Sau sự việc Cảnh sát Việt Nam bắt được trùm ma tuý có lệnh truy nã đỏ Hồ Lai Căng, sỹ quan liên lạc các nước đã xin phép vào Việt Nam trao đổi thông tin để hợp tác phòng chống, đấu tranh truy bắt tội phạm xuyên quốc gia. Đầu tiên là sỹ quan liên lạc của Cảnh sát LB Úc, sau đó là 14 sỹ quan liên lạc của cộng đồng các quốc gia chống ma túy…

Interpol Việt Nam (VPI) thành lập đến nay đã 20 năm và là cánh tay nối dài của lực lượng Công an Việt Nam với Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (ICPO - Interpol) trong phối hợp đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm xuyên quốc gia, góp phần đảm bảo ANTT của đất nước.

Trong quá trình hình thành và phát triển, Interpol Việt Nam đã thể hiện vai trò của cơ quan tham mưu tác chiến và đã lập nhiều chiến công  xuất sắc. Từ số báo này, chúng tôi sẽ đăng tải các chuyên án lớn, có tiếng vang và khẳng định vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, chiến sỹ Interpol Việt Nam trong phối hợp với các lực lượng nghiệp vụ chức năng trong ngành Công an cũng như Cảnh sát các nước điều tra, truy bắt tội phạm xuyên quốc gia, trao trả và dẫn độ tội phạm theo quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế, góp phần giữ gìn sự bình yên của đất nước.

***

Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Hồ Lai Căng, người Mỹ gốc Hồng Kông nổi lên trong các băng nhóm mua bán ma túy, xã hội đen ở đất Mỹ. Sau khi điều tra về hành vi phạm tội của Hồ Lai Căng, Cơ quan Phòng chống ma túy của Mỹ - (DEA) đã bắt giữ y, nhưng theo luật pháp của Mỹ, y được cho bảo lãnh tại ngoại. Lợi dụng cơ hội đó, Hồ Lai Căng đã trốn khỏi Mỹ và có dấu hiệu chạy về Việt Nam. Cơ quan DEA đã phát lệnh truy nã đối với gã trên toàn đất Mỹ.

Thời điểm đó, quan hệ hợp tác giữa Cảnh sát Việt Nam và Cảnh sát Mỹ chưa được thiết lập nên phía Mỹ chưa thể yêu cầu phía Việt Nam bắt giữ đối tượng Hồ Lai Căng. Vì thế, mặc dù rất muốn phối hợp với Cảnh sát Việt Nam truy bắt đối tượng nhưng sự "nhờ vả" của DEA rất "rụt rè" và phải bắc cầu của "mối lương duyên" đầu tiên của VPI với Cảnh sát Hoàng gia Canada.

Số là, vào năm 1992, Cảnh sát Hoàng gia Canada đã yêu cầu Cảnh sát Việt Nam phối hợp bắt giữ Mạch Sơn (Việt kiều Canada) phạm tội giết người tại Canada và có dấu hiệu trốn về Việt Nam. Sau khi nhận được công hàm của Văn phòng đại diện của Canada tại Việt Nam, VP Interpol Việt Nam đã báo cáo, tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an lập kế hoạch truy tìm Mạch Sơn. Các đơn vị chức năng của Công an Việt Nam khẩn trương vào cuộc và nhanh chóng xác minh đối tượng Mạch Sơn đã nhập cảnh vào Việt Nam nhưng sau đó xuất cảnh đi nước khác.

Sự nhiệt tình, khẩn trương phối hợp của Interpol Việt Nam đã gây ấn tượng sâu sắc với cơ quan Cảnh sát Hoàng gia Canada. Chính vì thế, khi biết nhu cầu của Tổ chức DEA về việc truy bắt đối tượng Hồ Lai Căng, phía Cảnh sát Hoàng gia Canada đã giới thiệu đến làm việc với Tổng cục Cảnh sát. Cũng chính Cảnh sát Hoàng gia Canada đã thông qua Văn phòng đại diện của Canada tại Hà Nội để gửi công hàm hộ Tổ chức DEA, đề nghị lực lượng Cảnh sát Việt Nam phối hợp truy tìm đối tượng truy nã của DEA.

Cẩn thận hơn, DEA còn nhờ cả Văn phòng liên lạc của Tổ chức Interpol ở khu vực Đông Nam Á, có trụ sở tại Bangkok đề nghị Cảnh sát Việt Nam xác minh, truy tìm hộ đối tượng Hồ Lai Căng và xin phép được vào Việt Nam để trao đổi thông tin. Lúc đó VP Interpol chỉ là một đơn vị nhỏ, mới thành lập, nằm trong Cục Tham mưu của Tổng cục Cảnh sát và có mỗi một cán bộ là Đại úy Đặng Xuân Khang, nay là Đại tá, Chánh Văn phòng Interpol.

Đại tá Đặng Xuân Khang hướng dẫn cán bộ Văn phòng Interpol lưu giữ hồ sơ về vụ án Hồ Lai Căng.

Vào thời điểm đó, quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Mỹ chưa được thiết lập, hơn nữa Việt Nam vẫn trong thời kỳ bị Mỹ cấm vận. Do vậy, việc hợp tác với các cơ quan nước ngoài phải tuân thủ quy định của pháp luật và của ngành. Trên nguyên tắc đó, Interpol Việt Nam đã báo cáo lãnh đạo các cấp của Bộ Công an, đề xuất Chính phủ cho phép Bộ Công an tiếp và làm việc với đại diện Interpol tại Bangkok và đại diện DEA tại Bangkok vào Việt Nam để trao đổi yêu cầu hợp tác nêu trên.

"Trước khi về nhận công tác tại Interpol Việt Nam, tôi đã làm giáo viên giảng dạy tiếng Anh tại Trường Đại học Cảnh sát nhân dân (nay là Học viện Cảnh sát nhân dân). Thế nhưng, khi nhận nhiệm vụ phiên dịch cho lãnh đạo Tổng cục làm việc với đối tác nước ngoài, tôi vẫn thấy hồi hộp, bởi đây là cuộc tiếp xúc đầu tiên của Cảnh sát phương Tây đối với Cảnh sát Việt Nam. Thế nhưng, qua một tiếng tiếp xúc và phiên dịch cho hai bên trong cuộc họp, tôi hiểu rằng mình đã vượt qua thử thách" - Đại tá Đặng Xuân Khang nhớ lại.

Với những thông tin do tổ chức DEA cung cấp, Interpol Việt Nam đã phối hợp với các đơn vị của Tổng cục Cảnh sát gồm: Cục Cảnh sát hình sự, Cục Cảnh sát điều tra truy tìm Hồ Lai Căng. Gã trùm ma túy trên đất Mỹ ấy nhập cảnh vào Việt Nam, khá khôn ngoan trong việc lẩn trốn pháp luật bằng cách chuyển liên tục chỗ ở qua nhiều khách sạn tại TP Hồ Chí Minh.

Một thời gian truy tìm, với các biện pháp nghiệp vụ, các đơn vị của Tổng cục Cảnh sát đã bắt giữ được Hồ Lai Căng khi gã chưa kịp gây thêm bất cứ hành vi phạm tội nào tại Việt Nam. Ngay sau khi nhận được thông tin, DEA khá ngạc nhiên vì Cảnh sát Việt Nam đã bắt giữ được đối tượng truy nã nguy hiểm như Hồ Lai Căng nhanh như thế. Họ rất vui mừng và đề nghị phía Cảnh sát Việt Nam dẫn giải đối tượng Hồ Lai Căng sang Bangkok trao trả cho DEA, có sự chứng kiến của tổ chức Interpol.

Hai cán bộ Công an Việt Nam được lãnh đạo Bộ Công an giao trọng trách dẫn giải đối tượng Hồ Lai Căng sang Bangkok là Đại úy Khang và Trung tá Sâm, Cục phó Cục Cảnh sát điều tra. Vì là lần đầu tiên dẫn giải đối tượng sang nước ngoài trao trả nên Cục Cảnh sát điều tra và Interpol Việt Nam đã phải xây dựng kế hoạch rất cẩn thận, chi tiết, đảm bảo các thủ tục pháp lý liên quan đến việc trao trả và dẫn giải đối tượng. "Tuy nhiên, chúng tôi cũng lo nhiều vấn đề, đó là việc tiếp xúc (đối nội, đối ngoại), ngôn ngữ thực tiễn chưa va chạm nhiều, thủ tục lần đầu trao trả còn bỡ ngỡ…" - Đại tá Khang bộc bạch.

Hồ Lai Căng là đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm nên đối tượng vẫn phải còng tay trên máy bay. Chiếc xe dẫn giải đối tượng được phép chạy vào khu vực cấm và chỉ dừng đỗ ngay sát chân cầu thang máy bay. Một chiếc áo gió được phủ lên còng tay của đối tượng Hồ Lai Căng. Cả ba là những "hành khách đặc biệt" đầu tiên lên máy bay và ngồi ở hàng ghế cuối cùng, Đại úy Khang ngồi trong, đối tượng Hồ Lai Căng bị kèm ở giữa, còn Trung tá Sâm ngồi "be đường", trấn áp bên ngoài.

