Bị cáo Nguyễn Ngọc Hai, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận khai báo trước toà.
Bị cáo Nguyễn Ngọc Hai thừa nhận nội dung cáo trạng của Viện Kiểm sát là "không sai, song hơi nặng". Trong toàn bộ quá trình giao đất cho doanh nghiệp Tân Việt Phát, văn bản duy nhất bị cáo Hai ký là duyệt quyết định giao đất, tháng 2/2017. Bị cáo Hai viện dẫn quy trình làm việc tại UBND tỉnh là các công văn, đề xuất của cơ quan bộ, ngành không được trình trực tiếp lên Chủ tịch UBND tỉnh mà sẽ thông qua Văn phòngUBND tỉnh , rồi các Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực đó tham mưu, đánh giá. Bị cáo Hai cho rằng, bị cáo chỉ ký duyệt khi các Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã thông qua, ký nháy, cho ý kiến. Do vậy, bị cáo cho rằng, mình không phải là người chịu trách nhiệm chính trong vụ án.
Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai phủ nhận quen biết cá nhân với lãnh đạo Công ty Tân Việt Phát và khẳng định ký quyết định giao đất dựa trên 4 cơ sở: Đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, tờ trình của cấp phó và các quy định của Luật Đất đai. Bị cáo Hai trình bày, 3 lô đất rộng 92.000m2 giao cho Tân Việt Phát trước đây là "bãi tha ma", đấu giá 6 lần không thành công. Bị cáo mong làm sao giải quyết sớm nên mục đích giao đất cho Tân Việt Phát nhằm thu ngân sách, biến thành Trung tâm thương mại, giải quyết việc làm cho người dân.
Bị cáo Hai trình bày, tháng 5/2017, sau khi giao đất, nhận được phản ánh của nhân dân về việc tỉnh giao đất giá rẻ cho Công ty Tân Việt Phát nên đã yêu cầu bị cáo Nguyễn Văn Phong (khi đó là Giám đốc Sở Tài chính) kiểm tra lại việc giao đất không qua đấu giá cho Công ty Tân Việt Phát theo giá đất được phê duyệt theo Quyết định số 2423/QĐ-UBND ngày 4/10/2013 của UBND tỉnh. Tuy nhiên, Nguyễn Văn Phong đã không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật và chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, không chỉ đạo các bộ phận chuyên môn kiểm tra, rà soát đối chiếu với quy định của Luật Đất đai, Luật Giá về việc xác định giá đất cụ thể để giao đất cho Công ty Tân Việt Phát.
Nguyễn Văn Phong đã chỉ đạo Hồ Thị Út, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý giá và công sản soạn thảo văn bản để Phong ký ban hành Công văn số 2420/STC-QLCS ngày 24/5/2017 gửi Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định: "Việc UBND tỉnh thống nhất giao đất không qua hình thức đấu giá đối với 3 lô đất số 18, 19, 20 thuộc quỹ đất hai bên đường ĐT.706B, thành phố Phan Thiết cho Công ty Tân Việt Phát là phù hợp với quy định của Luật Đất đai năm 2013 và Quyết định số 10/2016/QĐ-UBND ngày 22/4/2016 của UBND tỉnh”. Do vậy, UBND tỉnh không có biện pháp thu hồi kịp thời, để cho các sở, ngành liên quan và Công ty Tân Việt Phát thực hiện thủ tục giao, cho thuê, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước hơn 45 tỷ đồng.
Bị cáo Hai nhận thức, mình "có trách nhiệm" trong việc để đất công rơi vào tay tư nhân với giá rẻ, do đó đã tác động gia đình nộp 300 triệu đồng khắc phục hậu quả.
Cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lương Văn Hải cho rằng, cáo trạng viết đúng diễn biến sự việc nhưng "quy kết không đúng trách nhiệm của bị cáo". Bị cáo Hải khai là người tiếp nhận đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường về việc giao đất cho doanh nghiệp và nhận thấy cả hai nội dung đều dựa trên văn bản có tính pháp lý. Cụ thể, việc giao đất không qua đấu giá là do sau 6 lần đấu giá không có ai mua. Mặt khác, giá giao đất áp dụng theo văn bản của tỉnh từ năm 2013. Bị cáo Hải khai lĩnh vực đất đai không phải chuyên môn mình phụ trách. Bị cáo không có hiểu biết, cũng không để ý đến giá đất.
Bị cáo Hải thừa nhận việc giao đất năm 2016 theo giá của năm 2013 là sai, có gây thiệt hại, song cho rằng bị cáo không trực tiếp tham gia việc đề xuất giá nên không sai và không phải bồi thường thiệt hại.
Ngày mai, phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi các bị cáo về hành vi giao đất sai quy định.