Giả từ giấy tờ đến thân chủ, giả ở phòng công chứng này bị phát hiện đi đến phòng công chứng khác giả tiếp... Nạn giả mạo trong công chứng đang làm nhiều người điêu đứng và gây ra hàng loạt hệ lụy pháp lý.


Một số giấy tờ nhà đất giả bị công chứng viên phát hiện tại các phòng công chứng - Ảnh: NGỌC HÀ

Đã gần hai năm trôi qua, bà Nguyễn Thị Lan (ngụ tại đường Thái Phiên, quận 11, TP.HCM) như ngồi trên đống lửa bởi căn nhà của bà bị người ta ngang nhiên bán cho kẻ khác.

Bà Lan là chủ sở hữu nhà và đất ở tại số 239/41 Khuông Việt, P.Phú Trung, Q.Tân Phú. Năm 2016, bà được UBND Q.Tân Phú cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất và các tài sản khác gắn liền với đất (sổ hồng).

Kêu khát nước để... tráo giấy hồng

Tháng 12-2017, bà Lan rao bán căn nhà này. Đầu tháng 1-2018, có một người phụ nữ tên Hiền đến nhà riêng của bà Lan hỏi mua nhà. Bà Hiền đề nghị được xem giấy tờ nhà, bản photocopy sổ hồng, bản sao hộ khẩu, chứng minh nhân dân của bà Lan để tham khảo. 

Các ngày sau đó, bà Hiền lại đến nhà bà Lan xin xem và chụp hình bản gốc sổ hồng. Lúc bà Lan đưa sổ hồng ra thì bà Hiền kêu khát nước và nhờ bà Lan vào nhà lấy nước. 

Tại các đơn khiếu nại và khởi kiện sau này, bà Lan cho biết trong thời gian bà vào nhà lấy nước thì bà Hiền đã đánh tráo lấy bản gốc sổ hồng và trả lại cho bà Lan sổ giả đã chuẩn bị sẵn.

Bà Lan không hề hay biết chuyện gì cho đến ngày 27-1-2018, cán bộ ngân hàng đến nhà bà để thẩm định. Lúc này, bà mới tá hỏa khi biết căn nhà của mình đã được bà Hiền bán cho ông Phan Thành Hưng (32 tuổi). Hợp đồng mua bán nhà đất được lập tại Văn phòng công chứng Sài Gòn (Q.1).

"Tôi khẳng định chưa hề bán căn nhà của mình cho bất cứ ai. Tôi không biết ông Phan Thành Hưng là ai và cũng chưa gặp ông ta bao giờ. Việc Văn phòng công chứng Sài Gòn và công chứng viên chứng nhận hợp đồng công chứng có mặt tôi là công chứng khống, gây thiệt hại rất lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp của tôi" - bà Lan bức xúc. 

Đồng thời, bà gửi đơn tố cáo đến Công an Q.11, nộp đơn khởi kiện văn phòng công chứng ra tòa yêu cầu hủy hợp đồng công chứng mua bán nhà giữa bà và ông Phan Thành Hưng. 

Bà Lan cũng có đơn gửi tòa án đề nghị áp dụng ngay biện pháp ngăn chặn cấm chuyển dịch đối với tài sản là căn nhà đang tranh chấp.

Quá trình điều tra, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Q.11 kết luận: chữ ký đứng tên bà Lan trên hợp đồng công chứng là giả; hai dấu vân tay đứng tên Nguyễn Thị Lan trên hợp đồng công chứng không trùng với dấu vân tay của bà Lan được lưu trữ tại Phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TP.HCM; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất do bà Lan giao nộp được làm giả bằng phương pháp in phun màu.

Theo đuổi vụ việc, bà Lan càng hoảng khi phát hiện căn nhà của bà đã được ông Phan Thành Hưng bán cho bà Trần Tuyết Hà (41 tuổi) với giá 1,9 tỉ đồng. Biết mình bị lừa, bà Hà liền kiện ông Phan Thành Hưng ra tòa.

Theo bà Hà, tháng 2-2018, bà cùng ông Hưng lập hợp đồng bằng giấy tay để mua bán toàn bộ nhà và đất tại đường Khuông Việt, phường Phú Trung. Bà Hà đã thanh toán trước 900 triệu đồng. Hai người lập hợp đồng chuyển nhượng căn nhà nêu trên tại Văn phòng công chứng Đầm Sen, hẹn đến ngày 28-2-2018 sẽ thanh toán nốt 1 tỉ đồng còn lại. 

Tuy nhiên, đến ngày hẹn, bà liên hệ với ông Phan Thành Hưng nhưng không được. Bà Hà khởi kiện ra tòa buộc ông Hưng phải tiếp tục thực hiện hợp đồng mua bán nhà đất tại đường Khuông Việt.

Nhận hai đơn khởi kiện trong cùng một vụ việc, TAND TP.HCM đã thụ lý vụ kiện của bà Trần Tuyết Hà và xác định bà Lan là người liên quan trong vụ án. 

Tuy nhiên, đến nay vụ án đang bị tạm đình chỉ bởi tòa án phải chờ kết luận của cơ quan điều tra về các đối tượng lừa đảo, làm giả giấy tờ bà Lan trong vụ án này.

Đóng giả chủ đất, lãnh án tù

Những vụ việc bỗng dưng mất nhà vì bị làm giả giấy tờ như câu chuyện của bà Lan nêu trên không phải là cá biệt. Nhiều người thấy số tiền lợi trước mắt đã vô tư nhận lời đóng giả chủ đất để đi công chứng mà không biết rằng hành vi ấy là vi phạm pháp luật. 

Tháng 8-2018, bị cáo Trần Văn Lắm (49 tuổi, ngụ tại huyện Củ Chi) đã bị TAND TP.HCM tuyên phạt 10 năm tù vì đóng giả chủ đất để... bán đất.

Vụ việc bắt nguồn năm 2014, Công an thị trấn Hóc Môn tiếp nhận đơn tố cáo của ông Trần Văn Dinh (54 tuổi) về việc có người đóng giả ông để bán đất thuộc quyền sở hữu của ông. 

Ông Dinh có mảnh đất gần 2.000m2, muốn chuyển mục đích từ đất vườn thành đất ở. Ông giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và ủy quyền cho một người tên Phạm Công Minh để thực hiện các thủ tục.

Một thời gian sau, ông Dinh không thấy ông Minh thực hiện thỏa thuận và cũng không liên lạc được nên đã làm đơn cớ mất và xin cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. 

Trong khi làm thủ tục thì ông Dinh mới biết thửa đất của ông đã được chuyển nhượng cho một người tên Nguyễn Đông Cung. Ông Dinh lập tức đến cơ quan điều tra tố cáo có người đóng giả ông để bán đất cho ông Cung với giá 1,2 tỉ đồng. 

Ông Cung cũng làm đơn tố cáo. Quá trình điều tra, Công an TP.HCM đã xác định Trần Văn Lắm là người đóng giả ông Dinh ký hợp đồng chuyển nhượng thửa đất nêu trên.

Tại các phiên tòa, Trần Văn Lắm khai có quen biết với một đối tượng tên Châu Tấn Thành. Thành nói Lắm đóng giả ông Dinh để ra công chứng ký giấy bán hoặc cầm cố nhà cho người khác lấy tiền tiêu xài nên Lắm đồng ý. 

Sau đó, Thành chở Lắm đến gặp một số đối tượng để hướng dẫn việc đóng giả ông Dinh. Thành đưa cho Lắm giấy chứng minh nhân dân mang tên Trần Văn Dinh nhưng lại dán hình của Lắm. 

Tháng 9-2014, Lắm và ông Cung đến Văn phòng công chứng Lý Thị Như Hòa ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất của ông Dinh. 

Đổi lại, Lắm được đối tượng tên Thành cho 7 triệu đồng. Lắm khai không biết ai là người làm giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu giả và giấy xác nhận tình trạng hôn nhân mang tên Trần Văn Dinh.

Cơ quan điều tra không xác định được ai là người làm giả các giấy tờ đứng tên ông Dinh. Tại tòa, bị cáo Lắm khai được một người cho biết đã cho nhân viên Văn phòng công chứng Lý Thị Như Hòa 3 triệu đồng. Tuy nhiên, tòa án cho rằng lời khai này không có cơ sở nên không xem xét.

Theo Báo Tuổi Trẻ

Các tin khác


Huyện Tân Lạc: Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật giao thông cho học sinh

Thời gian qua, Công an huyện Tân Lạc đã triển khai thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) cho học sinh, nhất là học sinh tại các xã vùng cao, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật giao thông cho lứa tuổi học đường.

Triệu tập người bán dứa cho du khách nước ngoài với giá "cắt cổ"

Sau khi yêu cầu Công an của 18 phường trên địa bàn quận rà soát, Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã xác định và mời người bán hàng rong lên trụ sở để làm rõ việc bán 3 quả dứa cho khách du lịch nước ngoài với giá 500.000 đồng.

Cảnh báo nguy cơ tấn công mã hoá đánh cắp dữ liệu nhân sự

Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông - TT&TT), chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đang điều tra một cuộc tấn công mạng sau khi các tác nhân đe dọa vi phạm hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) để đánh cắp dữ liệu nguồn nhân lực.

Quản lý, giáo dục thanh, thiếu niên gây rối trật tự công cộng

Thời gian qua, lực lượng Công an toàn tỉnh liên tiếp phát hiện, ngăn chặn nhiều nhóm đối tượng thanh, thiếu niên (TTN) điều khiển phương tiện không chấp hành quy định về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, mang theo hung khí nguy hiểm gây rối trật tự công cộng (TTCC). Điều này gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Đâu là nguyên nhân và làm gì để quản lý, giáo dục, phòng ngừa tội phạm vi phạm pháp luật (VPPL) trong TTN?

Tìm người bị hại trong vụ án “Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép”

Ngày 25/4, Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Công an tỉnh cho biết, đơn vị hiện đang điều tra vụ án "Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép”, xảy ra trên địa bàn tỉnh theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 01/QĐ-ANĐT-Đ2 ngày 14/02/2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục