Được tuyên truyền về phòng chống tội phạm lừa đảo trên không gian mạng, người dân và học sinh trên địa bàn phường Tân Hòa (TP Hòa Bình) đã nâng cao ý thức tự phòng, tự bảo vệ.
Đừng để mình trở thành nạn nhân
Cũng như chị Bùi Thị N, gia đình anh Bùi Văn L ở tổ 15, phường Hữu Nghị (TP Hòa Bình) cũng bị một "vố” đau khi các đối tượng giả dạng người thân gọi điện video call hỏi vay tiền. Với thủ đoạn "cần tiền gấp để đưa người nhà đi cấp cứu”, toàn bộ 35 triệu đồng 2 vợ chồng vừa vay ngân hàng để chuẩn bị sửa chữa nhà cửa đã bị kẻ gian lừa lấy mất.
Đó chỉ là số ít các trường hợp bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng (KGM) xảy ra trong thời gian qua trên địa bàn thành phố. Theo thống kê của cơ quan chức năng, trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, trên địa bàn TP Hòa Bình đã xảy ra nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong đó, đáng chú ý là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt trên KGM tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng 3 vụ so với cùng kỳ. Phương thức, thủ đoạn chủ yếu là mời khách hàng vay tiền qua các App, mời làm cộng tác viên bán hàng online, mời đầu tư qua các sàn giao dịch, hack tài khoản zalo, facebook nhờ chuyển tiền, giả danh các cơ quan chức năng để đe dọa, giả làm người quen gửi và tặng quà rồi yêu cầu người nhận chuyển tiền để nhận quà...
Theo thống kê, tính từ năm 2019 đến tháng 4/2023, lực lượng chức năng Công an tỉnh và Công an các địa phương đã tiếp nhận, thụ lý điều tra 99 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên KGM, gây thiệt hại về tài sản khoảng 40 tỷ đồng. Trong đó, riêng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh thụ lý điều tra 8 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên KGM với tổng số tiền khoảng 30 tỷ đồng. Theo Trung tá Bùi Thị Thanh Hà, Đội phó Đội Chuyên đề nghiệp vụ, Phòng Cảnh sát Hình sự, trên thực tế, tỷ lệ điều tra, làm rõ số vụ tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên KGM là rất ít; công tác điều tra, làm rõ rất khó khăn. Do vậy, mỗi người dân cần tự nâng cao ý thức cảnh giác. Cách phòng ngừa hiệu quả nhất là mỗi người đừng để mình trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo.
Cảnh báo nhiều thủ đoạn lừa đảo mới
Theo Thượng tá Nguyễn Cao Cường, Trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh: Hiện nay, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên KGM diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Liên tục xuất hiện nhiều thủ đoạn mới, tinh vi, khó phát hiện. Vừa qua, các đơn vị chức năng Công an tỉnh đã phát đi nhiều thông báo, cảnh báo để người dân nắm, nâng cao ý thức cảnh giác. Điển hình như các thủ đoạn mới, đối tượng lừa đảo sử dụng công nghệ Deepfake làm giả cuộc gọi video nhằm chiếm đoạt tài sản. Đây là công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI tạo ra các sản phẩm công nghệ âm thanh, hình ảnh và video làm giả đối tượng ngoài đời thực với độ chính xác rất cao. Dựa trên tệp tin, hình ảnh khuôn mặt, giọng nói của một người ngoài đời thực. Deepfake sử dụng thuật toán để tái tạo lại khuôn mặt và giọng nói phù hợp với nét mặt, biểu cảm của một người. Sau đó, tạo ra video giả mạo đối tượng ngoài đời thực.
Với phương thức này, thông qua mạng intenet các đối tượng thu thập hình ảnh, giọng nói của người dùng trên mạng xã hội (MXH), sử dụng công nghệ Deepfake tạo ảnh động, video giả mạo, tạo lập tài khoản giả mạo trên MXH trùng thông tin và ảnh đại diện với người dùng, kết bạn với nạn nhân trong danh sách bạn bè để nhắn tin vay mượn tiền theo kịch bản sẵn có. Trong một số trường hợp, đối tượng chiếm đoạt (hack) tài khoản mạng của người dùng đề trực tiếp nhắn tin cho các nạn nhân trong danh sách bạn bè.
Để tạo lòng tin cho nạn nhân, đối tượng truyền tải Deepfake video có sẵn lên kênh Video call (facebook, zalo, telegram...) khiến nạn nhân nhận ra hình ảnh và giọng nói của người quen và nhanh chóng chuyển tiền theo yêu cầu của đối tượng. Theo Thượng tá Nguyễn Cao Cường, công nghệ Deepfake, video giả mạo có độ chính xác rất cao, rất khó phân biệt thật giả. Tuy nhiên, video do đối tượng tạo sẵn thường có nội dung chung chung, không phù hợp hoàn toàn với ngữ cảnh thực tế giao tiếp với nạn nhân, có thể khiến nạn nhân nghi ngờ, phát hiện. Để che lấp khuyết điểm trên, các đối tượng tạo ra video với âm thanh khó nghe, hình ảnh không rõ nét giống cuộc gọi video có tín hiệu chập chờn như đang được thực hiện trong khu vực phủ sóng di động/wifi yếu để đánh lừa nạn nhân.
Để không trở thành nạn nhân của phương thức lừa đảo này, các cơ quan chức năng của tỉnh khuyến nghị người dân khi nhận bất kỳ tin nhắn, vay mượn tiền thông qua MXH cần phải gọi điện trực tiếp qua số điện thoại của người hỏi vay để xác minh. Trường hợp nghi vấn đối tượng giả mạo người thân trên MXH để lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được hỗ trợ, xử lý kịp thời.
Ngoài thủ đoạn trên, thời gian qua, các đối tượng lừa đảo còn sử dụng nhiều thủ đoạn khác như mạo danh giáo viên, nhân viên bệnh viện lừa đảo phụ huynh bằng việc thông báo con cấp cứu, chuyển tiền viện phí gấp. Theo thông tin từ các đơn vị chức năng, trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận trường hợp nào bị lừa đảo với phương thức này. Tuy nhiên, người dân cần hết sức chú ý, nâng cao ý thức cảnh giác để không trở thành nạn nhân của tội phạm sử dụng KGM để lừa đảo.
Mạnh Hùng