Trên máy bay, đối tượng Hồ Lai Căng cứ kể bô bô những chuyện liên quan đến "thành tích" bắn súng, buôn ma túy của mình. Sợ hành khách xung quanh trên cùng chuyến bay phát hiện sự việc và lo lắng nên Đại úy Khang phải gợi chuyện để gã chuyển đề tài sang việc khoe khoang những chuyện ăn chơi ở Mỹ, rồi trên đất Thái Lan…

Mọi chuyện ổn thỏa đến khi máy bay hạ cánh tại sân bay quốc tế ở Bangkok. Hai sỹ quan Công an Việt Nam và đối tượng Hồ Lai Căng lại là những hành khách cuối cùng xuống sân bay. Đây là lần đầu tiên dẫn giải đối tượng phạm tội ra nước ngoài nên quả thực, Đại úy Khang cảm thấy hơi "choáng" khi đứng chờ dọc đường dẫn xuống là hai hàng Cảnh sát Thái Lan trang bị vũ khí hiện đại và đại diện của Tổ chức Interpol, DEA. Đối tượng vừa được dẫn giải xuống sân bay đã được Cảnh sát Thái Lan hỗ trợ, áp sát đưa vào phòng An ninh để bàn giao cho DEA chuyển chuyến bay về Mỹ.

Buổi tối hôm đó, đại diện tổ chức Interpol mời cơm đoàn sỹ quan Cảnh sát Việt Nam. Tại bữa đó, 14 sỹ quan liên lạc của Cảnh sát các nước châu Âu (làm việc tại Đại sứ quán tại Bangkok) biết thông tin đã đến chúc mừng đoàn Việt Nam, đề nghị mở ra mối quan hệ giữa Cảnh sát Việt Nam và các nước.

Sau sự việc "Hồ Lai Căng", sỹ quan liên lạc các nước đã xin phép vào Việt Nam trao đổi thông tin để hợp tác phòng chống, đấu tranh truy bắt tội phạm xuyên quốc gia với Cảnh sát Việt Nam. Đầu tiên là sỹ quan liên lạc của Cảnh sát Liên bang Úc, sau đó là 14 sỹ quan liên lạc của cộng đồng các quốc gia chống ma túy…

Một trang mới trong quan hệ của Interpol Việt Nam với tổ chức Interpol quốc tế và Cảnh sát các nước đã được mở ra

 

                                                         Theo Báo CAND

Các tin khác


Công an huyện Lương Sơn làm rõ 9 thanh thiếu niên mang hung khí vào Hòa Bình đánh nhau

Công an huyện Lương Sơn cho biết, qua công tác tuần tra, kiểm soát tại quốc lộ 21A đoạn qua UBND xã Thanh Cao, tổ công tác Công an huyện phát hiện nhóm thanh thiếu niên điều khiển 5 xe mô tô, không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh, vượt ẩu, cầm theo một số thanh kim loại khoảng 2m (dạng phóng lợn) có dấu hiệu gây rối trật tự công cộng. Nhóm này điều khiển xe từ ngã tư Chợ Bến đi chợ Đồi Sim.

Ký ức những người lính cựu trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Đã gần 50 năm trôi qua kể từ khi cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc thắng lợi, mặc dù tuổi đã cao, song ký ức hào hùng về những ngày tháng mưa bom, bão đạn vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí những người lính giải phóng năm xưa…

Huyện Tân Lạc: Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật giao thông cho học sinh

Thời gian qua, Công an huyện Tân Lạc đã triển khai thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) cho học sinh, nhất là học sinh tại các xã vùng cao, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật giao thông cho lứa tuổi học đường.

Triệu tập người bán dứa cho du khách nước ngoài với giá "cắt cổ"

Sau khi yêu cầu Công an của 18 phường trên địa bàn quận rà soát, Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã xác định và mời người bán hàng rong lên trụ sở để làm rõ việc bán 3 quả dứa cho khách du lịch nước ngoài với giá 500.000 đồng.

Cảnh báo nguy cơ tấn công mã hoá đánh cắp dữ liệu nhân sự

Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông - TT&TT), chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đang điều tra một cuộc tấn công mạng sau khi các tác nhân đe dọa vi phạm hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) để đánh cắp dữ liệu nguồn nhân lực.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục