáp Đắt với hình thức tổ chức sinh hoạt theo nội tộc, gia đình, dòng họ.

Đồng chí Xa Văn Đó, Trưởng Công an xã Mường Chiềng cho biết thêm: Trước đây, khi chưa thành lập mô hình "dòng họ tự quản” về ANTT, việc giáo dục, quản lý con, cháu tại các gia đình của dòng họ "Xa sình” chưa thực sự đi vào nề nếp. Một số gia đình còn để con, cháu bỏ học, trộm cắp vặt, đánh bạc; khi tham gia giao thông không chấp hành quy định về đội mũ bảo hiểm; tệ uống rượu say gây rối trật tự thôn, xóm còn diễn ra khá phổ biến. Trong đó, nhiều trường hợp bị Công an xã lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính, 2 trường hợp địa phương lập hồ sơ đưa đi cơ sở giáo dục... Tuy nhiên, sau khi thành lập mô hình "dòng họ tự quản” về ANTT, Mường Chiềng đã phát huy tốt vai trò của người có uy tín trong cộng đồng, vận động các gia đình, dòng họ làm tốt công tác quản lý, giáo dục con em không vi phạm pháp luật. Nhờ vậy đã góp phần tích cực trong công tác giữ gìn, đảm bảo ANTT ngay từ cơ sở, trong mỗi gia đình.

Lực lượng Công an xã đã phối hợp với các chi, muột làm tốt công tác quản lý, giáo dục các đối tượng hình sự trên địa bàn. Qua đó đã cảm hoá, giáo dục được 18 người có tiến bộ, không tái phạm. Các thành viên trong gia đình, dòng họ tập trung làm tốt công tác quản lý, giáo dục con em không vi phạm pháp luật. Do vậy, tình trạng không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, uống rượu say gây rối trật tự công cộng, trộm cắp vặt... giảm so với trước. Năm 2018, trên địa bàn xã chỉ xảy ra 8 vụ việc vi phạm hành chính được Công an xã xử lý, không có vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn xã không xảy ra vụ việc vi phạm pháp luật nào phải xử lý; việc cưới, việc tang được thực hiện theo đúng quy ước, phù hợp nếp sống văn hoá mới. Đặc biệt, một số gia đình trong các dòng họ tích cực nêu gương trong việc tự nguyện hiến đất làm đường giao thông và các công trình phúc lợi của địa phương. Điển hình như gia đình ông Xa Văn Tiến, xóm U Quan; cụ Xa Văn Băng, xóm Chiềng Cang...

Từ việc thực hiện tốt, có hiệu quả mô hình đã củng cố ngày càng vững chắc khối đoàn kết trong dòng họ, dòng tộc; phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả các vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội. Thành công của mô hình là cơ sở để nhân rộng trong các dòng họ khác trên toàn xã.

 Mạnh Hùng


Các tin khác


Huyện Tân Lạc: Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật giao thông cho học sinh

Thời gian qua, Công an huyện Tân Lạc đã triển khai thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) cho học sinh, nhất là học sinh tại các xã vùng cao, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật giao thông cho lứa tuổi học đường.

Triệu tập người bán dứa cho du khách nước ngoài với giá "cắt cổ"

Sau khi yêu cầu Công an của 18 phường trên địa bàn quận rà soát, Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã xác định và mời người bán hàng rong lên trụ sở để làm rõ việc bán 3 quả dứa cho khách du lịch nước ngoài với giá 500.000 đồng.

Cảnh báo nguy cơ tấn công mã hoá đánh cắp dữ liệu nhân sự

Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông - TT&TT), chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đang điều tra một cuộc tấn công mạng sau khi các tác nhân đe dọa vi phạm hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) để đánh cắp dữ liệu nguồn nhân lực.

Quản lý, giáo dục thanh, thiếu niên gây rối trật tự công cộng

Thời gian qua, lực lượng Công an toàn tỉnh liên tiếp phát hiện, ngăn chặn nhiều nhóm đối tượng thanh, thiếu niên (TTN) điều khiển phương tiện không chấp hành quy định về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, mang theo hung khí nguy hiểm gây rối trật tự công cộng (TTCC). Điều này gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Đâu là nguyên nhân và làm gì để quản lý, giáo dục, phòng ngừa tội phạm vi phạm pháp luật (VPPL) trong TTN?

Tìm người bị hại trong vụ án “Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép”

Ngày 25/4, Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Công an tỉnh cho biết, đơn vị hiện đang điều tra vụ án "Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép”, xảy ra trên địa bàn tỉnh theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 01/QĐ-ANĐT-Đ2 ngày 14/02/2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục