1. Về việc áp dụng Luật Đấu giá tài sản và quy định về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản tại các luật khác
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ĐGTS bổ sung quy định về việc không áp dụng trình tự, thủ tục đấu giá của Luật ĐGTS đối với trường hợp đấu giá biển số xe. Theo đó, việc đấu giá đối với biển số xe được thực hiện theo quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ để đảm bảo thống nhất, đồng bộ với quy định của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7.
Như vậy, trường hợp có sự khác nhau giữa quy định về trình tự, thủ tục đấu giá của Luật ĐGTS và quy định của luật khác thì áp dụng quy định của Luật ĐGTS, trừ trường hợp việc đấu giá đối với chứng khoán được thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán; việc đấu giá đối với tài sản công của cơ quan Việt Nam ở nước ngoài được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; việc đấu giá đối với biển số xe được thực hiện theo quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
2. Về tài sản đấu giá
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ĐGTS tiếp tục quy định theo hướng liệt kê các loại tài sản đấu giá, theo đó gồm hai loại: (i) tài sản mà pháp luật quy định phải đấu giá; (ii) Tài sản không thuộc loại tài sản thứ nhất mà cá nhân, tổ chức tự nguyện lựa chọn đấu giá.
Việc liệt kê các loại tài sản mà theo pháp luật chuyên ngành quy định phải đấu giá được quy định trên cơ sở cập nhật chính xác và phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành điều chỉnh đối với tài sản đó, qua đó, đảm bảo thuận lợi cho việc áp dụng thống nhất trình tự, thủ tục đấu giá của Luật ĐGTS đối với các loại tài sản này.
3. Về đấu giá viên, tổ chức hành nghề đấu giá tài sản
Để tạo điều kiện và thu hút người tốt nghiệp từ đại học trở lên tham gia khóa đào tạo nghề đấu giá, nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp của đội ngũ đấu giá viên (ĐGV), đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp đấu giá, góp phần thúc đẩy và phát triển hoạt động ĐGTS theo thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với thông lệ quốc tế, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ĐGTS quy định như sau:
- Bỏ quy định về điều kiện phải có thời gian làm việc trong lĩnh vực được đào tạo 3 năm mới được tham gia khóa đào tạo nghề đấu giá nhằm tháo gỡ rào cản trong việc tham gia khóa đào tạo nghề đấu giá, đảm bảo khả thi, phù hợp với thực tiễn, góp phần phát triển nguồn ĐGV.
- Bỏ quy định về các trường hợp được miễn đào tạo nghề đấu giá nhằm đảm bảo tất cả các đối tượng muốn trở thành ĐGV đều phải qua khóa đào tạo nghề để được trang bị kiến thức pháp luật, kỹ năng hành nghề, đạo đức nghề nghiệp phù hợp với tính chất hành nghề ĐGTS là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
- Bổ sung quy định về trách nhiệm tham gia bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ đối với ĐGV nhằm không ngừng nâng cao chất lượng của đội ngũ ĐGV trong hoạt động hành nghề (các chức danh bổ trợ tư pháp khác đều đã có quy định về bồi dưỡng).
- Bổ sung quy định về việc không được cấp, cấp lại Chứng chỉ hành nghề đấu giá đối với người đã bị kết án về tội vi phạm quy định về hoạt động bán ĐGTS kể cả trường hợp đã được xoá án tích; sửa đổi, bổ sung quy định về thu hồi Chứng chỉ hành nghề đấu giá đối với trường hợp không hành nghề ĐGTS trong thời hạn 2 năm liên tục, trừ trường hợp bất khả kháng.
- Bổ sung quy định về một số hành vi bị nghiêm cấm đối với ĐGV, tổ chức ĐGTS, người có tài sản và cá nhân, tổ chức có liên quan để tăng cường tính công khai, minh bạch, độc lập, khách quan, hạn chế tối đa tiêu cực trong hoạt động đấu giá.
- Sửa đổi, bổ sung quy định về quyền của tổ chức ĐGTS trong việc thỏa thuận với người có tài sản đấu giá về việc áp dụng một, một số hoặc toàn bộ quy định về trình tự, thủ tục đấu giá của Luật ĐGTS, được liên kết với các tổ chức hành nghề ĐGTS khác để tổ chức việc đấu giá đối với tài sản đấu giá thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức tự nguyện lựa chọn đấu giá; được thu, quản lý, sử dụng tiền bán hồ sơ mời tham gia đấu giá theo quy định của pháp luật, qua đó, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý cho việc ĐGTS của cá nhân, tổ chức được thực hiện chuyên nghiệp, phù hợp với thông lệ quốc tế.
- Bổ sung quy định về các trường hợp và thủ tục thực hiện việc thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của doanh nghiệp, chi nhánh doanh nghiệp ĐGTS (doanh nghiệp ĐGTS thay đổi địa chỉ trụ sở từ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương này sang tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác; thay đổi danh sách ĐGV hành nghề trong doanh nghiệp; thay đổi về địa chỉ trụ sở chi nhánh của doanh nghiệp ĐGTS; thay đổi Trưởng chi nhánh...); bổ sung trường hợp doanh nghiệp ĐGTS bị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo bao quát đầy đủ các trường hợp trong thực tiễn; sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm công bố nội dung đăng ký hoạt động của doanh nghiệp ĐGTS trên Cổng ĐGTS quốc gia.
- Bỏ một số giấy tờ trong hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá, hồ sơ đăng ký hoạt động của doanh nghiệp, chi nhánh doanh nghiệp ĐGTS và bỏ thủ tục cấp Thẻ ĐGV nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 12/5/2020 của Chính phủ ban hành chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025.
(Còn nữa)
Minh Phượng (TH)
(Sở Tư pháp)