Công an xã Hợp Phong (Cao Phong) tuyên truyền người dân tham gia giữ gìn an ninh trật tự ở cơ sở.
Mô hình "Chính xứ Đồng Danh nói không với tội phạm và vi phạm pháp luật” tại xã Phú Thành (Lạc Thuỷ) là một trong những điểm sáng trong phong trào TDBVANTQ trên địa bàn tỉnh. Tại các buổi sinh hoạt, lực lượng Công an xã phối hợp với chức sắc, chức việc tôn giáo tuyên truyền, vận động giáo dân chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nêu cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh với các biểu hiện gây mâu thuẫn nội bộ, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, tích cực tham gia phong trào TDBVANTQ.
10 năm qua, lực lượng Công an các cấp trên địa bàn tỉnh đã phối hợp thực hiện tốt việc đổi mới nội dung, nâng cao hiệu quả phong trào TDBVANTQ. Hàng năm phối hợp làm tốt công tác nắm tình hình, tham mưu, đề xuất, tham gia giải quyết hơn 1.000 vụ việc về ANTT, hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp ngay tại cơ sở. Phối hợp tổ chức hàng nghìn buổi tuyên truyền, giáo dục, vận động người dân tham gia giữ gìn ANTT, phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội. Đồng thời, phối hợp cảm hóa, giáo dục, cải tạo, quản lý, giúp đỡ người vi phạm pháp luật, người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng. Hiện, toàn tỉnh quản lý 1.411 đối tượng; thường xuyên rà soát, phân loại quản lý và cảm hóa, giúp đỡ, hỗ trợ vay vốn, giải quyết việc làm cho nhiều đối tượng lầm lỗi hoàn lương. Củng cố, kiện toàn, duy trì 45 mô hình với 1.589 điểm mô hình, 2.590 tổ thực hiện mô hình trong phong trào TDBVANTQ. Từ phong trào góp phần chuyển hóa thành công 36/36 xã ra khỏi diện xã trọng điểm, phức tạp về ANTT. Tỷ lệ khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn an toàn về ANTT hàng năm đạt trên 75%.
Nhằm đẩy mạnh triển khai thực hiện hiệu quả chương trình phối hợp đã ký kết, MTTQ các cấp tăng cường xây dựng, củng cố, kiện toàn các tổ, nhóm, mô hình về tham gia phòng, chống tội phạm, giữ gìn ANTT tại cộng đồng. Phát huy vai trò của trên 1.270 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, 320 chức sắc, chức việc trong các tôn giáo tham gia phong trào TDBVANTQ; 6.131 tổ quần chúng bảo vệ ANTT; duy trì 1.792 hòm thư lấy ý kiến nhân dân tại cộng đồng dân cư; 3.531 thôn, bản, tổ dân phố có các mô hình tự quản, thu hút trên 45.000 hộ tham gia; 156 ban thanh tra nhân dân với 1.734 thành viên; 161 ban giám sát đầu tư cộng đồng; hàng nghìn tổ hòa giải ở cơ sở hoạt động hiệu quả, thiết thực góp phần đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, giải quyết kịp thời những mâu mắc ở địa bàn dân cư, không để phát sinh vụ việc lớn…
Đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Để phát huy hiệu quả Chương trình phối hợp số 09, thời gian tới cần tăng cường tham mưu cấp uỷ, chính quyền địa phương tổ chức triển khai, thực hiện nghiêm chủ trương, pháp luật của Đảng, Nhà nước và hướng dẫn của Bộ Công an, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng thế trận an ninh nhân dân kết hợp thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ giữ gìn ANTT và phong trào TDBVANTQ. Đổi mới nội dung, biện pháp xây dựng phong trào, nhất là nâng cao trách nhiệm của MTTQ, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong việc tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm tại các địa bàn chiến lược, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng tôn giáo và trên không gian mạng. Gắn kết phong trào TDBVANTQ với các cuộc vận động, phong trào thi đua do Đảng và Nhà nước phát động. Tích cực lan toả gương người tốt, việc tốt, điển hình tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đẩy mạnh công tác vận động, phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, vùng tôn giáo. Tăng cường bồi dưỡng, nâng cao năng lực tổ chức, thực hiện phong trào cho đội ngũ cán bộ MTTQ, các đoàn thể, lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở.
Đinh Thắng